Trong gần 24 năm, người đàn ông đã đi khắp Trung Quốc bằng xe gắn máy. Với lá cờ in hình đứa con trai hai tuổi treo sau yên xe, ông đã đi hơn 300,000 dặm đường, qua 30 trong 34 tỉnh Trung Quốc, thay 10 chiếc xe gắn máy và nhiều lần suýt mất mạng. Chỉ để theo đuổi một mục đích duy nhất: tìm lại đứa con bị bắt cóc. Và cuối cùng, ông đã tìm thấy…
Cuộc tìm kiếm của ông Quách Cương Đường (Guo Gangtang), 51 tuổi, cuối cùng đã kết thúc. Vợ chồng ông đã được đoàn tụ với con trai của họ, năm nay đã 26 tuổi, sau khi cảnh sát xác nhận được mã di truyền DNA của họ, theo Bộ Công an Trung Quốc.
Trong một cảnh quay chiếu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, ba người đã ôm chặt lấy nhau trong nước mắt tại một cuộc họp báo đoàn tụ hôm Chủ nhật 11 tháng Bảy ở Liêu Thành (Liaocheng), quê hương ông Quách phía đông tỉnh Sơn Đông (Shandong) miền bắc Trung Quốc.
Vợ ông Quách, bà Trương Văn Các (Zhang Wenge) đã khóc nức nở khi ôm lấy chàng trai trẻ. “Con yêu. Chúng ta đã tìm thấy con, con trai của tôi, con trai của tôi.”
Kết thúc có hậu của một chuỗi ngày dài thương đau rõ ràng đã làm lay động cả nước Trung Quốc; ông Quách đã trở thành một thứ anh hùng dân gian. Cuộc tìm kiếm xuyên quốc gia của ông, trong đó ông nói có lần ông đã bị bão thổi bay khỏi xe gắn máy; nhiều lần suýt rơi xuống vực và thường xuyên ngủ ngoài trời khi không đủ tiền thuê khách sạn, đã truyền cảm hứng cho bộ phim “Lost and Love” năm 2015, với sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng Hồng Kông Lưu Đức Hoa.
Sau cuộc hội ngộ của gia đình ông Quách, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập tin nhắn chúc mừng. Video về gia đình Quách đã được xem hàng trăm triệu lần. Ông Bành Tam Nguyên (Peng Sanyuan) đạo diễn của bộ phim, nói: “Hôm nay,‘ Lost and Love ’cuối cùng đã có một kết thúc có hậu thực sự”.
***
Bắt cóc trẻ em là một vấn đề nhức nhối xưa nay ở Trung Quốc. Không có thống kê chính thức về số trẻ em bị bắt cóc mỗi năm, nhưng các quan chức Bộ Công an cho biết từ đầu năm đến nay họ đã xác định được 2,609 trường hợp trẻ em bị mất tích hoặc bị bắt cóc. Nhiều báo cáo ước tính số trẻ em bị bắt cóc hàng năm ở Trung Quốc có thể lên tới 70,000 em.
Về mặt lịch sử, bắt cóc trẻ em có liên quan một phần đến chính sách “mỗi gia đình chỉ sinh một con” của chính phủ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của các học giả tại Đại học Hạ Môn (Xiamen) ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), vào thời kỳ cao điểm của việc thực thi chính sách một con trong những năm 1980 và 1990, một số cặp vợ chồng đã tìm cách mua trẻ em trai trên thị trường chợ đen để đảm bảo họ sẽ có con trai. Xã hội Trung Quốc có truyền thống trọng con trai. Những kẻ bắt cóc thường nhắm vào các trẻ em còn rất nhỏ, chưa biết họ tên của mình, chưa biết tên làng xã và đôi khi không biết mình bị bắt cóc. Trẻ em trai được bán cho các gia đình muốn có con trai nối dõi tông đường, trẻ em gái được bán cho những nhà muốn có người hầu hoặc sau này làm vợ cho đứa con trai độc nhất của họ.
Khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách một con vào đầu những năm 2000 và kết thúc hẳn chính sách đó vào năm 2015 các vụ bắt cóc đã giảm mạnh. Ông Trương Chí Vĩ (Zhang Zhiwei), giám đốc điều hành Trung tâm chống buôn người tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết những tiến bộ công nghệ như cơ sở dữ liệu DNA toàn quốc về trẻ em mất tích, các bản án hình sự nghiêm khắc hơn và nhận thức cao hơn của cộng đồng về nạn buôn bán trẻ em cũng đã giúp ngăn chặn nạn bắt cóc.
Tuy nhiên, mối đe dọa bắt cóc vẫn tiếp tục đè nặng lên nhiều người Trung Quốc. Hôm thứ Hai, một số sở cảnh sát ở phía đông thành phố Hàng Châu (Hangzhou) đã ra tuyên bố bác bỏ tin đồn lan truyền về các vụ bắt cóc có chủ đích.
***
Con trai của ông Quách, tên lúc mới sinh là Quách Tân Trân (Guo Xinzhen), đã mất tích vào ngày 21 tháng Chín năm 1997, khi mới hai tuổi rưỡi, khi cậu bé đang chơi ở trước sân trong lúc mẹ nấu ăn trong nhà, theo các cuộc phỏng vấn mà ông Quách đã nói trong nhiều năm.
Ông Quách và vợ cùng với gia đình, hàng xóm và bạn bè điên cuồng chạy khắp vùng để tìm kiếm cậu bé. Nhưng sau vài tháng, nỗ lực tìm kiếm dần dần suy yếu. Ông bắt đầu gắn các biểu ngữ lớn in ảnh con trai mình vào phía sau xe máy và tự mình đi tìm cậu bé. “Con trai, con đang ở đâu?” các biểu ngữ cho biết, cùng với hình ảnh cậu bé trong chiếc áo khoác màu cam phồng. “Bố đang tìm con về nhà.”
Trong nhiều năm, ông Quách đã sử dụng 10 chiếc xe gắn máy, đi từ đảo Hải Nam (Hainan) ở phía nam đến tỉnh Hà Nam (Henan) ở phía bắc, theo dõi bất kỳ mẩu thông tin nào ông có được. Một lần, vào một ngày mưa, một tảng đá trượt khỏi gầm xe tải chạy phía trước, khiến chiếc xe gắn máy của ông bị đổ nhào. Ông đã gặp rất nhiều sự cố giao thông, nhiều lần bị trượt ngã đến mức ông ta không thể đếm được. Nhưng ông luôn lên đường trở lại.
Năm 2012, ông Quách đã thành lập một tổ chức để giúp các bậc cha mẹ khác tìm những đứa con mất tích của họ, và ông cho biết mình đã giúp đỡ hàng chục người khác cho dù cuộc tìm kiếm của chính ông vẫn chưa thành công. Câu chuyện tìm con của ông đã nổi tiếng toàn quốc sau khi bộ phim “Lost and Love” ra đời năm 2015. Đầu năm nay, ông cũng bắt đầu quảng bá nhận thức về chống buôn người trên ứng dụng truyền thông xã hội Đấu Âm (Douyin) – một mạng chia sẻ video giống như YouTube ở Trung Quốc, nơi ông đã thu hút được hàng chục nghìn người theo dõi ngay cả trước khi tìm thấy con trai.
***
Diễn biến mới nhất trong câu chuyện của ông Guo giống như một thứ gì đó nằm ngoài trí tưởng tượng của nhà biên kịch.
Theo Bộ Công an Trung Quốc, hồi tháng Sáu, các quan chức công an ở Sơn Đông nhận được thông báo từ tỉnh Hà Nam là đã tìm thấy mã di truyền DNA có khả năng trùng khớp với con trai của ông Quách. Không rõ các quan chức đã xác định được danh tính của người có mã DNA đó như thế nào, họ chỉ nói rằng họ đã sử dụng “các phương pháp so sánh và tìm kiếm mới nhất”. Các nghiên cứu thêm về mẫu máu xác nhận người đàn ông 26 tuổi, đang làm giáo viên, chính là đứa con trai bị bắt cóc của ông Quách.
Các nhà chức trách sau đó nói rằng họ đã bắt giữ một phụ nữ họ Đường và một người đàn ông họ Hồ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, bà Đường đã bắt cóc cậu bé, đưa về tỉnh Hà Bắc (Hebei) gần thủ đô Bắc Kinh và giao cho ông Hồ, người sau đó bán cậu bé cho một gia đình ở tỉnh Hà Nam miền trung Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết cả hai đã nhận tội bắt cóc ba trẻ em, con trai ông Quách là một trường hợp. Hai người này chưa bị xét xử nhưng có thể phải nhận án tử hình, theo hãng tin AP.
Ông Quách cho biết ông không hề oán hận cặp vợ chồng đã mua và nuôi nấng con trai mình. Ông nói, con trai ông sẽ đối xử với cặp vợ chồng đó như thế nào là tùy thuộc vào cậu ta. Trong khi đó, trên mạng xã hội Trung Quốc nhiều người có ý kiến để chặn đứng nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em thì những người mua trẻ em do người khác bắt cóc cũng phải bị xử phạt thật nặng.
Báo chí nhà nước cho biết, cậu Quách nói cậu sẽ tiếp tục sống với cặp vợ chồng đã nuôi nấng cậu, những người mà cậu nói rằng đã đối xử tốt với cậu. Nhưng cậu sẽ thường xuyên về thăm bố mẹ đẻ.
Còn ông Quách thì cho biết ông hài lòng với bất cứ điều gì tương lai mang lại. “Con của chúng tôi đã được tìm thấy. Từ nay chỉ còn lại hạnh phúc,” ông Quách nói.
(theo AP, The New York Times)