Kremlin và trò đại bịp: “Nga hóa” những khu vực chiếm đóng

Tại Kherson, người dân Ukraine đang được cấp passport Nga (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại các khu vực mới bị Nga chiếm đóng ở Ukraine, các lãnh đạo địa phương do Nga dựng lên yêu cầu cư dân phải chấp nhận sự cai trị của Nga. Họ tổ chức các cuộc trưng cầu giả mạo để chính thức hóa quyền cai trị “hợp pháp” của Vladimir Putin và rằng đó là “lãnh thổ của Nga”.

Chuẩn bị cho trò bịp lớn vào Tháng Chín

“Chính quyền mới” đã phát hộ chiếu Nga, số điện thoại di động, hộp giải mã tín hiệu xem truyền hình Nga, thay thế tiền Ukraine bằng đồng rúp, định tuyến lại internet đi qua các máy chủ của Nga và bắt giữ hàng trăm người chống “sự đồng hóa”. Bằng nhiều chiêu trò khác nhau, chính quyền tại các lãnh thổ chiếm đóng đang sử dụng sự sợ hãi và dối trá để buộc người Ukraine phải sống giống như người Nga. “Chúng ta là một dân tộc” – một panô màu xanh-trắng-đỏ viết – “Chúng ta đang ở với nước Nga”.

Thủ đoạn “trưng cầu dân ý” là “phiên bản thế kỷ 21” khác của cuộc chiến tranh xâm lược do Vladimir Putin chủ xướng. Các lãnh đạo hành chính do Nga bổ nhiệm ở các thị trấn, làng mạc và thành phố chiếm đóng như Kherson ở miền Nam Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu sớm nhất là vào Tháng Chín để Kremlin chứng minh “việc sáp nhập vào Nga, trở thành một phần của Nga là ‘khát vọng’ rộng rãi” – The New York Times cho biết.

Tại Zaporizhzhia Oblast, người dân được Nga “hỗ trợ nhân đạo” (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Các chính quyền bù nhìn đang tuyển những kẻ thân Nga cho các “ủy ban bầu cử” và quảng bá về những “lợi ích” khi trở thành công dân Nga, ví dụ được bảo vệ bởi vũ khí hạt nhân của Nga. Tại một số nơi, phiếu đã được in. Dù chính phủ Ukraine và phương Tây khẳng định “bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào cũng hoàn toàn bất hợp pháp”, nhưng kết quả của trò bịp cũng sẽ mang lại những hậu quả đáng ngại. Giới phân tích xem trưng cầu dân ý chỉ là “khúc dạo đầu” để Putin có lý do tuyên bố chính thức các khu vực chiếm đóng là lãnh thổ của Nga, “thể theo nguyện vọng của người dân”. Hệ quả là những nỗ lực tương lai của Kyiv để đánh đuổi quân xâm lược, chiếm lại những lãnh thổ bị mất sẽ tốn kém hơn nhiều.

Việc Nga quyết tâm sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine được xem là cuộc mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực lớn nhất châu Âu kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai, ảnh hưởng đến một khu vực lớn gấp nhiều lần bán đảo Crimea bị Putin chiếm năm 2014. Viễn cảnh về một cuộc thôn tính nghiêm trọng này đang tác động đến thời gian biểu phản công của quân đội Ukraine, buộc Kyiv phải mạo hiểm hơn, thay vì chờ đợi có nhiều vũ khí tầm xa của phương Tây để tăng cơ hội chiến thắng.

Vladimir Konstantinov, phát ngôn viên “Quốc hội” Crimea do Nga dựng lên, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Thực hiện cuộc trưng cầu dân ý không khó chút nào. Chỉ là trao quyền giám hộ, phát triển cuộc sống và bảo vệ cho người khác”! Ông Konstantinov, một chính trị gia thân Nga lâu năm ở Crimea từng ngồi cạnh Putin tại Điện Kremlin khi Tổng thống Nga ký văn bản sáp nhập bán đảo, cũng là người giúp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea với 97% số phiếu ủng hộ sáp nhập Nga (cộng đồng quốc tế bác bỏ rộng rãi là giả tạo).

Chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”!

Kherson là một trong bốn khu vực đã được lên kế hoạch trưng cần dân ý. Ba khu vực còn lại là Zaporizhzhia ở phía Nam và Luhansk, Donetsk ở phía Đông. Trong khi Kremlin tuyên bố người dân trong khu vực sẽ “tự quyết định tương lai của họ”, tháng trước, Putin khẳng định việc sáp nhập hoàn toàn các khu vực; đồng thời so sánh cuộc chiến ở Ukraine với cuộc chiến chinh phục của Peter Đại đế vào thế kỷ 18.

Thực tế, cuộc vận động nói “yes” tại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ngày càng lộ rõ. Chẳng hạn, chính quyền do Nga chỉ định ở Zaporizhzhia và Kherson vừa thông báo họ đang thành lập “ủy ban bầu cử” để chuẩn bị trưng cầu dân ý vào ngày 11 Tháng Chín. Thông báo mời người dân đăng ký tham gia ủy ban bầu cử bằng bản sao hộ chiếu, bằng cấp và hai bức ảnh nhỏ. Chiến dịch tuyên truyền được tăng cường tại cả ba khu vực lẫn trong nước Nga.

Quân đội Nga đang kiểm soát và lập chính quyền bù nhìn thân Nga tại Kherson (Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Trên chương trình tin tức hàng tuần của kênh truyền hình nhà nước Nga vào Chủ Nhật tuần trước, người ta cũng nêu rõ “mọi thứ đang được thực hiện để bảo đảm Kherson sớm trở lại nguồn cội lịch sử của nó”. John Kirby, Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, xác nhận: “Nga đã bắt đầu tung ra phiên bản khác của kế hoạch thôn tính từng dùng cho Crimea. Nhưng thôn tính lãnh thổ bằng vũ lực là vi phạm hoàn toàn Hiến chương Liên Hợp Quốc và chúng tôi sẽ không cho phép nó diễn ra mà không bị trừng phạt”.

Tại Kyiv, chính phủ Ukraine khẳng định “bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về việc sáp nhập với Nga hoặc thành lập một quốc gia thân Nga tại các khu vực bị chiếm đóng đều là bất hợp pháp, gian lận và chỉ để hợp pháp hóa chiếm đất”. Đối với thường dân Ukraine, việc nơi ở của họ bị Nga chiếm đóng luôn đi kèm với vô số khó khăn, gồm cả thiếu tiền mặt và thuốc men khiến Nga phải phân phát “viện trợ nhân đạo” để xoa dịu.

Đăng ký hộ chiếu Nga là bắt buộc để đăng ký xe có động cơ và một số loại hình kinh doanh nhất định. Trẻ sơ sinh và trẻ mồ côi được tự động trở thành công dân Nga. Cùng với nó là những chiến dịch trấn áp bất đồng chính kiến, ​​gồm bắt cóc, tra tấn và hành quyết các lãnh đạo chính trị. Hiện quân chiếm đóng Nga đã cắt quyền truy cập vào dịch vụ di động của Ukraine, hạn chế YouTube và ứng dụng nhắn tin phổ biến Viber.

Nga cũng đang thay đổi chương trình giảng dạy ở trường học sang chương trình của Nga để học sinh hấp thụ “thế giới quan” của Putin. Một ưu tiên hàng đầu là thu hút người dân địa phương xem truyền hình Nga. Các nhân viên phát thanh truyền hình nhà nước Nga ở Crimea được điều động đến Kherson để bắt đầu một chương trình tin tức có tên “Kherson và Zaporizhzhia 24”. Các hộp giải mã tín hiệu cho phép truy cập vào truyền hình Nga được phân phát miễn phí.

Việc tuyên truyền những vùng chiếm đóng nay thuộc về Nga được thực hiện ngay cả ở Moscow. Trong ảnh là tên của quảng trường nơi có Tòa đại sứ Anh đã được thay bằng bảng tên mới, ghi “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” – Moscow, ngày 8 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Pelagiya Tihonova/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng trước, Ihor Kolykhaiev, Thị trưởng thành phố Kherson từ 2020, cho biết chiến thuật tuyên truyền của Nga, cùng với cảm giác bị Chính phủ Kyiv bỏ rơi, đang dần thay đổi nhận thức của một số cư dân còn ở lại, chủ yếu là những người hưu trí và có thu nhập thấp. “Tôi ước tính có 5-10% dân chúng đã thay đổi quan điểm vì tuyên truyền. Đây là một quá trình không thể đảo ngược và làm tôi thực sự lo lắng” – Kolykhaiev có lần nói với The New York Times. Nhiều ngày sau, trợ lý của ông thông báo triệu ông đã bị lực lượng chiếm đóng Nga bắt cóc.

Putin gọi Kherson và các vùng khác ở phía Đông Nam Ukraine là Novorossiya (Nước Nga Mới). Vài năm gần đây, tại khu vực Kherson, những hoài niệm về quá khứ Liên Xô và sự hoài nghi chính phủ thân phương Tây ở Kyiv vẫn tồn tại trong các thế hệ cũ, ngay cả khi khu vực này đã tạo dựng được một bản sắc Ukraine mới. Khi vừa bị chiếm đóng vào mùa Xuân năm nay, cư dân Kherson đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình lớn thách thức quân đội Nga nhưng theo một cư dân 30 tuổi vẫn ở lại, những cuộc đối đầu công khai đã không còn dù dấu hiệu của sự phản kháng thỉnh thoảng lại xuất hiện.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: