Gia sản Nữ hoàng Elizabeth II được thừa kế như thế nào?

Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của Nữ hoàng Elizabeth II là $500 triệu (ảnh: John Stillwell – WPA Pool/Getty Images)

Sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, vấn đề tài chính của Hoàng gia Anh đang được soi kỹ. Ai thừa kế gia tài đồ sộ của Nữ hoàng? Điều gì sẽ xảy ra với số tiền để lại của Nữ hoàng?

Vương miện Nữ hoàng Elizabeth II (ảnh: Suzanne Plunkett /WPA Pool/Getty Images)

Nữ hoàng Elizabeth II giàu có cỡ nào?

Không giống như những gia đình giàu có khác, Hoàng gia Anh được chính phủ đối xử thuận lợi. Charles và các anh chị em của ông không phải trả thuế thừa kế đối với bất kỳ tài sản nào được để lại từ mẹ họ, nhờ một thỏa thuận ký năm 1993 với chính phủ. Khi công bố thoả thuận, Thủ tướng John Major lúc đó nói với Quốc hội rằng “tài sản thừa kế của Hoàng gia đơn giản là không nên bị đánh thuế”, với lý do là “có những trường hợp đặc biệt của chế độ quân chủ cha truyền con nối”. Trong khi đó, công chúng hầu như không có cơ hội biết đầy đủ. David McClure, chuyên gia về Hoàng gia Anh, ví von: “Tài chính Hoàng gia bị bao phủ trong sương mù!”.

Nữ hoàng Anh giàu có cỡ nào? Không có câu trả lời chính thức, mà ước tính về sự giàu có của Nữ hoàng thường đến từ nhiều nguồn. Ví dụ, tạp chí Forbes tính giá trị tài sản ròng của bà là $500 triệu (khoảng $430 triệu bảng Anh). Tờ Sunday Times của Anh đưa ra con số $430 triệu trong “Danh sách những người giàu nhất nước Anh năm 2022”. Trong cuốn sách xuất bản năm 2020 có tựa The Queen’s True Worth, David McClure ước tính khoảng $468 triệu.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ tài sản của Hoàng gia. Forbes ước tính giá trị cộng chung là $28 tỷ, nhưng cũng chỉ mới là “mặt nổi”. Tài sản chính thức ấn tượng nhất của Hoàng gia là Crown Estate, một danh mục tài sản gồm các bất động sản sang trọng ở thủ đô London trị giá $19.2 tỷ. Dù tài sản này thuộc sở hữu của Hoàng gia Anh nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Anh và tạo ra hàng trăm triệu đôla mỗi năm thông qua danh mục đầu tư.

Lâu đài Windsor (ảnh: Robert Alexander/Getty Images)

The Washington Post cho biết, chính phủ trả lại 25% lợi nhuận của Crown Estate cho Hoàng gia theo cái gọi là “Trợ cấp Chủ quyền” (Sovereign Grant). Năm 2021, báo cáo tài chính công khai của Hoàng gia liệt kê khoản “Trợ cấp Chủ quyền” khoảng $99 triệu. Đây là khoản tiền dự tính chi trả cho việc duy tu cung điện và các chi phí khác, nhưng không tính các chi phí an ninh “không nhỏ” của Hoàng gia được thanh toán bởi kho bạc của chính phủ Anh. Tân vương trị vì Vương quốc Anh cũng kiểm soát Công quốc Lancaster (Duchy of Lancaster), một cơ quan tồn tại từ thời cổ (ancient body) chịu trách nhiệm cho một danh mục đầu tư khổng lồ bao gồm 71 dặm vuông đất đai và trị giá hơn $950 triệu. Công quốc Lancaster, được thành lập vào năm 1399 và có lợi nhuận được báo cáo là $27 triệu vào năm ngoái.

Vua Charles III có nhận được tất cả số tiền này không?

Di chúc của Nữ hoàng Elizabeth II không được công khai vấn đề này; và trong lịch sử, Hoàng gia cũng không công bố những chi tiết như vậy sau khi người trị vì vương quốc qua đời. Tuy nhiên, ở một số thời điểm, công chúng có thể biết rằng những tài sản riêng thuộc sở hữu của Nữ hoàng sẽ thuộc về Charles sau khi bà qua đời. Cả lâu đài Balmoral ở Scotland và dinh thự Sandringham ở Anh đều được Vua George VI truyền lại cho Nữ hoàng. Vua Charles III cũng đương nhiên được thừa kế Công quốc Lancaster.

Trong bài phát biểu đầu tiên vào tuần trước với danh nghĩa tân vương, Vua Charles xác nhận đã tuân theo truyền thống và chuyển quyền sở hữu Công quốc Cornwall của mình cho con trai lớn, Hoàng tử William. Danh mục đất đai và tài sản của Công quốc Cornwall có từ năm 1337 lớn hơn đáng kể so với Công quốc Lancaster và gồm 0.2% diện tích đất ở Anh, kể cả sân vận động Lord’s Cricket Ground và HM Prison Dartmoor. Tuy nhiên, lợi nhuận tự báo cáo cho năm tính thuế gần đây nhất của Cornwall lại thấp hơn một chút so với danh mục đầu tư Lancaster. Hoàng gia sẽ tiếp tục nhận được “Trợ cấp Chủ quyền” sau khi Charles III tái khẳng định sẽ vẫn giữ truyền thống nộp lại nguồn thu “cha truyền con nối” từ Crown Estate để đổi lấy khoản “Trợ cấp Chủ quyền”.

Cung điện Buckingham (ảnh: English Heritage/Heritage Images/Getty Images)

Hoàng gia Anh có phải trả bất kỳ khoản thuế nào không?

Đối với phần còn lại của nước Anh, bất kỳ tài sản thừa kế nào có giá trị trên $380,000 đều phải nộp thuế thuế 40%. Nhưng Vua Charles III sẽ không trả bất kỳ khoản tiền nào cho các tài sản, kể cả đồ trang sức và những khoản đầu tư có thể trị giá hàng trăm triệu đôla. Chính phủ Anh đã giải thích lý do trong một bản ghi nhớ năm 2012: “Chế độ quân chủ với tư cách là một thể chế cần có đủ nguồn lực tư nhân để có thể tiếp tục thực hiện vai trò truyền thống trong đời sống quốc gia, và có một mức độ độc lập về tài chính với Chính phủ”.

Tài liệu tương tự giải thích rằng quốc vương Anh cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế thu nhập. Tuy nhiên, Hoàng gia cũng phải trả một số loại thuế. Theo thỏa thuận năm 1993 với chính phủ Anh, Nữ hoàng và con trai cả của bà đồng ý trả thuế khoản lãi trên vốn, thuế thu nhập trên tài sản cá nhân và thuế thu nhập từ tài sản Hoàng gia không được sử dụng cho các mục đích chính thức. Khi còn là Hoàng tử, Charles đã trả khoản thuế thu nhập tự nguyện 45% trên thu nhập cá nhân từ Công quốc Cornwall.

Nhưng sự sắp xếp này được che giấu trong bí mật, với rất ít giám sát công khai. Tổng số thuế hàng năm của Charles không được tiết lộ. Công quốc cũng không phải trả thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập. Năm 2013, sau các bài điều tra trên tờ The Guardian tố cáo Công quốc Cornwall cố tình trốn thuế, các nghị sĩ Quốc hội Anh Nhận định: “Công quốc có lợi thế so với các doanh nghiệp khác” và kêu gọi nên có sự minh bạch và công bằng hơn.

Sự tồn tại của Hoàng gia Anh mang lại nguồn thu du lịch lớn cho nước Anh (ảnh: Chris Jackson/Getty Images)

Tại sao Hoàng gia Anh phải che giấu sự giàu có?

Hoàng gia rất ít bị đòi hỏi phải tiết lộ chi tiết về sự giàu có của họ. Và cũng có rất ít cách để những cặp mắt tò mò tìm hiểu sự giàu có của họ. Những liên lạc của Hoàng gia với chính phủ không thuộc về cái gọi Quyền tự do thông tin mà công chúng có thể yêu cầu. Các giấy tờ chính thức của Hoàng gia được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (National Archives) của Vương quốc Anh giữ bí mật ít nhất 50 năm.

Prem Sikka, một học giả người Anh, gọi những giao dịch kinh doanh không rõ ràng của Hoàng gia là “tàn tích của thời phong kiến”. Ông nói: “Nếu không có sự thay đổi, nhiều chi tiết về tài sản riêng của Hoàng gia có thể không bao giờ được biết đến”. Ví dụ, một số sự thật về các khoản đầu tư ra nước ngoài của Công quốc Lancaster chỉ xuất hiện sau các vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2017, trong đó nêu rõ Công quốc có khoảng $13 triệu trong các tài khoản nước ngoài.

Một số báo cáo khác cũng cho thấy có các thỏa thuận hoặc thỏa thuận đáng ngờ với nước ngoài. Đầu năm nay, Thái tử Charles bị cáo buộc việc đề nghị giúp bảo đảm phong tước hiệp sĩ cho một công dân Ả-rập Saudi để “trả ơn” khoản đóng góp cho quỹ từ thiện của ông. Sau khi Hoàng tử Andrew, một trong những người em của Charles, đạt được thỏa thuận với một phụ nữ cáo buộc ông ta tấn công tình dục khi nạn nhân này mới 17 tuổi, các câu hỏi tiếp theo về cách sử dụng tiền bạc Hoàng gia lại được nêu lên. Vụ án này có liên quan đến tình bạn giữa Andrew và nhà tài chính Mỹ Jeffrey Epstein, một tội phạm dính líu đường dây kinh doanh tình dục đã tự sát khi bị giam chờ xét xử.

Lâu đài Balmoral (Scotland) thuộc Hoàng gia Anh (ảnh: Tim Graham Photo Library via Getty Images)

Hoàng gia có tiêu tốn nhiều công quỹ của đất nước không?

Bảng cân đối kế toán của Hoàng gia luôn là điều gây tranh cãi. Câu hỏi cần trả lời là Hoàng gia có tiêu tốn tiền của chính phủ hay chỉ bằng tiền họ kiếm được? Về mặt tích cực, Hoàng gia giúp mang về nhiều đôla du lịch và tăng vị thế cho nước Anh. Năm 2017, công ty định giá Brand Finance ước tính chế độ quân chủ đã tạo ra hơn $640 triệu cho lĩnh vực du lịch của Vương quốc Anh.

Trong khi “Trợ cấp Chủ quyền” ngày càng tăng, tức là chính phủ “thối lại” nhiều tiền hơn cho Hoàng gia, thì Crown Estate cũng tạo ra một khoản tiền khổng lồ cho chính phủ. Tuy nhiên, các nhóm chống chế độ quân chủ cho rằng Hoàng gia chẳng kiếm được đồng nào cho đất nước, khẳng định rằng những con số “tiền lãi” kinh doanh được từ “cái bóng Hoàng gia” “chỉ có trong trí tưởng tượng” và tố cáo chế độ quân chủ thực sự tiêu tốn cho quốc gia khoảng $400 triệu mỗi năm.

David McClure, chuyên gia về Hoàng gia Anh, ước tính chi phí của chính phủ để bảo vệ Hoàng gia lên đến hơn $100 triệu mỗi năm. Các bài viết trên báo chí Anh cho biết Vua Charles, có thể sẽ “thu gọn” chế độ quân chủ, với ít “thành viên hoàng gia cao cấp” tham gia vào các hoạt động công khai. Tân vương cũng từng đề cập việc mở cửa nhiều tài sản Hoàng gia hơn cho công chúng tham quan, một động thái xét về mặt lý thuyết, có thể mang lại nhiều doanh thu hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: