Di cư, càng ngày càng khó

Bình luận cuối tuần
Dòng người di cư từ các nước Trung và Nam Mỹ ồ ạt đổ tới biên giới Mexico và Mỹ để tìm cơ hội, gây lo ngại và bất mãn cho cử tri . Ảnh Josue Decavele/Getty Images

Nỗi bất mãn với người di cư đến các nước phát triển đang làm thay đổi cục diện chính trị thế giới theo hướng bất lợi cho người nghèo, người bị ngược đãi ở quê hương bản quán. Bạo loạn ở Pháp, chính phủ sụp đổ ở Hà Lan là những tín hiệu ban đầu.

Nói một cách tổng quát, chính sách đối với người di cư thường dao động giữa hai thái cực: hoặc mở cửa đón nhận hoặc ngăn chặn quyết liệt. 

Một số quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á chủ trương tiếp nhận người di cư để bổ sung cho lực lượng lao động đang thiếu hụt vì dân chúng ít sinh đẻ. Chính sách đó giúp hàng triệu di dân từ các nước nghèo có cơ hội đổi đời, tìm được công việc làm và có tiền giúp đỡ thân nhân ở quê nhà. Nhưng làn sóng di cư ồ ạt gần đây lại gây ra những phản ứng dữ dội, thúc đẩy các biện pháp đóng cửa biên giới, ngăn chặn di dân đôi khi gây ra những hậu quả thảm khốc như vụ tàu chở di dân từ Bắc Phi bị chìm trên Địa Trung Hải mới đây,  làm hơn 500 di dân thiệt mạng.

Theo nhà báo Tom Fairless của tờ The Wall Street Journal, làn sóng di cư đến các nước giàu hiện đã lên mức kỷ lục. Năm ngoái, có hơn năm triệu người nhập cư vào Bắc Mỹ và châu Âu, tăng 80% so với thời trước đại dịch do các biện pháp phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ và tình trạng kinh tế xã hội ở các nước nghèo trở nên tồi tệ hơn.

Làn sóng di cư ồ ạt như vậy, nhất là di dân bất hợp pháp ở biên giới Mỹ và châu Âu, làm cho cử tri các nước giàu khó chịu, người ta đổ lỗi di dân mang tới tội phạm, đẩy giá nhà lên cao và gây quá tải các cơ sở trường học, bệnh viện, đường sá và mạng lưới phúc lợi xã hội nói chung. Phản ứng bất lợi này được các chính trị gia cánh hữu, các đảng dân tộc chủ nghĩa bài ngoại khai thác để lật đổ các chính phủ cánh tả và giành phiếu trong các cuộc bầu cử.

***

Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy tâm lý chống người nhập cư đã tăng mạnh, kể cả ở những nước vốn hào phóng. 

Khoảng một nửa số người Canada cho rằng mục tiêu của chính phủ đón tiếp khoảng nửa triệu người nhập cư mỗi năm là quá nhiều ở một đất nước chỉ 40 triệu dân, trong khi 3/4 lo lắng kế hoạch này sẽ dẫn đến nhu cầu quá mức về nhà ở, dịch vụ y tế và xã hội.

Tại Vương quốc Anh, gần một nửa số người cho rằng di cư hợp pháp hiện nay là quá cao. Tại Pháp, sau cuộc bạo loạn dữ dội mấy ngày qua phản đối bạo lực của cảnh sát gây ra cái chết của một thiếu niên gốc Bắc Phi ở ngoại ô Paris. Thăm dò dư luận cho thấy 60% số người Pháp đòi hỏi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron phải thắt chặt chính sách nhập cư, bãi bỏ quy định cho phép người nhập cư bất hợp pháp được làm việc trong các ngành nghề đang thiếu lao động.

Còn tại Hoa Kỳ, mức độ hài lòng của người Mỹ đối với người nhập cư đã giảm xuống 28% trong Tháng Hai, mức thấp nhất trong một thập niên, từ 34% một năm trước đó, theo các cuộc thăm dò của Viện Gallup.

Mối lo của cử tri thường tập trung vào những người nhập cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải vào châu Âu và từ Mexico vào Mỹ, được thu hút bởi chế độ phúc lợi xã hội hào phóng của Đức và Thuỵ Điển hay cơ hội làm việc dồi dào ở Anh và Mỹ. Trong những năm 2015-2016, nỗi bất mãn với làn sóng di cư ồ ạt là yếu tố dẫn tới quyết định của Anh ra khỏi Liên Âu (Brexit) và đưa Donald Trump vào Toà Bạch Ốc. Giới phân tích chính trị lo ngại một tình huống tương tự có thể tái diễn trong một vài năm tới.

Hiện châu Âu đang đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn bớt làn sóng di cư bất hợp pháp như xây dựng hàng trăm dặm hàng rào biên giới. Ngay sau khi vào NATO, Phần Lan đã xây hàng rào công nghệ cao dài 125 dặm trên biên giới với Nga, còn Hy Lạp cho biết sẽ xây tường biên giới bằng thép dài 90 dặm với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn dòng người di cư, dù cả hai nước đều là thành viên NATO.

***

Nhưng đáng chú ý là nỗi bất mãn của cử tri đối với người nhập cư đang làm thay đổi cơ cấu chính trị ở nhiều nước.

Hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Bảy 2023, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố từ chức, giải tán chính phủ và tổ chức bầu cử vào mùa thu sau khi hai đảng trong liên minh cầm quyền phản đối kế hoạch siết chặt luật nhập cư mà ông đề xướng. Kế hoạch này dự kiến sẽ có hơn 70,000 đơn xin nhập cư Hà Lan trong năm nay, cao hơn mức kỷ lục năm 2015 và sẽ gây ra áp lực lớn lên giá nhà ở, phúc lợi xã hội của đất nước chỉ có 18 triệu dân. 

Tại Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia (National Front) theo khuynh hướng cực hữu và bài ngoại của bà Marine Le Pen đang tận dụng vụ bạo loạn gần đây để lên án chính phủ với hy vọng sẽ giành được quyền lực sau nhiều lần thất bại trong các cuộc bầu cử trước.

Bà Le Pen nói rằng chính phủ Pháp hoặc “xuất cảng” các nhà máy ra nước ngoài hoặc “nhập cảng” người di cư vào các ngành nghề không xuất cảng được, từ đó làm mất công ăn việc làm của người Pháp và bần cùng hoá xã hội. Đảng NF của bà Le Pen chủ trương “nước Pháp của người Pháp”, không chấp nhận người nhập cư kể cả người đến từ các thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, nơi mà tàn tích của chế độ thực dân có vai trò không nhỏ gây ra cảnh bần cùng và hỗn loạn hiện nay.

Bạo loạn ở Pháp liên quan tới người nhập cư Bắc Phi tạo môi trường cho sự trỗi dây của chính trị cực hữu và bài ngoại như đảng National Front của bà Le Pen. Ảnh Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty Images

Tại Đức, đảng dân tộc cực hữu có xu hướng phát-xít AfD (Alternative for Germany) từ chỗ một đảng ngoại vi đã vượt lên giành 20% sự ủng hộ của cử tri, trở thành đảng chính trị lớn thứ hai sau đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo đối lập và lớn hơn cả đảng Dân chủ Xã hội đương quyền của Thủ tướng Olaf Scholz. Chống nhập cư là yếu tố quyết định mang lại sự ủng hộ cho đảng AfD.

Các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà ở Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng lá bài chống người nhập cư. Ông Ron DeSantis, Thống đốc tiểu bang Florida và là ứng cử viên hàng đầu trong đảng Cộng Hoà, từng có những hành động quái gở như thuê máy bay, xe buýt chở di dân nhập cư từ tiểu bang Texas đi “đổ” tại các thành phố do đảng Dân Chủ kiểm soát như Washington D.C., New York, Los Angeles, nay vừa ký một sắc lệnh cho phép truy tố tội hình sự những di dân bất hợp pháp có mặt tại tiểu bang của ông.

Sắc lệnh của DeSantis đang bị các chủ doanh nghiệp ngành xây dựng và nông nghiệp phản đối vì nó sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu lao động ở Florida, nhưng lại được các cử tri bảo thủ của đảng Cộng Hoà ủng hộ mạnh.

Xây tường biên giới, chống người nhập cư bất hợp pháp vẫn là lá bài tẩy của các chính trị gia Cộng Hoà, từ Donald Trump đến Nikki Haley và nhiều ứng cử viên khác.

Ở các nước châu Á mà dân số đang giảm như Nhật Bản và Hàn Quốc, chính phủ có chủ trương khuyến khích nhập cư và “nhập cảng lao động” để bổ sung cho lực lượng lao động vừa thiếu vừa bị lão hoá. Nhưng nỗi lo lắng và bất mãn của cử tri bản xứ đối với người nhập cư cũng đang làm cho các chính phủ khó xử.

Di cư đến miền đất phồn vinh tìm cơ hội đổi đời đang trở nên ngày càng khó. Ảnh một gia đình di dân đến New York năm 1925. Ảnh GettyImages

Nhiều chuyên gia cho rằng, phản ứng với dòng người di cư thay đổi theo thời thế và lặp lại một chu kỳ dài. Các doanh nghiệp liên tục vận động hành lang để có luật nhập cư tự do hơn vì điều đó giúp giảm chi phí lao động và tăng lợi nhuận. Họ có sự ủng hộ từ các chính trị gia thân doanh nghiệp ở cánh hữu và các nhà lãnh đạo ủng hộ hội nhập ở cánh tả, dẫn đến các chính sách nhập cư cấp tiến hơn, thông thoáng hơn mong muốn của cử tri bình thường.

Nhưng rồi dòng người nhập cư lại gây bất mãn trong dân chúng, dẫn đến sự bùng nổ chủ nghĩa dân túy. Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu sau đó đã kìm hãm việc nhập cư, làm giảm bớt sự lo lắng của cử tri và chu kỳ lại bắt đầu.

Với những nước nghèo như Việt Nam, di cư là một trong những cách thức hữu hiệu nhất để đổi đời, dù ra đi theo diện định cư hợp pháp, “xuất khẩu lao động” hoặc di cư bất hợp pháp theo những biện pháp cực đoan như trốn trong thùng xe tải đông lạnh để vượt qua biên giới.

Cùng với toàn cầu hoá – hiểu theo nghĩa tự do luân chuyển vốn liếng, lao động và công nghệ qua mọi biên giới quốc gia – chính sách nhập cư thông thoáng của Mỹ và châu Âu đã giúp giải bài toán về công việc làm, thu nhập của một bộ phận lớn người Việt. Nay thì cánh cửa đó đang trở nên hẹp dần và có thể đóng lại vĩnh viễn nếu cục diện chính trị thế giới thay đổi, các đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền như xu hướng hiện nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: