Kết thúc bi thảm của nhà thám hiểm lừng danh Hamish Harding

Ông Hamish Harding (ảnh: Victoria Sirakova/Getty Images)

Trong cuộc họp báo chiều 22 Tháng Sáu 2023, Phó Đề đốc lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ John Mauger đã chính thức loan báo toàn bộ năm người kém may mắn trong chiếc tàu ngầm mini Titan lặn tham quan xác con tàu lịch sử Titanic đã thiệt mạng, trong đó có nhà thám hiểm lừng danh Hamish Harding.

Là người sáng lập và chủ tịch Action Aviation, một công ty mua và bán máy bay có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hamish Harding – 58 tuổi – cũng là chủ tịch phân hội Trung Đông của Câu lạc bộ những người thám hiểm (Explorers Club). Nhiều năm nay, Hamish Harding nổi tiếng thế giới với những kỳ tích thám hiểm mà những người có khả năng thực hiện trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trang cá nhân của Hamish Harding đầy những bức ảnh về máy bay, tên lửa, tàu và đặc biệt những chuyến phiêu lưu có một không hai của ông.

Một trong những chuyến thám hiểm nổi tiếng nhất của Hamish Harding là lần lặn xuống Challenger Deep năm 2021. Ở độ sâu gần 36,000 feet bên dưới Tây Thái Bình Dương, sâu hơn cả độ cao của đỉnh Everest, Challenger Deep là một thử thách mà khi xuống đó gần như khó có thể toàn mạng và sống sót trở về. Sâu gần gấp ba so với địa điểm xác tàu Titanic, Hamish Harding mất 4 giờ 15 phút để đến Challenger Deep. Lần đó, Hamish Harding cùng đi với nhà thám hiểm người Mỹ Victor Vescovo. Kỳ tích này được ghi nhận trong Guinness World Records (kỷ lục khoảng cách dài nhất vượt xuống độ sâu đại dương và kỷ lục thời gian dài nhất cho một lần lặn).

Tờ Esquire Middle East ghi nhận, thời điểm đó, thế giới chỉ có 18 người mạo hiểm bén mảng xuống đáy Challenger Deep, so với 24 phi hành gia bay quanh quỹ đạo Trái đất hoặc hạ cánh xuống Mặt trăng; và hàng ngàn người đã thành công leo lên đỉnh Everest. Dĩ nhiên Hamish Harding ý thức được mức độ rủi ro sinh tử của chuyến thám hiểm. “Nếu có gì không ổn, bạn sẽ không thể trở về” – ông nói với tạp chí The Week của Ấn Độ.

Là một phi công được cấp phép điều khiển máy bay phản lực thương gia lẫn máy bay chở khách, Harding mở dịch vụ máy bay thương gia đầu tiên đến Nam Cực vào năm 2017, với sự hợp tác của hãng lữ hành hạng sang White Desert. Năm 2016, Hamish Harding cùng với Buzz Aldrin, phi hành gia phi thuyền Apollo 11, bay đến Nam Cực. Lúc đó, ở tuổi 86, Aldrin trở thành người lớn tuổi nhất đặt chân đến Nam Cực.

Bốn năm sau, Harding thực hiện hành trình tương tự với con trai mình là Giles. Cậu bé 12 tuổi trở thành người trẻ nhất đạt được kỳ tích này. Năm 2019, Harding khởi động một chuyến thám hiểm lập kỷ lục nữa, với Terry Virts – cựu phi hành gia và là cựu chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế. Hai người thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới nhanh nhất qua Bắc lẫn Nam Cực trên chiếc máy bay Gulfstream G650ER.

Hết xuống đáy đại dương, Hamish Harding lại muốn lên trời. Tháng Sáu 2022, ông trải nghiệm cảm giác phi hành gia, khi bay lên khoảng 60 dặm trên tàu New Shepard của công ty du lịch vũ trụ Blue Origin thuộc sở hữu Jeff Bezos. Trong một cuộc phỏng vấn BBC, Terry Virts nói, Hamish Harding là nhà thám hiểm chứ không phải là người thích tìm cảm giác mạnh.

Hamish Harding cũng nói về mình: “Là một nhà thám hiểm và chỉ là nhà thám hiểm, tôi muốn chuyến thám hiểm đóng góp vào kiến thức và sự hiểu biết chung của chúng ta về hành tinh Trái đất”; và rằng về việc thu thập các mẫu vật từ đáy đại dương “có thể chứa các dạng sống mới và thậm chí có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về cách mà sự sống trên hành tinh của chúng ta bắt đầu như thế nào”; và “trong khi tìm kiếm các dấu hiệu ô nhiễm do con người gây ra trong môi trường xa xôi này, chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ các nỗ lực khoa học để bảo vệ những đại dương giúp chúng có thể phát triển trong nhiều thiên niên kỷ tới.”

Sinh ngày 24 Tháng Sáu 1964 tại Hammersmith, Luân Đôn, Hamish Harding luôn bị bầu trời thu hút. Khi tàu Apollo hạ cánh xuống Mặt trăng, Hamish Harding mới 5 tuổi. “Tôi nhớ rất rõ đã xem sự kiện này trên một chiếc TV đen trắng cũ ở Hong Kong cùng với bố mẹ. Sự kiện này đã tạo nên giai điệu cho cuộc đời tôi theo một cách nào đó. Chúng tôi cảm thấy mọi thứ đều có thể xảy ra sau sự kiện này, và chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng ngày nào đó chắc chắn sẽ có những chuyến du lịch trọn gói lên Mặt trăng”…

Năm 13 tuổi, Hamish Harding trở thành thiếu sinh quân Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, lái máy bay huấn luyện Chipmunk. Ông lấy bằng phi công năm 1985 khi đang là sinh viên Đại học Cambridge, nơi ông theo học kỹ thuật hóa học và khoa học tự nhiên. Những năm 1990, Hamish Harding xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trở thành giám đốc điều hành Logica India, công ty có trụ sở tại Bangalore. Ông sử dụng tiền kiếm được để thành lập Action Group, một công ty đầu tư tư nhân, vào năm 1999. Năm 2002, ông thành lập Action Aviation.

Trong một cuộc phỏng vấn với Business Aviation, Hamish Harding cho biết chuyến lặn Titanic dự kiến vào Tháng Sáu 2022 nhưng bị trì hoãn vì “tàu lặn không may bị hư hại trong lần lặn trước đó”. Mùa Hè năm đó, ông leo núi Kilimanjaro ở Tanzania cùng với 20 thành viên gia đình và bạn bè…

Thật không may cho ông, như những người trong nhóm thám hiểm trong chiếc Titan, chuyến tham quan xác tàu Titanic cuối cùng cũng được thực hiện như họ trông chờ nhưng nó lại đưa họ ra đi mãi mãi, không có ngày về.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: