Đài Loan và chiến dịch “Trái Thơm Tự Do”

Nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm cưỡng ép Đài Loan có vẻ như đã thất bại.
Chiến dịch “giải cứu” Trái Thơm Tự Do ở Đài Loan. Ảnh từ trang Twiiter của Bộ Ngoại giao Đài Loan.

Nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm cưỡng ép Đài Loan về kinh tế có vẻ như đã thất bại.

Cuối tháng trước, Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập cảng trái thơm (trái dứa) của Đài Loan, viện lý do sản phẩm có một loại sâu bọ gây hại. Ngay lập tức chính phủ Đài Loan khởi động một chiến dịch có tên là “Trái Thơm Tự do” (#FreedomPineapple) trên mạng xã hội, kêu gọi người dân và các công ty mua trái thơm để ủng hộ nông dân.

Chỉ trong vài ngày, đơn đặt mua trái thơm – từ trong nước và một số nước ngoài – đã vượt quá tổng lượng thơm được xuất cảng sang Trung Quốc năm ngoái.

Trên mạng Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu so sánh chiến dịch “Trái Thơm Tự Do” ở Đài Loan với chiến dịch “Rượu Vang Tự Do” (#FreedomWine) ở Úc năm ngoái, khuyến khích người dân mua rượu vang Úc sau khi Trung Quốc đột ngột tăng thuế nhập cảng rượu vang Úc lên hơn 200% do Úc yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19, làm quan hệ ngoại giao giữa hai nước rơi xuống đáy vực.

“Tôi kêu gọi các bạn có cùng chí hướng khắp toàn cầu đứng cùng với #Đài Loan và ủng hộ #Trái Thơm Tự Do”, ông Wu viết trên Twitter. Bộ Ngoại giao Đài Loan nói lệnh của Bắc Kinh cấm nhập cảng trái thơm Đài Loan “là những con ruồi đậu trên mặt nền thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ”.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) hối thúc người dân mua và ăn trái thơm để ủng hộ nông dân phía nam đảo Đài Loan. Chính phủ của bà cũng dành ra ngân khoản một tỷ Đài Tệ (khoảng 36 triệu USD) cho các biện pháp chống đỡ những tác động của lệnh cấm, kể cả mở rộng thị trường xuất cảng nhắm tới các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore. 

Chính phủ Đài Loan nói rằng, lệnh cấm nhập cảng trái thơm là hành động mới nhất trong hàng loạt hành động của Bắc Kinh nhằm phá hoại kinh tế Đài Loan, làm giảm sự ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống Thái và đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Democratic Progressive Party, DPP) cầm quyền. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, dọa sẽ thâu tóm Đài Loan kể cả bằng vũ lực, từ lâu vẫn thích Quốc Dân Đảng (Kuomintang) lên nắm quyền vì Quốc Dân Đảng có xu hướng thân Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan xấu đi nhanh chóng từ năm 2016, khi đảng DPP giành được đa số ghế quốc hội qua bầu cử và bà Thái Anh Văn – có quan điểm chống Trung Quốc, lên làm tổng thống. Hiện bà Thái đang làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai sau khi tái đắc cử vào cuối năm ngoái.

“Hoa Kỳ dễ dàng ủng hộ Đài Loan bằng ngôn từ, nhưng còn Úc, Thụy Điển và nhiều nước khác – là nạn nhân của thủ đoạn chèn ép kinh tế này – thì sao? Vấn đề lớn hơn ở đây là… cộng đồng quốc tế chưa tự nguyện đứng lên và đoàn kết chống lại các hành vi phi tự do của Bắc Kinh trong không gian thương mại”

Drew Thompson, Đại học Quốc gia Singapore

Trong năm năm qua, Bắc Kinh đã sử dụng nhiều biện pháp gây sức ép với Đài Loan, từ ngoại giao, kinh tế tới quân sự, trong đó có việc cấm công dân Trung Quốc đi du lịch tới Đài Loan, không cho sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan du học và nhiều thủ đoạn khác.

Việc ban hành lệnh cấm nhập cảng trái thơm Đài Loan “chỉ là một thủ đoạn chính trị của Bắc Kinh”, ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu của trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. Phía Trung Quốc nói lệnh cấm là do có sâu bọ trong trái dứa nhưng lời giải thích đó là ngụy biện vì có tới 99,79% số thơm nhập cảng vào Trung Quốc năm ngoái đã được hải quan nước này kiểm soát và cho thông quan. 

Chỉ có 10% sản lượng trái thơm Đài Loan được xuất cảng, phần lớn sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Đài Loan cho biết năm ngoái đảo quốc này đã xuất cảng 45.621 tấn thơm, 97% sang Trung Quốc, 2% sang Nhật và 1% sang Hồng Kông. 

Chỉ bốn ngày sau khi phát động chiến dịch “Trái Thơm Tự Do”, Bộ trưởng Nông nghiệp Chen Chi-chung thông báo số đơn hàng đặt mua trái thơm gửi tới từ Nhật, Úc, Singapore, Trung Đông, Việt Nam và các công ty trong nước đã vượt quá số thơm bán cho Trung Quốc năm ngoái, đạt 41.687 tấn.

Các phái đoàn ngoại giao nước ngoài tại Đài Bắc cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với chiến dịch. Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan đăng lên Facebook nhiều tấm hình trái thơm, trong đó có hình Đại sứ Mỹ Brent Christensen tươi cười với ba trái thơm to trên bàn làm việc của ông; phái đoàn Anh quốc đăng công thức chế biến món bánh trái thơm, còn phái đoàn Canada đăng hình các nhân viên tề tựu bên những cái bánh pizza phủ nhân thơm.

Tổng thống Thái Anh Văn viết tweet bằng tiếng Nhật cảm ơn Nhật đã đặt mua 5.000 tấn thơm Đài Loan. Ảnh Twitter

Tổng thống Thái Anh Văn đã cố gắng làm giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Đài Loan đối với Trung Quốc, gia tăng trao đổi thương mại với các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và New Zealand và đang thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. “Nhưng Đài Loan gặp nhiều hạn chế. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, thị trường Trung Quốc vẫn lớn và hấp dẫn các nhà kinh doanh Đài Loan hơn bất cứ nơi nào khác,” Ashley Feng, một nhà phân tích độc lập ở Washington, chuyên tìm hiểu áp lực kinh tế của Trung Quốc đối với Đài Loan, nhận xét.

Còn theo ông Thompson của Đại học Quốc gia Singapore, thủ đoạn chèn ép kinh tế liên tục của Bắc Kinh không chỉ xảy ra với Đài Loan mà là “một thách thức toàn cầu… thật sự cần có một giải pháp toàn cầu”. “Hoa Kỳ dễ dàng ủng hộ Đài Loan bằng ngôn từ, nhưng còn Úc, Thụy Điển và nhiều nước khác – là nạn nhân của thủ đoạn chèn ép kinh tế này – thì sao? Vấn đề lớn hơn ở đây là… cộng đồng quốc tế chưa tự nguyện đứng lên và đoàn kết chống lại các hành vi phi tự do của Bắc Kinh trong không gian thương mại”, ông Thompson nói.

(theo Asia Nikkei)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: