Đợt dịch coronavirus mới tiếp tục tàn phá Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự vào Tháng Hai 2021, với những dòng người xếp hàng nhiều giờ để được nạp oxy tại các thành phố lớn và những người ốm nặng chấp nhận chờ chết ở nhà vì quá sợ hãi thảm trạng tại các bệnh viện công.
Sợ đến bệnh viện
Nhiều gia đình tuyệt vọng lùng sục các nhóm Facebook và các ứng dụng có gài mã an toàn để tìm kiếm nguồn cung oxy cho thân nhân bị bệnh. Họ mệt mỏi chờ đợi trước các nhà máy sản xuất oxy với hy vọng được nạp đầy bình. Các lò hỏa táng đầy quan tài, và các công nhân, tình nguyện viên tang lễ mặc đồ bảo hộ cá nhân (PPE) làm việc không ngừng nghỉ. Hỗn loạn chính trị đẫm máu đã giết chết hơn 900 người tại Myanmar sau đảo chính. Hàng ngàn người bị giam giữ và bị tra tấn. Xã hội dân sự và hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn dễ bị tổn thương nay sụp đổ hoàn toàn.
Các bác sĩ, nhân viên y tế, và công nhân viên đình công phản đối đảo chính buộc phải ẩn náu để khỏi bị bắt giữ. Khi xảy ra đợt bùng phát Covid-19 mới tồi tệ nhất, các bác sĩ và tình nguyện viên cho biết quân đội đã sử dụng đại dịch như “vũ khí chống lại người dân”. Chính quyền quân sự hạn chế bán oxy cho công chúng, nêu lý do chống đầu cơ, và các bệnh viện quân đội từ chối nhận bệnh nhân dân sự. Covid-19 cũng lan đến nhà tù chính trị lớn Insein và nhiều nhà tù khác.
“Người bệnh sợ hãi bệnh viện phải tự điều trị và chết tại nhà” – một bác sĩ nói. Bộ Y tế nâng tổng số nhiễm Covid chính thức lên 246,663 và số người chết là 5,814. Nhưng các bác sĩ và các nhóm tình nguyện khẳng định con số trên khác xa thực tế. Chương trình vaccine cũng sụp đổ do thói quan liêu và mất lòng tin của công chúng. “Chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân trở nặng và thấy người chết tăng hàng ngày” – một bác sĩ giấu tên nói. Joy Singhal, trưởng phái đoàn Myanmar tại Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhận định: “Sự gia tăng nhanh chóng của Covid-19 ở Myanmar trong thời gian gần đây là rất đáng quan ngại và đặt toàn bộ hệ thống y tế vào tình trạng căng thẳng. Hoạt động xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng phải được làm nhanh hơn”.
Đẩy cái khó cho người dân
Khi hệ thống y tế tê liệt và kế hoạch Covid quốc gia còn bất cập, cộng với mất niềm tin của công chúng, một mạng lưới các bác sĩ ngầm và các nhóm tình nguyện đang cố gắng bịt các lỗ hổng. Snowy (tên giả), 25 tuổi, thành viên nhóm tình nguyện 12 người ở Yangon đang tìm cách đưa bình dưỡng khí và các vật dụng khác đến tay những người kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Nhóm liên hệ với các nhà cung cấp oxy tư nhân, nhưng nguồn cung không bao giờ đủ. Cô nói: “Họ van xin ‘hãy cứu chúng tôi!’ nhưng làm sao tôi có thể cứu họ khi tôi không phải là bác sĩ? Có người mất mạng vì chúng tôi không cung cấp oxy kịp thời”. Quân đội giành ưu tiên tại những điểm nạp oxy với sự hỗ trợ của xe bọc thép. Nhưng không chỉ thiếu oxy mà còn thiếu thiết bị kiểm tra nồng độ oxy, máy nạp oxy, đồng hồ đo lưu lượng, máy thở và các thiết bị khác. Chúng đều đắt và khan hiếm. Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, quân đội luôn đổ lỗi cho sự thiếu hụt cho những kẻ vô đạo tung tin đồn.
“Chúng tôi có đủ oxy – Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo đảo chính, nói – Chính những kẻ xấu thu gom bình oxy đã loan tin đất nước không còn oxy nữa!”. Tuy nhiên, gần đây, Bộ Y tế cho biết đang tăng cường các biện pháp chống dịch. Trên truyền thông nhà nước đầy những tin cung cấp oxy cho bệnh viện, xây dựng trung tâm điều trị Covid-19, mở thêm nhà máy oxy và áp dụng liệu pháp hiệu quả trên bệnh nhân coronavirus. Nhưng các cư dân lại kể một câu chuyện khác. Kyaw Naing (tên giả) khẳng định chín thành viên trong gia đình anh ở Yangon đều nhiễm virrus nhưng không có oxy để thở hoặc không được nhập viện. Các bệnh viện tư nhân thiếu oxy nghiêm trọng.
Lời kêu gọi không được lắng nghe
Mới đây, chính quyền quân sự ra thông báo kêu gọi các bác sĩ, y tá và tình nguyện viên đến giúp các bệnh viện công và trung tâm Covid-19 đang thiếu nhân lực nghiêm trọng. Nhưng nhiều bác sĩ sợ bị bắt và bị tra tấn. Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Myanmar cho biết: “Đã ghi nhận 240 vụ tấn công vào các cơ sở y tế và nhân viên y tế. Tính đến nay đã có hơn 500 lệnh truy nã bác sĩ, y tá được ban hành. Bạn không thể vừa đánh Covid-19 vừa tấn công bác sĩ, y tá và phòng khám. Cách làm này khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn tại Myanmar”.
Dù bị truy bức, mạng lưới ngầm phòng khám và dịch vụ y tế nhân dân vẫn trả lời hàng trăm câu hỏi mỗi ngày thông qua các ứng dụng bảo mật và mạng xã hội. “Mỗi ngày chúng tôi điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân, trong đó hơn phân nửa bị sốt, mất khứu giác và các triệu chứng giống Covid” – một tình nguyện viên nói. Một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đang ẩn náu cho biết nhóm tư vấn qua điện thoại EZ Care của ông đã điều trị cho hơn 1,000 bệnh nhân trong tháng qua. “Nhưng không có oxy, chúng tôi không thể làm gì với các ca nặng” – ông bộc bạch. Một nữ bác sĩ trẻ khác ở Yangon cảm thấy bất lực khi đến khám cho một bệnh nhân quằn quại vì không thở được tại nhà rồi qua đời không lâu sau đó. “Tôi đã chứng kiến sáu bệnh nhân chết trước mắt mình trong một ngày, có người dưới 50 tuổi. Mọi người đang rất hoảng loạn vì thiếu thuốc men và không được chăm sóc chu đáo” – cô nói.