Cựu tổng thống Nga treo giá cao cho việc lấy đầu binh sĩ NATO ở Ukraine

Cựu tổng thống nước Nga Dmitry Medvedev . (Hình: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Cựu Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev làm không ít người giật mình khi phát động một cuộc tấn công gay gắt bằng lời nói chống lại NATO – Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương.

Medvedev nói sẽ treo thưởng bằng giá cao, cho ai phát hiện và lấy đầu được bất kỳ binh sĩ quân đội phương Tây nào được gửi vào trợ giúp Ukraine.

Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga, viết trong một bài đăng trên X: “Chỉ có thể có một quy tắc duy nhất đối với những con chấy rận ở nước ngoài này, những người, không giống như những người Ukraina bất hạnh, không bị buộc phải tham chiến: bọn chúng sẽ không được hưởng chế độ bắt tù binh!”

Ông Medvedev còn nói thêm: “Và đối với mỗi máy bay chiến đấu của NATO bị tiêu diệt, cho nổ tung hoặc đốt cháy, chắc chắn sẽ có phần thưởng tối đa.”

Medvedev phản đối một kịch bản giả định, mà chính ông tự đưa ra trên mạng xã hội, trong đó NATO ban đầu sẽ triển khai quân đội và lực lượng đặc biệt ở Tây Ukraine để “quản lý và tổ chức; huấn luyện.”

“Chỉ là những kẻ hoàn toàn trơ trẽn nắm giữ cả thế giới cho những bọn ngu xuẩn!” Medvedev viết.

Quan chức Nga cho biết bất kỳ lực lượng NATO nào ở Ukraine, dù là y tế, cũng sẽ được coi là một phần của “lực lượng chính quy” chiến đấu chống lại Moscow.

Ông tiếp tục: “Đó là lý do tại sao họ chỉ có thể bị coi như kẻ thù; không chỉ là kẻ thù mà còn bị đối xử từ những biệt đội tinh nhuệ, những người trừng phạt SS của Hitler.”

Lời hùng biện của Medvedev đánh vào nhiều luận điểm khác nhau thường được Điện Kremlin sử dụng để làn truyền thông kích động hay quảng bá cho chính nghĩa của cuộc chiến xâm lược.

Moscow thường dựa vào ký ức về cuộc chiến của Liên Xô chống lại Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai, cáo buộc Ukraine là một quốc gia do Đức Quốc Xã cai trị, dựng nên để biện minh cho cuộc xâm lược của mình.

Nga cũng nhiều lần đẩy mạnh thảo luận trên truyền hình, báo chí về khả năng xung đột trực tiếp với NATO, trong đó nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin nói rằng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba và thảm họa hạt nhân.

Chìa khóa cho lời hùng biện đó là việc Nga khuếch đại ý tưởng rằng NATO có thể leo thang căng thẳng bằng cách gửi quân tới Ukraine. Rốt cuộc, Putin đã miêu tả cuộc xâm lược của mình như một hình ảnh nhằm kiềm chế âm mưu bành trướng xâm lược của NATO.

Về phần Medvedev, cựu tổng thống Nga kiên quyết ủng hộ chiến tranh kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, luôn đưa ra những đề xuất mang tính hung hăng như bắn một tên lửa siêu thanh vào La Haye vì lệnh bắt giữ chống lại Putin.

Cho đến nay, lãnh đạo NATO cho biết họ chưa chính thức triển khai quân tới Ukraine để chiến đấu. Tuy nhiên, một số người, như Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, nói bóng gió về khả năng như vậy, hoặc thậm chí công khai ủng hộ ý tưởng này.

Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên hôm Thứ Tư: “Chúng tôi hiện không có bất kỳ kế hoạch đưa quân chiến đấu nào của NATO vào Ukraine, và hiện không có yêu cầu nào cho việc đó.”

Tuy vậy, giới quan sát nhận thấy có một số dấu hiệu cho thấy NATO đang triển khai một sự hiện diện nhỏ ở Ukraine. Đầu năm 2023, tài liệu mật bị rò rỉ từ Ngũ Giác Đài cho biết có thời điểm gần 100 người điều hành NATO đã được cử tới Ukraine, trong đó có 14 thành viên lực lượng đặc biệt của Mỹ.

Nhưng những vụ rò rỉ tương tự cũng đã được cộng đồng tình báo toàn cầu tiếp cận một cách thận trọng vì lo ngại rằng thông tin bên trong các tài liệu có thể không trung thực hoặc đã bị giả mạo. Còn các quan chức Mỹ cho biết chưa có binh sĩ Mỹ nào tham gia chiến đấu ở Ukraine.

NATO cũng đang dạy người Ukraina sử dụng kho vũ khí do phương Tây sản xuất được gửi đến Kyiv, và không rõ liệu lực lượng tác chiến đặc biệt này có được triển khai ở Ukraine để huấn luyện hay giữ vai trò cố vấn hay không.

Hồi Tháng Ba, Ngoại Trưởng Ba Lan Radek Sikorski tiết lộ quân đội NATO “đã có mặt ở Ukraine” nhưng ông không cho biết có bao nhiêu quân được triển khai và nhằm mục đích gì. “Những quốc gia này biết họ là ai, nhưng tôi không thể tiết lộ họ,” Sikorski nói.

Nga đã đồng tình với tuyên bố của Sikorski, khi người phát ngôn Maria Zakharova nói rằng “không còn lý do gì để phủ nhận điều đó nữa” rằng NATO triển khai quân ở Ukraine.Tuy nhiên, điều thực sự khiến Medvedev lo lắng là những bình luận gần đây của Macron về việc NATO có thể tham gia cuộc chiến.

Trong hai tháng qua, nhà lãnh đạo Pháp nhắc lại rằng các đồng minh của ông không nên loại trừ việc triển khai quân đội ở Ukraine. Ông nói: “Những gì chúng ta đang làm là tự đặt cho mình những ranh giới đỏ.”

Đáp lại, Medvedev viết nhiều bài đăng trên mạng xã hội, một số bằng tiếng Pháp, xúc phạm Macron hoặc chỉ trích ông kịch liệt. “Nhưng mặt khác, thật là một điều tốt! Với rất nhiều quan tài từ nước ngoài đến Pháp, sẽ không thể che đậy những cái chết hàng loạt của binh sĩ chuyên nghiệp,” Medvedev viết trên X.

Hình ảnh hiếu chiến hiện nay của Medvedev dường như khác xa đáng kể so với thời ông còn là tổng thống nước Nga từ năm 2008 đến năm 2012, khi một số nhà quan sát hy vọng ông sẽ thân phương Tây và có quan điểm tự do hơn.

Các chuyên gia trước đây đã nói với Business Insider rằng cựu lãnh đạo có thể đang cố gắng bù đắp quá mức vai trò bù nhìn của mình, bằng lời hùng biện của mình để lấy lòng Putin. Edward Lucas, cố vấn cấp cao tại Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Châu Âu, cho biết: “Medvedev giống như một trong những kẻ yếu thế hơn trong vòng vây của Tony Soprano, người chỉ biết đi làm những điều to lớn để lấy lòng ông chủ.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: