Hai công dân Hoa Kỳ, trong đó có một người gốc Việt Nam, đến Ukraine với tư cách là chiến binh tình nguyện chống lại cuộc xâm lăng của Nga đã mất tích một tuần và có thể đã bị bắt, truyền thông quốc tế cho biết hôm Thứ Tư 15 Tháng Sáu 2022.
Anh Alexander Drueke, 39 tuổi, ở Tuscaloosa, Alabama và anh Andy Huynh, 27 tuổi, ở Hartselle, Alabama, đã liên lạc lần cuối với gia đình vào ngày 8 Tháng Sáu và đã không trở về sau một nhiệm vụ xung quanh khu vực Kharkiv, miền Đông Ukraine.
Tờ Telegraph của Anh dẫn lời các đồng đội của họ nói rằng hai chiến binh Hoa Kỳ đã bị quân Nga bắt làm tù binh trong một trận chiến ác liệt vào Thứ Năm tuần trước, khi đơn vị của các anh đụng độ một lực lượng Nga lớn hơn nhiều tại làng Izbytske, cách Kharkiv 30 km về phía Đông Bắc và chỉ cách biên giới Nga chưa đầy năm dặm. Nhưng gia đình và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thông tin họ bị bắt chưa được xác nhận.
“Những gì chúng tôi biết chính thức vào thời điểm này từ Bộ Ngoại giao là Andy và Alex đã mất tích”, cô Joy Black, hôn thê của Andy, cho hãng Reuters biết qua điện thoại. “Chúng tôi không có xác nhận cho bất cứ điều gì ngoài điều đó. Rõ ràng là cuộc tìm kiếm càng kéo dài, chúng tôi càng phải cân nhắc nhiều đến các tình huống khác”, cô nói thêm. Người phát ngôn về an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, John Kirby, nói rằng nếu báo cáo là đúng sự thật thì Hoa Kỳ “sẽ làm mọi việc có thể” để đưa họ trở về.
Trả lời yêu cầu thông tin của tờ Telegraph, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington nói: “Chúng tôi biết các báo cáo chưa được xác nhận về hai công dân Hoa Kỳ bị bắt ở Ukraine. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đang liên hệ với các nhà chức trách Ukraine. Do cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không có bình luận gì thêm. “
Nếu bộ đôi này bị bắt, họ sẽ là những công dân Hoa Kỳ đầu tiên trở thành tù binh trong cuộc chiến Nga-Ukraine.
Gánh nặng của Chúa
Anh Alexander Drueke và anh Andy Huynh đều là cựu quân nhân quân đội Hoa Kỳ.
Anh Drueke gia nhập quân đội sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín 2001, phục vụ tại Iraq với cấp bậc Trung sĩ và xuất ngũ do bị hội chứng PTSD (sang chấn tâm lý sau chiến tranh). Trở về nhà, anh có thời gian làm cảnh sát nhưng sau đó thôi việc vì công việc làm cho căn bệnh của anh thêm trầm trọng. Mẹ của anh, bà Lois Drueke, 68 tuổi, nói rằng khi cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine bùng ra, anh Drueke nhìn thấy cơ hội để sử dụng các kỹ năng quân sự của mình. “Alex nói rằng Putin cần phải bị chặn lại, nếu không thì sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới khác”, bà Lois nói và cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm con trai bà có vẻ thấy hạnh phúc khi được chiến đấu. Thông tin cuối cùng mà bà nhận được từ con trai là một tin nhắn vào Thứ Tư tuần trước ngày 8 Tháng Sáu.
Anh Andy Huynh, tên đầy đủ là Andy Tài Ngọc Huỳnh, sinh ra ở California, cha mẹ là người Việt Nam di dân. Anh lớn lên ở Quận Cam, California nhưng gia đình anh hiện ở Alabama, nơi anh đang theo học ngành chế tạo người máy (robotics) tại trường đại học. Andy đã từng phục vụ bốn năm trong lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, xuất ngũ vào năm 2018. Khi cuộc xâm lược của Nga bùng ra, anh Andy Huynh cảm thấy mình nên đến Ukraine để giúp đỡ quân kháng chiến. Cô Joy Black cho biết, trước khi sang Ukraine, anh Andy đã làm lễ rửa tội tại nhà thờ địa phương, Trinity Free Presbyterian, nơi anh nói với mục sư rằng anh cảm thấy “Chúa trao một gánh nặng là đi và giúp đỡ”. Cô Black nhận được điện thoại của các đồng đội của Andy vào hôm Thứ Hai, thông báo rằng anh bị mất tích.
Hai anh Alex và Huynh không quen biết nhau trước khi gặp nhau ở Ukraine, nhưng cả hai cảm thấy cần phải hỗ trợ chính phủ Ukraine sau khi nhìn thấy những bức ảnh về thương vong dân sự khi Nga rút lui khỏi các thị trấn bên ngoài Kyiv vào cuối Tháng Ba. “Khi Andy xem các đoạn phim này từ Ukraine, anh ấy nói rằng anh không thể ngủ, không thể ăn được, chỉ bị choáng ngợp bởi nỗi kinh hoàng mà những thường dân vô tội này phải trải qua”, chị Joy Black nói với Reuters.
Trận chiến không cân sức
Một đồng đội của hai anh kể lại cho phóng viên Telegraph tình huống mất tích của hai người:
“Chúng tôi thực hiện một nhiệm vụ nhưng thông tin không đầy đủ. Chúng tôi được báo rằng làng Izbytske đã ‘sạch’ và tiến vào làng, nhưng ngay lập tức quân Nga tấn công. Chúng có hai xe tăng T 72, nhiều xe thiết giáp BMP3 và khoảng 100 bộ binh. Đội chúng tôi chỉ có 10 người.”
Đội chiến binh tình nguyện, trong đó có vài người Mỹ, lùi lại, đặt mìn chống tăng cản đường những chiếc tăng T 72; anh Alex và anh Huỳnh phối hợp sử dụng súng phóng lựu RPG 7 để chống xe thiết giáp.
“Chúng tôi nấp trong rừng và chờ hai chiếc T 72 giẫm phải mìn, nhưng ngay lúc đó anh Alex và anh Huỳnh phát hiện một chiếc BMP3 đang chạy tới chỗ chúng tôi từ một hướng khác. Họ nổ súng và hạ gục nó ngay trong phát đầu tiên.”
Nhưng chiếc T 72 đã phát giác vị trí của các anh và bắn pháo tới. Quả pháo bị trượt nhưng gây ra một vụ nổ lớn khiến các anh văng lên trời. Ngay sau đó chiếc T 72 dính mìn chống tăng và bị đánh gục nhưng hai người lính Mỹ đã biến mất trong đám bụi mù.
“Tình thế rất hỗn loạn. Chúng tôi nghi ngờ các anh đã bị bất tỉnh vì tiếng nổ của đạn pháo xe tăng, hoặc tiếng nổ của mìn chống tăng. Nhưng sau đó cuộc tìm kiếm của chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu của các anh, dù chúng tôi đã sử dụng máy bay không người lái và có một đội tìm kiếm trên mặt đất. Nếu họ bị trúng đạn pháo thì sẽ có phần thi thể hoặc chiến cụ của họ tại hiện trường, nhưng chúng tôi không tìm thấy gì cả…”
Người chiến binh nói rằng, anh nghi ngờ hai đồng đội đã bị bắt và mối hoài nghi đó được xác nhận vào đêm hôm đó, khi một thông tin xuất hiện trên mạng Telegram của Nga, nói rằng có hai ‘lính đánh thuê’ Mỹ bị bắt làm tù binh gần Kharkiv… “Có một sự trùng hợp, vì chỉ có chúng tôi là những người Mỹ chiến đấu ở khu vực này,” người chiến binh nói.
“Chúng tôi không phải là lính đánh thuê hay dân quân. Chúng tôi là quân tình nguyện nước ngoài phục vụ dưới sự chỉ huy của các lực lượng vũ trang Ukraine. Tôi thay mặt những người đồng đội mất tích lên tiếng vì tôi muốn thông báo rằng họ mất tích trong phạm vi công cộng để Bộ tư lệnh cấp cao của Nga cũng được biết. Điều đó hy vọng làm giảm khả năng họ bị xử tử một cách âm thầm bởi những kẻ đang giam giữ họ,” người chiến binh ẩn danh này cho biết.
Nhạy cảm về ngoại giao Nga – Mỹ
Các chí nguyện quân Hoa Kỳ là một phần trong đội ngũ các tình nguyện viên quân sự phương Tây chiến đấu bên cạnh người Ukraine kháng chiến và một số người đã bị quân Nga bắt trên chiến trường. Tuần trước, hai chiến binh người Anh, ông Aiden Aslin và Shaun Pinner, và một người Ma rốc đã bị một tòa án của quân ly khai ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk nói tiếng Nga không được công nhận kết án tử hình và buộc tội họ là “lính đánh thuê”.
Việc bắt giữ hai chí nguyện quân là công dân Mỹ là một sự cố nhạy cảm về ngoại giao giữa lúc quan hệ Nga và Mỹ đã hết sức căng thẳng. Kremlin có thể dùng sự việc này như một bằng chứng tố cáo Hoa Kỳ can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Vladimir Putin cũng có thể đòi Hoa Kỳ phải nhượng bộ một số vấn đề để đổi lấy tự do của họ.
Nga luôn cáo buộc các công dân phương Tây hành động như “lính đánh thuê”, đồng thời cho rằng sự ủng hộ của phương Tây đối với Kyiv đang kéo dài cuộc xung đột và dẫn đến nhiều thương vong hơn.
Hy vọng trao đổi tù binh
Bà Lois Drueke nói bà hy vọng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ gây sức ép để con trai bà và anh Huỳnh có chân trong thỏa thuận hoán đổi tù nhân để đổi lấy các tù binh Nga bị Ukraine bắt giữ. “Đại sứ quán Mỹ đã bảo đảm với tôi rằng họ đang làm mọi cách để tìm thấy Alex và họ sẽ tìm thấy nó còn sống chứ không phải đã chết. Tôi đang cố gắng hết sức để không gục ngã, tôi sẽ luôn mạnh mẽ. Là một người mẹ, tất nhiên tôi không muốn con mình bị tổn hại. Nhưng tôi biết điều thực sự quan trọng đối với Alex là con tôi muốn có một cuộc sống có mục đích và nó cảm thấy rằng điều này là tốt và cao cả.”
Sau vụ hai chí nguyện quân người Anh bị kết án tử hình, các quan chức Ukraine nói họ hy vọng sẽ có một thỏa thuận trao đổi tù binh để trả tự do cho ông Pinner, 48 tuổi và ông Aslin, 28 tuổi. Bà Lois Drueke cho biết: “Khả năng hai người đàn ông Anh có thể được hoán đổi là điều đáng khích lệ đối với chúng tôi.”
Đọc thêm: