Hoàng gia Anh: 187 triệu bảng “giấu” trong những di chúc tuyệt mật

Ảnh: Suzanne Plunkett /WPA Pool/Getty Images

Nhiều thế hệ của gia đình Hoàng gia Anh đã che giấu thông tin chi tiết về tổng số tài sản trị giá hơn 180 triệu bảng Anh, thông qua loạt phán quyết đồng thuận của toà án cấp cao. Các tài sản nêu trong 33 bản di chúc được các thành viên (đã qua đời) trong gia đình Windsor soạn thảo suốt hơn một thế kỷ.

Hoàng gia Anh (ảnh: Chris Jackson/Getty Images)

Gia đình Hoàng gia có thể giữ bí mật nội dung của di chúc nhờ điều khoản miễn trừ đặc biệt trong một đạo luật vốn có nội dung yêu cầu các công dân Anh phải công khai di chúc sau khi chủ di chúc qua đời. Việc xem di chúc Hoàng gia là riêng tư đã cho phép gia đình Windsor tránh được sự tò mò công chúng về những loại tài sản, từ địa ốc, đồ trang sức quý giá đến tiền mặt được tích lũy bởi các thành viên Hoàng gia và cách chúng phân chia cho người thân, bạn bè… sau khi chủ di chúc qua đời.

Trong bài báo mới đây, tờ The Guardian cho biết họ có thể lần ra số tài sản khổng lồ này, và tính toán được quy mô tổng thể của khối tài sản nhờ giá trị của chúng được công bố trong sổ đăng ký công khai và hồ sơ chính phủ giải mật. Tính toán của The Guardian cho thấy những di chúc mật có tổng số tài sản qui ra giá trị hiện thời khoảng 187 triệu bảng Anh (khoảng $224.8 triệu). Tuy nhiên, vì chi tiết các di chúc vẫn còn bí mật, nên một số tài sản có thể có trong nhiều bản di chúc và được tính nhiều lần.

Nữ hoàng Elizabeth II (ảnh: Peter Summers/Getty Images)

Đứng đầu sự giàu có là Công tước xứ Fife, người kết hôn với Công chúa Louise, con gái Vua Edward VII. Khi công tước qua đời năm 1912, ông để lại khối tài sản tương đương 79 triệu bảng hiện nay. Chín bản di chúc có số tài sản trị giá từ 5 triệu đến 11.7 triệu bảng (tất cả tài sản trong bài đều qui ra thời giá hiện nay bằng cách sử dụng cách tính lạm phát của Ngân hàng Trung ương Anh) – gồm Công chúa Margaret, em gái của Nữ hoàng Elizabeth II, người đã để lại 11.5 triệu bảng Anh khi bà qua đời năm 2002.

Di chúc của nhiều thành viên Hoàng gia khác, trong đó có cả cháu nội của Nữ hoàng Victoria cũng được giữ bí mật. Một trong những họ hàng xa là một thành viên của Hoàng gia Đan Mạch, Hoàng tử George Valdemar Carl Axel, sinh ở Đan Mạch. Ông sống ở Anh và kết hôn với một nữ tử tước là họ hàng xa của gia đình Hoàng gia Anh. Di chúc của ông được niêm phong tại London sau khi ông qua đời năm 1986 trị giá 1.8 triệu bảng.

Quyết định giữ bí mật di chúc của các thành viên Hoàng gia Anh sẽ được đem ra xem xét lại trong một phiên tòa bắt đầu từ thứ Tư 20 Tháng Bảy. The Guardian từng đệ đơn phản đối việc loại truyền thông khỏi một phiên tòa năm ngoái “xử” di chúc của Công tước xứ Edinburgh nhưng cuối cùng đòi hỏi này của The Guardian vẫn không được đáp ứng, có nghĩa toà phán quyết di chúc vẫn được giữ bí mật.

Trong nhiều thập niên qua, các luật sư làm việc cho Hoàng gia Anh đã nhận được phán quyết pháp lý từ các thẩm phán tòa án cấp cao ưu ái cho phép bảo mật nội dung của các di chúc sau khi chủ nhân qua đời. Kể từ năm 1911, tất cả phiên tòa do các thẩm phán cấp cao chủ tọa với quyền cấp lệnh bảo mật đều được tổ chức sau những cánh cửa đóng kín. Quyền miễn trừ này đã gây tranh cãi, vì di chúc của dân thường luôn được công khai sau khi họ chết để bảo đảm chúng được thực hiện một cách chính xác theo nội dung di chúc và không xảy ra bất kỳ hành vi gian lận nào.

Từ thập niên 1800 đã có luật cấm công bố di chúc Hoàng gia. Trong hơn một thế kỷ sau đó, các thẩm phán toà án cấp cao được quyền ra phán quyết giữ bí mật di chúc cũng không cho công bố hồ sơ giải thích phán quyết của họ. Đến Tháng Chín 2021 mới có phán quyết đầu tiên được công khai, khi thẩm phán Andrew McFarlane của tòa án cấp cao, chủ tịch bộ phận gia tộc (the president of the family division), cho công bố phán quyết của mình với nội dung… “không nên công khai di chúc của Hoàng thân Philip”!

Theo ông Andrew McFarlane, di chúc của các thành viên Hoàng gia cấp cao nên được giữ bí mật vì làm thế là “cần thiết để “tăng cường bảo vệ cuộc sống riêng tư của ‘nhóm cá nhân đặc biệt’ này, để bảo vệ phẩm giá và vị thế họ nắm giữ, bảo vệ những người thân cận và các thành viên trong gia đình”. Các luật sư của Hoàng thân Philip cũng thành công với yêu cầu giữ bí mật về giá trị tài sản ghi trong di chúc của ông. Cũng như tất cả phiên điều trần khác, giới truyền thông không được tham dự, thậm chí không được phép đòi giải thích tại sao không được tham dự.

Trong cuộc chiến pháp lý sắp tới liên quan vấn đề truyền thông được cung cấp hay không những gì liên quan tài sản và di chúc Hoàng gia (được xem xét trong hai ngày), The Guardian nhấn mạnh đến tình trạng “tòa án cấp cao đã không trả lời câu hỏi rằng liệu báo chí có được phép tham dự phiên điều trần hay không” và “việc không cho phép giới truyền thông tham dự có vi phạm nguyên tắc công khai phiên toà di chúc của dân thường không”. Điện Buckingham từ chối trả lời. Người phát ngôn chỉ nói đơn giản: “Xử lý di chúc là việc của những người phụ trách thực thi di sản. Bất kỳ công dân Anh nào cũng có thể nộp đơn xin niêm phong di chúc”.

Đằng sau những cánh cửa đóng kín của Điện Buckingham luôn ẩn chứa nhiều bí mật cung đình tồn tại hàng thế kỷ (ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)

Thử lược qua những di chúc được niêm phong kín. Ngày chứng thực di chúc được công bố bởi chủ tịch bộ phận gia tộc của tòa án cấp cao (the president of the family division of the high court).

1.Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh. Không rõ ngày chứng thực. Gia đình ông không chỉ xin niêm phong di chúc mà còn giữ bí mật về giá trị tài sản của ông.

2.Nữ hoàng Elizabeth. Chứng thực di chúc ở London ngày 15 Tháng Tư, 2002. Bà là vợ của Vua George VI và là mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II. Hoàng gia quyết định không công bố giá trị tài sản sau khi bà qua đời.

3.Công chúa Margaret. Công chúa Margaret là Nữ bá tước Snowdon. Chứng thực di chúc ở London ngày 24 Tháng Sáu, 2002. Bà là con gái út của Vua George VI và Nữ hoàng Elizabeth và là em của Elizabeth II. Gia đình bà đã công bố giá trị tài sản của bà: 11.5 triệu bảng Anh.

4.Hoàng tử George Valdemar Carl Axel của Đan Mạch. Chứng thực di chúc ở London ngày 20 Tháng Năm, 1987. Là em họ thứ hai của Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, ông sống ở Anh một thời gian và kết hôn với một nữ tử tước họ hàng xa của gia đình Hoàng gia Anh. Giá trị bất động sản: 1.8 triệu bảng.

5.Công chúa Alice Mary Victoria Augusta Pauline, Nữ bá tước xứ Athlone. Chứng thực di chúc ở London ngày 30 Tháng Sáu, 1981. Bà là cháu cuối cùng còn sống của Nữ hoàng Victoria. Giá trị bất động sản: 567.100 bảng.

6.Louis Francis Albert Victor Nicholas, Bá tước Mountbatten của Miến Điện (Earl Mountbatten of Burma). Chứng thực di chúc ở London ngày 27 Tháng Hai, 1980. Ông là bác của Hoàng thân Philip và là phó vương cuối cùng của Ấn Độ. Giá trị bất động sản: 7.6 triệu bảng

7.Hoàng tử Henry William Frederick Albert, Công tước xứ Gloucester. Ông là con trai thứ ba của Vua George V và từng là toàn quyền Úc thập niên 1940. Chứng thực di chúc ở London ngày 9 Tháng Chín, 1974. Giá trị bất động sản: 5.6 triệu bảng.

8.Quý bà (Lady) Victoria Patricia Helena Elizabeth Ramsay, Công chúa Patricia của Connaught. Bà là con thứ ba và là con út của Hoàng tử Arthur, Công tước xứ Connaught, con trai thứ ba của Nữ hoàng Victoria. Năm 1919, bà từ bỏ địa vị hoàng gia khi kết hôn với một thường dân. Chứng thực di chúc ở London ngày 17 Tháng Tư, 1974. Giá trị bất động sản: 7 triệu bảng.

9.Công tước Windsor. Ông kế vị ngai vàng vào Tháng Một, 1936 và thoái vị vào Tháng Mười Hai, 1936 để kết hôn với bà Wallis Simpson. Sau đó, họ sống ở nước ngoài và tích lũy hàng triệu đôla. Giá trị bất động sản ở Anh và xứ Wales: 75,000 bảng.

10.Hoàng tử William xứ Gloucester. Chứng thực di chúc ở Luân Đôn ngày 24 Tháng Mười, 1972. Chết trong một vụ tai nạn máy bay ở tuổi 30; ông là cháu trai của George V và là em họ của Elizabeth II. Giá trị bất động sản: 3.9 triệu bảng.

11.Princess Marina. Bà trở thành Nữ công tước xứ Kent vào Tháng Mười Một, 1934 sau cuộc hôn nhân với Hoàng tử George, Công tước xứ Kent, con trai thứ tư của Vua George V. Chứng thực di chúc ở Luân Đôn ngày 11 Tháng Mười, 1968. Giá trị bất động sản: 940,600 bảng.

12.Công chúa Victoria Alexandra Alice Mary. Bà là con gái của Vua George V và Nữ hoàng Mary xứ Teck. Chứng thực di chúc ở London ngày 22 Tháng Mười Hai, 1965. Giá trị bất động sản: 4.7 triệu bảng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: