Đường đi bí mật của hai máy bay Không quân Pháp sang… Iran

Một máy bay của hãng hàng không Iran, Mahan Air Airlines, tại Phi trường quốc tế Mehrabad, Teheran (Morteza Nikoubazl/NurPhoto via Getty Images)

Mấy ngày qua, báo chí Pháp thi nhau đưa tin về một phi vụ kinh doanh máy bay sản xuất tại Pháp, từng được Không lực Pháp sử dụng mà nay thuộc về hàng không Iran…

Điều đáng ngạc nhiên nhất là hai chiếc máy bay này từng khoác nước sơn và logo  của Không lực Pháp (Armée de l’Air). Đó là hai chiếc Airbus A340-200 thân rộng, bốn động cơ phản lực mà Pháp mua lại của hãng Hàng không dân dụng Áo (Austrian Airlines) và đã nhận hàng vào Tháng Năm và Tháng Mười Hai 2006.

Từ lúc còn mang số đăng kiểm OE-LAG và OE-LAH, chúng chuyển sang Quân lực Pháp thì đổi thành F-RAJA và F-RAJB và đã hoạt động dưới “màu cờ sắc áo” Không lực Pháp cho đến Tháng Mười Hai 2020 thì được bán cho LMO Aero, một công ty chuyên ngành bảo dưỡng hàng không của Pháp. Chúng được rao bán đấu giá và LMO Aero đã mua được với giá 400,000 euro/chiếc.

Hành trình của hai chiếc A340 này chưa dừng lại vì LMO Aero đăng ký chúng với số F-HFDD và F-HLMG mà hoạt động cho đến năm 2022 thì được mua lại bởi một công ty ở Cộng hòa Mali. Công ty này – theo tình báo phương Tây, là một bình phong thay mặt cho hãng hàng không Mahan Air của Iran – lại chuyển lý lịch chúng thành TZ-DTA và TZ-DTC và “gửi nhờ” tại sân bay Kertajati bên Indonesia, đợi ngày cất cánh bay đi Mali!

Thế nhưng chúng không bay về Mali như đã đăng ký mà vèo sang sân bay Chabahar ở tít miền Nam Iran. Theo Babak Taghvaee, một nhà báo chuyên về hàng không quân sự người Iran từng bị nhà cầm quyền Teheran treo án tử, hiện sống lưu vong, đích thân ông Mahdi Maghfouri, một viên chức cao cấp của Mahan Air, đã bay đến Chabahar để bàn giao một trong hai chiếc A340 trong chuyến bay “giao hàng” đến Sân bay quốc tế Tehran vào ngày 23 Tháng Năm 2023. Chiếc còn lại, cũng cất cánh ngày hôm ấy và nay đã về Căn cứ không quân chiến thuật số 10 của Không lực Iran!

Hình ảnh chụp được cho thấy chúng vẫn còn mang nước sơn trắng với ba màu xanh dương, trắng và đỏ trên quốc kỳ Pháp. Chỉ có hàng chữ “République Francaise” (Cộng hòa Pháp) là đã bị xóa.

Giới kinh doanh máy bay thế giới không xa lạ gì với trò mua bán lòng vòng qua nhiều tay của Mahan Air để vượt qua lệnh cấm vận. Năm 2022, một chiếc Boeing 747-300M đã qua sử dụng của Emtrasur, nhánh vận tải hàng hóa của hãng Conviasa, Venezuela đã được bán cho Lance Tech General Trading LCC, một công ty thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập để bán lại cho Mahan Air. Nhưng do áp lực của chính quyền Mỹ vốn có lệnh cấm vận Cộng hòa Hồi giáo Iran từ cuối thập niên 1970 nên chiếc Boeing 747-300M của Emtrasur đã bị chính quyền Venezuela chặn và còn giữ lại ở sân bay Ezeiza, thủ đô Bueno Aires.

Luôn hai chiếc Airbus nói ở trên, “Pháp đã bán những máy bay dân sự này nên không chịu trách nhiệm về hành trình bay của chúng sau khi việc mua bán đã kết thúc,” một nguồn tin ở Bộ Quốc phòng Pháp nói với báo Le Point. “Những máy bay này cũng khá cũ, và ngay trong thời gian phục vụ nước Pháp, chúng cũng không được trang bị những thiết bị đặc biệt nào”. Theo nguồn tin này thì hai chiếc A340 ấy chẳng khác gì những máy bay A340 dân dụng bình thường.

Thực tế A340 là dòng máy bay thân rộng, bay tầm xa, gắn bốn động cơ đã qua thời huy hoàng. Chúng đã không còn được sử dụng vì quá hao tốn nhiên liệu khi so với các dòng máy bay hiện đại hơn như A350, Boeing 777, Boeing 787. Do bị lệnh cấm vận mà Mỹ tái áp đặt vào năm 2018, không thể mua máy bay mới của các nhà sản xuất Airbus, ATR (châu Âu), Boeing (Mỹ)… nên Iran phải tìm mọi cách mua lại những máy bay đã qua sử dụng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong nước và quốc tế. Chiếc máy bay nhiều tuổi nhất hiện nay trong đội máy bay của Mahan Air là một chiếc Airbus A300-600 đã có gần 37 năm bay nội địa.

Gần cuối Tháng Mười Hai 2022, giới hàng không thế giới cũng bất ngờ khi biết ngành vận tải hàng không Iran bỗng dưng có được thêm bốn chiếc A340-300, đậu ở Phi trường quốc tế Mehrabad, Tehran. Đó là bốn chiếc từng thuộc sở hữu Turkish Airlines, hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng cũng đã có 27 năm bay thương mại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: