LHQ cần hành động với tội ác của Trung Quốc ở Tân Cương

Trong lúc các nhà lãnh đạo quốc gia đang họp hội nghị thường niên của Đại hội đồng LHQ thì hôm 19 Tháng Chín 2022 trên đường phố New York hàng trăm người biểu tình đóng vai các tù nhân bị ngược đãi đã rầm rộ xuống đường phản đối các chế độ áp bức. Trong ảnh minh họa là những người biểu tình chống chế độ thần quyền Iran nhân dịp tổng thống nước Hồi giáo này đến New York dự hội nghị. Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Bên lề hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations General Assembly – UNGA) đang diễn ra tại New York, đại diện các tổ chức nhân quyền, cơ quan ngoại giao đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải có biện pháp trừng trị Trung Quốc sau khi Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố báo cáo về “tội ác chống loài người” ở tỉnh Tân Cương phía Tây nước này.

Theo lịch trình, vào Thứ Tư 21 Tháng Chín 2022, UNGA sẽ tổ chức hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm ngày LHQ thông qua Tuyên bố về Quyền Con Người thuộc các sắc tộc thiểu số hoặc các nhóm ngôn ngữ và tôn giáo thiểu số (The commemoration of the 30th anniversary of the adoption of the Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities). 

Hãng tin AP cho biết, trước khi hội nghị UNGA diễn ra, một diễn đàn nhân quyền đã được Hội đồng Đại Tây Dương (The Atlantic Council) và tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tổ chức, tập trung vào tình hình ở Tân Cương và bản báo cáo mà Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố hôm 31 Tháng Tám, chỉ vài giờ trước khi bà Cao Ủy Michelle Bachelet kết thúc nhiệm kỳ.

Các diễn giả tại diễn đàn cùng nhận định, uy tín của tổ chức lớn nhất hành tinh sẽ được đánh giá bằng cách giải quyết cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số, và đồng thanh kêu gọi LHQ hành động mạnh mẽ sau khi đã có một báo cáo về “tội ác chống lại loài người”.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan giám sát nhân quyền và các nhà báo đã vạch trần sự đối xử tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và các nhóm sắc tộc theo Hồi giáo ở vùng Tân Cương. Trung Quốc bị cáo buộc đã thực hiện một chiến dịch tàn nhẫn bắt giam hàng triệu người không qua xét xử vào các trại tập trung, ở đó họ bị tra tấn, tấn công tình dục và thanh lọc sắc tộc. Những lời buộc tội đó được chấp nhận rộng rãi ở phương Tây, nhưng gần đây mới chính thức được LHQ đưa vào một báo cáo mang tính bước ngoặt do Văn phòng Nhân quyền LHQ công bố.

Fernand de Varennes, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền của người thiểu số phát biểu: “Không thể ngồi im được nữa. Nếu chúng ta cho phép điều này diễn ra mà không bị trừng phạt, thì chúng ta đang truyền bá loại thông điệp gì đây?

Jeffrey Prescott, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, cho rằng tính liêm chính của thể chế LHQ đang bị đe dọa trong phản ứng với Trung Quốc. “Những hành động tàn bạo [của Trung Quốc] sẽ được giải quyết như thế nào phụ thuộc vào độ tin cậy của hệ thống, vào độ tin cậy của hệ thống quốc tế của chúng ta,” ông Prescott nói. “Thật vô cùng khó chịu khi thấy một quốc gia từng đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra hệ thống LHQ hiện đại và được hưởng tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, lại vi phạm nghiêm trọng các cam kết của mình,” ông nói thêm.

Biểu tình đòi chấm dứt hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ trước Tòa Bạch Ốc, Tháng Ba năm 2021 – Ảnh: Kuzzat Altay/Unsplash

Trung Quốc đã phản ứng lại Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ với sự giận dữ tột độ. Bắc Kinh gọi báo cáo là “một thông tin sai lệch chắp vá” và là sự bịa đặt của các quốc gia phương Tây, đồng thời tuyên bố ngừng hợp tác với Văn phòng Nhân quyền LHQ. Tại New York,  các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện đang ráo riết vận động những người khác ngăn cản khả năng quốc tế giám sát hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương.

Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ được thực hiện sau chuyến đi mà chính phủ Trung Quốc tổ chức, dàn dựng và kiểm soát của bà Cao ủy Michelle Bachelet, đồng thời có một phần được rút ra từ các cuộc phỏng vấn hơn hai chục cựu tù nhân và những người khác quen thuộc với các điều kiện tại tám trung tâm giam giữ ở Tân Cương, những người mô tả bị đánh đập, ngăn cản cầu nguyện và buộc thực hiện hành vi tình dục với lính canh. Báo cáo nhận định, những bằng chứng thu thập được có thể được coi là “tội ác chống lại loài người” nhưng không sử dụng cụm từ “tội ác diệt chủng”, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã cáo buộc Trung Quốc.

Hoàng thân Zeid Ra’ad Al Hussein, người tiền nhiệm của bà Bachelet trong cương vị là Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhận định, người kế nhiệm của ông xứng đáng được ghi công vì đã công bố báo cáo, nhưng ông nói rằng sẽ là một “thiếu sót” khi không coi các vụ lạm dụng ở Tân Cương là tội diệt chủng. Ông cũng chỉ trích báo cáo đã không kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra chính thức của LHQ. “Im lặng là đồng lõa”, Hoàng thân Al Hussein nói.

Bà Rayhan Asat, một luật sư người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) hiện đang làm việc cho Hội đồng Đại Tây Dương và có anh trai đang bị giam ở Tân Cương, kêu gọi thế giới không chỉ chống Trung Quốc, mà cả các công ty thu lợi từ sự lạm dụng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. “Chúng ta không nên để chính phủ Trung Quốc được vô sự bằng cách bình thường hóa những gì nhà nước đó đã làm, bởi vì cuối cùng, đây chính là bạo lực của nhà nước”, bà nói.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: