Đại tướng Christopher Cavoli – khắc tinh của Nga

Tướng Christopher Cavoli (ảnh: Karsten Klama/picture alliance via Getty Images)

Việc được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn y (từ đề cử của Tổng thống Joe Biden) chỉ là vấn đề thủ tục, Đại tướng Christopher Cavoli – hiện ngồi ghế Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ tại châu Âu – sẽ là Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Hoa Kỳ và do đó sẽ là Tổng tư lệnh tối cao NATO, thay thế Tướng Không quân Tod Wolters chuẩn bị nghỉ hưu…

Christopher Cavoli sẽ chỉ huy khoảng 100,000 lính Mỹ thuộc mọi binh chủng đóng tại châu Âu đồng thời chịu trách nhiệm tất cả hoạt động quân sự của NATO, trong bối cảnh địa chính trị và an ninh châu Âu đang được vẽ lại… Christopher Cavoli là dân nhà binh chuyên nghiệp. Ông sinh tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Đức thời Chiến tranh Lạnh và trưởng thành trong một gia đình quân đội rày đây mai đó, hết căn cứ này đến căn cứ khác, từ Ý đến Đức. Tốt nghiệp Đại học Princeton năm 1987 với bằng cử nhân sinh học, Christopher Cavoli đi theo binh nghiệp suốt cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập Bộ binh, tham gia cuộc chiến Vùng Vịnh 1991. Nói thạo tiếng Ý và Pháp, sau đó, ông học lấy bằng thạc sĩ về chuyên về Nga từ Đại học Yale.

Tướng Christopher Cavoli trong một hội thảo về chiến tranh mạng tổ chức tại Wiesbaden, Đức năm 2018 (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Trình độ uyên thâm như một học giả nghiên cứu và kiến thức thực tế chiến trường đã giúp Christopher Cavoli trở thành một ông tướng bốn sao độc đáo. Với vị trí Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại châu Âu và châu Phi từ năm 2018, bốn năm qua, Christopher Cavoli sống ở Đức và giám sát gần như tất cả cuộc tập trận của NATO. Ông cũng thành công trong việc lôi kéo những quốc gia không thuộc thành viên NATO trong đó có Phần Lan và Thụy Điển vào quỹ đạo NATO, với sự gắn bó chưa từng có tiền lệ; đặc biệt cuộc tập trận Defender 2020 lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh với sự tham gia của 20,000 lính Mỹ đóng tại châu Âu cùng 17,000 lính châu Âu.

Với vai trò Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ tại châu Âu, Christopher Cavoli không chỉ thiết lập và triển khai khái niệm chiến lược mới nhằm thắt chặt đoàn kết trong khối NATO để đối phó Nga mà còn cả với Trung Quốc. Christopher Cavoli liên tục kêu gọi các quốc gia Baltic cùng cam kết hiện diện rộng khắp, liên kết với Phần Lan-Thụy Điển, hiện đại hóa quân sự và tăng ngân sách quốc phòng.

Việc tướng bốn sao Christopher Cavoli được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn y vị trí Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh châu Âu của quân đội Hoa Kỳ chỉ là vấn đề thủ tục (ảnh: Sven Hoppe/picture alliance via Getty Images)

Riêng với quân đội Hoa Kỳ, Christopher Cavoli tái thiết lập Quân đoàn V Lục quân Hoa Kỳ tại Đức để điều phối những hoạt động cũng như tiếp vận giữa Mỹ và NATO, với trụ sở mới tại Poznań (Ba Lan), cùng với những chiến dịch triển khai quân luân phiên đến Romania và Ba Lan. Ông cẩn thận quan tâm đến những chi tiết ít người ngờ, chẳng hạn nghiên cứu kỹ lưỡng các khổ đường sắt và cơ sở hạ tầng giao thông ở Đông Âu, vốn lâu nay theo tiêu chuẩn của Hiệp ước Warsaw, với mục đích tạo ra hệ thống vận chuyển đồng nhất nhằm có thể giúp suôn sẻ việc chuyển quân lẫn tiếp vận. Để thực hiện điều này, Quân đội Mỹ tại châu Âu đã chia sẻ thông tin với các chính quyền địa phương cũng như với Liên minh châu Âu (EU), thuyết phục các quốc gia EU dùng chung một chuẩn đồng bộ để việc tiếp vận trơn tru khi đi qua biên giới, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết.

Từng lăn lộn ở Afghanistan hai đợt phục vụ, Christopher Cavoli hiểu rõ việc phác họa chiến lược quan trọng như thế nào, cũng như biết rõ người lính ở mặt trận cần gì. Năm 2006, khi Ngũ Giác Đài rối tung beng với bối cảnh hỗn loạn tại Iraq và khi Taliban tăng cường tấn công loạt tiền đồn Mỹ khắp Afghanistan, trung tá Christopher Cavoli dẫn 700 quân thuộc Tiểu đoàn 1-Sư đoàn Bộ binh 32 vào chiến địa Afghanistan.

Nói sõi tiếng Ý, Pháp, Đức và Nga, Tướng Christopher Cavoli (trái) – không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn dày dặn kinh nghiệm thực tế (Riccardo Savi/Getty Images for Concordia Summit)

Sự tham chiến của họ vào Tháng Ba năm đó là khởi đầu cho trận giao tranh ác liệt đẫm máu kéo dài 16 tháng tại thung lũng Korengal và Pech – hai địa danh mà bất kỳ lính Mỹ nào từng đóng quân ở Afghanistan cũng sởn gai ốc khi nghe nhắc đến. Những ngôi làng và thung lũng lấy lại được từ Taliban, bằng máu, cuối cùng cũng phải bỏ lại. Kế hoạch bình ổn khu vực hoàn toàn thất bại – như Christopher Cavoli sau này thuật lại với Wesley Morgan, tác giả quyển The Hardest Place viết về những tháng giao tranh kinh hoàng của quân đội Mỹ tại tử địa Korengal và Pech – những ngày khủng khiếp đến mức sau đó Christopher Cavoli phải được… nha sĩ chữa lại hàm mặt do bị đau nhức bởi ông liên tục nghiến hàm quá mạnh – như được thuật từ bài viết của Politico (ngày 16-5-2022).

Sau Afghanistan, Christopher Cavoli vừa dạy vừa học tại Đức rồi trở lại nước này năm 2011, nơi ông làm việc một năm với vai trò Tư lệnh phó Bộ tư lệnh Tây Âu dưới quyền một tướng Ý. Trở về Washington với lon Đại tá, Christopher Cavoli vào Ngũ Giác Đài làm việc, trong Nhóm Nghiên cứu Chiến lược Lục quân của tướng Chánh văn phòng Lục quân Ray Odierno. Dave Johnson – một Đại tá hưu chuyên nghiên cứu về chiến tranh hiện đại tại RAND Corporation – được Tướng Ray Odierno giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm trên và chính Dave Johnson là người đã đưa Christopher Cavoli vào nhóm.

“Lúc ấy, tôi nói với Ray Odierno, và đến giờ tôi vẫn tin: Christopher Cavoli là viên Đại tá xuất sắc nhất mà tôi từng gặp. Tôi là người đã trải qua đời binh nghiệp 50 năm” – Dave Johnson nói, và thêm rằng: “Tôi không thể nghĩ bất kỳ ai khác có nền tảng kiến thức lẫn kinh nghiệm chiến trường (bằng Christopher Cavoli)” để có thể đảm nhận sứ mạng ở châu Âu trong bối cảnh này. “Ông ấy (Christopher Cavoli) đã làm việc với gần như mọi tư lệnh lực lượng ở châu Âu. Ông ấy biết rõ những gì liên quan chính trị lẫn chương trình hành động”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: