Quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ ở Mỹ hôm thứ Bảy là một phần trong chương trình gián điệp toàn cầu của Bắc Kinh nhằm thu thập thông tin về khả năng quân sự của các quốc gia trên thế giới và Hoa Kỳ đã bắt đầu thông tin cho các đồng minh và đối tác bị coi là mục tiêu do thám của quân đội Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo vào hôm nay thứ Tư 8 tháng Hai 2023, Chuẩn tướng Patrick S. Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong vài năm qua, khinh khí cầu Trung Quốc đã được phát hiện hoạt động trên khắp Châu Mỹ Latinh, Trung Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và Châu Âu. Theo một quan chức quốc phòng cao cấp, các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines – những quốc gia đang có va chạm với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ – được Bắc Kinh đặc biệt chú ý và đã thả khinh khí cầu bay vào không phận.
Tại Hoa Kỳ, người ta đã quan sát thấy ít nhất năm khinh khí cầu do thám — ba dưới thời chính quyền Trump và hai dưới thời chính quyền Biden, xuất hiện ở Hawaii, Florida, Texas và Guam.
Trong một cuộc họp báo khác vào hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Antony J. Blinken cho biết Bộ Ngoại giao đã chia sẻ thông tin về chương trình khinh khí cầu do thám với hàng chục quốc gia. Hôm thứ Hai 6 tháng Hai, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã chủ trì một cuộc họp về hoạt động gián điệp khinh khí cầu của Trung Quốc cho khoảng 150 người từ khoảng 40 đại sứ quán nước ngoài và Bộ cũng đã gửi cho mọi Đại sứ quán Hoa Kỳ một “thông tin chi tiết” về hoạt động gián điệp có thể được chia sẻ với các đồng minh và đối tác.
“Chúng tôi làm như vậy vì Hoa Kỳ không phải là mục tiêu duy nhất của chương trình do thám rộng lớn này mà do họ đã vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên khắp các châu lục”, ông Blinken nói, theo The New York Times (NYT). Bà Wendy Sherman cũng sẽ ra báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày mai thứ Năm.
Báo The Washington Post (WP) dẫn lời các quan chức cao cấp nói rằng chương trình khinh khí cầu do thám đã hoạt động nhiều năm, do lực lượng không quân của quân đội Trung Quốc (PLA) vận hành từ đảo Hải Nam ngoài ở phía nam của Trung Quốc. “Những gì người Trung Quốc đang làm là sử dụng một công nghệ cũ đến khó tin, kết hợp với khả năng quan sát và liên lạc hiện đại để cố gắng thu thập thông tin tình báo về quân đội của các quốc gia khác. Đó là một nỗ lực to lớn,” một quan chức nói với WP.
Phần lớn các hoạt động theo dõi tầm xa của Trung Quốc được thực hiện bằng hệ thống vệ tinh quân sự đang mở rộng của nước này, nhưng các nhà hoạch định PLA vẫn tìm cơ hội giám sát từ tầng khí quyển phía trên độ cao mà phi cơ thương mại thường bay, sử dụng khinh khí cầu bay cao từ 60,000 đến 80,000 feet (18,000-20,000 mét) hoặc cao hơn với tốc độ chỉ 30-60 dặm mỗi giờ.
Một quan chức Mỹ cho biết các nhà phân tích vẫn chưa biết quy mô của đội khinh khí cầu Trung Quốc nhưng chúng đã thực hiện hàng chục phi vụ kể từ năm 2018. PLA tận dụng công nghệ do một công ty tư nhân Trung Quốc cung cấp để dễ ngụy trang thành một hoạt động nghiên cứu của tư nhân.
Vị quan chức này thẳng thừng bác bỏ khẳng định của Trung Quốc rằng khí cầu di chuyển qua lãnh thổ Hoa Kỳ tuần trước là một quả bóng khí tượng bị thổi lệch hướng. “Điều này là sai. Đây là một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc cố ý bay qua Hoa Kỳ và Canada có mục đích. Và chúng tôi tin rằng nó đang tìm cách giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm”.
Một số nhà bình luận coi nhẹ nỗ lực của Trung Quốc vì cho rằng khí cầu không phải là nền tảng công nghệ cao.
Nhưng các chuyên gia tình báo nhận định, các quả khí cầu có một số lợi thế so với các vệ tinh trinh sát thông thường. Chúng bay gần mặt đất hơn và trôi theo các luồng gió nên khó dự đoán được chuyển động của chúng trong khi các vệ tinh bay cao hơn rất nhiều và theo quỹ đạo cố định. Chúng có thể tránh được radar. Chúng cũng có thể lảng vảng trên các khu vực một thời gian dài trong khi các vệ tinh thường chuyển động liên tục. Những chiếc máy ảnh đơn giản trên khinh khí cầu chụp được hình ảnh rõ ràng hơn so với máy ảnh trên vệ tinh quỹ đạo; đồng thời chúng có thể thu những tín hiệu kỹ thuật số không vươn đến độ cao của vệ tinh.
Đại học Công nghệ Quốc phòng quốc gia Trung Quốc có một nhóm các nhà nghiên cứu chuyên nghiên cứu những tiến bộ trong công nghệ khinh khí cầu. Và ngay từ năm 2020, nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân, tờ báo chính của quân đội Trung Quốc, đã đăng một bài báo mô tả không gian gần “đã trở thành một chiến trường mới trong chiến tranh hiện đại như thế nào”. Một bài báo trên tờ báo vào năm 2021 cho biết: Khinh khí cầu là “con mắt đắc lực trên bầu trời để bao quát các mục tiêu ở độ cao thấp và trên mặt nước.”
Những quả khí cầu có thể giúp lấp đầy những khoảng trống trong mạng lưới vệ tinh tình báo và giám sát của Trung Quốc. Ông John K. Culver, cựu sĩ quan tình báo cấp cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), hiện là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết thông tin mà khí cầu thu thập có thể bao gồm dữ liệu về điều kiện khí quyển và cả thông tin liên lạc của các đơn vị quân đội trên mặt đất mà họ không thể thu thập từ ngoài vũ trụ. “Dữ liệu do khinh khí cầu bay qua Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở Tây Thái Bình Dương thu thập được có thể có giá trị đối với lực lượng tên lửa Trung Quốc, giúp mở rộng và nâng cao hiểu biết của họ về các mục tiêu cũng như về điều kiện khí quyển,” ông Culver viết trong một email trả lời các câu hỏi của NYT.
Các cơ quan tình báo trong chính quyền Biden đã hiểu biết sâu sắc hơn về phạm vi và quy mô của nỗ lực khinh khí cầu do thám Trung Quốc do quả khinh khí cầu bay qua nước Mỹ suốt tuần qua đã cho họ một thời gian dài để nghiên cứu khả năng của các thiết bị giám sát gắn trong nó. “Tuần trước đã mang đến cho Hoa Kỳ cơ hội duy nhất để tìm hiểu chương trình khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc, tất cả thông tin sẽ giúp chúng tôi tiếp tục tăng cường khả năng theo dõi các loại vật thể này,” tướng Ryder nói.
Trước khi xảy ra sự kiện tuần trước, Hoa Kỳ đã theo dõi các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trong không phận của hơn chục quốc gia trên thế giới. Một số nỗ lực của Trung Quốc dường như tập trung vào khu vực Thái Bình Dương, vào các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Các nhà ngoại giao Mỹ ở khu vực này đã tổ chức các cuộc họp để thông báo cho các chính phủ nước sở tại về chương trình do thám này.
Hành động mới của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ chi tiết về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc cho các chính phủ khác là nhằm giúp cho các đồng minh và đối tác nhận thức được mức độ nỗ lực do thám trên không và hành vi vi phạm chủ quyền không phận của nhiều quốc gia của Trung Quốc để họ có thể đẩy lùi các nỗ lực của Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư, ông Blinken cũng đã thảo luận về các hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc với ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong một cuộc họp ở Washington. Tại cuộc họp báo chung, ông Stoltenberg đã liệt kê các vấn đề chiến lược với Trung Quốc, bao gồm cả sự hiếu chiến của nước này đối với Đài Loan và quan hệ đối tác với Nga. “Các đồng minh của NATO có những lo ngại thực sự”, ông nói.
Khi được phóng viên hỏi về khẳng định của chính phủ Mỹ rằng Trung Quốc đã gửi một hoặc nhiều khinh khí cầu gián điệp qua châu Âu, ông Stoltenberg nhận xét: “Khinh khí cầu Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ phơi bày một kiểu hành vi của Trung Quốc. Và chúng tôi cũng đã thấy các hoạt động tình báo của Trung Quốc gia tăng ở châu Âu, sử dụng các nền tảng khác nhau. Họ sử dụng vệ tinh, họ sử dụng mạng internet, và như chúng ta đã thấy ở Hoa Kỳ, cả khinh khí cầu nữa.”
Một nguồn tin của WP cho biết Trung Quốc bị bất ngờ khi Ngoại trưởng Blinken hủy bỏ chuyến đi thăm Trung Quốc sau tuyên bố phản đối việc Trung Quốc thả khinh khí cầu do thám vào nội địa nước Mỹ là “hành động vô trách nhiệm”. Bề ngoài, Trung Quốc lên án việc Mỹ bắn hạ quả khí cầu là “hành động quá đáng” và dọa sẽ có biện pháp trả đũa, nhưng các nguồn tin nội bộ tiết lộ, từ khi quả cầu bị bắn hạ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên lạc với các nước láng giềng, yêu cầu để mở các kênh liên lạc đề phòng khủng hoảng lan rộng – một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bối rối và đang cố dập tắt dư luận chung quanh sự bại lộ xấu hổ của họ.
Đọc thêm: