Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh (trực tuyến) hôm nay thứ Năm 27-05-2021, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” và “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng” ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.
Hội nghị là cuộc trao đổi cấp cao đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga với hai nhà lãnh đạo EU là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Nhật Bản và EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương lần cuối cách đây hai năm, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.
Đây là lần đầu tiên EU lên tiếng về Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc nằng nặc coi là lãnh thổ của họ và đe dọa thâu tóm bằng vũ lực. Nhận xét về Đài Loan nhắc lại gần như nguyên văn tuyên bố chung của Thủ tướng Nhật Bản Suga với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước, cũng như tuyên bố của Nhóm 7 ngoại trưởng trong tháng này. Nhật Bản hy vọng tuyên bố chung Nhật Bản – EU sẽ giúp mở đường cho một cuộc thảo luận về Đài Loan tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Anh vào tháng tới.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”, các nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố.
Ngoài vấn đề Đài Loan, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập Liên minh Xanh Nhật Bản-EU để thúc đẩy sự hợp tác về các vấn đề khí hậu và môi trường. Hai bên sẽ cùng hợp tác phát triển công nghệ khử carbon và hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Á chuyển đổi nguồn năng lượng.
Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm cũng tập trung vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính thức đầu tiên của EU, dự kiến sẽ được EU công bố vào tháng Chín. Một bản phác thảo chiến lược do khối này công bố vào tháng Tư đã không chỉ trích rõ ràng Trung Quốc về các động thái bành trướng trong khu vực. Các nhà lãnh đạo EU cho biết họ sẽ đưa ra một lập trường thống nhất cho cả 27 quốc gia thành viên và lên tiếng chống lại các hoạt động phá hoại trật tự quốc tế tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung Nhật Bản – EU khẳng định rằng hai bên “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng” ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Tokyo hy vọng sự tham gia nhiều hơn của EU vào châu Á sẽ mang lại lợi ích cho an ninh quốc gia của Nhật Bản nói riêng và khu vực Đông Á, Đông Nam Á nói chung.
Theo truyền thống, EU tỏ ra dè dặt hơn Nhật Bản và Mỹ trong việc chống lại Bắc Kinh, một phần do mối quan hệ kinh tế sâu rộng – và khoảng cách địa lý xa xôi – Trung Quốc. Đài Loan cũng không nằm trong các ưu tiên ngoại giao hàng đầu của khối.
Nhưng EU ngày càng lo lắng về tình hình áp bức nhân quyền ở Hồng Kông và khu vực Tân Cương, cũng như sự che đậy thông tin của Trung Quốc liên quan đến coronavirus trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Giáo sư Ken Endo của Đại học Hokkaido cho biết: “EU tự coi mình là một cộng đồng của các nền dân chủ. Có một cơ hội ngoại giao nhằm chuyển tầm nhìn của EU sang Đài Loan bằng cách khuyến khích EU bảo vệ nền dân chủ”.
Châu Âu cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Ấn Độ – Thái Bình Dương. Họ dự đoán tầng lớp trung lưu của khu vực sẽ mở rộng đáng kể vào năm 2030, và lo ngại việc bỏ qua các hoạt động của Trung Quốc phá hoại các quy tắc hàng hải ở đó có thể bóp chết thị trường đang phát triển của EU. Khoảng 40% các chuyến hàng đến và đi Châu Âu là đi qua Biển Đông Việt Nam.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu vẫn cảnh giác với việc chống lại Trung Quốc. Ngành công nghiệp ô tô của Đức phụ thuộc vào Trung Quốc với khoảng 40% kim ngạch toàn cầu. Các nước Đông Âu cũng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, bao gồm cả việc tham gia sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
(theo Asia Nikkei Review)