Khi nào Putin chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine?

Share:
Binh sĩ Ukraine dùng chân dung của Vladimir Putin làm mục tiêu tập bắn trong một cuộc huấn luyện quân sự dã chiến vào ngày 20 Tháng Năm năm 2022 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Oleksii Samsonov/Global Images Ukraine via Getty Images

Cách đây ba ngày, hình ảnh cuộc gặp gỡ thân mật giữa Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, và Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy tại Washington, D.C. được người dân khắp nơi hào hứng theo dõi. Tuy nhiên, dường như chỉ một người duy nhất là đối tượng mà cả hai vị tổng thống muốn gửi thông điệp tới – đó là nhà lãnh đạo tối cao Nga, Vladimir Putin. Thông điệp mà Tổng thống Biden muốn gửi đến Putin là sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ cho Ukraine, đồng thời công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá $1.85 tỷ, bao gồm hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Hoa Kỳ. Về phía Tổng thống Ukraine, Zelenskyy, ông muốn cho Putin thấy quyết tâm kiên cường và thái độ lạc quan, đầy hy vọng của toàn dân Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ của nước này.

Tổng Thống Joe Biden và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cùng đi bộ dọc hành lang Toà Bạch Ốc. Ảnh: Alex Wong/Getty Images

Sau cuộc gặp được đánh giá là thành công giữa hai nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Ukraine, Tổng thống Putin đã lần đầu gọi cuộc xâm lược Ukraine là một ‘cuộc chiến‘ (war) trong buổi họp báo ở thủ đô Moscow hôm thứ Năm. Kể từ khi bắt đầu xua quân tấn công toàn diện Ukraine vào cuối Tháng Hai năm 2022, ông Putin đã liên tục gọi cuộc xâm lược này là ‘một hoạt động quân sự đặc biệt’, không phải là một cuộc chiến tranh. Putin còn cho biết ông muốn chấm dứt cuộc chiến và cần đến một giải pháp ngoại giao.

Hoa Kỳ nhanh chóng nghi ngờ về tuyên bố này, khi Putin đã nói việc Hoa Kỳ cung cấp tài chính và quân sự cho Ukraine sẽ không ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu của mình. Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, ông John Kirby, cho biết Putin không thực tâm đàm phán chấm dứt chiến tranh: “Tất cả mọi thứ Putin đang làm đều chứng tỏ một người muốn tiếp tục gây bạo lực cho người dân Ukraine” “leo thang cuộc chiến.”

Putin đang thất bại

Putin chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng mục tiêu chiến lược khi xâm chiến Ukraine vào cuối Tháng Hai năm 2022. Thế giới chỉ biết rằng một mục tiêu chính của Putin là để ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – North Atlantic Treaty Organization). Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Putin đã khiến các nước trong khối NATO ngày càng đoàn kết hơn, với việc Phần Lan và Thụy Điển dứt khoát đăng ký gia nhập khối liên minh quân sự.

Tính tới thời điểm này, quân đội Nga đang thất bại thảm hại trong cuộc xâm lược Ukraine, mặc dù có ưu thế vượt trội về quân số. Các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng người Nga đã phải chịu thương vong hơn 100,000 người chết hoặc bị thương. Tinh thần và ý chí tập thể của những người lính Nga ở Ukraine nói riêng và của quân đội Nga nói chung đã suy giảm trầm trọng. Một phần đáng kể lãnh thổ của Ukraine mà Putin đã chiếm được trong trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược đã được quân đội Ukraine giành lại.

Toà nhà bốc cháy do pháo kích của Nga ở trung tâm Bakhmut, Ukraine 23 Tháng Mười Hai, 2022. Ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images

Đây không phải là lần đầu tiên Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng Ukraine và các đồng minh nghi ngờ đây là một âm mưu nhằm kéo dài thời gian sau hàng loạt thất bại của Nga, khiến sĩ khí của quân đội Nga giảm sút theo hướng có lợi cho Ukraine.

Có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự thành công đáng kể của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, nguyên nhân chiến lược giúp Ukraine kiên cường đánh bại quân đội Putin là nhờ sự trợ cấp khổng lồ bao gồm: vũ khí, đạn dược, tình báo, và đạo tạo cao cấp của Hoa Kỳ và liên minh NATO. Hoa Kỳ hiện là nhà viện trợ lớn nhất cho Ukraine, chỉ tính riêng trong năm 2022, là gần $50 tỉ. Quân đội Ukraine tự tin hơn bao giờ hết, đến mức gần đây họ đã bắt đầu tấn công các căn cứ quân sự, sân bay, và các mục tiêu khác bên trong nước Nga.

Các chuyên gia quân sự đã kết luận rằng quân đội Nga sẽ mất nhiều thập kỷ để xây dựng lại, bất kể kết quả cuối cùng của cuộc chiến có thể như thế nào. Di sản của Vladimir Putin với tư cách là một chiến lược gia lão luyện và nhà lãnh đạo mạnh mẽ cũng đã bị tổn hại nặng nề.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và các đồng minh thân cận khác đang cùng hợp sức siết chặt Putin bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Có luồng ý kiến cho rằng các biện pháp cấm vận không hiệu quả. Tuy nhiên, theo phân tích chi tiết của bà Agedit Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit (Đơn vị Tình báo Kinh tế), những người cho rằng các biện pháp trừng phạt không hiệu quả là sai. Chỉ chín tháng sau các lệnh trừng phạt đầu tiên được áp dụng, kinh tế Nga ngày càng suy yếu và đây mới chỉ là bắt đầu. Các nhà tài phiệt thân hữu của Putin thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, với việc tài sản bị tịch thu và đóng băng. Ngay cả vợ và những đứa con của họ cũng bị liệt vào danh sách đen từ các trường đại học phương Tây. Tóm lại, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ tăng dần theo thời gian.

Một phụ nữ ở Lviv, Ukraine tập bắn cung vào mục tiêu có hình Vladimir Putin. Ảnh: Leon Neal/Getty Images

Mục tiêu trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và đồng minh đối với Putin là gì? Những điều này chưa bao giờ được công bố rõ ràng, nhưng khi xem xét các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ và đồng minh tiến hành cho thấy ba mục tiêu. Đầu tiên, liên minh các nước dân chủ muốn gửi tới Putin một thông điệp mạnh mẽ rằng “chúng tôi rất quyết tâm và đoàn kết để bảo vệ Ukraine.”

Thứ hai, kiệt quệ kinh tế khiến Putin gặp khó trong cuộc xâm lược Ukraine.

Thứ ba, liên minh các nước dân chủ đang đánh cược rằng các biện pháp trừng phạt sẽ từ từ bóp nghẹt kinh tế Nga, đặc biệt là ngành năng lượng của nước này. Đối với Moscow, đây là một mối đe dọa thực sự bởi các mỏ dầu khí của Nga đang cạn kiệt và các trữ lượng mới cần khai thác nằm trên hoặc ở Biển Bắc Cực. Bà Agedit Demarais cho biết khi đánh giá các biện pháp trừng phạt dựa trên các tiêu chí này, thì chúng rõ ràng đang phát huy tác dụng.

Hoa Kỳ và đồng minh vẫn chưa tung ra một vài vũ khí có thể ‘bóp chết’ Putin. Chẳng hạn, loại tất cả các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu), sẽ khiến nước này bị cô lập về tài chính. Hoặc Hoa Kỳ cũng có thể cấm Nga sử dụng đồng đô la Mỹ, gây phức tạp đáng kể cho xuất khẩu năng lượng. Và Hoa Kỳ cũng có thể yêu cầu tất cả các công ty, dù là nước ngoài hay trong nước, phải chấm dứt mua dầu hoặc khí đốt của Nga, gây tổn hại nghiêm trọng đến tài chính của Điện Kremlin.

Khi nào Putin chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine?

Theo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh, một cuộc thăm dò nội bộ của Nga bị rò rỉ cho thấy chỉ có một phần tư người dân Nga ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine và hơn một nửa hy vọng chính phủ Putin sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Thêm nữa, đồng minh thân cận của Putin, lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cũng không ủng hộ Putin trong cuộc xâm lược Ukraine. Rõ ràng, cuộc xâm lược Ukraine đơn thuần là tham vọng lâu nay của Putin.

Không một ai dám tuyên bố chắc chắn thời điểm cụ thể mà Putin sẽ chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine. Cũng giống như các lãnh đạo độc tài khác, Putin đã và đang tìm mọi cách để người dân Nga thấy rằng ông là một ‘đế vương’ mạnh mẽ và quyết tâm theo đuổi cuộc chiến vì lợi ích nước Nga.

Chuyên gia uy tín về các vấn đề Nga, ông Andrew S. Weiss, cho biết hiện tại Putin đang tìm cách kéo dài thời gian với hy vọng tới một lúc nào đó Hoa Kỳ sẽ không còn viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Ông Andrew cho rằng cái phao cuối cùng của Putin là mong một người nào đó giống như ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa đắc cử tổng thống vào cuối năm 2024, bởi khi đó chính phủ của đảng Cộng hòa sẽ không tích cực ủng hộ Ukraine. Putin tin chắc rằng một Ukraine không có sự viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ sẽ ‘dễ nuốt’ hơn rất nhiều.

Một người tham gia biểu tình trước toà nhà Khoa học và Văn hóa Nga ở Berlin giơ cao tấm bảng có nội dung “Putin là Kẻ giết người” 29 November 2022. Ảnh: Christophe Gateau/picture alliance via Getty Images

Xuyên suốt lịch sử nước Nga là những thay đổi chế độ sau thất bại của các cuộc chiến. Thất bại sau chiến tranh thế giới thứ nhất là ngòi lửa dẫn đến Cách mạng Tháng 10 lật đổ Sa hoàng Nicholas II dưới sự lãnh đạo của đảng Bolshevik, tiền thân của đảng cộng sản Liên Xô đứng đầu là Vladimir Lenin. Sau đó là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991, hai năm sau thất bại ê chề của quân đội nước này ở Afghanistan. Các cuộc cách mạng thay đổi chế độ đã xảy ra ở Nga khi chính phủ thất bại kiểm soát nền kinh tế lao dốc không phanh, khiến đời sống người dân khốn khổ và lầm than.

Bởi vậy, thế cờ có thể buộc Putin phải chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine đến từ sự kết hợp giữa các lệnh trừng phạt kinh tế và thương vong cao của quân đội Nga. Điều này sẽ khiến người Nga đổ lỗi cho Putin và đồng loạt biểu tình yêu cầu Putin phải chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, với bản chất tự cao tự đại và độc tài của Putin muốn ‘chiến thắng bằng mọi giá’ sẽ khiến người Nga phải khốn đốn trong một khoảng thời gian. Như vậy, câu hỏi quan trọng để dự đoán khi nào Putin chấm dứt cuộc chiến: Người dân Nga có sức chịu đựng tới đâu?  

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: