Mỹ – Úc lo ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương

Trung Quốc gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và Úc ở các đảo quốc có vai trò địa chính trị quan trọng ở Nam Thái Bình Dương.

H.C.

Các tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang nỗ lực mua lại các dự án lắp đặt, vận hành tuyến cáp quang biển và công ty viễn thông của các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, gây lo ngại cho Washington và Canberra về khả năng Trung Quốc xâm nhập và do thám ở một khu vực lâu nay được coi là “sân sau” của Mỹ và Úc.

Hồi chuông cảnh báo được gióng lên sau khi công ty Huawei Marine Trung Quốc quyết định chào giá 72,6 triệu USD xây dựng tuyến cáp quang biển (undersea cable) nối các đảo quốc Micronesia, Kiribati và Nauru. Dự án có tên là East Micronesia Cable được Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (Asia Development Bank, ADB) cho vay vốn thực hiện để cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông yếu kém ở các đảo Thái Bình Dương. Báo Asia Nikkei đưa tin việc đấu thầu chọn công ty xây dựng và vận hành dự án đã kết thúc hồi tháng 5-2020 và hiện các ngân hàng tài trợ đang thẩm định hồ sơ dự thầu của các công ty.

Huawei Marine từng là công ty con của tập đoàn Huawei Technologies đang bị Mỹ trừng phạt, trước khi được tập đoàn Hengtong của Trung Quốc mua lại.

Tuyến cáp quang biển không chỉ có vai trò quan trọng về thông tin viễn thông mà còn được coi là một trọng điểm về bảo mật do lượng dữ liệu rất lớn về đủ mọi lĩnh vực được lưu chuyển trên “xa lộ thông tin” này. Bởi vì Mỹ và Liên bang Micronesia có thỏa thuận hợp tác quân sự theo đó Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng của Micronesia, nên Washington lo ngại nếu dự án East Micronesia Cable do Trung Quốc xây dựng thì Bắc Kinh có thể sẽ thu được các thông tin quân sự và các thông tin mật khác.

Mỹ đã cảnh báo các đảo quốc Thái Bình Dương về các mối đe dọa an ninh nếu Huawei Marine của Trung Quốc trúng thầu xây dựng dự án vì Huawei Marine và các công ty Trung Quốc khác được yêu cầu hợp tác với các dịch vụ tình báo và an ninh của Bắc Kinh. Washington đã gửi công hàm tới Micronesia vào tháng 7-2020 bày tỏ quan ngại chiến lược về dự án và các thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz và Marco Rubio đã nói với Micronesia trong một bức thư ngày 18 tháng 9 rằng Trung Quốc có thể tận dụng dự án để tiến hành “các chiến dịch gián điệp và chèn ép địa chính trị”.

Úc đã loại bỏ Huawei Marine khỏi một dự án cáp quang biển trong quá khứ. Năm 2018, Úc đã quyết định tài trợ xây dựng một tuyến cáp dưới biển giữa Sydney, Papua New Guinea và quần đảo Solomon nhưng loại trừ Huawei Marine cho dù công ty này đã nhận được đơn đặt hàng của quần đảo Solomon. Hồi tháng 10-2020, Úc đã quyết định tài trợ cho việc kết nối cáp internet dưới biển tới đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương cùng với Mỹ và Nhật Bản.

*

Ngoài dự án cáp biển còn có nhiều tin đồn các công ty Trung Quốc đang nhắm tham gia kinh doanh điện thoại di động ở các đảo Nam Thái Bình Dương. Truyền thông Úc đưa tin tập đoàn China Mobile quan tâm đến việc mua lại các hoạt động tại Thái Bình Dương từ công ty Digicel của Jamaica. Công ty Digicel được cho là kiểm soát 90% thị trường di động ở Papua New Guinea và hơn một nửa thị trường Vanuatu và Tonga. 

Người phát ngôn của Digicel xác nhận với báo Nikkei rằng hãng viễn thông này đã nhận được các cách tiếp cận không mong muốn từ một số bên liên quan đến các hoạt động tại Thái Bình Dương nhưng từ chối bình luận thêm vì các cuộc thảo luận với các bên là bí mật. Báo Úc The Australian Financial Review cho biết chính phủ Úc đang xem xét hỗ trợ tài chính cho các nhà thầu địa phương mua lại các hoạt động của Digicel ở Nam Thái Bình Dương để ngăn chặn các công ty Trung Quốc thâu tóm các tài sản nhạy cảm về mặt chính trị.

China Mobile là tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc nhưng có tên trong “sổ đen” cấm vận của Mỹ và là một trong ba tập đoàn viễn thông Trung Quốc mới bị loại khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

*

Các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương tuy chỉ là những đảo san hô nhỏ, cách biệt và dân cư thưa thớt nhưng đã trở thành “chiến trường” trong cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh của Mỹ là Úc.

Mỹ và Úc lo rằng nếu Bắc Kinh xây dựng được các cấu trúc hạ tầng trong khu vực và đưa các cấu trúc này phục vụ hoạt động quân sự, thì Trung Quốc có thể giám sát các hoạt động quân sự và gây không ít khó khăn cho quân đội Mỹ và Úc.

Trung Quốc với chính sách “ngoại giao tập check” từ lâu đã dùng tiền bạc và ưu đãi thương mại để lôi kéo các đảo quốc nhỏ này ra khỏi quỹ đạo ngoại giao của Đài Loan. Hồi tháng 11-2020, Bắc Kinh đã tổ chức một hội nghị truyền hình với 10 trong số 14 đảo quốc trong khu vực để bàn về đại dịch coronavirus, nhưng thông cáo báo chí chung được đưa ra hội nghị nói rằng “Các đảo quốc Thái Bình Dương tái khẳng định duy trì nguyên tắc Một Trung Quốc,” khẳng định rằng Đài Loan là một phần không thể chuyển nhượng của một Trung Quốc duy nhất. 

Quần đảo Solomon và Kiribati đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào tháng 9-2019 và chuyển sang Bắc Kinh. Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho cả hai nước và đã đồng ý tài trợ một sân vận động cho quần đảo Solomon.

Tại Papua New Guinea, một công ty Trung Quốc đã được bật đèn xanh để xây dựng một khu công nghiệp thủy sản đa chức năng toàn diện trị giá 147 triệu USD và chỉ cách bờ biển nước Úc khoảng 200 cây số. Các chuyên gia quân sự lo ngại rằng khu công nghiệp thủy sản này có thể chỉ là vỏ bọc che giấu hoạt động của các đơn vị hải quân và dân quân biển Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: