Nga bị cáo buộc “tống tiền bằng khí đốt” sau khi đơn phương cắt đứt khí đốt cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria. Ngày 26 Tháng Tư, các quan chức năng lượng của hai nước xác nhận Nga đã thông báo sẽ khoá đường ống khí đốt tự nhiên, trong bối cảnh leo thang căng thẳng kinh tế giữa Moscow và phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom, đã thông báo cho Ba Lan và Bulgaria – cả hai là thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) – sẽ ngừng giao hàng từ ngày Thứ Tư, 27 Tháng Tư. Đây là lần ngưng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo “các quốc gia không thân thiện” sẽ phải thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp thay vì loại tiền tệ khác. Các lãnh đạo châu Âu từ chối yêu cầu của Putin và cáo buộc Gazprom vi phạm hợp đồng.
EU phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga để sưởi ấm gia đình, nấu ăn và sản xuất điện ở hầu hết 27 quốc gia thành viên của khối. Từ lâu, các quan chức và chuyên gia đã lo lắng về việc EU quá phụ thuộc vào khí đốt của Moscow sẽ dễ bị Nga dùng khí đốt làm vũ khí khi xảy ra đối đầu. Cảnh báo đã biến thành hiện thực. Theo công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG, Gazprom đã gửi cho họ một lá thư thông báo sẽ khoá hoàn toàn từ đường ống Yamal, chạy từ Siberia đến châu Âu. Nhưng các quan chức Ba Lan khẳng định nước này có đủ lượng khí đốt dự trữ.
Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan, bà Anna Moskwa viết trên Twitter: “Sẽ không thiếu khí đốt dùng trong nhà ở Ba Lan”. Chính phủ Bulgaria cũng đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt thay thế và sẽ không có hạn chế trong nước đối với người dùng. Các quan chức Ukraine lập tức chỉ trích quyết định của Gazprom, khẳng định “động thái này là sự trả đũa EU vì sự ủng hộ nhiệt tình của họ đối với chúng tôi, đặc biệt là Ba Lan, quốc gia lên tiếng ủng hộ và là trung tâm cung cấp vũ khí và trang thiết bị vào Ukraine”.
Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tố cáo: “Nga đã bắt đầu tiến hành cuộc tống tiền bằng khí đốt bất chấp các quy tắc và nghĩa vụ. Đó là điển hình cách hành xử của người Nga”. Yermak cho biết thêm trong một bài đăng trên Telegram: “Nga đang cố gắng phá vỡ sự thống nhất của các đồng minh. Đó là lý do tại sao EU cần đoàn kết và áp đặt lệnh cấm vận năng lượng và tước vũ khí năng lượng của người Nga”.
Nhập khẩu năng lượng của châu Âu đã là một điểm nóng trong nhiều năm và chúng được làm nóng trở lại kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu của EU. Tổng thống Zelensky đã thúc giục EU hủy bỏ các khoản thanh toán “tiền máu” năng lượng cho Nga. Mới đây, EU đã trình kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay thay vì ngưng mua hoàn toàn và ngay lập tức đối với dầu và khí đốt của Nga như Mỹ đã làm.
Cuối năm ngoái, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ, EU tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc nhập khẩu của Nga, khi một số nhà lập pháp cáo buộc Điện Kremlin hạn chế cung cấp khí đốt để tăng giá và gây áp lực buộc các cơ quan quản lý châu Âu phải phê duyệt nhanh đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, qua Đức. Nhưng các kế hoạch “thoát Nga” tiến hành chậm chạp nên việc nhập khẩu vẫn tiếp tục như cũ, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine ngày càng trở nên tàn khốc và các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích gay gắt Putin về tội ác chiến tranh.
Theo Washington Post, tháng trước, cơ quan điều hành EU đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030, chuyển qua dựa các nguồn thay thế khác và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen nói: “Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào một nhà cung cấp cứ đe dọa chúng tôi khi thấy cần”. Tuy nhiên, ngay cả một trong những quan chức hàng đầu của EC cũng thừa nhận sự thay đổi nguồn cung sẽ là “khó khăn đẫm máu”, kéo theo giá cả tăng có thể dẫn đến bất ổn chính trị trong nước.
Ngày 26 Tháng Tư, một số nhà phân tích cảnh báo động thái của Gazprom có thể là khúc dạo đầu cho việc cắt đứt quan hệ năng lượng của Nga với châu Âu. Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency-IEA) gọi đây là “Một dấu hiệu nữa về việc Nga chính trị hóa các thỏa thuận hiện hành” và dự đoán “Hành động của Nga chỉ thúc đẩy EU nỗ lực hơn nữa để thoát ‘vòng kim cô năng lượng của Nga”. Hôm nay 27 Tháng Tư, Wall Street Journal cho biết, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng 3.1% lên 106.42 €, tương đương $112.83; một megawatt giờ sau khi tăng vọt hơn 20%, do các nhà giao dịch cân nhắc rủi ro ngày càng tăng đối với nguồn cung vốn đã thắt chặt.