Khi thực hiện chiến dịch phản công nhằm vào Gaza để trả đũa vụ đột kích ngày 7 Tháng Mười của Hamas, Israel kêu gọi người dân ở đây phải rời nơi ở. Tuy nhiên, đi đâu? Chỉ có thể băng qua biên giới Ai Cập nhưng Cairo kiên quyết không “chứa” – Tổng thống Abdel Fattah el-Abdel Fattah el-Sisi khẳng định vào ngày 12 Tháng Mười 2023, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ cũng như nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế.
Người Ai Cập từ lâu đã lo ngại bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Gaza cũng có nguy cơ trở thành vấn đề của họ. Hiện thời, chính phủ Cairo cho biết họ sẽ tạo điều kiện mở một hành lang nhân đạo để đưa hàng viện trợ khẩn cấp vào Gaza, nơi Israel đã cắt nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và nước, trong khuôn khổ “cuộc bao vây toàn diện” như cách nói của bộ trưởng quốc phòng Israel. Trong khi đó, Washington muốn người Ai Cập cho phép thường dân rời Gaza qua cửa khẩu Rafa, giữa Ai Cập và Gaza. Tại cuộc họp báo ở Israel ngày 12 Tháng Mười, Ngoại trưởng Antony J. Blinken cho biết ông đã thảo luận vấn đề này với giới chức Israel.
Theo Liên Hiệp Quốc, gần 340,000 người ở Gaza đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc xung đột mới bắt đầu, trong đó có 180,000 người được dồn vào các nơi trú ẩn do LHQ điều hành. Về phía Israel, họ nói sẽ không có viện trợ nhân đạo nào được phép vào Gaza cho đến khi Hamas thả 150 con tin, trong đó có trẻ em và người già, bị bắt trong cuộc đột kích tàn bạo ngày 7 Tháng Mười 2023.
“Viện trợ nhân đạo cho Gaza? Sẽ không có công tắc điện nào được bật, vòi nước sẽ không được mở và xe chở nhiên liệu sẽ không được vào, cho đến khi những người Israel bị bắt cóc được trở về nhà”, Bộ trưởng năng lượng Israel, Israel Katz, viết trên mạng xã hội ngày 12 Tháng Mười.
Ai Cập từ lâu nhấn mạnh rằng Israel phải giải quyết vấn đề Palestine trong phạm vi biên giới của họ. Mustapha Kamel al-Sayyid, nhà khoa học chính trị tại Đại học Cairo, nói rằng, việc cho phép một số lượng lớn người Gaza vượt qua biên giới vào nước họ, ngay cả với tư cách là người tị nạn, sẽ “làm sống lại ý tưởng rằng bán đảo Sinai trở thành địa điểm cát cứ mới của người Palestine”.
Gaza luôn là vấn đề đau đầu đối với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, trong khi đó, chính sách quan hệ gần gũi của ông với Israel và Hoa Kỳ lại gây khó chịu cho người dân Ai Cập, vốn đa số ủng hộ Palestine. Một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Ai Cập công bố vài ngày sau cuộc tấn công của Hamas (7 Tháng Mười 2023) cho thấy 82% số người được hỏi tin rằng người Palestine có quyền đáp trả bằng bạo lực trước các cuộc tấn công của Israel.
Để dân trong nước không phản ứng quá mạnh trước chính sách “đi dây” của mình, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi xây dựng hình ảnh ông như một người trung gian môi giới hòa bình. Cùng Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ của Abdel Fattah el-Sisi đã đàm phán một số lệnh ngừng bắn giúp chấm dứt một số vụ bạo lực trước đó ở Gaza. Lâu nay, lực lượng an ninh Ai Cập và Israel phối hợp chặt chẽ giám sát Gaza. Ai Cập kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để chỉ có thể cho phép một lượng nhỏ cư dân Gaza vào nước mình – chủ yếu để học tập, điều trị y tế hoặc đi đến nước thứ ba. Ai Cập đã kiểm soát chặt biên giới trong bốn giai đoạn xung đột căng thẳng nhất kể từ khi Hamas giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007.
Gaza đang thật sự trong tình trạng khủng hoảng nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng. Sarah Chateau, người quản lý văn phòng của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, có 300 nhân viên ở Gaza, cho biết: “Tình hình thực sự rất thảm khốc. Chúng tôi hầu như không thể hoạt động ở Gaza. Các vụ oanh kích của Israel gần như không ngừng nghỉ.”
NBC News thuật: Bác sĩ Ghassan Abu-Sittah đến Gaza chưa đầy 48 giờ nhưng ông đã phẫu thuật cho “đứa trẻ vô danh số 6”. Abu-Sittah nói với NBC News sau khi hoàn thành ca phẫu thuật kéo dài ba giờ: “Một nửa khuôn mặt của đứa bé đã bị mất. Chúng tôi không biết tên thằng bé. Chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra với những người còn lại trong gia đình thằng bé. Chúng tôi không biết ai là ai.” Khi nghe tin về cuộc tấn công khủng bố của Hamas, Abu-Sittah, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có trụ sở tại London, đã thu dọn đồ đạc và lên đường đến Gaza, nơi gia đình ông đang sống.
Abu-Sittah đến Gaza vào Thứ Hai 9 Tháng Mười. Ông chuyên điều trị vết thương chiến tranh và từng tới Gaza để giúp nạn nhân chiến tranh sau hầu hết các cuộc xung đột lớn trong 15 năm qua. Đến bệnh viện Al-Shifa, ông thấy “nó giống như một trại tị nạn. Họ đã hoặc sắp hết nguồn cung cấp, đặc biệt những vật dụng như gạc, thuốc sát trùng, chỉ khâu, lưỡi dao và thuốc mỡ kháng sinh, những thứ người ta cần khi bị bỏng”, trong khi hệ thống y tế Gaza vốn đã ở thời điểm khủng hoảng trước khi chiến tranh bắt đầu. Mảnh đất nhỏ thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu vật tư y tế và thuốc men. Bệnh nhân ung thư phải rời Gaza để đi xạ trị, và việc rời đi cần có giấy phép đặc biệt và sự cho phép của Israel.
Các bệnh viện trên khắp Dải Gaza chủ yếu hoạt động bằng máy phát điện diesel và chỉ có điện từ 3 đến 4 giờ mỗi ngày. Người phát ngôn Bộ Năng lượng Gaza, Muhammad Thait, cho biết nhà máy điện duy nhất đã ngừng hoạt động vào ngày 11 Tháng Mười sau khi hết nhiên liệu. Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến nhiên liệu trên toàn Gaza sẽ cạn kiệt trong vài ngày tới. Ngày 11 Tháng Mười, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi để xin Cairo cho phép WHO đưa vật tư y tế qua cửa khẩu biên giới Ai Cập vào Gaza, dĩ nhiên có sự đồng ý của Israel. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo các bệnh viện không có điện ở Gaza có nguy cơ trở thành nhà xác…