Ngoại giao “Ma Túy Đổi Súng Đạn”

Brittney Griner trong nhà tù Nga. Ảnh: Evgenia Novozhenina/POOL/AFP via Getty Images

Dẫn Nhập:

Một cuộc trao đổi tù được truyền thông nhà nước cánh tả Mỹ đánh giá là “lớn nhất”  giữa Mỹ và Nga kể từ Chiến Tranh Lạnh kết thúc (1991). Để đổi lấy Brittney Griner, một nữ cầu thủ bóng rổ, bị nhà nước Nga bắt ở sân bay Moscow vì “mang trong người 1 gram dầu cần sa”, và bị tống giam vào trại trừng giới từ Tháng Hai 2022 (trước ngày Nga tấn công Ukraine, 24/2).

Đổi lại, Mỹ thả tù nhân Viktor Bout, có biệt danh “Kẻ buôn Thần Chết” vì được đánh giá là một trong những “ông trùm” buôn lậu vũ khí lớn nhất thế giới. Năm 2012, Bout bị tòa án liên bang Mỹ kết án tù 25 năm vì tội bán vũ khí cho phiến quân Colombia; Công Tố Viên Tòa Án Mỹ nhận định: Việc buôn bán của Bout nhằm âm mưu sát hại người, gây khủng bố nước Mỹ.

Suốt 10 năm qua, Nga liên tục đòi Mỹ trả Bout vì cho rằng người nầy bị bỏ tù bất công. Tính đến 2022, Bout ngồi tù được 11 năm! Nay qua vụ trao trả nầy, phải chăng Putin cũng như Biden đã “quá thương yêu lo lắng” cho tình trạng đang bị cầm tù của công dân nước mình? Hay hai bên đang tính toán những gì khác? Bài viết trình bày những điều bất cập của cuộc trao đổi qua tất cả mọi khía cạnh chính trị, ngoại giao, kể cả đạo đức đối với lương tâm của người, xã hội, chính quyền Mỹ lẫn Nga.

Một.

Trước khi nói về phía Nga/Putin với đối tượng trao trả Bout, cần nhắc lại một sự kiện khác có liên quan về vấn đề vũ khí. Trong những ngày đầu Tháng Mười Hai, 2022, Phát Ngôn Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby nhận định rằng: Nga đang hỗ trợ quân sự Iran (kẻ thù lớn hiện tại của Mỹ) ở mức độ chưa từng có. Nhiều báo cáo cho thấy, Nga và Iran đang cùng tiến hành sản xuất máy bay không người lái có khả năng sát thương cao.

Lời cáo buộc không vô cớ, và ngẫu nhiên bởi phía Ukraine cũng đã tố cáo Nga sử dụng máy bay không người lái của Iran trong các cuộc tấn công. Tóm lại, viên chức Kirby cho rằng việc Iran và Nga hợp tác sản xuất máy bay không người lái sẽ (đã) gây hại cho Ukraine, các nước láng giềng (thân Mỹ) của Iran, và cộng đồng quốc tế (lẽ tất nhiên bao gồm Mỹ). Trong tình hình nầy, Biden ra lệnh phóng thích “Kẻ buôn Thần Chết Bout” lấy cô đánh banh Griner. Có một điều gì không tương xứng và bất cập rất dễ nhận ra không cần phải một chuyên viên cấp cao về ngoại giao, phụ trách các công tác đàm phán mật.

Điển hình, Thượng nghị sĩ Bob Menendez (DC) thuộc Tiểu Bang New Jersey, Chủ Tịch Tiểu Bang Ngoại Giao Thượng Viện là người đầu tiên lên tiếng chê trách Biden đã “có quyết định vô cùng sai trái/deeply disturbing decision” qua mặc cả trao đổi “có tính cách ân huệ” khi trả Viktor Bout/Kẻ buôn Thần Chết lấy cô đánh banh (Chuyện Griner trình bày sau). Menendez vạch ra những bất cập của quyết định sai trái của Biden như sau:

1/Tạo tiền lệ cho những nhóm cá nhân, tổ chức, quốc gia tội phạm tăng cường mưu định bắt cóc công dân Mỹ để làm con tin.

2/Qua trao đổi, nhà nước Nga/Putin hiện tại và những chế độ (đối nghịch) chính trị khác thấy ra sự không tương xứng giữa con tin Mỹ so với đối tượng (cần) được trao đổi của quốc gia đối nghịch.

3/TNS Menendez nêu trường hợp nguy khốn của Paul Whelan, một cựu binh TQLC Mỹ hiện còn bị Nga giam giữ vì tội danh gọi là “gián điệp”. Trong khi Bout đã là một tội nhân chính thức với hình phạt 25 năm do tội buôn bán vũ khí cho các tổ chức khủng bố.

4/TNS Menendez nhận định thêm: Cuộc trao đổi rõ ràng là một nguồn mối để thấy ra nhằm ngăn ngừa kế hoạch bắt cóc con tin Mỹ ở nước ngoài do các nhà nước độc tài, những chế độ bạo tàn chủ mưu trong tương lai.

5/TNS Menendez kết luận: Cuộc trao đổi đã thể hiện một loạt chính sách ngoại giao thất bại của chính quyền Biden – khiến phải nhớ lại cuộc rút quân tai hại khỏi Afghanistan – cuộc rút lui mà giới quan sát viên địa-chính trị cho rằng đã giúp Putin vững tâm xâm lăng Ukraine.

Cần nói thêm, thành tích buôn bán vũ khí của Bout có liên quan đến Colombia là quốc gia hàng đầu về buôn lậu ma túy-áp dụng bạo động-thực hiện tội ác với vũ khí mà những kẻ như Bout đã chuyển đến. Nhưng Bout cuối cùng đã được trao đổi để Mỹ/Biden lấy về nữ cầu thủ bóng chuyền Griner bị bắt vì tội tàng trữ ma túy. Mời nghe tiếp chuyện cô đánh bóng rổ.

Hai.  

So vai vế về độ tuổi, thành tích mức độ tội phạm của Viktor Bout thì Brittney Griner không đáng là bao. Bởi 11 năm trước Bout đã là một “tội phạm quốc tế”, từng bị truy nã khắp thế giới; Bout đã nổi tiếng tới mức Hollywood dựng thành phim “Chúa tể chiến tranh/Lord of War”.

Về chính trị, trong lãnh vực tình báo, nhà báo Nick Paton Walsh của CNN có bài phân tích cho thấy Victok Bout là người đóng vai trò quan trọng đối với Putin về vì “những gì ông ta biết” đối với kẻ hiện làm toàn cầu rung chuyển nầy. Trong khi Griner chỉ là một ngôi sao môn bóng rổ, cho dù được xếp hạng vào Liên Đoàn Bóng Rổ Nữ Quốc Gia/WNBA, một tổ chức bóng rổ có đến 12 đội.

Griner cũng được chú ý vì chiều cao quá khổ, có một “cô vợ”, và không chịu hát quốc ca, chào quốc kỳ – đây là một điển hình “tiến bộ” của giới liberal/Đảng Dân Chủ. Nhưng tất cả cũng chưa đủ để trở thành “biểu tượng dân tộc/Thần tượng quốc gia” dẫu báo chí cánh tả Mỹ nhất tề xưng tụng “Một cuộc giải cứu (ngoại giao) lớn của Chính Phủ Biden”, lời tung hô không thiếu sự phụ họa của “những nhà truyền thông người Việt” nơi đầm lầy Bolsa bị Nghị Quyết 36 tấn công ở mức độ báo động.

Báo chí thiên tả Mỹ và đám truyền thông cánh tả người Việt khi tường thuật, tán tụng vụ trao đổi Bout/Griner hôm nay quên đọc lại hay không biết một sự kiện: Trùm buôn lậu ma túy-tổ chức tội phạm người Colombia, Escobar sau trốn thoát khỏi nhà giam trong Tháng Bảy 1992, đã trở nên là đối tượng cuộc săn người lớn nhất lịch sử của nước nầy, nên đã phải cậy đến giúp sức của Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy/DEA/The Drug Enforcement Administration của Mỹ giúp sức.

Cơ quan DEA vốn được thành hình từ cuối thập niên 1980, Tổng thống George Bush pháp định nên thành một cơ quan quốc gia (1990-1994) có tầm hoạt động quốc tế với mục tiêu: Ngăn chặn tội ác buôn bán ma túy trong phạm vi toàn cầu. Chính DEA đã bắt giữ Vitok Bout, và năm 2010 đã dẫn độ y từ Thái Lan về Mỹ.

Tháng Hai 2022, Griner bị bắt tại phi trường Sheremetyevo, Mạc Tư Khoa cũng vì tội xử dụng ma túy. Nay được trả về Mỹ, dẫu muối mặt bao nhiêu, đám báo chí thiên tả Dân Chủ cũng không thể đánh tráo lần trao đổi Bout/Griner thành ra một giải cứu tài ba của chính phủ Biden để lấy về một “anh hùng” bị bắt vì sử dụng ma túy được!

Nếu cuộc trao đổi như đã xẩy ra thì hóa ra công tác của DEA của Hoa Kỳ chỉ là một việc hoàn toàn vô ích khi bắt giữ Bout ở Thái Lan 11 năm trước? Nhưng cuộc trao đổi bất tương xứng cuối cùng cũng đã hoàn thành trong ngày 7 Tháng Mười Hai – cùng ngày Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Arizona Kyrsten Sinema từ bỏ đảng Dân Chủ ngỏ lời không tán thành cuộc trao đổi giữa một tội phạm buôn bán vũ khí, ma túy để lấy nữ đấu thủ bóng rổ Brittney Griner do tội sử dụng ma túy.

Tóm lại, đổi một tên sát nhân tầm cỡ thế giới (trong đó người, nước Mỹ là đối tượng chính) lấy lại một cô nàng đánh bóng rổ can tội tàng trữ sử dụng ma túy có thành tích không chào cờ Mỹ! Cuộc trao đổi được đánh giá là “thành quả ngoại giao lớn (nhất) kể từ sau chiến tranh lạnh! Chúng tôi chấm dứt câu chuyện bất xứng nầy để trình bày về một vấn đề sâu xa hơn, nghiệt ngã hơn liên quan đến thân phận của Việt Nam trước kia, Ukraine hiện tại.

Ba.

Buổi chiều ngày 2 Tháng Chín 1945, ông Hồ đã yêu cầu thị dân Hà Nội tuyên hứa bốn điều không làm: “Thề không đi lính cho Pháp. Thề không làm việc cho Pháp. Thề không bán lương thực cho Pháp. Và Thề không đưa đường cho Pháp trở lại Việt Nam.”

Nhưng không đầy một năm sau, ngày 6 Tháng Ba 1946 chính phủ của Hồ đã ký Hòa Ước Sơ Bộ thuận để quân Pháp trở lại Bắc Việt. Để từ đây, vào ngày 19 Tháng Mười Hai 1946 bùng nổ cuộc chiến mãi đến 20 Tháng Bảy 1954 mới chấm dứt qua ký kết giữa Pháp và Việt Minh tại Geneva, Thụy Sĩ chia đôi đất nước Việt Nam.

Quá trình thương thảo giữa hai phe đối thoại không hề có lòng tin cậy nầy thể hiện đầy đủ qua những điều khoản của Hiệp Định Sơ Bộ ký ngày 6 Tháng Ba 1946 tại Hà Nội, trong Hội Nghị Trừ Bị ở Đà Lạt, và cuộc họp cấp quốc gia tại Fontainebleau trên đất Pháp. Hội nghị không có kết quả nhưng ông Hồ Chí Minh không về cùng với đoàn Việt Nam, ở lại Ba Lê cố tìm một giải pháp hòa hoãn để tránh sự đổ vỡ giữa hai nước. Cũng bởi Việt Minh chưa chuẩn bị đủ lực lượng cho một cuộc chiến tranh. Cuộc hòa hoãn tạm thời được thành hình qua Tạm Ước Modus Vivendi do Hồ Chí Minh và Bộ Trưởng Thuộc Địa Marius Moutet ký kết trong đêm 14 Tháng Chín 1946. Hồ trở về Hà Nội sửa soạn chiến tranh.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài chín năm từ 1946 đến 1954 đổi bằng máu xương nhiều thế hệ người Việt, Việt Minh cộng sản lồng vào đấy những kế hoạch gọi là “tiêu thổ kháng chiến”, cải cách ruộng đất” phá hủy toàn bộ nông thôn Miền Bắc và Bắc Trung Việt để đi tới kết quả cuối cùng: Ngồi nói chuyện với Pháp trên thế mạnh, giải quyết mối xung đột có căn gốc giữa Mỹ/Trung Cộng-Liên Xô – Mối xung đột đã thử sức qua chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) với giải quyết đình chiến quân sự tạm thời ký kết tại Bàn Môn Điếm 27 Tháng Bảy 1953 mãi đến hôm nay, với cuộc diện căng thẳng nơi vùng Bắc Á không biết bùng nổ lúc nào!

Chiến thuật “Đánh/Đàm/Trao đổi tù binh/Ký kết/Tiếp tục đánh” trong chín năm (1946-1954) sau nầy được cộng sản Hà Nội lập lại qua những thời điểm:

Đầu năm 1968, 36/44 tỉnh lỵ; 5/6 thành phố lớn; 64/242 thị trấn, quận lỵ thành phố Miền Nam đồng loạt bị tấn công bởi một lực lượng 323,500 bộ đội cộng sản gồm 97 tiểu đoàn, và 18 đại đội đặc công biệt động. Cuộc tấn công khởi đi từ đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, đêm 30 rạng 31 Tháng Một 1968.

Vào thời điểm nầy chiến tranh Việt Nam đã tạo nên một thất lợi tâm lý trầm trọng trong dư luận Mỹ. Ký giả Walter Cronkite, người có khả năng lèo lái dư luận quần chúng Mỹ khiến Tổng thống Johnson phải nghi ngại đã mạnh mẽ xác định từ Sài Gòn: “Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nói rằng kinh nghiệm đẫm máu tại Việt Nam sẽ phải mở ra một lối thoát”.

Và cho dẫu những mục tiêu chiến thuật (các thành phố); mục tiêu chiến lược (lật đổ chế độ VNCH, làm tan rã QLVNCH) đã không thể thực hiện được, tuy nhiên hằng năm những người lãnh đạo cộng sản vẫn ra lệnh làm lễ “kỷ niệm chiến thắng” Mậu Thân 1968. Và về mặt chính trị, cộng sản Hà Nội đoạt thắng lớn khiến Mỹ phải ngồi vào hội nghị tại Ba Lê, khai diễn cuối năm 1968 với đại diện Mặt Trận Giải Phóng/Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngồi ngang với chính phủ VNCH.

Nói qua lại ở Ba Lê suốt hai năm 1969, 1970 không đi tới đâu, trong khi toàn bộ sào huyệt hậu cần, từ chiến khu C, D miền Đông Nam Bộ đến Trung Ương Cục Miền Nam trên đất Miên bị phá vỡ… Năm 1970, giới chức Mỹ-Việt ước đoán tiềm lực xâm lược miền Nam của phía cộng sản phải có dấu hiệu đình hoãn, hoặc suy giảm, và chiến dịch đánh qua đất Lào (đầu năm 1971/Lam Sơn 719) được hình thành để thực hiện quan niệm: Cắt đứt đường tiếp vận Bắc – Nam với tên thường gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”, đường dây huyết mạch sinh tử đối với binh đội cộng sản.

Đổi lại, Bộ Tổng Quân Ủy Miền Bắc quyết chiếm giữ, duy trì vùng tiếp vận quan yếu nầy bằng mọi giá trong suốt cuộc chiến tranh xâm nhập, lật đổ Miền Nam. Về phía Mỹ lại có quan niệm đổi lấy một số thời gian an toàn đủ hoàn thành các đợt rút quân; ký kết Hiệp Định Paris trên thế lợi, tiếp rút khỏi Đông Dương như ứng cử viên tổng thống (Tháng Mười 1968) Nixon đã từng hứa hẹn với cử tri Mỹ.

Cuộc nói chuyện trong giai đoạn 1971-1972 cần phải kết thúc. Trận chiến Mùa Hè 1972/Chiến dịch Nguyễn Huệ được Hà Nội khởi động từ 30 Tháng Ba 1972 trên ba vùng lãnh thổ VNCH. Trong chiều hướng “tin cậy đối với cộng sản Bắc Việt”, Hiệp Định Ba Lê ký kết ngày 27 Tháng Một 1973, thế giới “rất sáng suốt” trao giải Nobel (gọi là) Hòa Bình cho Lê Đức Thọ. Đây cũng là viên bí thư chiến dịch Hồ Chí Minh lần tiến chiếm Sài Gòn (Tháng Tư 1975) với 16 sư đoàn bộ binh cộng sản Bắc Việt như lời than vãn của Kissinger, kẻ đồng nhận giải Nobel Hòa Bình với Thọ.

Về vấn đề trao đổi tù binh, Hiệp định long trọng xác nhận “Hai bên miền Nam Việt Nam trao trả cho nhau những nhân viên quân sự được bắt giữ… ” Với định nghĩa nầy, toàn bộ các sư đoàn bộ binh, khối lượng vũ khí khổng lồ gồm xe chiến xa, đại pháo của cộng sản miền Bắc nơi mặt trận Hạ Lào 1971, ở Quảng Trị, An Lộc, Kontum 1972 đồng được “hóa không” để trở thành “quân đội giải phóng Lào yêu nước” hoặc của “lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam”!

Và hệ quả tiếp theo là: “Không có tù binh VNCH nào của mặt trận Đường 9 Nam Lào trong danh sách trao trả theo Nghị Định Thư về Tù Binh của Hiệp Định Paris 1973”. Văn bản ký kết trước cộng đồng quốc tế, được 13 nước ký Định Ước Bảo Đảm Thi Hành bao gồm Liên Xô, Trung Cộng! Màn dối gạt ngang ngược vô liêm sĩ đối với toàn thế giới hiện thực trong ngày 30 Tháng Tư 1975 tại Sài Gòn với sự đồng thuận của chính phủ, Quốc hội Mỹ.

Kết từ

Chiến tranh Nga-Ukraine phải chấm dứt như bất cứ cuộc chiến tranh nào. Cũng bởi, hai phe lâm chiến cùng kiệt lực. Và hai phía yểm trợ Mỹ-NATO/Ukraine và Trung Cộng/Nga cũng xuống sức vì nội tình bất ổn, năng lực hao mòn, vật giá, xăng dầu lên cao.

Bài viết chỉ đặt trọng tâm ý muốn kết thúc chiến tranh về phía Mỹ, vì chiến tranh kéo dài thêm nữa thì Mỹ được những gì? Cần nhắc lại từ Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế ở Davos trong Tháng Năm 2022, Cựu Ngoại Trưởng Mỹ Kissinger (lại Kissinger của Thông Cáo Thượng Hải, 1972; Hội Nghị Paris 1968-1973) đã nêu quan điểm: “Ukraine nên nhượng phần lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, phải biết kéo lùi phản ứng lại một cách mạnh mẽ (backlash)”.

Một người 98 tuổi gần đất xa trời, thú nhận (khá thật thà) đã phải giải quyết đến bốn cuộc chiến tranh chẳng mấy thành công! Chắc hẳn Kissinger lần nầy PHẢI NÓI THẬT. Thật đến mức độ nào, quả tình chúng ta không thể biết được. Chỉ biết, Tổng thống Biden với sự nguy nan của lần mất Hạ Viện vào tay đảng Cộng Hòa; vị thế đa số mong manh ở Thượng viện qua việc TNS Sinema, Tiểu Bang Arizona bỏ đảng Dân Chủ; xăng tăng giá; vật giá đồng lên cao; biên giới phía Nam rối tung, hỗn loạn; thêm Covid 19 đợt 3 đang tái phát…

Ông Biden và đảng Dân Chủ “phải tự cứu” bằng cuộc trao đổi “Hai TỘI NHÂN HÌNH SỰ DO PHẠM TRỌNG TỘI (Buôn bán vũ khí/tàng trữ, sử dụng ma túy) CHỨ KHÔNG LÀ TÙ NHÂN/PRISONER, CÀNG KHÔNG LÀ TÙ NHÂN CHIẾN TRANH/PRISONER OF WAR) – Thôi cứ nói chuyện (đại) với Putin (cũng đã quá mệt nhọc, nản chí), biết đâu đoạt được một giải Nobel Hòa Bình (tại sao không?)! Chí ít cũng được lòng đám cử tri Dân Chủ/Liberal để dự phòng cho bầu cử 2024. Biden vừa ký sắc lệnh Hôn Nhân Đồng Tính, 13 Tháng Mười Hai. Ai bảo ông Joe ngủ gật/Sleepy Joe? Lão già khôn ra gì.

Cali, 19/12/2022

Ngày Cộng Sản Hà Nội mở cuộc máu xương,

19/12/1946-30/4/1975

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: