Vua Charles III của Vương quốc Anh xử lý quyền lực, tiền bạc và nội bộ gia đình như thế nào sau một năm lên ngôi?
Vươn ra thế giới
Không mất nhiều thời gian và lúng túng khi chuyển từ “Hoàng tử Charles” sang “Vua Charles” trong những tháng đầu tiên sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Một năm kể từ khi Charles III lên ngôi (ngày 8 Tháng Chín, 2022) đa số người Anh đánh giá ông đang làm tốt vai trò quốc vương, dù không được yêu mến bằng mẹ mình. Rõ ràng, Charles, 74 tuổi, còn phải làm nhiều để chứng minh khả năng sử dụng quyền lực mềm và giữ vững chế độ quân chủ trong thời hiện đại.
Một trong những kỳ vọng chưa được đáp ứng là ông chưa thể “thu hẹp” bộ máy hoàng gia cồng kềnh với quá nhiều chức sắc cấp cao ăn vào đồng tiền của người đóng thuế. Ông cũng không đạt được nhiều tiến bộ trong việc làm hoà với người em trai bị thất sủng, Hoàng tử Andrew và đứa con trai bị ghẻ lạnh, Hoàng tử Harry.
Trước câu hỏi “Vua Charles III sẽ là loại quân chủ nào, có khác với người mẹ không?”, người viết tiểu sử hoàng gia Sally Bedell Smith nhận xét: “Charles là người cởi mở, biết kết nối với công chúng và thể hiện mình là nhà diễn thuyết ứng khẩu giỏi hơn nhiều so với người mẹ. Ông có vẻ rất thích thú với những gì mình đang làm. Nhiều người ngạc nhiên trước khối lượng công việc ông thực hiện”.
Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, một trong những nhiệm vụ của Charles là ký các văn bản chính thức đựng trong chiếc hộp màu đỏ. Những người theo dõi hoàng gia cho rằng lễ đăng quang là thành công lớn nhất của ông trong năm qua! Craig Prescott, một chuyên gia về hiến pháp tại trường Royal Holloway thuộc Đại học London, nhận xét: “Lễ đăng quang mang dấu ấn của ông ấy, pha trộn giữa truyền thống và nước Anh ngày nay. Tất cả đều sắc nét và hiện đại”.
Charles vừa là chủ vừa là đạo diễn cho một buổi lễ vẫn mang tính tôn giáo sâu sắc và đậm chất truyền thống, nhưng có nhiều tín ngưỡng khác hơn, đậm chất bảo vệ môi trường và được thu nhỏ lại dù vẫn có xe ngựa vàng. Ngoài ra, Charles đã cố gắng đưa Camilla vào nhận thức của người dân Anh như một tân Hoàng hậu, đặc biệt là những người vẫn còn thương tiếc người vợ đầu tiên của ông, Vương phi Diana. Một vấn đề tế nhị khác đối với Charles là làm thế nào để ông chuyển suôn sẻ từ một vị hoàng tử năng động thành một vị vua của sự thống nhất.
Không giống như mẹ mình, Charles được biết đến là người có quan điểm mạnh mẽ về biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề thời sự của thế giới. Ông đã dành cả đời vận động cho những thứ mình cho là đúng. Tuy nhiên, tính trung lập về chính trị vẫn rất quan trọng cho sự tồn tại của chế độ quân chủ trong thời hiện đại. Charles đã chứng minh ông có thể kiềm chế tất cả.
Khi còn là hoàng tử, Charles là diễn giả ngôi sao tại các sự kiện khí hậu, trong đó có hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Glasgow, Scotland. Với tư cách là vị vua mới, ông đồng ý với Thủ tướng lúc bấy giờ Liz Truss không tham dự COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập mà thay vào đó là tổ chức tiệc chiêu đãi đón đầu COP27 tại Cung điện Buckingham vào Tháng Mười Một mà trong số các khách mời có đặc phái viên về khí hậu Hoa Kỳ John F. Kerry và Chủ tịch COP Alok Sharma.
Tháng Bảy qua, Charles gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà từ thiện, nhà tài trợ lớn tại Lâu đài Windsor trong nỗ lực huy động tài chính cho nghị trình khí hậu của ông. Hugo Vickers, người viết tiểu sử hoàng gia, nhận xét: “Charles đã thực thi quyền lực mềm ở hậu trường rất năng nổ nhưng ông vẫn giữ sự riêng tư như nhiều vị vua đã làm; không bước ra đường khua chiêng gióng trống và tuyên bố ồn ào”.
Trong năm đầu tiên tại vị, Charles chỉ tổ chức một quốc yến lớn dành cho tổng thống Nam Phi và có một chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, nơi ông dùng cả tiếng Đức, tiếng Anh và cố gắng tránh từ Brexit. Lẽ ra ông đến Pháp nhưng các cuộc biểu tình về lương hưu trên đường phố Paris buộc phải hoãn lại và chuyến đi được lên lịch vào cuối Tháng Chín 2023.
Tiền của người đóng thuế
Nếu có thêm một thứ mà Charles chưa làm được nhiều là giảm chi phí tiền đóng thuế của người dân cho hoàng gia. Ngoài lễ đăng quang, Charles còn gây ấn tượng bằng tuyên bố: “Lợi nhuận từ các hợp đồng trang trại gió mới trên đất hoàng gia nên được chuyển sang phục vụ các lợi ích chung”.
Lúc đó, tờ Washington Post bình luận: “Nhà vua mới có vẻ đang cố gắng tạo ấn tượng tốt trước công chúng về tài chính hoàng gia!” Nhưng ngay sau đó, Bộ Tài chính Anh thông báo, khoản trợ cấp do người đóng thuế tài trợ cho hoàng gia sẽ không thay đổi, năm 2024 là 86.3 triệu bảng Anh ($107.5 triệu) và dự kiến tăng lên 124.8 triệu bảng Anh ($155.4 triệu) vào năm 2025 và 126 triệu bảng Anh ($157 triệu) vào năm 2026.
Bộ Tài chính Anh giải thích, số tiền sẽ cao hơn nhiều nếu không thay đổi công thức tài trợ, trong đó phần lợi nhuận sở hữu đất của Crown Estate được sử dụng để trợ cấp từ 15% được nâng lên 25% để chi trả cho việc cải tạo Cung điện Buckingham (nhưng sẽ giảm xuống còn 12% từ năm tới). Cung điện Buckingham là nơi đăng quang và điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, đó chỉ là một nguồn thu nhập của gia đình hoàng gia. Một số nhà chỉ trích tự hỏi, tại sao chế độ quân chủ hiện đại lại được phép miễn thuế lợi tức và trả ít hoặc không phải trả gì để vui sống trong một số cung điện đẹp nhất thế giới trong khi vẫn tiếp tục hưởng lợi từ những vùng đất rộng lớn chỉ vì một quy định quá cũ?
Chuyện gia đình
Sau một năm đăng quang, mối quan hệ của Charles với em trai và con trai vẫn căng thẳng. Rắc rối đã có từ trước lúc Charles lên ngôi nhưng khi trở thành vua, Charles có trách nhiệm giải quyết nó. Những người theo dõi hoàng gia tin rằng ông ít chiều chuộng người em trai Andrew hơn Nữ hoàng mẹ (Elizabeth tước bỏ các tước vị của Andrew và trục xuất con trai khỏi phần lớn sự kiện hoàng gia, nhưng bà được cho là đã giúp dàn xếp một vụ lạm dụng tình dục chống lại Andrew).
Các nhà viết tiểu sử cho rằng không có khả năng Andrew được quay trở lại nhiệm vụ hoàng gia trong khi Charles còn tại vị. Andrew là khách mời trong lễ đăng quang nhưng không giữ cương vị chính thức nào. Tuy nhiên, bất chấp thông tin Andrew được yêu cầu chuyển đi nơi khác, ông ta vẫn trú tại Royal Lodge, một dinh thự rộng lớn trong Windsor Estate và tham gia kỳ nghỉ hè truyền thống của gia đình tại Balmoral ở Scotland, tự lái xe đến nhà thờ cùng Hoàng tử William và Công nương xứ Wales.
Thay vì ấm lại, mối quan hệ giữa Charles và con trai Harry còn băng giá hơn, đặc biệt là sau khi Harry chỉ trích gia đình mình trong một bộ phim tài liệu tự sản xuất phát trên Netflix và một cuốn hồi ký. Harry đến dự lễ đăng quang một mình và nhanh chóng rời đi sau đó. Anh ta cũng không gặp gia đình khi ở Anh một thời gian ngắn trong tuần này.
Khó vượt qua cái bóng của người mẹ
Charles có sự ủng hộ, nhưng không có “fan cuồng”. Charles không được yêu mến như mẹ ông. Ngay cả nhiều người phản đối chế độ quân chủ cũng yêu mến Elizabeth. Một năm sau khi qua đời, bà vẫn là thành viên hoàng gia Anh được yêu thích nhất, tiếp theo là Hoàng tử William, Công chúa Anne, Công chúa Catherine rồi mới đến Charles.
Cuối tuần trước, những người hâm mộ nữ hoàng quá cố đã tụ tập bên ngoài Cung điện Buckingham để vinh danh bà. 70 năm trị vì của Elizabeth là một “bức tường thành” mà Charles hầu như không thể vượt qua. Thậm chí khi nghe tin Charles lên ngôi, một số hoàng gia còn cân nhắc cắt đứt quan hệ, cụ thể là những lời kêu gọi từ các vương quốc thuộc Khối thịnh vượng chung đòi loại bỏ cương vị nguyên thủ khối của Charles (Úc sẽ không in Charles trên tờ $5) – The Washington Post cho biết.
Sự thay đổi ngai vàng lần đầu tiên sau bảy thập niên đã tiếp thêm sinh lực cho phong trào cộng hòa tại Vương quốc Anh và vấn đề chế độ quân chủ trong thời hiện đại lại trở thành chủ đề thảo luận. Dù số người chống chế độ quân chủ tại Anh vẫn chiếm thiểu số, nhưng lực lượng của họ mạnh hơn dưới thời Elizabeth. Việc những người biểu tình cầm áp phích “Không phải vua của tôi” đã trở thành bình thường tại các sự kiện hoàng gia thời Vua Charles III.