Haiti, đảo quốc bị suy sụp bởi các trận động đất đang dần rơi vào tay các băng đảng tội phạm khoác áo chính trị, dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt đến các quốc gia láng giềng và sang Mỹ. Các băng đảng kiểm soát đến 2/3 lãnh thổ! Haiti còn là “Thủ đô bắt cóc người nước ngoài đòi tiền chuộc” của thế giới.
$17 triệu cho 17 người
Bộ trưởng Tư pháp Haiti vừa thông tin cho tờ The Wall Street Journal là băng đảng bắt cóc 17 người thuộc một nhóm nhà truyền giáo đến từ Mỹ và Canada vào ngày 16 Tháng Mười đã phát tín hiệu đòi $1 triệu tiền chuộc cho mỗi người! Tổng cộng là $17 triệu.
Bọn bắt cóc thuộc băng đảng 400 Mazowo khét tiếng chuyên sống nhờ bắt cóc đòi tiền chuộc mà trong các nạn nhân trước đó có một nhóm giáo sĩ Công giáo. Tất cả những người vừa bị bắt cóc đều là công dân Mỹ, trừ một người quốc tịch Canada làm việc cho nhóm truyền giáo phi lợi nhuận Christian Aids Ministries, trụ sở tại tiểu bang Ohio, Mỹ. Họ gồm năm đàn ông, bảy phụ nữ và năm trẻ em, đứa bé nhất mới hai tuổi.
Sứ mệnh đến Haiti lần này của nhóm là cung cấp chỗ ở, thức ăn và quần áo cho trẻ em Haiti bị ảnh hưởng bởi động đất. Họ bị bắt cóc khi đang trở về từ chuyến thăm một trại trẻ mồ côi. Xe buýt chở họ bị các thành viên băng đảng chặn lại trên một con đường chính ở thị trấn Ganthier, phía Đông thủ đô Port-au-Prince và bị đưa đi đến nơi không biết.
Ganthier nằm ở khu vực Croix-des-Bouquets do 400 Mazowo kiểm soát. Tờ Washington Post cho biết một người bị bắt cóc đã post tin nhắn lên ứng dụng WhatsApp kêu gọi giúp đỡ, nội dung “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi ! Chúng tôi và tài xế bị bắt làm con tin. Không biết họ đưa chúng tôi đi đâu!”.
Ngày 18 Tháng Mười, Toà Bạch Ốc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ và FBI đang tích cực hỗ trợ các cơ quan pháp luật Haiti điều tra vụ việc để sớm đưa những người bị bắt cóc trở về. Một cựu Giám đốc thực địa của cơ quan Viện trợ Cơ đốc giáo (Christian Aids Ministries) ở Haiti xác nhận những kẻ bắt cóc đã liên lạc với nhóm truyền giáo.
Dân biểu Adam Kinzinger thuộc Đảng Cộng Hòa tiểu bang Illinois, tin rằng chính phủ Mỹ nên thương lượng với những kẻ bắt cóc, nhưng không nên trả tiền chuộc. “Chúng ta cần biết chúng đang ở đâu và xem liệu các cuộc đàm phán không tiền chuộc có khả thi? – ông nói – Nếu cần, có thể dùng biện pháp quân sự hoặc cảnh sát”.
Haiti là một trong những quốc gia có tỷ lệ bắt cóc trẻ em cao nhất thế giới. Theo một tổ chức xã hội dân sự địa phương, năm nay đặc biệt tồi tệ với hơn 600 vụ bắt cóc ghi nhận được tính đến thời điểm này, so với 231 vụ của cùng kỳ năm ngoái. Giáo hội Công giáo Haiti mô tả tình hình giống như “sa hỏa ngục” khi các băng đảng thoải mái bắt bất cứ ai thuộc mọi tầng lớp xã hội, kể cả người nước ngoài.
Từ Tháng Bảy, đất nước Haiti rơi vào hỗn loạn hơn nữa sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse ngay tại nơi ở của ông. Hậu quả là xung đột tăng cao giữa các phe phái đối địch để giành quyền kiểm soát lãnh thổ, tận dụng sự yếu kém của lực lượng cảnh sát. Các băng đảng tội phạm hiện kiểm soát 2/3 diện tích đất nước. Chính phủ và cảnh sát đều không dám bén mảng đến cứ địa của chúng.
Theo các tổ chức nhân quyền và các nhà phân tích, thực trạng vô luật pháp không chỉ làm tan rã Haiti mà còn đe dọa sự ổn định của toàn khu vực. Vụ bắt cóc táo tợn nhóm truyền giáo giữa ban ngày là dấu hiệu mới nhất cho thấy các băng nhóm đã trở thành lãnh chúa giống như các lãnh chúa Somali và biến phần lớn đất nước với hơn 11 triệu dân thành “vùng cát cứ” của riêng chúng.
Quyền lực tăng của các băng đảng đã dẫn đến bất ổn và di cư hàng loạt. Chịu tác động mạnh nhất Cộng hòa Dominica, chung hòn đảo với Haiti và biên giới phía Nam nước Mỹ, một thách thức lớn cho Tổng thống Joe Biden. Eduardo Gamarra giảng dạy tại Đại học Quốc tế Florida, chuyên viên vùng Caribe, nhận định: “Các băng đảng Haiti chẳng khác gì các lãnh chúa phong kiến thời xưa. Chúng được trang bị vũ khí tốt hơn cảnh sát và đông hơn cảnh sát!”.
Đất nước của các băng đảng
Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Quốc gia (National Human Rights Defense Network), một tổ chức công dân chống tội phạm cho biết hiện Haiti có khoảng 100 băng đảng tham gia vào mọi hình thức tội ác, từ bắt cóc, buôn bán vũ khí đến buôn lậu.
Ngày 20 Tháng Mười, ba tổng thống của Cộng hòa Dominica, Panama và Costa Rica sẽ gặp nhau tại Panama để thảo luận về tình hình nguy hiểm ở Haiti. Trong một tuyên bố chung vào tháng trước tại Liên Hợp Quốc, ba quốc gia này cho biết họ vô cùng lo lắng trước làn sóng người Haiti chạy trốn khỏi đất nước. Sự gia tăng số vụ bắt cóc và các hành động tội ác khác đã khiến một liên minh vận tải phải tiến hành cuộc đình công trong ngày 18 Tháng Mười, phong tỏa đường xá, đóng cửa các trường học, ngân hàng và trung tâm mua sắm ở thủ đô Port-au-Prince để áp lực chính phủ cải thiện an ninh.
Trong những tháng gần đây, các băng đảng đã lấp đầy khoảng trống quyền lực để lại khi bất ổn chính trị sâu sắc sau vụ ám sát Tổng thống Moïse. Chúng thành lập liên minh G9 hùng mạnh dẫn đầu bởi Jimmy Cherizier, một cựu cảnh sát biệt danh “Bar Grill”.
Cherizier nằm trong danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ vì chịu trách nhiệm chính trong một cuộc tấn công năm 2018 vào khu ổ chuột La Saline, phá hủy 400 ngôi nhà và khiến ít nhất 71 người chết, cùng với các hành vi tàn bạo khác. Hắn cũng bị truy nã về tội giết người và một số tội danh khác tại Haiti. Nhưng với tư cách là người đứng đầu G-9, Cherizier được cho là người đàn ông quyền lực nhất thủ đô, kẻ có tham vọng chính trị thường phân phát thức ăn cho các cư dân khu ổ chuột để lấy lòng họ.
Ngày 17 Tháng Mười, Thủ tướng Ariel Henry chuẩn bị chủ trì buổi lễ tôn vinh người anh hùng độc lập của Haiti, Tướng Jean-Jacques Dessalines tại thủ đô Port-au-Prince nhân kỷ niệm ngày mất của ông thì xảy ra một loạt súng nổ khiến ông và đoàn tùy tùng phải chạy tìm nơi ẩn náu. Hình ảnh và video buổi lễ dang dở lan truyền trên mạng xã hội.
Ngay sau đó, Cherizier chiếm lĩnh hiện trường, mặc đồ vest trắng, cà vạt đen, quỳ xuống và đặt ba vòng hoa. Đối với nhiều người dân, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy ai mới là người thực sự nắm quyền lực tại Haiti. Các băng đảng thường khủng bố những khu dân cư nghèo bằng thảm sát, hãm hiếp và tống tiền.
Khoảng 20.000 người ở Port-au-Prince đã phải rời bỏ nhà cửa từ Tháng Sáu qua do bạo lực băng đảng. Các tuyến đường vận chuyển chính hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc cũng bị các băng đảng lập chốt, khiến thành phố thiếu nghiêm trọng nhiên liệu và thực phẩm.
Theo các nhà khoa học chính trị và các nhóm nhân quyền, các băng đảng đã có từ khá lâu ở Haiti, nơi chúng thường cấu kết với các đảng chính trị quyền lực và giới thượng lưu kinh tế. Nhưng sự thống trị của băng đảng tồi tệ hơn sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 khiến khoảng 200,000 người thiệt mạng và số người bỏ nước ta đi tăng.
Manuel Orozco, một chuyên gia về di cư và nguyên nhân di cư, nhận định: “Chính thảm họa thiên nhiên đã làm suy yếu các thể chế đến mức chính phủ không thể bảo vệ công dân và cung cấp các dịch vụ công cơ bản như an ninh cho họ”.
Hiện Orozco đang giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Di cư và Ổn định Kinh tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ. “Haiti thực tế rất giống Somalia, nơi sự thất bại của nhà nước đã giúp các tổ chức tội phạm hình thành chiếm lĩnh đường phố. Không có cơ quan thực thi pháp luật nào đủ sức đối chọi với chúng” – ông nói.
400 Mawozo tồn tại bằng nghề bắt cóc
400 Mawozo cũng là băng đảng mạnh (Mawozo trong tiếng Creole dùng chỉ người sống ở nông thôn). Thủ lĩnh băng này là Wilson Joseph, đang bị cảnh sát truy nã vì tội giết người và bắt cóc. Joseph (biệt danh là Lanmò 100 JOU, có nghĩa là “Người ta không bao giờ biết cái chết đến khi nào?”) luôn phủ nhận các tội danh. “Tôi biết cảnh sát của các người đang sợ hãi tôi, nhưng tốt hơn hết là các người nên làm giống họ!– y thách thức trong một video phát tán trên mạng vào tháng trước, vây quanh là những người cầm súng – Chúng tôi có đủ đạn để bắn trong một năm!”.
Trong những tháng gần đây, băng 400 Mawozo (kiểm soát một khu vực rộng lớn gồ ghề đầy bụi gai và bụi rậm và đa số thành viên là tội phạm từng có án) thích dùng bắt cóc như vũ khí kiếm tiền.
Linh mục Michel Briand, người Pháp, là một trong năm linh mục bị 400 Mazowo bắt cóc vào Tháng Tư, 2021 cho biết ông trải qua 11 ngày bị giam cầm trước khi được thả. Bọ bắt cóc ông di chuyển theo nhóm từ 10-15 người. Thường thì chúng thích chặn xe hơi, xe buýt để lấy điện thoại di động và tiền, không giữ hành khách, nhưng khi thấy có người nước ngoài chúng đã thay đổi kế hoạch và chuyển sang bắt cóc đòi tiền chuộc.
Linh mục Briand nhớ lại: “Sau một đêm ngủ ngoài trời trên bìa cứng, mắt bị dán chặt và tay bị trói, chúng tôi được đưa đến một chuồng hai ngăn dành cho thú vật, và sống ở đó 10 ngày. Trong năm ngày cuối bị giam chúng tôi được bốn, năm tên canh gác theo ca và được cho rất ít thức ăn. Sau đó mới có thêm bánh mì và súp và lời bảo đảm là ‘sẽ không có gì xảy ra với các bạn’. Lúc đó tôi nghĩ chắc chắn họ đã thương lượng xong và sắp nhận được tiền chuộc. Vì chúng tôi là người nước ngoài nên khoản tiền sẽ không nhỏ”.
Pierre Esperance, một nhà vận động nhân quyền hàng đầu ở Haiti nhận định: “Trong một thời gian dài, bọn bắt cóc chủ yếu nhắm vào các doanh nhân, bác sĩ và sinh viên. Nhưng trong những năm gần đây, mục tiêu đã thay đổi khi băng đảng 400 Mawozo xuất hiện. Nguy hiểm hơn là 400 Mawozo và hầu hết các băng đảng khác đều có cựu cảnh sát và cảnh sát đương nhiệm nằm trong ban lãnh đạo!”.
Mawozo 400 “khởi nghiệp” bằng cách trộm gia súc ở vùng nông thôn gần biên giới Cộng hòa Dominica rồi mở rộng sang Croix-des-Bouquets, một vùng ngoại ô phía Đông thủ đô để ăn trộm xe hơi trước khi chuyển sang bắt cóc lúc tình trạng hỗn loạn chính trị trầm trọng hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Moïse.
Một nhà hoạt động vì các nạn nhân bị bắt cóc nhận định: “400 Mawozo cố gắng hành động như một chính phủ tại lãnh thổ do nó kiểm soát, nguồn tiền của băng này chủ yếu đến từ bắt cóc và tống tiền các doanh nghiệp. Để lấy lòng dân địa phương, chúng xây cả trường học và đào giếng!”.
Louis-Henri Mars, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Lakou Lape, cho biết ông rất thất vọng khi chứng kiến 400 Mawozo thăng tiến nhanh từ trộm gia súc đến đưa chiến binh vào tận thủ đô, thiết lập các chốt chỉ huy trong các khu dân cư nghèo và bắt cóc mà không sợ bị trừng phạt. “Hành động của chúng chẳng khác gì phiến quân FARC buôn ma tuý ở Colombia hay Boko Haram ở Nigeria, hai băng đảng đội lốt chính trị tồn tại nhờ bắt cóc”.
(Theo The Wall Street Journal 10, 2021)