Ngoại trưởng Hoa Kỳ thăm Trung Đông, thúc đẩy ngừng bắn và tái thiết

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Trung Đông vào thứ Ba 25-05-2021 nhằm thúc đẩy thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas cầm quyền ở dải Gaza thuộc Palestine. Ông cũng sẽ thúc đẩy việc viện trợ nhân đạo cho vùng đất Palestine bị tàn phá trong cuộc chiến tranh xuyên biên giới kéo dài 11 ngày vừa qua.

Ông Blinken dự tính sẽ tới Jerusalem gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; sau đó ông tới thành phố Ramallah ở Bờ Tây (West Bank) gặp tổng thống Palestine được phương Tây công nhận là ông Mahmoud Abbas.

Được biết, ông Blinken cũng sẽ đến Cairo, thủ đô Ai Cập và Amman, thủ đô Jordan. Ông Blinken sẽ không gặp thủ lãnh phong trào Hamas ở dải Gaza bởi vì Hoa Kỳ vẫn xếp Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố và do đó Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức về ngoại giao.

Tại các thủ đô này, Ngoại trưởng Blinken sẽ bày tỏ hy vọng của Hoa Kỳ về “thỏa thuận ngừng bắn sẽ được duy trì”, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas do Ai Cập làm trung gian với sự phối hợp của Hoa Kỳ.

“Trọng tâm chính của chúng tôi là duy trì thỏa thuận ngừng bắn, đưa được sự hỗ trợ đến những người cần nó”, quan chức này cho hãng tin Reuters biết hôm thứ Hai với điều kiện giấu tên. 

Ngay trước khi ông Blinken đến Jerusalem, nhà chức trách Israel cho biết họ đã cho phép nhiên liệu, thuốc men và thực phẩm dành cho khu vực tư nhân của Gaza được đưa vào lãnh thổ lần đầu tiên kể từ ngày xảy ra xung đột, ngày 10-5 vừa qua.

Tuy nhiên, quan chức Hoa Kỳ cho rằng hãy còn quá sớm để thực hiện các cuộc đàm phán hòa bình rộng lớn hơn giữa Israel và Palestine. Israel vừa trải qua bốn cuộc bầu cử bất phân thắng bại trong hai năm và chưa lập được chính phủ mới; trong khi người Palestine bị chia rẽ bởi sự thù địch giữa Hamas nắm quyền ở dải Gaza và phong trào Fatah cầm quyền ở Bờ Tây.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine là câu trả lời duy nhất để giải quyết xung đột, đồng thời cam kết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các nước khác để giúp tái thiết dải Gaza bị tàn phá sau những cuộc không kích của Israel. Trước đây, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã sụp đổ vào năm 2014.

Ông Netanyahu, lãnh đạo cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc trong chính quyền Israel, luôn tránh sử dụng cụm từ “nhà nước Palestine”, và sát cánh với cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng Hòa – người đã cắt viện trợ của Mỹ cho người Palestine và thúc đẩy một kế hoạch hòa bình trong đó ​​Israel được sáp nhập hầu hết các các khu định cư của người Israel trên vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Bờ Tây. Giới quan sát cho rằng, ông Netanyahu có nhiều bất đồng với Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Joe Biden của đảng Dân Chủ.

Nhóm Hamas cầm quyền ở dải Gaza bị phương Tây coi là một nhóm khủng bố. Trái với đường lối ôn hòa của phong trào Fatah ở Bờ Tây, Hamas luôn phản đối bất kỳ nỗ lực hòa bình nào của người Palestine với Israel và không chấp nhận nhà nước Israel. Hamas đã bắt đầu các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn xuyên biên giới vào lãnh thổ Israel hôm 10-5, sau đó Israel trả đũa bằng các cuộc không kích vào dải Gaza, gây tổn thất nhiều nhân mạng và nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

Trong tình hình chính trị phức tạp như vậy, sẽ khó có thể tổ chức các cuộc hòa đàm để tìm một giải pháp hòa bình lâu dài và ổn định sao cho cả hai phía Israel và Palestine đều chấp nhận được.

Cuộc xung đột vừa qua bắt đầu một phần bởi các cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem và cuộc đụng độ với người Palestine trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Các chức trách y tế cho biết, ít nhất 253 người đã thiệt mạng ở Gaza và hơn 1.900 người bị thương, trong cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine nặng nề nhất trong nhiều năm.

Quân đội Israel cho biết người chết ở Israel là 13 người, với hàng trăm người được điều trị vết thương sau khi các vụ phóng tên lửa gây hoảng loạn và khiến người dân phải lao vào nơi trú ẩn.

Các tòa nhà thương mại, chúng cư và nhà riêng trên khắp dải Gaza, nơi có hai triệu người sinh sống, đã bị hư hại hoặc phá hủy vào thời điểm lệnh ngừng bắn được công bố.

Israel cho biết các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự hợp pháp và họ đã cố gắng hết sức để tránh thương vong cho dân thường, bao gồm cả việc đưa ra cảnh báo trước khi họ chuẩn bị tấn công các tòa nhà dân cư mà họ cho rằng cũng có mục đích quân sự.

Tin mới:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: