Nhật Bản: Nơi thiếu dân, nơi phải dùng tiền… đuổi dân

Một em bé mặc trang phục Giáng sinh ngủ trong xe đẩy trong khi bố mẹ em đi mua sắm trong đêm Giáng sinh ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 24 Tháng Mười Hai, 2022. (ảnh: David Mareuil/Anadolu Agency/Getty Images)

Nhật Bản đang thực hiện chính sách trợ cấp cho các gia đình $7,627 (1 triệu yen) mỗi đứa con nếu họ chịu rời khỏi Tokyo với hy vọng giảm tải dân số ở thủ đô của đất nước.

Tokyo dùng tiền… đuổi dân

Như vậy, mỗi đứa con được nhận thêm hơn $5,300, cùng với số tiền trước đó khoảng gần $2,300. Tuy nhiên, để nhận được khoản trợ cấp 1 triệu yên cho mỗi đứa trẻ của chính phủ, người nhận sẽ phải sống ở khu vực tái định cư mới trong tối thiểu năm năm khi còn làm việc. Những người không tuân thủ các yêu cầu bắt buộc sẽ phải hoàn lại tiền.

Nhật Bản có dân số 125.7 triệu người nhưng 28% (khoảng 35 triệu) tập trung ở Tokyo và các khu vực lân cận Kanagawa, Saitama, Chiba. Lo sợ Tokyo quá đông đúc của chính phủ Nhật Bản còn có nguyên nhân động đất tiềm tàng. Năm 2019, Cơ quan xúc tiến nghiên cứu động đất (Headquarters for Earthquake Research Promotion) của Nhật Bản cảnh báo có đến 47% khả năng xảy ra một trận động đất mạnh ở Tokyo trong vòng 30 năm tới.

Cảnh báo này đã được chứng minh vào Tháng Mười qua khi một trận động đất mạnh 6.1 độ xảy ra tại thủ đô. Vào Tháng Ba, 2022, bờ biển phía đông bắc nước Nhật đã phải chịu đựng trận động đất mạnh 7.4 độ richter, khiến bốn người thiệt mạng và hàng ngàn người không có điện. Do đó, chính phủ hy vọng sẽ khuyến khích các gia đình ở khu vực đô thị chính cũng như những người ở các khu vực lân cận chuyển đi nơi khác bằng chính sách hỗ trợ tài chính mới.

Các gia đình tham gia chương trình tái định cư mang tính cấp bách này có thể chuyển đến các khu đô thị (các thành phố và thị trấn có chính quyền địa phương), các vùng núi ở Tokyo và các khu vực lân cận.

Hưởng ứng mục tiêu “giảm tải cho thủ đô” của chính phủ, khoảng 1,300 đô thị tham gia chương trình tái định cư vào năm 2022. Tuy nhiên, mới chỉ có 2,381 người nhận tiền để tái định cư kể từ năm 2019. Quá ít! Ngoài chương trình di dời, năm 2011 chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra đề xuất phát triển Osaka thành thủ đô thứ hai nhưng không thành công lắm.

Mọi người đến chùa Zojoji để cầu năm mới ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 1 Tháng Giêng. Khoảng 35 triệu người Nhật sống ở Tokyo và vùng lân cận. (ảnh: David Mareuil/Cơ quan Anadolu qua Getty Images)

Năm 2019, chính phủ chuyển Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng (Consumer Affairs Agency) đến đảo Shikoku. Tuy nhiên, bất chấp lo ngại về tình trạng quá tải dân số ở các thành phố lớn, tỷ lệ sinh ở Nhật tiếp tục giảm nhanh chóng. Số ca sinh năm 2022 dưới mức thấp kỷ lục 811,000 ca sinh của năm trước khiến Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno phải gọi đây là “tình hình nguy cấp”.

Dù chính phủ đã cố gắng khuyến khích dân số trẻ lập gia đình và sinh con bằng các khoản trợ cấp, nhưng nhiều người nêu lý do chi phí sinh hoạt cao, văn hóa nơi làm việc, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu hòa nhập và tự do cá nhân để thoái thác hôn nhân và sinh con.

Hiện tượng độc thân

40% đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 20 thú nhận họ chưa bao giờ hẹn hò lần nào (giảm còn 35% ở độ tuổi 30 và 22% ở độ tuổi 40) so với 25% phụ nữ cùng lứa tuổi (giảm xuống còn 22% ở độ tuổi 30 và 12% ở độ tuổi 40). Đó là kết quả khảo sát 20,000 người thuộc các nhóm tuổi khác nhau về hôn nhân và thu nhập, được viết trong cuốn sách trắng dài 350 trang về bình đẳng giới do Văn phòng Nội các Nhật Bản xuất bản trong tháng này.

Trong khi các doanh nghiệp thích nghi nhanh với “hiện tượng” độc thân, chẳng hạn như dành hẳn những không gian ăn uống cách biệt cho người độc thân trong nhà hàng (thậm chí các studio ảnh có cả khu vực chụp ảnh cưới mà chỉ có cô dâu chứ không có chú rể) thì chính phủ tỏ ra lo lắng hơn rất nhiều trước tỷ lệ kết hôn giảm.

Một số cuộc vận động hôn nhân được thực hiện rộng khắp. Cũng theo báo cáo trên, cứ bốn người Nhật độc thân ở độ tuổi 30, có một người (không phân biệt giới tính) khẳng định họ không muốn kết hôn, nêu lý do chính là thích tự do, sợ ràng buộc. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh, với mức thấp kỷ lục vào năm 2021 và là năm thứ sáu liên tiếp với 811,604 ca sinh.

Các thành phố thi nhau vận động để khuyến khích giới trẻ lập gia đình với hy vọng tăng tỷ lệ sinh. Chẳng hạn, trong một quảng cáo về các tour mai mối và trò chuyện dành cho người độc thân, chính quyền thành phố Tokyo nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy giới trẻ hãy hướng đến hôn nhân”.

Điều thú vị là, có đến 5% (cả nam và nữ) đã kết hôn ở độ tuổi 20 cho biết họ không biết hẹn hò và không hề hẹn hò với vợ/chồng của mình trước khi kết hôn, mà gặp người bạn đời nhờ các dịch vụ tìm kiếm konkatsu, bỏ qua hoàn toàn thời gian hẹn hò.

Sự khác biệt về văn hóa trong quan niệm về hẹn hò có thể chiếm một phần tỷ lệ không kết hôn nhưng thực tế cho thấy hôn nhân ngày càng được nhiều người Nhật đắn đo và không màng tới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: