“Đồ chơi quân sự” Nga xài linh kiện… Mỹ

Drone quân sự của Nga được sản xuất với thiết bị nhập từ nhiều nước trong đó có Mỹ (ảnh: Vitaly Timkiv/TASS/Getty Images)

Những máy bay không người lái của Nga (drone) bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine và một số quốc gia khác đều chứa chip và linh liện điện tử được sản xuất tại Mỹ, Hàn, Nhật Bản và châu Âu. NATO có thể làm gì để ngăn chặn? Washington đang xem xét những chọn lựa, nhưng không dễ! Tính đến thời điểm này, Nga vẫn phụ thuộc các nước châu Á và phương Tây hầu hết thiết bị điện tử tiêu dùng và chip máy tính, những bộ não tạo nên chức năng của máy móc điện tử. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, các loại hàng này nhập cảng vào Nga trong năm 2020 đã vượt quá $38 tỷ.

Drone Nga nhưng “não” phương Tây!

Đầu năm 2017, các lực lượng Ukraine chiến đấu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn đã bắn hạ một máy bay không người lái (drone) đang bay giám sát sườn phía Đông Ukraine. Chiếc máy bay dài gần sáu mét, với mũi hình nón và thân màu xám bóng, có tất cả đặc điểm bên ngoài của một drone quân đội Nga. Tuy nhiên, khi các nhà điều tra giải phẫu nó, họ tìm thấy các linh kiện điện tử do nửa tá công ty phương Tây sản xuất. Động cơ thuộc một công ty Đức chuyên cung cấp hàng cho giới lắp ráp máy bay mô hình. Các chip máy tính để điều hướng và giao tiếp không dây được sản xuất từ… Mỹ. Một công ty của Anh cũng đóng góp con chip cảm biến chuyển động. Vài bộ phận nữa đến từ Thụy Sĩ và Hàn Quốc.

Damien Spleeters, nhà điều tra của nhóm Nghiên cứu Vũ khí xung đột (Conflict Armament Research-CAR) có trụ sở tại Anh, nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn danh sách các quốc gia mà Nga mua hàng. Mổ xẻ một số drone Nga cho thấy tất cả đều sử dụng linh kiện điện tử phương Tây”. Chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi năm 2017 được Spleeters tháo rời và ông đã tóm tắt những phát hiện trong một báo cáo do Liên minh châu Âu (EU) và Đức tài trợ, trong đó khẳng định: “Nếu không có những bộ phận của phương Tây, Nga chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất và vận hành máy bay không người lái”.

Khi khả năng Nga xâm lược Ukraine lớn dần, giới chức Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm cắt đứt nguồn cung chip máy tính và linh kiện điện tử do phương Tây sản xuất cho Nga. Báo cáo của Spleeters cho thấy lệnh cấm có thể gây tổn hại mạnh đến quân đội Nga nhưng… “không dễ thực hiện”. Dù Nga có nhiều nhà khoa học máy tính và tin tặc xuất sắc nhưng Nga tự sản xuất rất ít thiết bị điện tử hoặc phần cứng máy tính, mà chủ yếu dựa vào nhập khẩu.

Một số thành phần drone mà CAR xác định được đã đến Nga thông qua những trung gian ít biết đến và các công ty thương mại nhỏ nằm ngoài tầm theo dõi của tình báo Mỹ. Hơn nữa, vì chỉ cần số lượng tương đối nhỏ nên quân đội Nga có thể mua chúng dễ dàng. Malcolm Penn, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu chất bán dẫn Future Horizons có trụ sở tại London, giải thích: “Nếu bạn chỉ cần 500 hoặc 1,000 linh kiện thì không ai có thể ngăn được bạn. Lấy dẫn chứng, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, về lý thuyết, không có hàng xuất khẩu nào sang Liên Xô, nhưng họ vẫn kiếm được nhiều thứ. Luôn có những người Nga và thân Nga xách vali du lịch đến Viễn Đông để mua hàng hiếm”.

Ngoài ra, Trung Quốc, bạn thân của Nga hiện nay, sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ để triệt đường vào Nga của những con chip mà Nga cần. Theo CAR, các nhà cung cấp phương Tây chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp chip dùng cho drone sản xuất từ năm 2013 đến 2016 nhưng hiện Trung Quốc đã trở thành một nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn và thực tế cho thấy, nước này không hề tuân thủ bất kỳ nỗ lực phong tỏa nào, dù là đối với Bắc Hàn hay Iran.

Truy tìm nguồn gốc

Một chip cảm biến chuyển động (dùng cho hệ thống định vị xe hơi và máy móc công nghiệp) được sản xuất bởi công ty Silicon Sensing Systems của Anh. Công ty này nói với CAR rằng họ bán con chip vào Tháng Tám 2012 cho một nhà phân phối thiết bị điện tử dân dụng của Nga, gửi theo đường UPS với gói hàng 50 linh kiện. Khi được Silicon Sensing hỏi lý do mua, nhà phân phối Nga nói con chip sẽ được sử dụng trong một drone. Sau đó, họ nói họ bán lại chip cho một tổ chức Nga có tên là ANO PO KSI để dùng trong giáo dục đào tạo.

Trên trang web mình, ANO PO KSI tự mô tả họ là tổ chức phi lợi nhuận chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm máy quét tài liệu và máy ảnh, cho chính phủ Nga và khách hàng doanh nghiệp. Năm 2016, ANO PO KSI (Hiệp hội chuyên nghiệp các nhà thiết kế hệ thống xử lý dữ liệu) bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì hỗ trợ tình báo quân sự Nga.

Trong một email gửi tới The Washington Post, Silicon Sensing khẳng định: “Công ty tuân thủ nghiêm túc tất cả luật và chính sách kiểm soát xuất khẩu. Nhưng con chip bị đặt vấn đề đã được bán vào năm 2012 cho một công ty thương mại không nằm trong danh sách cấm vận vào thời điểm đó. Hiện chúng tôi đã ngừng kinh doanh với công ty đó và các công ty có liên quan. Chúng tôi không biết tại sao sản phẩm do công ty sản xuất lại tìm thấy bên trong một drone của quân đội Nga bị bắn rơi ở Ukraine vào năm 2017”.

Drone quân sự Nga trong cuộc tập trận Vostok 2018 (ảnh: Vadim Savitsky/TASS/Getty Images)

Máy bay không người lái Nga cũng chứa các thiết bị do Mỹ sản xuất dùng điều hướng và giao tiếp không dây. Một trong những nhà cung cấp, Digi International, có trụ sở tại Hopkins, tiểu bang Minnesota, nói với CAR rằng họ đã bán chúng cho một nhà phân phối có trụ sở tại Mỹ vào Tháng Ba 2012, nhưng nhà phân phối không thể xác định người nhận cuối cùng. Digi International nói với The Post “đã kiểm tra tất cả giao dịch bán hàng để bảo đảm không cung cấp cho bất kỳ ai vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhưng không biết tại sao sản phẩm lại xuất hiện trong một máy bay không người lái của Nga!”.

Công ty Maxim Integrated, trụ sở ở San Jose, California, xác nhận với CAR rằng một bộ phận điều hướng được tìm thấy trong drone Nga năm 2013 là do họ sản xuất và giao cho các nhà phân phối vào Tháng Một 2014; đồng thời nhấn mạnh “bộ phận này không được thiết kế để sử dụng trong drone”. Công ty mẹ của Maxim, Analog Devices, từ chối giải thích thêm. Các công ty khác ở Thụy Sĩ và Vương quốc Anh cho biết “không thể theo dõi lộ trình các nhà phân phối bán những linh kiện” của họ.

Động cơ drone Nga bị bắn hạ năm 2017 đi một con đường đặc biệt bí ẩn, từ một công ty nhỏ 3W-Modellmotoren Weinhold nằm gần Frankfurt, Đức, chuyên sản xuất các bộ phận cho máy bay mô hình. Công ty này cho biết đã giao động cơ cho World Logistic Group, một công ty có trụ sở tại Cộng hòa Czech vào Tháng Mười 2013. Điều tra cho thấy công ty Czech này thành lập tại thị trấn Karlovy Vary vào năm 2008 bởi hai cư dân Nga; và từ năm 2012 đến 2014, một cư dân Nga thứ ba giữ chức vụ giám đốc công ty. Người này cũng là thành viên của hội đồng cố vấn cho Ban Giám đốc Công an khu vực Moscow. Năm 2018, World Logistic Group bất ngờ giải thể! Các nhà nghiên cứu của CAR cũng tìm thấy chip phương Tây và các bộ phận camera của Nhật bên trong một drone bị Ukraine bắn hạ trong năm 2019.

Sam Bendett, nhà phân tích quân sự Nga tại nhóm nghiên cứu CNA có trụ sở ở tiểu bang Virginia, cho biết: “Ngành công nghiệp vi điện tử Nga hoàn toàn suy tàn trong thập niên 1990. Việc nhập khẩu được thay thế và trở thành giải pháp phổ biến trên thị trường toàn cầu đang mở rộng cửa”. Nga chỉ giữ lại một số nhà sản xuất sản xuất chip có thiết kế cũ, gồm Mikron gần Moscow. Các doanh nghiệp trong nước bắt đầu thiết kế chip mới như Baikal và Elbrus cho quân đội nhưng họ cũng không tự sản xuất mà đa phần gửi thiết kế cho Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) lớn nhất thế giới để sản xuất giùm.

Năm 2015, một số điệp viên Nga bị chính phủ Mỹ kết tội đã sử dụng một công ty bình phong do họ thành lập tại tiểu bang Texas để xuất khẩu trái phép chip công nghệ cao dùng cho các cơ quan tình báo và quân đội Nga. Theo lệnh phong tỏa rộng hơn đang được xem xét, Mỹ có thể buộc nhiều quốc gia trên thế giới cắt giảm xuất khẩu chip sang Nga. Theo giới phân tích, hầu hết nhà máy sản xuất chip trên toàn thế giới, kể cả ở Trung Quốc và Đài Loan, đều sử dụng kỹ thuật, thiết bị hoặc phần mềm Mỹ để sản xuất chip.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: