Được giải phóng, người Ukraine vẫn lo bị Nga trả thù

Phút gặp nhau cảm động khi người lính Ukraine chiếm lại thành phố Kupiansk từ tay quân xâm lược Nga và giải phóng người dân hôm 17 Tháng Chín 2022. Ảnh Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Ở những vùng lãnh thổ mà Ukraine chiếm lại được từ quân Nga, người dân vẫn phập phồng lo sợ đạn pháo của Nga và sợ có ngày quân Nga sẽ quay lại trả thù. The Washington Post tường thuật từ Kupiansk, miền Đông Ukraine.

“Nhìn kìa, đây là những người lính của chúng ta”, một người dân nói khi nhìn thấy lính Ukraine lái chiếc xe tăng mà Nga bỏ lại đi vào thành phố. Ký hiệu chữ “Z” trên xe vẫn còn nhưng màu cờ đã khác. Mừng thì mừng nhưng nỗi lo vẫn còn nguyên vẹn. Sự tàn bạo của quân xâm lược chỉ có thừa chứ không thiếu!

Được “giải phóng” bất ngờ và những lo toan

Chiến tuyến mới bây giờ là con sông Oskil chảy giữa thành phố Kupiansk ở miền Đông Ukraine. Một bên sông là các lực lượng Ukraine, những người đã đẩy kẻ thù Nga gần như hoàn toàn ra khỏi khu vực Đông Bắc Kharkiv trong một cuộc phản công nhanh và quy mô trong tháng này. Còn bên kia là quân Nga cố thủ.

Sau khi tháo chạy sang bờ sông phía bên kia, quân Nga cho nổ tung các cây cầu để ngăn bước tiến của quân Ukraine đang ồ ạt phản công. Ảnh Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images

Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, chị Liza Udovik 26 tuổi, phóng tầm mắt nhìn ra phía bên kia, nơi quân Nga đã rút lui. Những ngày qua, âm thanh cuộc tấn công từ Ukraine làm rung chuyển căn hộ của chị, khi quân đội Ukraine tiến dần vào Kupiansk và thành phố trở thành chiến trường lần nữa. Xe tăng và xe bọc thép Nga vẫn tuần tra đường phố ở khu vực mà Ukraine đã tái chiếm, nhưng sau tay lái là những người lính Ukraine. Họ sử dụng vũ khí lính Nga bỏ lại khi tháo chạy để chống lại quân Nga.

Chị Udovik bắt đầu đếm từng giây khi nghe thấy tiếng đạn nổ chói tai và thấy khói bốc lên ở đằng xa. Chỉ trong hai ngày và khoảng cách tiếng pháo đã kéo dài hơn, từ 9 giây lên 13 giây. “Chúng đang bị đẩy lùi” – chị nói với một nụ cười.

Con sông Oskil trở thành lá chắn cho người Nga vào ngày 9 Tháng Chín. Khi quân Ukraine tiến vào, các lực lượng xâm lược đã chạy thục mạng qua cầu rồi cho nổ tung cây cầu để chặn bước tiến của quân Ukraine. Thành phố Kupiansk bất ngờ bị cắt làm hai. Sáng hôm sau, bà Lena Danilova, 55 tuổi, bối rối nhìn những chiếc tăng Nga vẫn còn chạy trên đường phố vừa được “giải phóng”. Một người đàn ông bên cạnh kéo tay áo chị, chỉ vào quân phục của những người lính. “Nhìn kìa, đây là những chàng trai của chúng ta” – ông thì thầm. Danilova cho biết chị đã lau vội những giọt nước mắt vì vui mừng. “Cuối cùng, điều tôi chờ đợi đã đến!” – chị trả lời. Nhưng sau đó chị nhận ra hai đứa con của mình còn bị mắc kẹt bên kia sông, nơi chúng vừa bắt đầu đi học lại chỉ vài ngày trước.

Vẫn phải tiếp tục di tản

Giờ đây, bên kia sông đã trở thành chiến tuyến mà người Nga tuyệt vọng cố thủ để không cho Ukraine tiến sâu hơn về phía Nam, vào các khu vực Donetsk và Luhansk mà quân xâm lược đang tạm chiếm.

Sau khi một nửa Kupiansk được lấy lại mà không có giao tranh sau ba ngày Ukraine mở cuộc phản công trên nhiều mặt trận, thành phố may mắn tránh được cuộc tàn phá bằng pháo và tên lửa từ xa của Nga. Nhưng giờ đây, người dân phải đối mặt với một số nỗi kinh hoàng của chiến tranh giống như những người Ukraine khác đã gặp phải trong nhiều tháng trước ở những thành phố khác.

Nhiều người nói rằng họ chờ đợi và hy vọng thành phố được giải phóng, nhưng không hình dung nó sẽ như thế này: Mối đe dọa pháo kích của Nga bất cứ lúc nào, không có chính quyền thành phố và không có cách nào mua được các loại thuốc men cần thiết. Người dân địa phương nhanh chóng đóng gói đồ đạc thiết yếu nhất và di tản gấp rút về hậu phương Ukraine với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Tất cả gợi lại hình ảnh những ngày đầu tiên hỗn loạn của cuộc chiến.

Bà Valya, 58 tuổi phải bỏ lại bầy mèo cưng của mình. Bà rải những chén nước đầy sàn căn hộ và giao chìa khóa nhà nhờ người bạn quyết định trụ lại cho chúng ăn.

Nhân lúc một nửa thành phố được giải phóng, người dân Kupiansk gần chiến tuyến, lại khăn gói di tản sâu vào lãnh thổ Ukraine vì lo ngại quân Nga sẽ quay lại và trả thù. Ảnh Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images.

Sống trong vùng trắng thông tin

Ngoài các kênh truyền hình công cụ tuyên truyền của Điện Kremlin có mặt tại Kupiansk từ sáu tháng qua, người dân bị cắt hoàn toàn khỏi các kênh tin tức độc lập về những gì đang xảy ra ở Ukraine. Chính phủ Nga cấm các phương tiện truyền thông gọi đây là cuộc chiến tranh, mà phải gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Mọi thông tin được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đi di tản cùng mẹ, chị Udovik được hỏi liệu chị có biết về những hành động tàn bạo mà binh lính Nga đã làm với dân thường ở Bucha gần thủ đô Kyiv, như tra tấn và giết người từng được truyền thông quốc tế lan truyền như “tin quan trọng” trong Tháng Tư vừa qua hay không, chị Udovik lắc đầu. “Bucha? – chị hỏi lại – Tôi nghĩ tôi đã nghe điều gì đó về nó, nhưng không chắc lắm”. Chị chỉ biết các kênh của Nga tập trung vào việc châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng không lối thoát vào mùa Đông này khi Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt tự nhiên.

Mọi người kín đáo kể lại những gì diễn ra trong thời gian chiếm đóng vì họ nói có một bộ phận dân chúng thiện cảm với Moscow vẫn còn ở quanh đây, và nếu binh lính Nga quay trở lại, những người này sẽ chỉ điểm để trả thù.

Gia đình của Udovik bị phân làm hai phe. Bà nội của chị đã ngừng nói chuyện với cô em gái của bà sau khi người em này treo cờ Nga bên ngoài nhà trong ngày đầu Nga xâm chiếm.

Vào ngày 27 Tháng Hai, chỉ ba ngày sau khi Nga mở cuộc xâm lược vô cớ Ukraine, Gennady Matsegora, Thị trưởng Kupiansk, cho đăng một video trên Facebook thừa nhận ông ta đã quyết định giao thành phố cho quân Nga. Matsegora, một thành viên của đảng thân Nga, tuyên bố: “Hôm nay lúc 7g30 sáng, chỉ huy một tiểu đoàn Nga đã gọi điện để đề xuất đàm phán với tôi. Nếu tôi từ chối, thành phố sẽ hứng chịu mọi hậu quả. Vì vậy, tôi chọn lựa đàm phán để tránh thương vong và tàn phá thành phố”.

Udovik, người tự cho mình là yêu đất nước Ukraine, thừa nhận Matsegora gần như chắc chắn sẽ bị truy tố về tội phản bội. Nhưng cảm xúc của chính chị cũng phức tạp. “Tất nhiên, đối với người dân, thực tâm mà nói, quyết định của ông ta cũng cứu được phần nào mạng sống” –chị nói – “Bây giờ không còn nghe nhiều tiếng súng nữa. Nhưng chúng tôi biết sự im lặng cuối cùng sẽ bị phá nát”.

Và đã hội nhập sâu vào Nga

Người Nga sử dụng thành phố Kupiansk làm trụ sở chính phủ chiếm đóng của họ ở vùng lãnh thổ mới chiếm phía Đông. Đài phát thanh tuyên truyền mang tên “Kharkiv-Z” (chữ cái Z là biểu tượng của quân đội Nga) được đặt tại một cửa hàng địa phương. Người dân chỉ có thể gọi điện thoại đến Nga. Ngay cả lúc chưa chính thức sáp nhập bằng trưng cầu dân ý giả mạo, thành phố này đã hòa nhập vào Nga đến mức Udovik có thể đến thăm họ hàng tại Vladivostok, thành phố vùng Viễn Đông Nga gần biên giới Bắc Hàn. Chính quyền do Moscow thành lập thông báo tất cả người dân thành phố đều có thể nhận được hộ chiếu Nga.

Danilova cho biết chị buộc phải cho con đi học dù biết chương trình dạy mới bằng tiếng Nga. Ai không tuân thủ, quyền làm cha mẹ có thể bị vô hiệu. Một số người cho biết họ rất sợ lệnh giới nghiêm lúc 8 giờ tối vì có tin đồn ai bị bắt vì phạm giới nghiêm sẽ… biến mất!

Người Nga xem Kupiansk là trung tâm vận tải, nơi hàng trăm xe tăng và xe bọc thép đi qua để ra tiền tuyến. Một số xe nay trở thành chiến lợi phẩm sau khi quân Nga tháo chạy và được quân đội Ukraine sử dụng để đánh Nga. Vào ngày thứ Năm, 15 Tháng Chín, dù tiếng súng vẫn còn, người ta hiếm khi nghe thấy tiếng đạn pháo bắn từ phía Nga bên kia sông, một dấu hiệu cho thấy kho đạn của Nga đã cạn kiệt và cuộc rút lui vội vàng buộc họ phải từ bỏ hoặc phá hủy phần lớn đạn dược.

Trên đường vào Kupiansk, ngưởi dân thấy quân Ukraine cấp tập vận chuyển cầu phao đến điểm lắp đặt, chuẩn bị vượt sông và chiếm nốt nửa thành phố còn lại. Tấm biển ghi tên thành phố, sơn màu trắng, đỏ và xanh quốc kỳ Nga – đã bị phá nát.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: