Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) đã đệ đơn từ chức, buộc tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) phải bổ nhiệm gấp một người kế nhiệm từ đảng Dân Chủ Tiến Bộ của bà vào lúc đảng này đang cố giành một nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Giêng năm tới.
Theo tường thuật của Bloomberg, thủ tướng Tô nộp đơn từ chức vào hôm nay thứ Năm 19 tháng Giêng 2023, và yêu cầu tổng thống thành lập một nội các mới chỉ vài giờ sau khi cơ quan lập pháp phê chuẩn ngân sách năm 2023 của chính phủ. Chưa rõ ông Tô từ chức vì lý do gì, trong đơn ông chỉ nói việc bổ nhiệm ông làm thủ tướng năm 2019 là “một bất ngờ” và ông cho rằng cơ hội phục vụ dân chúng Đài Loan bốn năm qua là “vinh dự lớn nhất trong cuộc đời”. Tổng thống Thái Anh Văn đã bày tỏ lời cảm ơn ông Tô và thông báo với công chúng rằng chính phủ sẽ lập nội các mới trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Tô là thủ tướng phục vụ lâu nhất của Đài Loan kể từ cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1996 và là thủ tướng thứ tư trong hai nhiệm kỳ tổng thống của bà Thái Anh Văn. Thời gian tại vị trung bình của một thủ tướng Đài Loan chỉ là 16 tháng. Báo United Daily News của Đài Loan dự báo nhà dịch tễ học Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen), từng là phó tổng thống của bà Thái trong nhiệm kỳ đầu từ năm 2016 đến 2020, dự kiến sẽ đảm nhận chức vụ thủ tướng thay ông Tô.
Việc từ chức của thủ tướng Tô và lập nội các mới gây khó cho tổng thống Thái – người đang gầy dựng lại niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của đảng Dân Chủ Tiến Bộ sau khi đảng bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương tháng Mười Một năm ngoái. Kể từ khi dân chủ hóa gần ba thập niên trước, chưa có đảng chính trị nào của Đài Loan nắm quyền được hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp, và việc bổ nhiệm một thủ tướng mới sẽ có tác động lớn tới thành tích của đảng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Bà Thái cũng sẽ không tái ứng cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vì luật không cho phép.
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống, bà Thái của đảng Dân Chủ Tiến Bộ luôn khẳng định Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, đang nỗ lực duy trì sự độc lập đó trước áp lực kinh tế và quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc. Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ thâu tóm bằng vũ lực nếu cần thiết.
Thủ tướng mới của Đài Loan được cho là sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ khi cả hai chính phủ đều muốn một quan hệ đối tác mật thiết hơn trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh. Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước đã phê chuẩn một dự luật chi tiêu quốc phòng, trong đó có khoản viện trợ vũ khí cho Đài Loan trị giá $2 tỷ vào năm tới và lên tới $10 tỷ cho đến năm 2027. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đến thăm Đài Loan thường xuyên hơn, trong đó có chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào tháng Tám năm ngoái. Các quan chức từ Hoa Kỳ và Đài Loan cũng vừa kết thúc các cuộc đàm phán thương mại tại Đài Bắc trong tuần này.
Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước quan hệ ngày càng mật thiết giữa Washington và Đài Bắc, mà Bắc Kinh cáo buộc là “thông đồng quân sự”. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong năm qua quân đội Trung Quốc đã cử khoảng 1.700 lượt máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và hơn 660 lượt tàu hải quân vào vùng biển gần đảo quốc.
So với đảng Dân Chủ Tiến Bộ cầm quyền, Quốc Dân Đảng đối lập có quan điểm mềm mỏng hơn với Trung Quốc và cổ xúy cho việc mở rộng quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, nhất là về kinh tế-thương mại. Nếu Quốc Dân Đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới thì quan hệ giữa bộ ba Trung Quốc – Mỹ – Đài Loan có thể thay đổi theo chiều hướng khó đoán trước được.
Đọc thêm: