“Đừng gọi thành phố của chúng tôi là ‘China City’ nữa!”

Giới chức Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Dusseldorf trong sự kiện đánh dấu chuyến hàng hỏa xa thứ 10,000 được vận hành bởi ‘China-Europe Railway Express Chongqing’ tại Duisburg, ngày 11 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Ren Pengfei/Xinhua via Getty Images)

Duisburg, một thành phố ở Đức, nay muốn người ta dùng đúng tên của họ, thay vì là “China City”. Sự thay đổi ở Duisburg phản ánh sự đảo chiều rộng rãi hơn ở châu Âu trong quan hệ với Bắc Kinh.

Từ một đốm nhỏ “suy nghĩ lại”

Các chuyến tàu chất đầy quần áo và tấm pin mặt trời vẫn chạy thẳng từ Trung Quốc (TQ) đến nhà ga của Duisburg khoảng năm lần một ngày, nhưng các kế hoạch khác nhằm tạo thêm liên kết giữa thành phố vành đai gỉ (rust-belt city) của Đức và Bắc Kinh đã bị đình trệ. Khát vọng của Duisburg trong việc sử dụng gã khổng lồ công nghệ TQ Huawei để hiện đại hóa hệ thống hành chính, trường học và giao thông đô thị đều bị đóng băng. Việc xây dựng một trung tâm thương mại của TQ trên sông Rhine cũng bị dở dang. Sự bối rối bao trùm người dân thành phố về những gì liên quan đến TQ!

Cách nay không lâu, các quan chức địa phương còn kiêu hãnh gọi Duisburg là “Thành phố TQ của Đức”. Nay họ nói thẳng: “Chúng tôi không muốn danh hiệu này nữa!”. Markus Teuber, ủy viên TQ tại Duisburg (thành phố duy nhất của Đức có chức vụ kỳ cục này – “China commissioner”) giải thích: “Dư luận đã thay đổi, quan điểm chính trị đã thay đổi!”

Trước khi được gọi là “Thành phố TQ”, Duisburg có tỷ lệ thất nghiệp cao và đường chân trời rải rác những tàn tích lớn của một trung tâm công nghiệp sầm uất một thời. Do địa phương này mất phương hướng về bài toán phát triển kinh tế nên sức hút của Bắc Kinh rất mạnh. Giới chức địa phương đặt hy vọng TQ sẽ giúp thay đổi nền kinh tế của họ. Sau khi Tập Cận Bình đến thăm thành phố vào năm 2014 để đón một chuyến tàu mới đến từ Trùng Khánh, chẳng bao lâu sau, khoảng 80% số chuyến tàu từ TQ đến châu Âu dừng tại Duisburg.

Các quan chức địa phương hoan hỉ khi thấy bản đồ TQ đánh dấu Duisburg nổi bật hơn Berlin và Paris! Ngay cả khi các quốc gia khác bắt đầu cấm Huawei tham gia các cơ sở hạ tầng quan trọng vì lý do an ninh vào năm 2018, Duisburg vẫn quyết tâm hợp tác bằng một bản ghi nhớ cho phép gã khổng lồ công nghệ TQ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cổng dịch vụ của chính phủ và “hệ thống mạng cho một thành phố thông minh”.

Nhưng thời vàng son giờ đã qua. Sự thay đổi suy nghĩ về TQ tại thành phố 500,000 dân ở miền Tây nước Đức này phản ánh sự thay đổi của châu Âu về cách nhìn nhận đúng đắn mối quan hệ với Trung Quốc và những âm mưu mờ ám của Trung Quốc.

Olaf Scholz với cương vị Bộ trưởng Tài chính Đức trong chuyến công du Trung Quốc vào Tháng Giêng 2019 (ảnh: Andy Wong-Pool/Getty Images)

Hiệu ứng tách khỏi Trung Quốc của Duisburg sẽ kéo theo cả EU?

Dù giao thương vẫn chảy, TQ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) nhưng EU đã tiến gần hơn đến sự hoài nghi của Mỹ về Bắc Kinh. Tình báo Mỹ dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục bất chấp TQ đang tìm cách ve vãn mới. Hy vọng việc TQ giúp thúc đẩy các nền kinh tế châu Âu đã bị phủ bóng tối bởi mối lo về ý đồ cạnh tranh và gây ảnh hưởng của TQ.

Sự chuyển hướng sang độc tài cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, sự hiếu chiến của Tập với Đài Loan và việc TQ không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga gióng thêm hồi chuông cảnh tỉnh. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu chứng kiến sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã hạn chế tiếng nói của họ như thế nào khi xe tăng Nga rầm rập tiến về Kyiv.

Philippe Le Corre, nhà phân tích người Pháp của Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society Policy Institute) nhận định: “Châu Âu không còn là lục địa ngây thơ với ý nghĩ thị trường TQ quá tuyệt vời và hãy tận dụng cơ hội để bán hàng! Tôi nghĩ mọi người đều đã hiểu TQ bán nhiều hơn mua!”. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý về sự cần thiết phải “loại bỏ rủi ro một cách thông minh” như Thủ tướng Đức Olaf Scholz gợi ý trong bài phát biểu tại Strasbourg trong tháng này. Tuy nhiên châu Âu vẫn còn chia rẽ về một số vấn đề, thể hiện trong ý kiến khác nhau của các nhà lãnh đạo.

Tại Đức, cuộc đàm phán trong liên minh cần quyền đang bàn đến một chính sách chiến lược mới cho nền kinh tế lớn nhất EU và chiếm một nửa trong khoảng $240 tỷ xuất khẩu hàng năm của khối EU tới TQ. Tháng Chín 2022, Bộ trưởng kinh tế Đức lần đầu tiên cho biết chính sách đối ngoại mới đang được soạn thảo và dự thảo được Bộ Ngoại giao soạn xong vào đầu Tháng Mười Một. Theo một quan chức Đức, nhìn chung đã có sự đồng thuận “các chi tiết cơ bản” của dự thảo nhưng sẽ là quá “lạc quan” nếu nghĩ chính sách đối ngoại mới sẽ sớm được Quốc hội Đức thông qua trước cuối năm nay.

Khi biết EU vẫn chưa thống nhất được quan điểm với TQ, Bắc Kinh khởi động ngay một nỗ lực mới nhằm định hình lại nhận thức của khối về TQ và làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Đánh giá vào Tháng Ba của bộ phận tình báo J2 thuộc Hội đồng các Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ bị lộ mật trên mạng Discord viết:

“Bắc Kinh đang làm dịu chính sách ngoại giao ‘chiến lang’ (wolf warrior), quyết đoán, khoa trương bằng cách tiếp cận có chừng mực hơn. Nỗ lực này là nhằm chia rẽ Mỹ-châu Âu bằng cách lợi dụng những khó khăn kinh tế EU gặp phải do đại dịch và cuộc chiến tại Ukraine. Nhưng âm mưu của TQ phần lớn thất bại. Bắc Kinh không hoàn toàn nhận ra mức độ cảnh giác của EU đối với ý định của họ và tin rằng chỉ cần thay đổi cách tiếp cận là đủ huỷ hoại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Dù mục đích của các lãnh đạo châu Âu vẫn là đảm bảo lợi ích kinh tế quốc gia nhưng họ ngày càng đồng tình với quan điểm của Mỹ về TQ”.

Thật vậy, tháng này, chính phủ Ý thông báo ý định rút khỏi sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai và Con đường (Belt and Road) của TQ, trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen muốn kiểm soát xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm. Dù vậy, mức độ cảnh giác không đồng đều trong khối. Chính phủ dân túy của Hungary vẫn tăng cường quan hệ với TQ với việc Ngoại trưởng Peter Szijjarto vừa ký một thỏa thuận với Huawei trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây. Các tài liệu lộ mật dường như đoán trước việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh đã ca ngợi TQ là “nhà kiến tạo hòa bình tiềm năng”, cảnh báo “châu Âu có nguy cơ trở thành chư hầu của Mỹ” và “châu Âu đừng để bị vướng vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, Bắc Kinh ngày 14 Tháng Tư 2023 (ảnh: Soeren Stache/picture alliance via Getty Images)

Vai trò then chốt của Đức

Không có quốc gia nào có vai trò then chốt như Đức trong mối quan hệ châu Âu-TQ. Ngoài việc chiếm tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu của EU sang Bắc Kinh, Đức cũng chiếm phần lớn đầu tư của EU vào TQ, với khoảng 5,200 công ty Đức sản xuất ở đó, sử dụng 1.1 triệu lao động. Cuối năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gây ấn tượng với các đồng minh khi trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên đến thăm TQ sau đại dịch, dẫn theo một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu.

Trên một tấm bản đồ đi kèm với các tài liệu mật Ngũ Giác Đài bị rò rỉ, người ta thấy gần như toàn bộ châu Âu được đánh dấu là “có sự tiếp thu tối thiểu” (“minimal receptivity”) đối với các đề nghị của TQ, trừ Đức và Serbia – được đánh giá “tiếp thu vừa phải” (“moderate receptivity”). Tim Rühlig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (European Council on Foreign Relations) nhận định: “Lập trường không chắc chắn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã biến họ thành điểm đầu tiên trong cuộc chinh phục châu Âu của TQ” – dẫn lại từ The Washington Post.

Thủ tướng Scholz nhiều lần nhấn mạnh Berlin chỉ tìm cách “giảm thiểu rủi ro” hơn là “cắt quan hệ” với Bắc Kinh. Nay tình hình có vẻ chuyển dần sang hướng khác. Nhiều quan chức Đức muốn tăng cường luật đầu tư nước ngoài vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức. Bộ Nội vụ Đức đang điều tra nguy cơ liên quan an ninh quốc gia mang đến từ các linh kiện và thiết bị TQ hiện có trong mạng 5G của Đức, và tác động của hợp đồng công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã ký với Huawei về việc lắp đặt xương sống của mạng tín hiệu và điều khiển cho hệ thống đường sắt.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế Đức bắt đầu kiểm tra kỹ các lỗ hổng có thể xuất hiện khi các biện pháp trừng phạt TQ của EU được thực thi. Các quan chức Đức cũng xem xét tăng cường kiểm soát đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài, nhằm tránh chuyển giao công nghệ không mong muốn, đặc biệt là các công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm và các công nghệ có thể được sử dụng để giám sát và đàn áp.

Bản dự thảo chính sách mới của Đức được Der Spiegel đưa tin lần đầu vào Tháng Mười Một có nội dung cứng rắn hơn những gì Đức thường làm trong quá khứ khi đề cập đến Nga-TQ. Dự thảo chỉ trích giới lãnh đạo TQ “sẵn sàng sử dụng thị trường của họ làm đòn bẩy”, chỉ trích Bắc Kinh “vi phạm nhân quyền” và muốn các công ty Đức sử dụng lao động tại TQ “tôn trọng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, quyền lao động và phát hiện lao động cưỡng bức tham gia vào các chuỗi cung ứng”. Nhưng giới quan sát vẫn không rõ bao nhiêu phần trăm dự thảo chính sách đối ngoại mới sẽ được chính thức áp dụng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: