Khi Mỹ và Trung Quốc “thượng đài” trên Mặt trăng

Giám đốc NASA Bill Nelson (trái) với buổi họp báo trước một sứ mạng NASA vào cuối Tháng Tám 2023 trong khuôn khổ chương trình “Launch America” (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Chinh phục Hằng Nga chưa từng là vấn đề của “khoa học lãng mạn”. Nó luôn là vấn đề chính trị và cạnh tranh chính trị. Thời Chiến tranh lạnh, Mặt trăng là mục tiêu chính trị của Mỹ và Liên Xô. Bây giờ, nó là chiến trường giữa Washington và Bắc Kinh.

Nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ chương trình không gian kể từ khi Mỹ cấm họ hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) vào năm 2011 vì lý do an ninh.

Sau loạt thành công những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu đặt mục tiêu xây dựng căn cứ lâu dài trên Mặt trăng vào khoảng cuối thập niên này. Hai năm trước, Trung Quốc cho biết cùng Nga xây dựng căn cứ trên Mặt trăng và mời các quốc gia quan tâm khác tham gia.

Tuy nhiên, Nga – cường quốc không gian một thời – đang lụn bại điêu tàn. Tháng Tám 2023, một tàu đổ bộ của Nga đã bị rơi trong sứ mệnh lên Mặt trăng đầu tiên của nước này kể từ Luna-24 năm 1976, một bước thụt lùi nữa đối với nỗ lực của Moscow nhằm ráng gượng chứng tỏ họ vẫn là một thế lực trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Yury Borisov, tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga, Roscosmos, cho biết “kinh nghiệm quý giá mà những người tiền nhiệm của chúng tôi có được trong những năm 1960-1970 gần như đã bị mất”. Lý do chính ở đây là sự mất kết nối giữa các thế hệ.

Trong khi đó, thành tựu công nghệ của Trung Quốc trong không gian bắt đầu vượt xa Nga. Họ đã hạ cánh một chiếc xe thám hiểm lên sao Hỏa trong lần thử đầu tiên vào năm 2021. Liên Xô đã hạ cánh một chiếc xe thám hiểm vào năm 1971 sau nhiều lần thất bại nhưng chiếc xe này gần như bị hỏng ngay sau đó. Cuộc chiến Ukraine đã làm xáo trộn thêm mối quan hệ đối tác không gian của Nga. Đặc biệt, một số công ty và cơ quan châu Âu đã ngừng hợp tác với Roscosmos. Chương trình ExoMars hợp tác giữa châu Âu và Nga đã bị hủy bỏ vào năm 2022 ngay sau cuộc xâm lược Ukraine của Kremlin.

Hỏa tiễn Soyuz phóng Luna-25 lên Mặt trăng ngày 11 Tháng Tám 2023 và sau đó Luna-25 trở thành một sứ mạng thất bại (Xinhua via Getty Images)

Trong cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai đều đang lôi kéo đồng minh. Với Washington, đó là Hiệp định Artemis, với việc ràng buộc Hoa Kỳ cùng 27 quốc gia khác cùng hợp tác, đưa ra khuôn khổ và qui định mới cho việc khám phá Mặt trăng, sao Hỏa và các thiên thể khác. Chương trình Artemis dự kiến đưa con người quay trở lại Mặt trăng vào năm 2025 và thiết lập sự hiện diện lâu dài trên ngôi nhà của Hằng Nga.

Trung Quốc đã phản đối Artemis, gọi đây là nỗ lực nhằm cản trở Trung Quốc; và Bắc Kinh đồng thời đặt ra các quy tắc riêng cho lợi ích của họ. Trong một bài báo năm 2020, tờ Hoàn Cầu thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ trích chính sách “Chiến tranh Lạnh” của Washington khi bằng mọi giá “đì” các đối thủ không gian khác.

Namrata Goswami, đồng tác giả cuốn “Scramble for the Skies: The Great Power Competition to Control the Resources of Outer Space”, nhận định: “Mối quan hệ không gian giữa hai cường quốc toàn cầu ngày càng trở nên băng giá hơn”. Bà lưu ý rằng chính quyền Biden đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và công nghệ vệ tinh nhạy cảm sang Trung Quốc.

Bị luật năm 2011 cấm gửi phi hành gia đến Trạm không gian quốc tế (ISS), nơi đã tiếp đón hơn 200 phi hành gia từ hơn một chục quốc gia, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ riêng, đồng thời không ngừng lôi kéo đồng minh vì họ ý thức rõ trong cuộc chơi này, bản thân họ không thể tự mình địch lại đối thủ quá mạnh là Mỹ. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều quốc gia đầu tư vào các chương trình riêng thì việc hợp tác vẫn mang tính biểu tượng, ít nhất ở thời điểm này.

Màn hình cho thấy cảnh S. Somanath, chủ tịch Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ, được chúc mừng sau vụ phóng Aditya-L1 thành công ngày 2 Tháng Chín 2023, trong sứ mạng nghiên cứu Mặt trời (ảnh: Abhishek Chinnappa/Getty Images)

Ấn Độ đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc vào tháng trước khi trở thành quốc gia thứ tư đạt được mục tiêu hạ cánh có kiểm soát lên Mặt trăng. Ngày 23 Tháng Tám, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa thiết bị đến được cực Nam Mặt trăng, ba ngày sau khi tàu vũ trụ Nga bị rơi ở cùng khu vực. Vài giờ trước khi cột mốc thành công không gian này, Thủ tướng Narendra Modi đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh BRICS để đưa ra ý tưởng về Hiệp hội Thám hiểm Không gian BRICS. Ấn Độ thực hiện chương trình thám hiểm Mặt trăng của họ với ngân sách tương đối eo hẹp $74 triệu, thậm chí rẻ hơn nhiều so với ngân sách sản xuất bộ phim khoa học viễn tưởng “Interstellar” của Hollywood.

Christopher Newman, giáo sư về chính sách và luật vũ trụ tại Đại học Northumbria của Vương quốc Anh, nhận định: “Sẽ rất khó để các quốc gia có thể đặt chân vào cả hai phe”. Newman cho biết, mặc dù có thể có một số nhóm châu Âu hợp tác với Trung Quốc, nhưng rất khó để hình dung họ có thể cùng nhau thực hiện các dự án quy mô lớn, trừ khi quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện. Năm 2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò ở phía xa của Mặt trăng, đồng thời lên kế hoạch cho nhiều sứ mệnh Mặt trăng để lấy mẫu, tìm kiếm nước ở cực Nam và đưa phi hành gia lên Chị Hằng.

Hiện Trung Quốc đã lôi kéo được những ai? Các thành viên của Tổ chức Hợp tác Không gian Châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở tại Bắc Kinh – gồm Mông Cổ, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan – đã ký thỏa thuận tham gia cùng Trung Quốc. Venezuela chính thức đăng ký vào Tháng Bảy. Tổ chức Hợp tác Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế do Trung Quốc chủ xị đặt mục tiêu hoàn tất việc ký kết thỏa thuận với các cơ quan vũ trụ trong Tổ chức Hợp tác Không gian Châu Á – Thái Bình Dương vào Tháng Mười. Nhiều quốc gia trong số này bản thân họ cũng có các chương trình không gian chủ yếu tập trung vào công nghệ quan sát Trái đất và giám sát mặt đất.

Tàu Thần Châu 16 của Trung Quốc trong vụ phóng ngày 30 Tháng Năm 2023 (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Cuộc cạnh tranh không gian nói chung đang thu hút nhiều tay chơi. Hiện có hơn 70 quốc gia đang hoạt động và hợp tác trong lĩnh vực không gian. Liên minh châu Phi đã thành lập một cơ quan vũ trụ của họ trong năm nay. Saudi Arabia triển khai chương trình đào tạo phi hành gia vào Tháng Chín 2022. Chương trình không gian non trẻ của Thái Lan đang tăng cường năng lực xây dựng vệ tinh. Tàu thăm dò Sứ mệnh Sao Hỏa của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn đang giám sát các dữ liệu thu thập được và quốc gia vùng Vịnh này cho biết họ muốn tiếp cận vành đai tiểu hành tinh.

Tại Mỹ, các công ty tư nhân nhỏ hơn đang cạnh tranh để tạo dựng tên tuổi, bên cạnh cuộc so găng giữa hai tỉ phú Elon Musk và Jeff Bezos. Trong số doanh nghiệp đang nổi, có Astrobotic Technology, một công ty chuyên nghề “chở hàng” lên Mặt trăng có trụ sở tại Pittsburgh. Trả cho họ $1.2 triệu, họ sẽ giúp bạn đưa một kilogram hàng hóa lên Mặt trăng. Cơ quan Vũ trụ Mexico đã thuê Astrobotic Technology giúp đưa lên Chị Hằng năm robot nhỏ. Mexico đang ôm tham vọng trở thành quốc gia Mỹ Latin đầu tiên thực hiện cuộc đổ bộ lên Mặt trăng.

Tất nhiên số một vẫn là Mỹ. Năm 2021, ngân sách không gian của Hoa Kỳ là khoảng $59.8 tỷ. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào công nghệ vũ trụ và tên lửa trong thập niên qua và tăng gấp đôi chi tiêu trong 5 năm qua. Nhưng với ngân sách ước tính $16.18 tỷ vào năm 2021, nước này vẫn chi chưa đến 1/3 ngân sách Hoa Kỳ. Mỹ cũng dẫn đầu đáng kể về số lượng vệ tinh đang hoạt động. Hiện tại, có tổng cộng 5,465 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo quanh Trái đất. Hoa Kỳ vận hành 3,433 – tức 63% trong số đó. Trung Quốc có 541.

Mỹ cũng có nhiều sân bay vũ trụ hoạt động hơn Trung Quốc. Với bảy địa điểm phóng đang hoạt động trong và ngoài nước cũng như ít nhất 13 sân bay vũ trụ bổ sung đang được phát triển, Mỹ có nhiều lựa chọn hơn để phóng đủ kiểu tàu không gian lớn nhỏ lên các quỹ đạo khác nhau. Trung Quốc chỉ có bốn sân bay vũ trụ đang hoạt động và hai sân bay nữa được lên kế hoạch.

Người Mỹ không chủ quan. Họ luôn cảnh giác Trung Quốc. Trong bài báo đăng Tháng Tư 2023, tờ The Conversation cho biết, năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện 55 lần phóng vào quỹ đạo, nhiều hơn bốn lần so với Mỹ. Phần lớn các vụ phóng của Trung Quốc – 84% – mang theo vũ khí, chủ yếu dành cho tình báo điện tử và hình ảnh quang học. Trong khi đó, với Mỹ, 61% số lần phóng đều có mục đích phi quân sự, học thuật hoặc thương mại, chủ yếu là để quan sát Trái đất hoặc phục vụ viễn thông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: