Mỹ cân nhắc giảm quân số ở Nam Hàn

Các tướng lãnh Mỹ và Nam Hàn đi thăm địa điểm bố trí hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD ở Nam Hàn. Ảnh của Jennifer Chance, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ.

H.C.

Báo The Wall Street Journal, trong một bài tường thuật độc quyền đăng hôm nay thứ Sáu 17-07, cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình lên Tòa Bạch ốc “các lựa chọn” để giảm quân số của Mỹ đóng tại Nam Hàn vì hai nước vẫn chưa thỏa thuận được yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, theo đó Seoul phải tăng mạnh khoản tiền chi trả cho quân đội Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ được biết đã xem xét cơ cấu của quân đội Mỹ tại Nam Hàn – một phần trong việc xem xét tái bố trí và giảm quân số Mỹ đồn trú tại các nước trên thế giới.

Hiện Mỹ có 28.500 binh sĩ đóng tại Nam Hàn, cùng với một lượng lớn quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản để “canh chừng” các hoạt động gây chiến tranh của Bắc Hàn, Trung Quốc và Nga. Một sĩ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng cho biết, cho tới nay chưa có quyết định chính thức nào về việc rút bớt quân số ở Nam Hàn hoặc giảm đi bao nhiêu người.

Tháng trước, ông Trump đã gây bất ngờ và khó chịu cho các đồng minh ở châu Âu khi đột ngột quyết định rút 9.500 người trong số 34.500 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức; và một cố vấn thân cận của tổng thống – cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, ông Richard Grenell còn cho biết sẽ có thể rút thêm nhiều binh lính nữa. “Chúng tôi muốn đưa về nhà các binh sĩ Mỹ từ Syria, Afghanistan, Iraq, từ Nam Hàn, Nhật Bản và Đức,” ông Grenell nói với tờ báo Đức Bild.

*

Mỹ và Nam Hàn là đồng minh thân thiết kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, khi ấy có tới 350.000 binh sĩ Mỹ trong đoàn quân của Liên hiệp quốc chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của liên quân Bắc Hàn-Trung Quốc. Số quân này giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 28.500 người. Năm 1991, hai nước đã ký kết thỏa thuận đầu tiên trong hàng loạt thỏa thuận mà theo đó Nam Hàn sẽ đóng góp ngân sách và các phương tiện khác để giảm bớt chi phí của chính phủ Mỹ cho việc duy trì lực lượng quân đội đồn trú này. Tuy nhiên, ngay từ khi lên làm tổng thống, ông Trump đã liên tục yêu cầu Nam Hàn phải gia tăng khoản đóng góp này.

Dưới áp lực của Washington, Seoul đồng ý trả 926 triệu USD trong năm 2019, tăng 8,2% so với mức trung bình hằng năm đã được hai bên thỏa thuận; ông Trump khen ngợi hành động này nhưng sau đó đòi tăng số tiền mà Seoul phải trả lên gấp năm lần, khoảng 5 tỷ USD cho năm nay. Tổng thống Nam Hàn, ông Moon Jae-in buộc phải chấp nhận mức 5 tỷ USD song yêu cầu số tiền này được rải ra trong 5 năm, tăng dần từ mức 900 triệu USD/năm lên 1,3 tỷ đô la trong năm cuối. Ông Trump yêu cầu Nam Hàn phải trả 1,3 tỷ đô la ngay năm nay; nhưng ông Moon bác bỏ yêu cầu đó. Thỏa thuận chia sẻ chi phí, gọi là Hiệp định Biện pháp Đặc biệt, giữa Mỹ và Nam Hàn đã hết hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái và hiện nay chưa có hiệp định nào thay thế.

Một quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ cho biết: “Tổng thống rất rõ ràng mong muốn các đồng minh của chúng ta khắp thế giới, kể cả Nam Hàn, có thể và nên đóng góp nhiều hơn nữa”. Một quan chức cao cấp khác nói, ông Trump liên tục đặt vấn đề về tính hợp lý của việc bố trí quân đội ở nước ngoài: “Ông ấy nói rõ rằng ông muốn có các lựa chọn khác.”

Từ mùa thu năm ngoái, Tòa Bạch ốc đã yêu cầu Bộ Quốc phòng tìm các phương án sơ bộ để rút bớt quân đội từ khắp thế giới, từ Trung Đông, Bắc Phi, châu Âu và châu Á. Tháng Ba vừa qua, Bộ Quốc phòng đã lọc ra một số lựa chọn khả dĩ nhất và trình cho Tòa Bạch ốc, trong đó có việc rút một phần quân số từ Nam Hàn, một quan chức chính phủ cho biết. Hồi tháng Tư, báo Nam Hàn Dong-A Ilbo đã có bài tường thuật về quyết định rút bớt quân số của Mỹ nhưng đầu tháng này, tướng Robert Abrams, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nam Hàn nói rằng, thông tin Mỹ rút bớt quân khỏi Nam Hàn chỉ là “tin đồn thất thiệt” dù ông khẳng định Bộ Quốc phòng đang tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh việc bố trí quân đội Mỹ trên toàn cầu. “Chưa có quyết định nào được đưa ra nhằm thay đổi vị thế của lực lượng chúng ta tại Nam Hàn. Nhưng dù cho kết quả việc xem xét như thế nào thì chúng ta vẫn phải duy trì khả năng ứng phó với mọi mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên,” một quan chức quốc phòng nói.

**

Nhưng dự tính của Tổng thống Trump rút bớt quân số tại Nam Hàn hay tại Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang gây tranh luận sôi nổi trong giới chuyên gia Mỹ – những người cho rằng tổng thống không đánh giá đầy đủ vai trò mà các đồng minh đang giữ trong việc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Bruce Klingner thuộc Quỹ Heritage, một cơ quan nghiên cứu có quan điểm bảo thủ, nhận xét: “Dự định này phản ánh quan điểm kiểu kinh doanh của ông Trump. Nó trái ngược với chiến lược của Mỹ thời hậu Đệ Nhị Thế chiến, vốn xem các đồng minh là lợi ích chiến lược lớn nhất. Duy trì quân đội Mỹ ở các điểm nóng trên toàn cầu có thể ngăn ngừa các đối thủ của Mỹ làm những điều tệ hại và cho phép quân đội Mỹ phản ứng nhanh với mọi biến động.”

Ông Anthony Blinken, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng: “Trong lúc các mối nguy cơ đang tăng lên ở châu Á, châu Âu và nhiều nơi khác, chúng ta không nên có những hành động gieo rắc nỗi hoài nghi về cam kết của Mỹ trong chính các quốc gia dân chủ mà chúng ta cần sát cánh. Chúng ta cũng không nên có những bước đi được coi như quà tặng cho Trung Quốc và những nước khác đang tìm cách làm suy yếu các liên minh của chúng ta trên thế giới”.

Quốc hội Mỹ cũng lo ngại. Ủy ban Quân vụ Hạ viện vừa thông qua một dự luật ngăn cản Bộ Quốc phòng giảm quân số ở Nam Hàn xuống dưới mức 28.500 người trừ phi Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận rằng mối đe dọa của Bắc Hàn đã được ngăn chặn và việc giảm quân sẽ không gây tổn hại cho an ninh của Mỹ. Ủy ban Quân vụ Thượng viện của đang dự thảo một dự luật tương tự.

Từ Seoul, ông Paul Choi, giám đốc điều hành StratWays Group – một cơ quan nghiên cứu và tư vấn về rủi ro địa chính trị – nhận xét cuộc tranh cãi về đóng góp tài chánh đang làm hai đồng minh Mỹ và Nam Hàn xao lãng những vấn đề lớn lao hơn, cấp thiết hơn là Bắc Hàn và Trung Quốc. “Chúng ta đang tự bắn vào chân mình”, ông Choi nói.

Với Trung Quốc và Bắc Hàn, có lẽ không món quà nào lớn hơn, vượt cả mong đợi, là quân đội Mỹ rút hết khỏi Nam Hàn.

(theo WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: