Đường đi không đến

1.

Ông Trump cho hay ông cảm thấy bị xúc phạm khi ông Putin lên tiếng ủng hộ đối thủ của ông là bà Harris.

Trước đó, Kremlin cho rằng ông Trump “không có cây đũa thần” để giải quyết xung đột Nga-Ukraine chỉ trong 24 tiếng đồng hồ.

Khi nói ủng hộ bà Harris, không chắc Kremlin đã thực bụng muốn bà này là kẻ chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Nhưng khi cho rằng ông Trump “không có cây đũa thần,” có lẽ Kremlin đã nói thật lòng mình. Nói thẳng ra, Kremlin có thể muốn ông Trump là người thắng trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần này, song nếu ở cương vị tổng thống, chưa chắc ông Trump có thể dễ dàng giải quyết xung đột Nga-Ukraine trong vòng… một nốt nhạc, như ông huênh hoang.

Chưa rõ ông Trump sẽ làm gì để đáp trả “sự xúc phạm” của Kremlin đối với mình. Nhưng trước những lời lẽ xem thường của Kremlin, có thể ông Trump sẽ nhận ra rằng ông Putin chẳng phải là người bạn tốt lành gì. Một người bạn tử tế không bao giờ nên có những lời lẽ khiến bè bạn cảm thấy bị xúc phạm.

Rốt cuộc, rất có thể ông Trump sẽ phải đồng ý với tổng thống Mỹ, khi ông Biden gọi Putin là “son of a bitch” (dịch sang tiếng Việt là ‘thằng chó đẻ’).

2.

Tổng Thống Iran Masoud Pezeshkian muốn chuyển thủ đô đến bờ biển Vịnh Ba Tư, nơi có tuyến đường biển thương mại hàng đầu thế giới.

Ông Pezeshkian nói lý do của việc di dời thủ đô là nhằm phát triển kinh tế đất nước.

Năm 2013, Quốc Hội Iran từng đề xuất chọn thành phố khác làm thủ đô thay Tehran, nơi có dân số quá đông là 12 triệu người, cũng là nơi bị ô nhiễm nặng, ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ động đất cao. Song do kinh phí di dời được dự trù rất lớn nên việc chuyển thủ đô của Iran tới nay vẫn còn nằm trên giấy, chưa biết bao giờ mới thực hiện được.

Giới quan sát cho rằng việc di dời thủ đô không phải là vấn đề thực sự của Iran. Vấn đề thực sự của quốc gia Hồi giáo này chính là những người lãnh đạo của đất nước  không chịu thay đổi tư duy đối ngoại của mình. Họ cho rằng ngày nào Iran vẫn còn xem Israel cũng như Phương Tây là kẻ thù, ngày nào Iran vẫn còn bị đè nặng bởi hàng loạt lệnh cấm vận thì ngày đó kinh tế Iran vẫn khó lòng thoát khỏi những khó khăn như hiện nay.

3.

Trước việc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang lâm bế tắc, Phương Tây kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò then chốt bằng cách gây sức ép với Nga để đạt được hòa bình cho Ukraine.

Song tới giờ này, Phương Tây khá thất vọng khi Trung Quốc tỏ ra không mấy mặn mà với việc gây sức ép như thế. Điều này cho thấy Trung Quốc không xem nền hòa bình cho Ukraine là mối quan tâm thực sự của mình, dù miệng luôn kêu gọi Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Thậm chí Phương Tây còn nghĩ rằng Trung Quốc chỉ muốn xung đột Nga-Ukraine kéo dài càng lâu càng tốt. Vì sự kéo dài đó có lợi cho Trung Quốc. Bởi ngày nào Nga còn sa lầy trong cuộc chiến với Ukraine, thì ngày đó Nga còn phải lòn lụy Trung Quốc về nhiều mặt.

Một ý kiến đáng suy ngẫm, đó là Trung Quốc rất có thể không mặn mà với việc sớm kết thúc xung đột Nga-Ukraine là vì muốn chờ tới lúc Nga hoàn toàn kiệt quệ, Trung Quốc sẽ động binh chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga trong thế kỷ 19. Lúc đó Nga, đang phải căng mình đối phó với Ukraine, sẽ rất khó mà ngăn Trung Quốc thực hiện việc tái chiếm đó.

Hãy tưởng tượng xem, nếu trong khi Nga phải đương đầu cùng lúc với Trung Quốc và Ukraine, mà Nhật Bản cũng bất ngờ động binh nhằm tái chiếm các hòn đảo của mình bị Liên Xô chiếm vào cuối Thế chiến 2, thì số phận Nga coi như xong.

Và thế giới sẽ có phim hay để xem!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: