Luận bàn về cuộc tiến công của Ukraine vào Nga

Quân Ukraine cắm cờ khi tiến vào đất Nga (Ukraine.ua)

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu từ năm 2014, khi Ukraine quyết định hủy thỏa thuận với Nga về các cuộc hội nghị về tự do thương mại và hợp tác đầu tư, đi đến việc hạn chế mọi hợp tác với Nga. Sau đó, Nga đã đưa quân đội vào bán đảo Crimea, một phần lãnh thổ của Ukraine, và tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý” dưới áp lực họng súng.

Kết quả, Crimea trở thành một phần của Nga. Sau đó, cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine tiếp tục xảy ra ở Đông Ukraine. Sự căng thẳng leo thang khi Nga triển khai quân áp sát biên giới Ukraine vào hồi cuối 2021. Vào ngày 22 Tháng Hai năm 2022, trong khi cả thế giới đang đắm chìm trong cơn bão đại dịch COVID-19 và những khủng hoảng do nó để lại, ông Tổng Thống Nga Putin khi đó có một quyết định làm bàng hoàng nhiều người khi đó: Công nhận độc lập của hai khu vực thân Nga ở miền Đông Ukraine. Chỉ hai ngày sau, Nga phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn ở hai khu vực này, đẩy sự xung đột giữa hai nước lên phạm vi chiến tranh.

Từ đó đến nay, Ukraine luôn phải là bên bị động và buộc phải chống trả trong cuộc chiến vệ quốc của mình, cho đến khi…

Linh Ukraine canh tọa độ để pháo kích mở đường tiến sâu vào đất Nga. (Hình: Ukraine.ua)

Tiến quân vào Nga – Bước ngoặt bất ngờ

Ngày 8 Tháng Tám vừa qua, báo chí thế giới đã lan đi một tin tức chấn động: Ukraine tiến quân vào lãnh thổ của Nga! Tin tức này gây bất ngờ cho rất nhiều người. Còn nhớ, năm 2022, khi Mỹ cảnh báo rằng Nga sẽ tiến đánh Ukraine, nhiều người cũng bất ngờ và cho là không thể, nhưng với một số nhà quan sát địa chính trị, họ cho rằng điều đó sẽ xảy ra không sớm thì muộn, nếu không Nga không triển khai quân áp sát biên giới. Dù sao thì Nga cũng đang là cường quốc về quân sự, việc xâm lược một nước nhỏ hơn và đang có những “thái độ ngang ngược” với họ là khả dĩ. Tuy nhiên, việc Ukraine tấn công vào vùng lãnh thổ của Nga lại là một điều gì đó khác thường và gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát, kể cả những người phân tích quân sự kỳ cựu. Với việc đã phải gặp nhiều bất lợi nhiều tháng qua và đang phải gồng mình lên chống đỡ tại chiến trường Donbas, rất ít người lạc quan vào việc Ukraine dám tiến quân vào Nga. Vậy mà xác suất hiếm hoi đó đã lại xảy ra!

Cuộc tiến quân của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk thuộc Nga (mà báo giới Việt Nam hay gọi là khu vực người Cuốc), đã xảy ra từ hôm thứ Ba, ngày 6 Tháng Tám, theo tờ The New York Times. BBC cho biết thêm, số lượng binh sĩ tiến vào đất Nga là khoản 1,000, được hỗ trợ bởi xe tăng và xe bọc thép, và đã chiếm giữ được một số vùng đất tại khu vực này, trong đó có cả những cơ sở khí đốt của tập đoàn năng lượng Gazprom ở thị trấn Sudzha.

Cho đến ngày 13 Tháng Tám, sự tiến quân của Ukraine đã chậm lại, do yếu tố bất ngờ đã không còn. Tuy vậy, tướng Syrskyi của Ukraine cho hay hiện quân đội của nước ông đã kiểm soát được khoảng 1000km2 lãnh thổ của Nga. Một số nguồn tin cho hay, ngoài việc tiến quân lên hướng Bắc thì Ukraine đang tiến quân theo hướng đông nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát.

Lược đồ các cứ điểm đang được kiểm soát (xanh), vùng giao tranh (đen) và hướng tiến quân của QĐ Ukraine ngày 12 tháng Tám năm 2024 (Hình: Ukraine.ua)

Tổng thống Ukraine ông Zelensky đã xác nhận rằng binh lính của ông đang chiến đấu trong đất Nga, tờ BBC cho hay.

 Mỹ và EU có phản đối cuộc tấn công này của Ukraine?

Trước cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới này của Kyiv, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ đáp trả cuộc xâm nhập này, rằng Ukraine sẽ nhận được “một phản ứng xứng đáng.”

Liên minh châu Âu đi đầu trong việc ủng hộ các hành động của Ukraine, với một người phát ngôn tuyên bố rằng Ukraine có “quyền hợp pháp” để tự vệ, bao gồm cả bên trong nước Nga. Đức cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình, với Bộ Ngoại Giao Đức tuyên bố, quyền tự vệ của Ukraine “không chỉ giới hạn ở lãnh thổ của mình.”

Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự chấp thuận của mình, với một quan chức Ngũ Giác Đài tuyên bố “Ukraine đang làm những gì cần thiết để thành công trên chiến trường.” Tuyên bố này nhất quán với phát ngôn của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller tại Washington hôm thứ Tư tuần trước, nói rằng việc sử dụng vũ khí và đạn dược do Mỹ cung cấp trong cuộc tấn công của Ukraine không vi phạm chính sách của Mỹ.

Như vậy, qua những động thái trên, ta có thể thấy rằng cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đang được sự hậu thuẫn từ Mỹ và cả EU. Tổng Thống Nga Putin cũng ám chỉ điều này khi nói rằng “Ukraine ‘với sự giúp đỡ của các thế lực phương Tây’ đang cố gắng cải thiện vị thế của mình trước các cuộc đàm phán có thể diễn ra.”

EU trước giờ vẫn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine trong cuộc chiến vệ quốc. Cách đây vài tháng EU thông qua gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga do việc xâm lược và chiếm đóng bằng quân sự trên những phần đất của Ukraine. Cả EU lẫn Mỹ đều đã thông qua những gói viện trợ, không chỉ về mặt tiền bạc mà còn về vũ khí, với cấp độ ngày càng tăng dần cho Kyiv.

Tuy nhiên, bản đồ thế giới không chỉ có Mỹ, EU, Nga và Ukraine…

Người Việt trong nước nghĩ gì về bước ngoặt của cuộc chiến này?

Tại Việt Nam, nhiều người tỏ thái độ đồng thuận trước cuộc tấn công phản kích của Kyiv. Một số người thậm chí còn so sánh cuộc đột kích bất ngờ này với đòn đánh phủ đầu của danh tướng Lý Thường Kiệt của Đại Việt đánh phủ đầu quân Trung Quốc hàng ngàn năm về trước. Tuy nhiên, cũng có một số người nhận định, cuộc tấn công này của Ukraine là sai trái. Trước kia, Nga đã xâm lược, tấn công và chiếm đóng Ukraine cũng là sai. Không thể lấy cái sai này để bù cho cái sai kia.

Đứng trước tình huống mới này, tôi – một người Việt ủng hộ chính nghĩa – cũng vừa mừng vừa lo. Mừng, bởi khi mà cả thế giới đang hoang mang cho số phận của Kyiv hơn hai năm về trước, Tổng thống Ukraine đã chứng tỏ lập trường mạnh mẽ và chính điều này đã giúp cho họ nhanh chóng có được sự ủng hộ của quốc tế không chỉ về mặt tiền bạc mà còn là vũ khí và dư luận. Đa số các nước văn minh đều đứng về phía chính nghĩa và bảo vệ Ukraine, bởi họ đang chiến đấu để bảo vệ đất nước họ khỏi cuộc xâm lăng từ Nga. Nếu Ukraine tiếp tục duy trì thế mạnh đó, chắc chắn sự ủng hộ từ quốc tế sẽ không suy giảm.

Còn lo, bởi có thể do muốn kéo giãn lực lượng của Nga cùng với việc nóng lòng muốn có được lợi thế trên bàn đàm phán, nên Ukraine đã triển khai cuộc tấn công nêu trên.

Nếu Nga phản kích lại bằng cuộc tấn công quân sự, nhưng Ukraine vẫn bảo vệ được vùng lãnh thổ vừa chiếm đóng để đem ra trao đổi với những vùng đất bị chiếm đóng, và nếu Nga cũng đồng ý với sự trao đổi đó, thì tình hình đương nhiên sẽ thuận lợi cho Kyiv, và nền hòa bình có thể được tái lập.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bởi luật pháp và dư luận thế giới về mặt lâu dài sẽ phản đối bất kỳ cuộc xâm phạm lãnh thổ nào vì bất cứ lý do gì. Nga còn có lợi thế rất lớn về mặt chính trường, khi vẫn là một trong năm nước thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nếu Nga không chỉ có phản pháo về mặt quân sự mà còn gây áp lực về mặt chính trị, có thể tương lai Ukraine sẽ gặp nhiều bất lợi.

Hơn nữa, cuộc tấn công phản kích này rõ ràng là một cái tát mạnh vào mặt Putin. Với niềm kiêu hãnh nước lớn và với sự lớn mạnh hơn nhiều so với Kyiv về cả vũ khí lẫn nhân lực, hẳn nhiên Moscow sẽ không chịu để yên.

Phàm từ trước đến nay, trừ trường hợp khi lợi thế quân sự là bất ngờ, ào ạt và dồn dập dẫn đến việc chính phủ của đối phương bị sụp đổ, nếu không, những lợi thế về mặt quân sự có được do xâm lấn về lâu dài sẽ  trở thành bất lợi về mặt chính trị. Mà với cách đánh của Kyiv hiện tại đang cho thấy họ không có ý định tiến quân đến Moscow (và cũng không thể nào làm điều đó chỉ dựa vào sức mạnh hiện tại).

Chính bản thân Nga hiện nay cũng đang hứng chịu những bất lợi do những đòn trừng phạt của phương Tây. Bởi vậy, một khi Nga phản pháo ào ạt cả về mặt quân sự lẫn bằng áp lực chính trường, e rằng Ukraine sẽ chịu nhiều bất lợi: Chẳng những mục đích ban đầu là ký kết hòa bình và trao đổi lãnh thổ bị mất đi, mà chiến tranh sẽ còn thêm dai dẳng, sự ủng hộ của thế giới có lẽ cũng sẽ khó duy trì được lâu dài.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: