Kết thúc buồn cho một “biểu tượng kháng chiến”
Sau gần ba tháng bị bắn phá dữ dội, với hàng chục ngàn người chết và vô số câu chuyện kinh hoàng và chết đói, trận chiến Mariupol coi như kết thúc. Cuối ngày 16 Tháng Năm, quân đội Ukraine thông báo các lực lượng kháng chiến “đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu” tại nhà máy luyện thép Azovstal rộng lớn, cứ điểm kháng cự cuối cùng trong một thành phố bị quân đội Nga chiếm đóng đã nhiều tuần. Hàng trăm binh sĩ Ukraine bị thương đã được di tản khỏi nhà máy, một số đưa về phía Nga để chờ trao đổi tù binh. Những người còn cố thủ bên trong cũng sẽ rời nhà máy.
Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov, là điểm nóng giao tranh dữ dội kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào cuối Tháng Hai, với những cuộc bắn phá chấn động thế giới trong đó có cuộc đánh bom vào một bệnh viện phụ sản và một nhà hát, nơi hàng trăm thường dân đang trú ẩn. Giờ đây, khi Mariupol lọt hoàn toàn vào tay Nga, người ta bắt đầu lo ngại là những chứng cứ khác về hành động tàn bạo của quân Nga sẽ bị xoá vĩnh viễn. Trước khi Kremlin kiểm soát hoàn toàn Mariupol, Hội đồng thành phố đã cáo buộc quân Nga cố gắng xóa bằng chứng, sử dụng cả lò thiêu xác di động để “hô biến” các thi thể và thanh lọc các nhân chứng sống. Như thường lệ, Kremlin phủ nhận cáo buộc này, gồm cả kế hoạch thanh lọc nhắm vào dân thường.
Mariupol đã trở thành biểu tượng sự kháng cự kiên cường của người Ukraine suốt nhiều tuần bị Nga dội bom không ngừng. Trong khi phần lớn thành phố thất thủ, những người bảo vệ thành phố tập trung về nhà máy Azovstal nơi có khoảng 1,000 dân thường trú ẩn. Thỉnh thoảng, lực lượng phòng thủ tung ra video mô tả tình hình thống khổ bên trong nhà máy với nguồn thực phẩm, nước uống cạn kiệt và hàng trăm người bị thương bị mắc kẹt mà không được chăm sóc y tế.
Dấu ấn của “đồ tể” Alexander Dvornikov
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng ở Mariupol, trong khi theo thống đốc khu vực, số người chết lên tới 22,000. Nhưng xác minh chính xác số người chết gần như không thể. Thị trưởng Mariupol ước tính 90% cơ sở hạ tầng của thành phố bị hư hỏng và 40% trong số đó không thể sửa chữa được. Những hình ảnh Mariupol bị tàn phá cho thấy quân Nga Kremlin sử dụng hỏa lực bừa bãi ở Ukraine, giống như họ từng san bằng thành phố Aleppo của Syria và thủ phủ Grozny của Cộng hoà Chechnya thuộc Nga.
Học thuyết của tướng Nga Alexander Dvornikov, phụ trách chiến trường Donbas, là san bằng một thành phố như Mariupol sẽ dễ đạt được chiến thắng hơn trong các cuộc chiến tranh đô thị. Dvornikov là chỉ huy một bộ phận quân Nga trong chiến dịch bình định Chechnya từ năm 2000 đến 2003 và chỉ huy lực lượng của Nga ở Syria từ năm 2015 đến năm 2016. Trong cả hai trường hợp, quân đội Nga đều để lại sự tàn phá, ném bom vào các khu vực dân sự mà không quan tâm đến thương vong.
“Chiến thuật của ông ta chỉ đơn giản là bắn phá bất cứ thứ gì nhúc nhích, bất cứ cơ sở hạ tầng nào, kể cả bệnh viện, trường học , buộc kẻ thù phai tháo chạy hay đầu hàng rồi sau đó chiếm lấy những gì còn sót lại – Orysia Lutsevych, một nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại Anh nhận định – Mariupol cũng nằm trong chiến thuật này”. Tình báo quân đội Ukraine cáo buộc Dvornikov phải chịu trách nhiệm về các tội ác chống lại dân thường ở Mariupol trong quá trình bao vây.
Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới có trụ sở tại Washington nhận định: “Kiểm soát toàn bộ Mariupol là chìa khóa để Nga xâm chiếm thành công khu vực Donbas rộng lớn hơn, ngoài các vùng lãnh thổ vốn do phe ly khai kiểm soát”. Nhưng việc giữ thành phố cũng cũng tốn nhiều nguồn lực đáng kể. Cuộc chiến Donbas vẫn tiếp tục diễn ra dọc theo các chiến tuyến Luhansk và Donetsk. Quân đội Ukraine cho biết họ vẫn đang đẩy lùi nỗ lực giành lãnh thổ của Nga.
Tập trung xóa dấu vết tội ác
Theo Thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko, trong số 450,000 người sống ở thành phố trước chiến tranh, một phần ba đã rời đi trước giữa Tháng Tư. Chỉ có 100,000 còn ở lại và chịu sống dưới ách cai trị của Nga. Những người chạy trốn (đa số về phía lãnh thổ Nga vì không còn con đường nào khác) mang theo nhiều câu chuyện kinh dị về quân xâm lược. Họ được đưa vào trại thanh lọc trước khi vào Nga, một hoạt động khơi dậy ký ức đau buồn về việc nhà độc tài Joseph Stalin từng buộc hàng triệu người Ukraine phải đến sống tại những vùng xa xôi của Liên Xô.
Nhiều người cho biết họ đã trú ẩn trong các tầng hầm trong nhiều ngày để tránh đạn pháo không dừng. Petro Andriushchenko, Cố vấn của thị trưởng Mariupol tố cáo sau khi tàn phá một khu phố, quân Nga thường dọn dẹp nhanh các chứng cứ để phi tang. Ví dụ nhà hát kịch, Đại lộ Myru, và bệnh viện số 3, nơi bị đánh bom nặng nề vào Tháng Ba. Một kênh Telegram có liên hệ với chính quyền mới do Nga hậu thuẫn trong thành phố biện minh: “ Việc thu gom người chết là để dọn dẹp và phục hồi thành phố”.
Tính toán đầy đủ về qui mô thiệt hại người và của tại Maniupol gần như là không thể vì thành phố đang nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của quân Nga. Như vậy, sẽ không còn cơ hội xác định chính xác qui mô tội ác chiến tranh như tại các thành phố đã được quân Ukraine giải phóng ở miền Bắc Ukraine. Tội ác tại hai thành phố nhỏ Bucha và Borodianka ở ngoại ô thủ đô Kyiv chỉ trở nên rõ ràng sau khi lực lượng Nga bỏ chạy. Người dân Mariupol cũng phải chịu sự độc ác tương tự.