Đập vỡ cái bong bóng tuyên truyền trong lòng nước Nga

Đa số người Nga vẫn chìm đắm trong màn đêm tuyên truyền về cuộc chiến Ukraine. Trong ảnh là nhóm Phong trào giải phóng quốc gia (NOD) cầm banner với chữ “Tất cả cho quân đội. Cho quê cha đất tổ. Cho Putin”; Moscow ngày 5 Tháng Ba 2022 (ảnh: Konstantin Zavrazhin/Getty Images)

Một số người Nga sau khi phá vỡ bức màn sắt kỹ thuật số của chính phủ Nga và biết được sự thật về cuộc xâm lược Ukraine mà Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã tranh cãi với bạn bè và người thân mù thông tin hoặc bị “học thuyết Putin” ru ngủ. Họ có thể vào tù nếu bị tố cáo.

Vào thời điểm này, hoạt động tuyên truyền ủng hộ “chính nghĩa” của Putin gần như đã bão hòa trên truyền thông nhà nước Nga, nhưng trên mạng xã hội cuộc chiến “đâu mới là sự thật” vẫn rất nóng và quyết liệt khi ngày càng có nhiều người Nga đặt câu hỏi: “Nên tin vào thông tin chiến sự từ chính phủ Nga hay thông tin từ bên ngoài?”.

Cuộc chiến giữa những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũng căng thẳng hơn khi lực lượng Nga gần như bế tắc, không tìm ra giải pháp danh dự. Vài ngày sau khi xe tăng Nga tràn vào Ukraine, Maria, một bà mẹ 37 tuổi sống ở miền Tây nước Nga, do ngờ vực về những gì được nghe, đã tải xuống một ứng dụng APN nhằm vượt tường lửa do chính phủ dựng lên. APN hoạt động tốt và sự ngờ vực đã được chứng minh. Cảnh trẻ em chết, bệnh viện bị đánh bom, thương xá bị tan tành khiến bà bị sốc.

Nhưng “cuộc truy tìm sự thật” này lại khơi mào một cuộc chiến khác: Cuộc chiến “yêu, ghét” ngay trong các gia đình. Mẹ của Maria tin tuyệt đối vào những gì bà nhìn thấy trên truyền hình nhà nước, nơi cuộc xâm lược của Nga được gọi là “chiến dịch quân sự chính nghĩa giải phóng Ukraine khỏi nguy cơ phát xít mới”. Hệ quả, hai góc nhìn khác nhau về cuộc chiến đã dẫn đến cuộc tranh cãi không ai nhường ai giữa hai mẹ con. Sau một lần tranh cãi gay gắt, người mẹ tức giận đến phát khóc và Maria thề sẽ không bao giờ nói chuyện với bà về chiến tranh nữa.

Một số người Nga (thường là người có quan hệ xã hội, giáo dục hoặc nghề nghiệp với Mỹ và Tây Âu) đang cố gắng chọc thủng “bong bóng tuyên truyền” của Putin. Hành động “truy tìm sự thật” này khiến họ mâu thuẫn sâu sắc với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nếu không biết kềm chế khả năng họ bị ngồi tù vì quan điểm của mình là rất cao. Cuộc chiến ở Ukraine đang làm sâu sắc thêm sự chia rẽ vốn đã có giữa một bộ phận thế hệ trẻ, hiểu biết về công nghệ và thế hệ lớn tuổi, những người chủ yếu nhận tin tức một chiều từ truyền thông nhà nước và rất thỏa mãn với tầm nhìn của Putin về một nước Nga đang nỗ lực “vĩ đại trở lại”.

Theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới, gần 85% người Nga trưởng thành biết truy cập internet nhưng chỉ có một số sử dụng các mạng xã hội của Mỹ. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu eMarketer, năm 2022, khoảng phân nửa số người dùng Internet ở Nga sử dụng Instagram, một phần nhỏ có tài khoản Facebook và Twitter. Những người Nga thích đối chiếu thông tin phải dựa vào các công cụ kỹ thuật số chuyên dụng như APN để qua mặt kiểm duyệt. Họ lên mạng tìm kiếm tin tức độc lập về cuộc chiến, tách khỏi những thông tin tuyên truyền trên truyền hình và các trang web được chính phủ hậu thuẫn.

Kết quả của cách “tự lấp đầy lỗ hổng thông tin” này đã được phản ánh trong những cuộc phỏng vấn một số người Nga của báo phương Tây với điều kiện giấu tên để tránh rắc rối với pháp luật. “Sốc, hận thù và trầm cảm” là những từ mà Mikhail, một nhà báo ở Moscow, sử dụng để mô tả sự chia rẽ “rất nghiêm trọng” và “quyết liệt” đang xuất hiện giữa những người đọc các nguồn trực tuyến độc lập và những người chủ yếu lấy tin tức từ chính phủ. “Thực sự khó cho bất kỳ ai, kể cả những người Nga không sống ở Nga, hiểu được quy mô của những lời nói dối trắng trợn này” – anh nói.

Những người Nga lớn tuổi chiếm lượng lớn khán giả chủ lực của các kênh truyền hình nhà nước, nơi cung cấp những tin tức bịa đặt như “phát hiện các phòng thí nghiệm vũ khí sinh hóa học của Mỹ và phát xít mới ở Ukraine”. Một số người khác quyết tâm vượt qua các hạn chế mà hậu quả là sự xào xáo giữa người thân trong nhà và giữa bạn bè, đồng nghiệp. Alexander, một nhân viên công nghệ ở độ tuổi 20 tuổi sống tại Moscow cho biết: “Việc hủy kết bạn trên mạng hoặc không tiếp xúc với người không cùng chính kiến về cuộc xung đột đã trở thành ‘phong trào’. Ví dụ, dì của tôi vừa ngừng nói chuyện với vài người bạn thân thiết cũng do khác biệt chính kiến. Đôi khi rất khó để biết một tài khoản ủng hộ chính phủ là người thực hay ảo”.

Một kênh trên Telegram tố cáo các nước phương Tây ủng hộ Ukraine vì thù hận với người Nga và bác bỏ khái niệm “Người Nga sợ hãi”. Một nhóm Telegram ủng hộ chính phủ, với hơn 110,000 người đăng ký đã cho đăng một đoạn video cảnh những người tình nguyện đến Ukraine chống phát xít. “Chúng tôi không cần cả thế giới đứng bên mình mà chỉ cần tất cả người Nga là đủ!” – chú thích dưới video viết. Dù số người đi tìm sự thật về cuộc chiến Ukraine tăng mạnh nhưng mục đích chính của họ chỉ là “để biết” chứ không ai dám chia sẻ.

“Một lượng lớn người Nga, gồm cả tôi không muốn bình luận và tuyệt đối không chia sẻ ý kiến ​​riêng tư trên mạng xã hội vì sợ liên lụy – nhà báo Nga Daria nói – Những ai tin rằng không có thương vong dân sự và quân Nga chỉ chiến đấu chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc đang áp bức người Nga sống ở Ukraine hãy thử nhìn vào hình ảnh các thành phố bị phá hủy tan hoang và trẻ em chạy trốn”. Ilya Yablokov, một giảng viên tại Đại học Sheffield, người nghiên cứu về Internet của Nga, kết luận: “Theo tôi, chính phủ Nga có vẻ rất thành công trong việc kiểm soát tường thuật tình hình chiến sự Ukraine bên trong biên giới Nga. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ duy trì thành công này được bao lâu?”

Bất luận thế nào, bộ máy tuyên truyền Nga vẫn đang hoạt động hết công suất, bằng việc tung ra vô số tin giả, từ chuyện chính quyền Volodymyr Zelensky chỉ toàn những kẻ nghiện ma túy, can tội diệt chủng đồng bào, đến việc một số “loài chim và bò sát” mang mầm bệnh “được huấn luyện” để vào Nga, và nhất là việc quân đội Ukraine ném bom các thành phố của chính họ, trong đó có cả những nhà hát mà trẻ em đang trú. Mới đây, Ria Novosti Tass, hai hãng thông tấn lớn của Nga, viết rằng trong phái đoàn Ukraine đến Istanbul để thảo luận giải pháp hòa bình với Nga, có cả một điệp viên Mỹ.

Chương trình tin tức nhà nước thường xuyên phát hình bản đồ của nước Cộng hòa Xô Viết Donetsk-Krivoy Rog (Donetsk-Krivoy Rog Soviet Republic) vốn chỉ tồn tại trên lý thuyết trong khoảng một tháng vào năm 1918, với ngụ ý rằng ranh giới của Ukraine ngày nay chỉ là “hư cấu” và phần phía Đông Ukraine “hiển nhiên” phải thuộc về Nga. Lính Nga cũng được miêu tả là những người “giải phóng” tử tế. Trên bản tin của Rossiya-1 ngày 14 Tháng Ba, có cảnh một lính đặc nhiệm Nga bắt tay thân thiện với một người dân địa phương; và cảnh một người lính Nga khác vỗ về một người phụ nữ đang khóc. Chưa kể cảnh ba binh sĩ Chechnya (đám lính đánh thuê cho Nga) đưa thuốc và hướng dẫn cách dùng cho một người dân…

_________

Tổng hợp từ Washington Post, Politico

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: