Mỹ viện trợ hỏa tiễn diệt hạm giúp Ukraine chống phong tỏa

Hỏa tiễn diệt hạm Harpoon – được coi là sát thủ biển khơi – được phóng từ tuần dương hạm hạt nhân USS Radford (CGN-25) trong một cuộc tập trận của hải quân Mỹ. Nếu Ukraine được trang bị loại hỏa tiễn này thì hạm đội Hắc Hải của Nga sẽ không có đường thoát. Ảnh © CORBIS/Corbis via Getty Images

Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc tìm cách chuyển các hỏa tiễn chống hạm tiên tiến cho các chiến binh Ukraine để giúp họ phá vỡ cuộc phong tỏa đường biển của hải quân Nga, bất chấp lo ngại rằng những vũ khí mạnh, có thể đánh chìm ​​chiến hạm của Nga, sẽ làm gia tăng căng thẳng của vụ xung đột, bản tin độc quyền của hãng Reuters cho biết hôm nay 19 Tháng Năm.

Việc hải quân Nga tấn công, phong tỏa các hải cảng Ukraine trên biển Hắc Hải và biển Azov như Odessa, Mariupol… đã làm cho lúa mì và các loại ngũ cốc khác của Ukraine không xuất cảng được, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao và có nguy cơ gây ra nạn đói ở nhiều nước chậm phát triển. Trước chiến tranh, Ukraine sản xuất mỗi năm 80 triệu tấn lúa mì và cung ứng khoảng 7% lượng lúa mì tiêu thụ trên toàn thế giới. Việc các hải cảng bị phong tỏa, giao thương đường biển bị gián đoạn đã khiến  một lượng lúa mì bị tồn đọng và hư hỏng, đẩy giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng gấp đôi, gấp ba.

Để chống phong tỏa, Ukraine không giấu giếm họ muốn có các loại vũ khí tân tiến hơn, ngoài kho pháo, hỏa tiễn Javelin và Stinger diệt xe tăng và máy bay. Danh sách vũ khí mà Kyiv đề nghị Mỹ viện trợ có các loại hỏa tiễn chống hạm có thể đẩy hải quân Nga ra xa các cảng ở Hắc Hải, cho phép tái khởi động các chuyến xuất khẩu hàng ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác ra thế giới.

Trước đây, quan chức quốc phòng Mỹ thường chỉ ra các trở ngại trong việc trang bị vũ khí mạnh hơn cho Ukraine, chẳng hạn như phải mất nhiều thời gian huấn luyện cách sử dụng, khó bảo trì hoặc vũ khí tân tiến có thể rơi vào tay quân Nga cũng như lo ngại sự leo thang xung đột.

Nhưng nay ba quan chức cao cấp Mỹ và hai nguồn tin quốc hội cho biết hai loại tên lửa chống hạm rất mạnh, gồm hỏa tiễn Harpoon do hãng Boeing chế tạo và hỏa tiễn Naval Strike Missile (NSM) do hãng Kongsberg và Raytheon Technologies chế tạo đang được xem xét để chuyển trực tiếp đến Ukraine, hoặc chuyển giao từ một đồng minh châu Âu có sẵn các loại hỏa tiễn này.

Hồi đầu Tháng Tư Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi Bồ Đào Nha cung cấp cho quân đội Ukraine các hỏa tiễn Harpoon có tầm bắn lên tới gần 300 km. Nhưng có một số trở ngại khiến Ukraine vẫn chưa nhận được hỏa tiễn, chẳng hạn cần lập ra những bệ phóng đặt trên bờ vì hỏa tiễn Harpoon chủ yếu được phóng từ chiến hạm trên biển. Hiện Mỹ đang nghiên cứu giải pháp kéo lên bờ các bệ phóng hỏa tiễn Harpoon từ một chiến hạm Mỹ, hai quan chức cao cấp cho biết.

Bryan Clark, một chuyên gia hải quân tại Viện Hudson, cho biết chỉ cần 12 đến 24 hỏa tiễn chống hạm như Harpoon với tầm bắn trên 100 km là đủ đe dọa các tàu Nga và có thể thuyết phục Moscow phải dỡ bỏ lệnh phong tỏa. “Nếu Putin vẫn tiếp tục, Ukraine có thể hạ gục những con tàu lớn nhất của Nga vì chúng không có nơi nào để ẩn náu ở Biển Đen”, Clark nói. 

Tuần dương hạm Moskva, soái hạm của hạm đội Hắc Hải, Nga bị đánh chìm hồi tháng trước chỉ bằng hỏa tiễn Neptune khá tầm thường của Ukraine Ảnh Twitter ngày 18 Tháng Tư.

Ngoài Harpoons phóng từ chiến hạm, hải quân Mỹ còn có hỏa tiễn chống hạm NSM có thể phóng từ bờ, tầm bắn 250 km và hải quân Ukraine chỉ cần 14 ngày đào tạo là có thể sử dụng. Các nguồn tin cho biết, so với Harpoons, hỏa tiễn NSM được coi là dễ chuyển giao hơn vì các đồng minh NATO có thể cho mượn các bệ phóng mặt đất di động sẵn có và đầu đạn từ Na Uy.

Một lựa chọn khác là Na Uy sẽ tặng hỏa tiễn NSM cho Ukraine, một ý tưởng được các thành viên quốc hội Na Uy ủng hộ. 

Tuy vậy, trở ngại còn ở chỗ không quốc gia NATO nào “xung phong” làm nước đầu tiên hoặc duy nhất cung cấp hỏa tiễn chống hạm cho Ukraine, vì lo sợ Nga sẽ trả đũa nếu tàu hải quân Nga bị đánh chìm bằng hỏa tiễn Harpoon hoặc NSM lấy từ kho dự trữ của họ.

Nga đã chịu nhiều tổn thất trên biển, đặc biệt là vụ đánh chìm tàu ​​tuần dương Moskva, soái hạm chỉ huy hạm đội Hắc Hải – niềm tự hào của hải quân Nga. Bộ Quốc phòng Anh cho biết hiện có khoảng 20 tàu hải quân Nga, bao gồm cả tàu ngầm, đang hoạt động trong khu vực. Nếu các chiến hạm này tiếp tục bị đánh chìm bằng các hỏa tiễn tối tân của Mỹ và NATO thì không rõ Putin sẽ phẫn nộ đến thế nào.

Một loại vũ khí khác nằm trong danh sách mua sắm của Ukraine là hệ thống phóng nhiều hỏa tiễn cùng lúc (MLRS) như M270 do hãng Lockheed Martin chế tạo có thể tấn công mục tiêu cách xa 70 km hoặc hơn, xa gấp ba lần so với nhiều loại lựu pháo hiện tại.

Hai quan chức Mỹ cho biết M270 hoặc hệ thống tương tự như M142 HIMARS sẽ được xem xét chuyển tới Ukraine sau khi Quốc Hội thông qua dự luật tài trợ bổ sung $40 tỷ – việc mà Thượng Viện Hoa Kỳ vừa thông qua sáng nay 19 tháng Năm 2022.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: