Làm sao phá vỡ đòn phong tỏa Hắc Hải của Nga?

Nga đang khóa chặt khu vực Hắc Hải (ảnh: Celal Gunes/Anadolu Agency via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Làm sao phá vỡ đòn phong tỏa Hắc Hải của Nga?
Loading
/

Thế giới phải hành động sớm để giải quyết nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trước mắt là làm sao phá vỡ đòn phong toả Hắc Hải của Nga để hàng chục triệu tấn lương thực của Ukraine có thể xuất ra nước ngoài.

Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực do Nga xâm lược Ukraine khi nhiều sản phẩm nông nghiệp Ukraine không thể xuất cảng. Nga và Ukraine chiếm 13% và 8,5% xuất khẩu lúa mì của thế giới nhưng các lệnh trừng phạt chống lại Nga và việc quân Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraine, đã khiến hoạt động xuất khẩu lương thực ra thế giới bị đình trệ. Kết quả là hàng triệu người dân địa cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng – như Mark Cancian viết trên Foreign Affairs.

Đường bộ và đường hoả xa

Một cách để vô hiệu hoá sự phong tỏa hải quân Nga và giải phóng các chuyến hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine là chuyển chúng ra ngoài lãnh thổ Ukraine bằng đường bộ và đường sắt với sự giúp đỡ của các nước láng giềng như Ba Lan và Romania, như cách Ukraine đang làm.

Cách vận chuyển này có lợi thế: Nga không thể ngăn chặn. Dù về lý thuyết, các tuyến đường sắt dễ bị tấn công bởi hỏa tiễn hoặc máy bay, nhưng rất khó tấn công lâu dài. Trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai, khi lực lượng đồng minh đánh bom các tuyến đường sắt của Quốc xã Đức và Quân phiệt Nhật, việc phục hồi tương đối dễ và nhanh nếu đánh bom không liên tục. Nga không thể làm thế vì đã cạn kiệt kho vũ khí hỏa tiễn chính xác cao cần thiết cho một cuộc tấn công như vậy. Lực lượng không quân Nga cũng không đủ mạnh để tiến đủ sâu vào lãnh thổ Ukraine tấn công các tuyến đường sắt.

Điều không may là hệ thống đường sắt của Ukraine không đủ năng lực bù đắp cho “cái chết” của xuất khẩu đường biển. Để chuyển toàn bộ lương thực xuất khẩu của Ukraine đang tồn đọng, ước tính khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc, sẽ cần 100 chuyến tàu biển, tương đương 300,000 toa tàu hoả! Tính toán cho thấy cần đến 14 tháng để chuyển toàn bộ số ngũ cốc trên bằng đường sắt so với bốn tháng bằng đường biển! Dù khả thi nhưng phương pháp vận chuyển mặt đất chỉ là tạm thời và không phải là giải pháp lâu dài.

Những đoàn tàu hỏa vận chuyển lương thực của Ukraine đến các cảng đều không thể xuất ra nước ngoài. Tính đến cuối Tháng Sáu 2022, 7 triệu tấn lúa mì, 14 triệu tấn hạt ngô, 3 triệu tấn dầu hướng dương, 3 triệu tấn thực phẩm chế biến từ hướng dương đã bị ứ đọng (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

Đường biển

NATO có thể tìm cách phá vỡ sự phong tỏa hải quân của Nga bằng cách đưa những đoàn tàu buôn đến các cảng của Ukraine để đưa nhanh lương thực mà thế giới cần ra ngoài Hắc Hải. Nhưng chiến lược này chắc chắn gặp một số trở ngại, đầu tiên là lực lượng hải quân hùng hậu của Nga có khả năng tấn công bất kỳ con tàu nào của phương Tây. Hạm đội Hắc Hải Nga hiện có năm khinh hạm, một số tàu đổ bộ, hàng chục tàu hộ vệ bờ biển và quan trọng nhất là sáu tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo chạy rất êm, được trang bị thiết bị dò sonar tiên tiến, ngư lôi, hỏa tiễn hành trình và mìn.

Nga cũng có các hỏa tiễn chống hạm đặt tại bán đảo Crimea với tầm bắn ít nhất 200 dặm. Dĩ nhiên, sự thống trị Hắc Hải của Nga không phải tuyệt đối. Việc mất soái hạm Moskva tối tân mang hỏa tiễn hành trình vào Tháng Tư đã giáng một đòn nặng vào khả năng kiểm soát Hắc Hải của Nga. Trong khi Nga có ít khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ, thì lực lượng mặt đất, cơ sở hạ tầng sâu trong lãnh thổ Ukraine, với 16 hỏa tiễn chống hạm khổng lồ Nga có thể chiếm ưu thế khi xảy ra hải chiến ở Hắc Hải.

Phần mình, NATO bị hạn chế đưa lực lượng vào Hắc Hải do Công ước Montreux. Thỏa thuận ký năm 1936 này quy định giao thông hàng hải ở eo biển Thổ Nhĩ Kỳ nối Hắc Hải với Địa Trung Hải, trong đó, cho phép các tàu buôn tiếp cận không hạn chế và tương đối tự do qua lại các nước quanh Hắc Hải, nhưng giới hạn kích thước và số tàu chiến của các quốc gia bên ngoài Hắc Hải đi qua eo biển và thời gian neo lại.

Vì mỗi quốc gia không thuộc Hắc Hải chỉ đưa được tải trọng không quá 45,000 tấn vào vùng biển này và thời gian lưu trú không quá 21 ngày nên phương Tây không thể triển khai lực lượng như ý muốn. Công ước cũng cấm tàu ​​ngầm của các quốc gia không thuộc Hắc Hải. Hoa Kỳ không ký kết Công ước Montreux, vì vậy về lý thuyết, những quy tắc này không áp dụng cho Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, Washington luôn tuân thủ thỏa thuận vì tôn trọng Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.

Vai trò Thổ Nhĩ Kỳ

Việc sử dụng các eo biển ra vào Hắc Hải sẽ phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ. Với lập trường tương đối trung lập của Thổ, việc gây nguy hiểm cho các mối quan hệ với Nga hoặc phương Tây là điều chính phủ nước này không muốn. Thổ cũng không muốn vi phạm Công ước Montreux nên các hạn chế sẽ được giữ nguyên, dù Thổ có thể ứng xử “mềm” hơn trong một số điều khoản, đổi lại, phương Tây hỗ trợ kinh tế, giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt hoặc làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền của họ.

Việc hạn chế trọng tải 45,000 tấn đối với các quốc gia bên ngoài sẽ cho phép khoảng năm tàu ​​khu trục của mỗi nước vào Hắc Hải. Một tàu khu trục lớp DDG-51 tiên tiến của Mỹ nặng khoảng 9,000 tấn; một tàu khu trục Kiểu 45 của Anh thực thi được nhiều nhiệm vụ khác nhau nặng khoảng 7,350 tấn. Như vậy, Hoa Kỳ có thể gửi ba tàu khu trục để hộ tống an toàn các tàu buôn chở ngũ cốc Ukraine. NATO cũng có thể dùng sức mạnh không quân nếu Romania và Bulgaria cho phép máy bay NATO bay qua lãnh thổ họ và cho phép sử dụng các căn cứ không quân. Khi đó, không quân NATO đủ sức khống chế các lực lượng mặt đất và không quân của Nga ở khu vực Hắc Hải.

Nếu đơn phương điều động các đoàn xe đến các cảng của Ukraine, NATO có thể bị Nga tấn công. Nga không cần đánh phá tất cả tàu vận chuyển mà chỉ cần gây tổn thất 25% cũng đủ để NATO và các chủ tàu phải bỏ cuộc. Nga còn có thể dùng mìn và tàu ngầm tấn công các đoàn tàu chở ngũ cốc, vừa hiệu quả vừa không bị phát hiện, giúp hoá giải trách nhiệm “tấn công trước”. Nga đã cài mìn dưới Hắc Hải để ngăn chặn tàu bè đi vào các cảng của Ukraine. Việc tìm và vô hiệu hoá mìn đòi hỏi rất nhiều thời gian. Ukraine cũng có biện pháp bảo vệ đường bờ biển của mình, đề phòng Nga tấn công, nên Moscow sẽ đổ lỗi cho Kyiv nếu một quả mìn làm nổ một tàu chở ngũ cốc.

Nếu NATO tiến hành một chiến dịch rà mìn và tấn công tàu ngầm Nga, một cuộc hải chiến là không tránh khỏi. Có rất nhiều nguy cơ đối với một đoàn tàu chở hàng tốc độ 12 hải lý/giờ và mất khoảng một ngày đi từ cảng Odessa đến eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không giống chiến tranh trên không và trên bộ, có rất ít vụ đụng độ trên biển kể từ sau Đại Chiến Thế giới lần thứ hai. Nhiều quốc gia NATO không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và leo thang xung đột, ngay cả khi liên minh có thể phá vỡ chiến thuật phong tỏa lương thực của Moscow.

Một lựa chọn an toàn hơn

Một lựa chọn ít đối đầu hơn là nhờ các nước thứ ba không thuộc NATO cung cấp tàu hộ tống và tàu chở hàng. Một quốc gia như Ai Cập, phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu, có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Cách tiếp cận gián tiếp này sẽ tránh được việc Nga lên án NATO gây hấn và đáp trả. Tuy nhiên, các nước bên thứ ba không có đủ năng lực quân sự để chống lại Nga nếu bị Nga tấn công.

Các kho lương thực của Ukraine đang chất đầy nhưng không thể xuất ra nước ngoài (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

An toàn hơn là Ukraine vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt đến cảng Costanta của Romania, chỉ cách Odessa 190 dặm, rồi tiếp tục vận chuyển đường biển bằng các tàu của bên thứ ba. Làm thế sẽ tránh bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với Ukraine và Hắc Hải, khó để Nga lấy cớ tấn công. Ngoài ra, còn một giải pháp khác.

Putin từng tuyên bố Nga sẽ cho phép các chuyến tàu biển xuất khẩu từ Ukraine, với một số điều kiện, kiểu “có qua có lại”. Một tàu chở ngũ cốc từ Ukraine được phép rời Hắc Hải và một tàu từ Nga cũng được làm như vậy. Giải pháp này sẽ mang lại cho Nga nguồn tài chính đáng kể. Nếu phương Tây không muốn mạo hiểm đối đầu quân sự và không muốn tình hình lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng thì giải pháp ngoại giao sẽ giành được sự ủng hộ quốc tế. Hiện chưa có báo cáo nào về nạn đói nhưng nếu chiến tranh tiếp tục, nguồn cung cạn kiệt, thiếu hụt lương thực là điều chắc chắn, và bạo loạn lương thực sẽ dẫn đến bất ổn xã hội, lật đổ. Phương Tây đang đối mặt với áp lực phải chuẩn bị sẵn phương án hành động tối ưu trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: