H.C.
Quân đội Miến Điện đã tổ chức mừng Ngày Quân lực hằng năm vào sáng nay thứ Bảy 27-03-2021 giờ địa phương bằng một cuộc duyệt binh ở thủ đô Naypyidaw nhưng cố gắng phô trương sức mạnh đã không che giấu được hàng loạt vấn đề cốt tử mà tập đoàn quân phiệt phải đối mặt kể từ khi họ thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự hôm 01-02-2021 vừa qua.
Cô lập
Ngày Quân lực 27-03 là ngày kỷ niệm cuộc nổi dậy của quân đội Miến Điện chống ách cai trị của quân phiệt Nhật Bản năm 1945 và từ khi Miến Điện được độc lập năm 1947 tới nay, năm nào ngày Quân lực cũng được tổ chức kỷ niệm long trọng. Vào dịp này, các nước thường cử đại diện ngoại giao, tham tán quân sự tới dự lễ để bày tỏ tình đoàn kết, nhưng năm nay sau vụ đảo chính và cuộc đàn áp khốc liệt phong trào biểu tình ôn hòa của người dân Miến Điện, rất nhiều nước, đặc biệt là các nước dân chủ phương Tây, đã không cử người đến dự.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin có lẽ là quan khách nước ngoài duy nhất tham dự sự kiện này, theo trang tin Asia Nikkei Review. Hôm qua thứ Sáu, ông Fomin đã có cuộc tiếp xúc với tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, người cầm đầu vụ đảo chính và hiện nắm quyền lãnh đạo Hội đồng Hành chính Nhà nước (State Administration Council, SAC). Trong bài diễn văn tại buổi lễ hôm nay, tướng Hlaing nhắc lại lời hứa tổ chức tổng tuyển cử mà không đưa ra thời điểm cụ thể. Ông ta cũng chào mừng phái đoàn quân đội Nga đến dự lễ và nói “Nga là người bạn thật sự”. Tuần trước, tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Nga cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đã phản đối một nghị quyết lên án tập đoàn quân phiệt Miến Điện và vụ đảo chính phản dân chủ của họ.
Trong hai tháng qua, quân đội Miến Điện đã đàn áp đẫm máu và có hệ thống những cuộc biểu tình phản đối đảo chính trên cả nước, đòi phục hồi dân chủ và trả tự do cho những nhà lãnh đạo dân sự như bà Aung San Suu Kyi. Theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện, đã có ít nhất 328 người biểu tình bị giết trong các cuộc phản kháng, người nhỏ nhất mới có 7 tuổi.
Việc tổ chức duyệt binh nhân Ngày Quân lực và truyền hình trực tiếp tới cả nước được cho là để quân đội phô trương thanh thế, trình diễn vũ khí và lực lượng nằm tác động tới tâm lý người dân, khiến họ sợ hãi mà từ bỏ phong trào chống đảo chính, biểu tình đòi dân chủ.
Đất nước tê liệt
Tuy nhiên, trong lúc lễ kỷ niệm được tổ chức ở Naypyidaw, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở Yangon, thành phố lớn nhất nước, và nhiều nơi khác. Dù đã sử dụng các biện pháp đàn áp dã man nhất, tập đoàn quân phiệt cầm quyền vẫn không giành được quyền kiểm soát đất nước, người dân vẫn không chấp nhận sự lãnh đạo của quân đội và cuộc đối đầu đã bắt đầu tàn phá nền kinh tế Miến Điện, làm các nhà đầu tư lo sợ và tháo chạy.
Từ thứ Tư vừa qua, phong trào xuống đường biểu tình đã chuyển dần sang bất tuân dân sự; người dân không ra đường mà cố thủ trong nhà; hàng quán chợ búa đều đóng cửa; trường học và bệnh viện ngừng hoạt động. Tình trạng bỏ việc hàng loạt của công nhân viên chức, nhân viên ngân hàng, nhân viên các ngành công nghiệp và dịch vụ then chốt diễn ra càng sâu rộng và đông đảo khiến cho đất nước Miến Điện gần như tê liệt. Hai chuỗi siêu thị lớn nhất, City Mart Holding và Aeon Orange – liên doanh với tập đoàn Aeon Nhật Bản – đã đóng cửa tất cả các điểm kinh doanh, trong khi lãnh đạo một số ngân hàng tư nhân đã bị bắt giam vì không chịu mở của hoạt động, theo tin của báo địa phương Myanmar Now.
Hội đồng SAC, do tập đoàn quân phiệt lập ra sau đảo chính, cam kết xây dựng lại nền kinh tế, ổn định thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cải thiện dịch vụ y tế để kiểm soát đại dịch Covid-19 nhưng đến nay các bệnh viện vẫn đóng cửa, hàng loạt y bác sĩ tham gia phong trào bất tuân dân sự, còn trường học thì chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại.
Về đối ngoại, Miến Điện đã rơi trở lại tình trạng cô lập về ngoại giao và kinh tế khi hàng loạt quốc gia phương Tây, từ Hoa Kỳ, Liên Âu đến Nhật Bản liên tục ban hành những biện pháp cấm vận, trừng phạt các tướng lĩnh cầm đầu đảo chính và yêu cầu các nhà đầu tư của mình rút về nước.
Trong khi đó, mâu thuẫn từ lâu giữa quân đội Miến Điện với các tổ chức quân sự địa phương của các nhóm sắc tộc thiểu số có dịp bùng lên trở lại. Hội đồng SAC cam kết duy trì hòa bình với các sắc tộc thiểu số nhưng phần lớn các nhóm sắc tộc này lại đứng về phía người dân biểu tình phản đối đảo chính. Nhiều nhà hoạt động dân chủ được biết đã đào thoát tới khu vực biên giới phía nam giữa Miến Điện và Thái Lan, do Liên minh Dân tộc Karen kiểm soát, để tránh bị truy bắt. Ở miền bắc Miến Điện, Quân đội Kachin Độc lập đã mở lại những cuộc tấn công vào quân đội chính phủ và đe dọa làm nổ tung đường ống dẫn dầu và khí đốt của Trung Quốc đi qua phần lãnh thổ của họ.
Rất khó để Miến Điện trở lại bình thường. “Quân đội Miến Điện đang vật lộn với một tình huống hỗn loạn mà họ chưa có chiến lược để thoát ra”, báo Asia Nikkei nhận định.