Lấy mỡ nó rán nó: EU buộc Nga phải “trả tiền” mua vũ khí cho Ukraine

Cục diện chiến sự vẫn nhùng nhằng trong khi đạn dược của Ukraine ngày càng cạn kiệt (ảnh: Wolfgang Schwan/Anadolu via Getty Images)

Dưới áp lực phải cung cấp hàng tỷ đôla hỗ trợ quân đội Ukraine và bổ sung vào kho vũ khí đang suy giảm của các nước thành viên, ngày 20 Tháng Ba 2024, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đã tìm ra một cách hợp pháp để lấy… tiền túi của Nga mua vũ khí cho Ukraine.

Chính xác hơn là sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp trang bị cho Ukraine. Diễn biến này là một cột mốc quan trọng, khi nguồn tài trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn bị kẹt trong Quốc hội và hệ thống phòng thủ Ukraine tiếp tục tình trạng khủng hoảng thiếu đạn dược.

Mục tiêu “bắt Nga phải trả giá” cho kho vũ khí của Ukraine và việc tái thiết kho vũ khí của Ukraine đã trở thành vấn đề được bàn nhiều trong các quốc gia đồng minh, nhưng việc áp dụng vào chính sách thực tế tỏ ra khó khăn, phần lớn do những lo ngại pháp lý xung quanh việc thanh lý tài sản nhà nước của Nga vốn bị đóng băng do lệnh trừng phạt. Giờ đây, sau nhiều tháng tranh cãi chính trị, Ủy ban Châu Âu, nhánh hành pháp của EU, đã tìm ra cách sử dụng lợi nhuận từ những tài sản bị phong tỏa của Nga.

Được phê duyệt tại cuộc họp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 21 Tháng Ba 2024, kế hoạch này có thể cung cấp cho Ukraine tới 3 tỷ euro, tương đương khoảng US$3.25 tỷ một năm, hoặc 15 tỷ euro ($16.3 tỷ) từ năm 2023 đến năm 2027, tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Ủy ban châu Âu cho biết khoản tiền đầu tiên có thể chuyển cho Kiev sau Tháng Bảy 2024.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine hơn hai năm trước, các quốc gia phương Tây đã thực hiện bước đi bất thường là đóng băng hơn nguồn tài sản trị giá $330 tỷ mà Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ ở nước ngoài. Phần lớn trong số đó – hơn $217 tỷ – nằm ở các nước EU. Bị chặn bởi các lệnh trừng phạt, Moscow không thể tiếp cận nguồn tài sản này, tức không thể bán hoặc hưởng lợi từ tiền lãi kiếm được. Do vậy, tiền mặt được tạo ra từ các tài sản này vẫn bị kẹt ở nước ngoài, phần lớn được giữ ở Bỉ bởi Euroclear, một công ty dịch vụ tài chính.

Theo kịch bản của EU, 97% lợi nhuận được tạo ra từ những tài sản đó tính đến ngày 15 Tháng Hai sẽ đến tay Ukraine. Các công ty như Euroclear sẽ giữ lại 3% để lo chi phí cho các vụ kiện cáo từ Moscow đang diễn ra hiện tại lẫn tương lai, khi Nga cố lấy lại tài sản và nguồn doanh thu từ đó.

Ủy ban châu Âu cho biết, năm nay, 90% số tiền trên sẽ được dùng để tài trợ cung cấp vũ khí cho Ukraine, phần còn lại dành cho quỹ của khối để tái thiết Ukraine. Trước đó, kế hoạch này đã bị trì hoãn hai lần trong năm 2023 do bất đồng giữa các quốc gia thành viên và xuất phát từ những lo ngại của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), nơi cảnh báo rằng việc sử dụng tài sản từ ngân hàng trung ương của một quốc gia khác có thể gây tổn hại danh tiếng châu Âu, rằng người ta sẽ không còn cho rằng châu Âu là nơi an toàn để cất tiền. Và điều này có thể ảnh hưởng đến tham vọng tăng cường sử dụng đồng tiền chung của khối trên phạm vi quốc tế.

Tất nhiên Nga rất phẫn nộ trước “âm mưu” của EU. Theo hãng thông tấn TASS ngày 21 Tháng Ba 2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng: “Đây rõ ràng là một vụ cướp trắng trợn bẩn thỉu”. Trong khi đó, người phát ngôn Kremlin, Dmitri Peskov,  nói: “Người châu Âu hoàn toàn nhận thức được thiệt hại mà những quyết định như vậy có thể gây ra cho nền kinh tế lẫn hình ảnh của họ, cũng như danh tiếng của họ với tư cách là những người bảo đảm đáng tin cậy về quyền bất khả xâm phạm về tài sản”.

Doanh thu từ các tài sản bị đóng băng của Nga chỉ là bước khởi đầu. EU cần thêm hàng tỷ đôla để hỗ trợ Ukraine cũng như tăng cường quốc phòng cho chính họ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có thể cắt đứt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine nếu Donald Trump tái đắc cử. Kho vũ khí của 27 thành viên EU đã cạn kiệt sau hai năm cung cấp cho Ukraine. Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cho biết họ cần đầu tư nhiều hơn. Xây dựng một ngành công nghiệp quân sự tích hợp là trọng trách mới của EU, khác với mục đích khởi thủy của việc thành lập khối vốn chỉ nhằm xây dựng một liên minh kinh tế và thương mại.

Một số quốc gia EU muốn phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn cho đầu tư/ xây dựng quốc phòng. Tuy nhiên, điều này không được các nước giàu trong khối, đặc biệt Đức, hưởng ứng. Hiện EU vẫn duy trì nguồn ngân quỹ Cơ sở Hòa bình Châu Âu (European Peace Facility – EPF), một nguồn tiền ngoài ngân sách (off-budget) mà khối này đã dần sử dụng để mua sắm quốc phòng cho Ukraine (trong khi Pháp muốn quỹ EPF chỉ chi trả cho các thiết bị quốc phòng sản xuất ở châu Âu).

Nhìn chung, hạn chế lớn của công nghiệp quốc phòng châu Âu là họ không thể sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh. Sự cứng nhắc về nguyên tắc hoạt động của khối cũng là nhược điểm rất nghiêm trọng của EU. Cần nhắc lại, Tháng Hai 2024, tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính phương Tây ở Brazil, trong khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet L. Yellen nói rằng việc tịch thu tài sản Nga là có thể xảy ra và hoàn toàn có cơ sở pháp lý để thực hiện điều đó, thì Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire lập luận rằng việc trực tiếp lấy tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Dù thế nào, Washington và EU nói chung vẫn tuyên bố duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mặc dù viện trợ trong tương lai của Mỹ tiếp tục bị các ông nghị Capitol Hill gầm gừ dọa cắt. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, cho biết Berlin sẽ gửi cho Ukraine 10,000 viên đạn pháo, 100 xe bọc thép bộ binh và thiết bị vận tải – trong khoản hỗ trợ mới trị giá $544 triệu. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, Antti Häkkänen, công bố khoản đóng góp $32 triệu để giúp Cộng hòa Czech mua 800,000 viên đạn cho Ukraine. Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đề cập gói viện trợ mới trị giá $300 triệu mà Hoa Kỳ đã cam kết cho Ukraine vào trung tuần Tháng Ba 2024.

______________

Nếu “Chú Sam” bỏ rơi, châu Âu xoay sở quốc phòng như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: