Đòn bẩn của Trung Quốc: Tung tin thất thiệt về việc biển nhiễm phóng xạ từ Nhật

Một cuộc biểu tình chống Nhật ở Hong Kong (từ việc Nhật xả nước thải ra biển ngày 24 Tháng Tám 2023) – ảnh: Vernon Yuen/NurPhoto via Getty Images)

Bắc Kinh đang đánh Tokyo bằng một đòn bẩn: Lan truyền tin giả về việc vùng biển bị nhiễm phóng xạ.

Sự việc bắt đầu từ hạ tuần Tháng Tám 2023 khi Nhật bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Nhà máy này đã bị phá hủy trong trận động đất và sóng thần lớn năm 2011. Ngày 24 Tháng Tám, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đình chỉ ngay lập tức nhập khẩu thủy sản từ Nhật, dù một đánh giá của cơ quan giám sát hạt nhân thuộc Liên Hợp Quốc cho biết vụ xả không có tác động hoặc ảnh hưởng phóng xạ đáng kể đến con người và môi trường.

Sau trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011, một số lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hỏng nặng. Để ngăn chặn thảm họa tiếp theo, Nhật đã đổ nước vào các lò phản ứng. Các lò phản ứng không còn hoạt động nhưng chúng vẫn cần được làm mát, đó là lý do tại sao nước thải được đổ vào rất nhiều. Xử lý lượng nước phóng xạ này là một thách thức kỹ thuật lớn đối với chính phủ Nhật Bản. Theo giới chức trách Nhật Bản, hiện tại, khoảng 350 triệu gallon đang được lưu trữ trong hơn 1,000 bể chứa tại chỗ. Các bể chứa đã gần hết công suất, không thể chứa thêm được nữa, vì vậy cần được xả bớt ra.

Để thải nguồn nước nhiễm phóng xạ ra môi trường, Nhật nghiên cứu một hệ thống lọc phức tạp giúp loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ khỏi nước. Được gọi là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (Advanced Liquid Processing System, ALPS), hệ thống có thể loại bỏ một số chất gây ô nhiễm phóng xạ khỏi nước, đặc biệt một số đồng vị cực kỳ nguy hiểm như Caesium-137 và Strontium-90. Nhưng có một chất đồng vị phóng xạ không thể lọc ra được: Tritium. Tritium là một đồng vị của hydro; mà hydro là một phần của nước (H2o). Vì vậy không thể tạo ra một bộ lọc có thể loại bỏ Tritium.

Hải sản từ Nhật đã bị cấm nhập và bán ở Trung Quốc lục địa lẫn Hong Kong (ảnh: Li Zhihua/China News Service/VCG via Getty Images)

Tuy nhiên, người ta vẫn có thể “khử” Tritium bằng cách pha loãng nước nhiễm với nước biển. Chính phủ Nhật cho biết họ sẽ đưa mức Tritium xuống mức thậm chí thấp hơn cả ngưỡng giới hạn an toàn; và họ đưa nước pha loãng này qua một đường hầm dưới đáy biển ngoài khơi xa Fukushima mới tống nó ra (Thái Bình Dương). Do đó, nước nhiễm Tritium (vốn đã được làm loãng) sẽ còn loãng hơn, đến mức gần như không còn sự hiện diện của Tritium. Hơn nữa, chu kỳ bán rã của tritium chỉ là 12 năm (so với chu kỳ bán rã 700 triệu năm của những nguyên tố như Uranium-235).

Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA) đã phê duyệt và tin rằng cách xử lý này phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn. IAEA cũng có kế hoạch giám sát độc lập để bảo đảm việc xả thải được thực hiện an toàn. Jim Smith, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Portsmouth, người từng dành nhiều thập niên để nghiên cứu phóng xạ trong đường biển sau các vụ tai nạn hạt nhân trong đó có vụ Chernobyl, cho biết: “Rủi ro thực sự rất thấp, nếu không muốn nói là chẳng có rủi ro gì cả”.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang lợi dụng vụ việc để đánh phá Nhật. Ngay cả trước khi Nhật Bản bắt đầu bơm hơn một triệu tấn nước thải đầu tiên vào tuần trước, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch về sự an toàn của việc xả thải, khuấy động sự tức giận và sợ hãi của hàng triệu người Trung Quốc. Với việc Mỹ, Liên minh Châu Âu và Úc đều ủng hộ việc xả nước của Nhật, Trung Quốc muốn tạo ra luồng dư luận rằng Nhật Bản và các quốc gia đồng minh “bị thúc đẩy và chi phối bởi các lợi ích địa chính trị đến mức họ bất chấp các tiêu chuẩn đạo đức cơ bản, những chuẩn mực quốc tế và phớt lờ yếu tố khoa học.”

Suốt vài ngày qua, có hàng nghìn cuộc gọi từ mã quốc gia Trung Quốc tấn công loạt văn phòng thành phố ở Tokyo, cách nhà máy Fukushima hơn 150 dặm, với giọng điệu giận dữ, nói bằng thứ tiếng Nhật bồi, “Đồ ngu!” hoặc “Tại sao chúng mày xả nước bị ô nhiễm?”…

Theo Logicively, một công ty công nghệ giúp các chính phủ và doanh nghiệp chống lại thông tin sai lệch, các bài đăng trên mạng xã hội đề cập Fukushima của truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tăng 15 lần kể từ đầu năm. Trên Facebook hoặc Instagram, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước thậm chí chạy quảng cáo trả phí tố cáo việc xả nước thải của Nhật. Chiến dịch được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Khmer.

Khắp Trung Quốc, người ta đang kêu gọi tẩy chay sản phẩm Nhật, từ kem chăm sóc da cao cấp đến đồ gia dụng hàng ngày. Chiến dịch được kích thích bằng lá bài dân tộc chủ nghĩa, châm ngòi cho sự bùng phát giận dữ chống Nhật. Bắc Kinh lâu nay luôn sử dụng chiêu bài kích động thị trường tiêu dùng khổng lồ để trừng phạt các quốc gia khác. Chiêu trò này ngày càng đã được mài giũa và nhân rộng dưới thời Tập Cận Bình, kẻ luôn biết lợi dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa và gieo rắc nỗi lo sợ về “một thế giới nguy hiểm bên ngoài” biên giới Trung Quốc để biện minh cho việc giành và thu tóm quyền lực cá nhân.

Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dựa vào hiệu quả kinh tế và chủ nghĩa dân tộc để hợp pháp hóa sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bối cảnh Tập Cận Bình và ban lãnh đạo quốc gia Trung Quốc ngày càng điên đầu với sự hỗn loạn kinh tế trong nước, Bắc Kinh phải dựa nhiều hơn vào chủ nghĩa dân tộc. Trong trường hợp đang được đề cập, Nhật đã trở thành vật tế thần để Bắc Kinh đánh lạc hướng xã hội đang ngập trong những nỗi bất an kinh tế được hình thành từ nhiều chính sách sai lầm của nhà nước Trung Quốc.

Lệnh cấm hải sản Nhật Bản vào ngày 25 Tháng Tám được nối tiếp bằng một chiến dịch “oanh tạc” các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Nhật Bản bằng điện thoại. Trên các nền tảng video ngắn Kuaishou và Douyin của Trung Quốc, nhiều người dùng đã đăng tải video quay cảnh họ gọi điện chửi rủa người Nhật. Đây là đợt bùng nổ chống Nhật lớn nhất kể từ năm 2012, khi Thống đốc Tokyo lúc đó là Shintaro Ishihara tuyên bố quốc hữu hóa các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku (trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Với Trung Quốc, không đối tượng nào dễ kích thích sự phẫn nộ bằng Nhật. Cứ nói đến Nhật là dân Trung Quốc nổi điên. Trong thực tế, dân tộc chủ nghĩa ngày càng trở thành át chủ bài áp dụng cho đối ngoại lẫn đối nội. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2022 bởi Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn của Đức, kể từ năm 2018, Bắc Kinh ngày càng thường xuyên sử dụng các chiến thuật gây áp lực nước khác bằng trò dân tộc chủ nghĩa, ngay cả khi tranh chấp không liên quan các vấn đề cốt lõi truyền thống như chủ quyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: