Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong thế “chó cùng cắn giậu”, dọa sẽ leo thang chiến tranh nếu tình hình tiếp tục bất lợi cho quân Nga trên chiến trường Ukraine.
Mở đầu cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua Thứ Sáu 16 Tháng Chín bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO) ở Uzbekistan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói thẳng: “Thời đại ngày nay không phải là thời của chiến tranh”, hàm ý phê phán ông Putin đã dùng chiến tranh để giải quyết quan hệ quốc tế với Ukraine.
Lời của Thủ tướng Modi rất đáng để ý. Ấn Độ là đồng minh lâu đời của Nga, do Nga đứng về phía Ấn trong cuộc tranh chấp với Pakistan và là nguồn cung cấp cho Ấn vũ khí hiện đại với giá rẻ. Ấn Độ thậm chí phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ và Âu châu đừng mua dầu của Nga. Chính phủ Ấn nói rằng mua dầu thô của Nga với giá thấp hơn giá thị trường là điều cần thiết cho Ấn Độ vào thời điểm giá thực phẩm và nhiên liệu tăng trên toàn cầu. Một nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine chua chát nhận xét: “Việc giảm giá [dầu của Nga] được trả bằng máu của người Ukraine.”
Lời phê phán của ông Modi có thể là một dấu hiệu cho thấy New Delhi đang cố giữ khoảng cách với Nga và cuộc xâm lược phi nghĩa mà ông Putin đang thực hiện.
Ngày hôm qua, ông Putin cũng thừa nhận trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tập cũng “có nhiều thắc mắc và lo ngại” về cuộc chiến.
Quan điểm của cả Trung Quốc và Ấn Độ đối với cuộc xâm lược mà Nga đang thực hiện tại Ukraine dường như đã bắt đầu thay đổi theo hướng bất lợi cho Putin, và ông ta càng lúc càng bị cô lập.
Cho đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ – hai quốc gia đông dân nhất hành tinh – là chỗ dựa vững chắc của Nga; cả hai đều bỏ “phiếu trắng” tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine; và đều mua rất nhiều dầu mỏ của Nga, giúp guồng máy chiến tranh của Putin có tài lực để vận hành và giúp kinh tế Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt của Phương Tây.
Sự quay lưng của Ấn Độ và Trung Quốc là một thất bại ngoại giao của Putin, thêm vào những thất bại trên chiến trường và sự phản đối bắt đầu manh nha ở trong nước. Như chúng tôi đã phân tích trong một bài trước, sự cả tin vào mối quan hệ “hợp tác không giới hạn” của Tập Cận Bình đã thúc đẩy Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine cách đây gần bảy tháng. Bây giờ không khó để nhận ra ông ta đang ở vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan: Tiến lên thì không được khi phải mua cả đạn dược và vũ khí của Iran và Bắc Hàn còn thoái thì mất mặt và có nguy cơ bị trừng trị.
Nhưng tục ngữ Việt Nam có câu “chó cùng cắn giậu”, khi bị đẩy vào đường cùng, ông Putin sẽ không suy nghĩ theo kiểu người bình thường. Các bước tiếp theo của ông Putin vẫn là một ẩn số và giới phân tích chính trị phương Tây cảnh báo ông ta có thể có những hành động liều lĩnh hết sức nguy hiểm.
Sau khi bị đánh bật khỏi vùng Kharkiv ở phía Đông Bắc Ukraine, quân đội Nga đã trả đũa bằng cách bắn hỏa tiễn, ném bom hoặc pháo kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu của Ukraine như nhà máy nhiệt điện số 5 của thành phố Kharkiv, làm mất điện cả một vùng rộng lớn, hoặc bắn hỏa tiễn hành trình phá một đập thủy điện ở Kryvyi Rih, miền Nam Ukraine gây ngập lụt quê hương của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Những cơ sở hạ tầng này không phải là mục tiêu quân sự và việc phá hoại chúng là một tội ác chiến tranh. Thế nhưng trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu sau hội nghị thượng đỉnh SCO, ông Putin mô tả các cuộc tấn công đó của Nga “cuộc tấn công cảnh báo” có thể dẫn đến một chiến dịch thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Tại cuộc họp báo, ông Putin tố cáo Ukraine đang cố gắng thực hiện “các hành động khủng bố” bên trong nước Nga và Moscow đã sẵn sàng trả đũa. Ukraine thừa nhận quân kháng chiến đã tấn công các mục tiêu quân sự như kho tàng, sân bay quân sự trên bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm một cách bất hợp pháp từ Ukraine nhưng chính phủ Kyiv khẳng định họ không tấn công dân thường. “Chúng tôi thực sự phản ứng khá hạn chế, nhưng đó là vào lúc này. Nếu tình hình tấn công tiếp tục, câu trả lời sẽ nghiêm trọng hơn,” ông Putin nói với báo chí.
Hậu quả của chiến tranh ở Ukraine đã thật tàn khốc. Tại thành phố Izium vừa chiếm lại, nhà chức trách cho biết họ đã tìm thấy một khu chôn cất có một ngôi mộ tập thể và 445 ngôi mộ cá nhân còn mới. Một cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, cho biết hôm Thứ Sáu rằng các lực lượng Nga đã “khủng bố tràn lan, bạo lực, tra tấn và giết người hàng loạt” tại các vùng mà họ chiếm đóng ở Ukraine, và ông bác bỏ khả năng đàm phán một thỏa hiệp để kết thúc chiến tranh. “Giải quyết xung đột cực kỳ đơn giản: Nga phải rút quân ngay lập tức khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine,” ông Podolyak nói.
Nhưng ông Putin nhiều lần cảnh báo rằng cuộc tấn công của Nga vẫn có thể gia tăng và đổ lỗi cho phía Ukraine không theo đuổi hòa bình. Ông ta nói với Thủ tướng Modi: “Tôi biết lập trường của bạn về cuộc xung đột ở Ukraine, mối quan tâm của bạn mà bạn không ngừng bày tỏ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt. Thật không may, phía đối lập, lãnh đạo Ukraine, đã tuyên bố từ bỏ tiến trình đàm phán”.
Các quan chức quân sự Mỹ lo ngại trong thế “chó cùng cắn giậu” ông Putin có thể gia tăng lực lượng Nga ở Ukraine, toan tính tấn công các nước NATO đã cung cấp vũ khí tân tiến cho Ukraine, tổ chức ám sát giới lãnh đạo ở Kyiv hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Quân Nga đã tháo chạy khỏi một số khu vực nhưng hãy còn quá sớm để nhận định rằng cuộc chiến tranh đã xoay chiều theo hướng Nga sẽ đầu hàng như một vài bình luận gia nhận định. Nga và các lực lượng ly khai thân Nga vẫn còn chiếm đóng hơn 20% lãnh thổ Ukraine gồm toàn bộ vùng Donbass giáp biên giới với Nga, biển Azov và Hắc Hải, chưa kể bán đảo Crimea rộng lớn mà Nga đã thâu tóm từ năm 2014.
Tuy đã bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 80,000 binh sĩ cùng vô số vũ khí, chiến cụ, nhưng Nga có thể vẫn còn đủ lực để thực hiện “mục tiêu chính là giải phóng toàn bộ lãnh thổ vùng Donbass” như lời tuyên bố của Putin tại cuộc họp báo hôm Thứ Sáu. Nga vẫn chưa ban hành lệnh tổng động viên để huy động nhân lực cho cuộc chiến có thể vì lo ngại những tác động chính trị ở trong nước nhưng nhiều quan chức Mỹ nhận định rằng Putin có thể thực hiện một bước nhỏ hơn, ít gây bất ổn về mặt chính trị hơn là huy động quân dự bị và đưa các cựu quân nhân trở lại phục vụ.
Xem ra, dù Putin đã bị đẩy tới chân tường nhưng hòa bình ở Ukraine vẫn còn khá xa vời và không loại trừ nguy cơ chiến tranh sẽ càng khốc liệt hơn nữa.
Đọc thêm: