Mỹ kéo Ấn Độ khỏi Nga như thế nào?

Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân trong buổi tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tòa Bạch Ốc ngày 21 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Hoa Kỳ đang nỗ lực kéo Ấn Độ khỏi Nga. Quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia cũng nhằm vào Trung Quốc.

Một thỏa thuận hợp tác quốc phòng chưa từng có

Ấn Độ dự kiến sẽ mua máy bay không người lái tối tân của Mỹ và cùng sản xuất động cơ máy bay chiến đấu trong một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đôla được thiết kế với mục đích, để New Delhi ngừng mua vũ khí từ Nga. Thoả thuận vũ khí sẽ được công bố tại Washington nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Hoa Kỳ.

New Delhi từ lâu đã tìm mua một số vũ khí và thiết bị tiên tiến nhất của Mỹ, nhưng cho đến nay, Washington vẫn chưa chịu chia sẻ các công nghệ nhạy cảm mà một lý do là Ấn Độ vẫn tiếp tục mua các thiết bị quân sự của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute), cơ quan theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế, trong thập niên qua Nga đã bán cho Ấn Độ lượng vũ khí nhiều gấp 20 lần so với Mỹ. Chính sách mới tăng cường hợp tác Mỹ-Ấn của chính quyền Biden bắt nguồn từ tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung cũng như lợi ích của Mỹ trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Nga tại các nước đang phát triển.

Ấn Độ, bất chấp áp lực của Hoa Kỳ, đã giữ thái độ trung lập đối với cuộc chiến của Putin ở Ukraine, không lên án hành động của Nga và từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt. Trong khi Hoa Kỳ mong muốn tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ trong nhiều năm qua, sự miễn cưỡng chính trị và thậm chí cả sự quan liêu trong chính sách đối ngoại ở Washington đã ngăn cản Ấn Độ sở hữu các vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ mà nước này mong muốn từ lâu.

Nay, theo các nhà phân tích, thỏa thuận sắp công bố cho thấy “bước ngoặt đã bắt đầu trong mối quan hệ”. Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ và Ấn Độ cũng đang thảo luận về tăng cường hợp tác giữa hai quân đội, từ hậu cần đến chia sẻ thông tin tình báo. Chẳng hạn, các tàu của Mỹ sẽ ghé các cảng của Ấn Độ thường xuyên hơn và quân đội hai nước sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung hơn. Chính quyền Biden còn đề xuất các sáng kiến lớn khác về hợp tác công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch dù chưa công bố.

Theo một quan chức Mỹ cấp cao, Ấn Độ sẵn sàng mua hơn 20 máy bay không người lái SeaGuardian (MQ-9B Reaper nâng cấp) trong một thương vụ trị giá khoảng $3 tỷ. Một điểm quan trọng khác của thỏa thuận là hai nước sẽ cùng sản xuất động cơ General Electric F414 cho thế hệ máy bay chiến đấu phản lực tiếp theo của Ấn Độ (động cơ tương tự được sử dụng trong máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ) và Mỹ sẽ chuyển giao cho New Delhi một số công nghệ quân sự rất nhạy cảm.

Quốc yến thay cho chỉ trích nhân quyền

Việc chính phủ Biden sẵn sàng chia sẻ công nghệ nhạy cảm với Ấn Độ được xem là dấu hiệu cho thấy hai bên đã tin tưởng lẫn nhau hơn. Jeff Smith, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á (Asian Studies Center) thuộc Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn bảo thủ ở Washington, nhận định: “Thoả thuận sẽ được ghi nhớ như một bước tiến đáng kể trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn Độ”.

Thoả thuận gần như đã hoàn tất trong chuyến thăm Ấn Độ vào đầu tháng này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người đã chia sẻ với với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh về lộ trình hợp tác quốc phòng trong tương lai.

Nga cung cấp khoảng một nửa nhu cầu quốc phòng của Ấn Độ, từ đạn dược, máy bay chiến đấu phản lực đến xe tăng và hệ thống phòng không S-400. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã gây áp lực Ấn Độ giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga nhưng lại không trừng phạt New Delhi vì mua bán vũ khí với Nga.

Theo các nhà quan sát, phải mất nhiều năm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga mới có thể giảm đi đáng kể. Richard Rossow, chủ tịch nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies), một tổ chức tư vấn ở Washington, nhận định: “Tôi không nghĩ kết quả sẽ đến nhanh chóng, nhưng nếu chúng ta thực sự nỗ lực trong những lĩnh vực cụ thể, chúng ta có thể đạt được những điều trước đây không thể đạt được”.

Thủ tướng Modi đã đến Washington ngày 21 Tháng Sáu trong chuyến công du Hoa Kỳ nhiều ngày, gồm cả một buổi trình diễn yoga tập thể tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, nơi ông gặp Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk. Modi đã tham dự bữa tối riêng với Biden tại Toà Bạch Ốc vào ngày 21 Tháng Sáu, và dự kiến, hai nhà lãnh đạo ​​sẽ đưa ra tuyên bố chung và trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Toà Bạch Ốc vào ngày 22 Tháng Sáu.

Quốc yến là bữa ăn tối cấp nhà nước, một trong những vinh dự ngoại giao cao nhất của Washington và là một sự kiện xa hoa có sự tham dự của một số chức sắc và khách mời cấp cao. Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ ba được Biden tổ chức quốc yến, sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Thủ tướng Ấn Độ sẽ phát biểu tại một cuộc họp lưỡng viện Quốc hội, nơi một số nhà lập pháp đã công bố kế hoạch tẩy chay sau khi chỉ trích hồ sơ nhân quyền của ông Modi. Nhiều nhóm nhân quyền phản đối quyết định của chính quyền Biden trải thảm đỏ đón Modi.

Họ cáo buộc chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc đạo Hindu của ông ngược đãi các nhóm thiểu số tôn giáo, đàn áp báo chí, quyền tự do và bịt miệng những người chỉ trích. Các quan chức chính quyền Biden cho biết sẽ tiếp tục nêu quan ngại về nhân quyền và dân chủ với những người đồng cấp Ấn Độ nhưng họ xem hành động tẩy chay là phản tác dụng. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, tuyên bố với các phóng viên trước chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ: “Cuối cùng, câu hỏi về chính trị và câu hỏi về dân chủ ở Ấn Độ nên để cho người dân Ấn Độ tự quyết định tại đất nước họ chứ không phải tại… Mỹ” – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: