Nhật chế súng điện từ đối phó hỏa tiễn siêu thanh Trung Quốc

Nhật Bản đang nghiên cứu công nghệ căn bản của súng điện từ (railgun) để đánh chặn các loại hỏa tiễn siêu thanh từ Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn. Ảnh Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ phát triển một phương tiện để đánh chặn hỏa tiễn thù địch, đáp trả các loại vũ khí siêu thanh do Trung Quốc, Triều Tiên và Nga phát triển.

Theo tin từ Nikkei Asia Review, Nhật đang tập trung vào công nghệ súng điện từ (railgun) có thể phóng đạn bằng năng lượng tạo ra khi có dòng điện tác động vào từ trường. Loại đạn từ tính này bay nhanh hơn nhiều lần so với đạn bắn ra từ các loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường và có thể bắn liên tục không ngừng nghỉ.

Các hỏa tiễn siêu thanh, di chuyển nhanh hơn năm lần tốc độ âm thanh, được cho là sắp được đưa vào sử dụng thực tế. Tốc độ của âm thanh khoảng 343 mét/giây.

Hồi Tháng Mười Một, báo Financial Times của Anh đưa tin bốn tháng trước đó, Trung Quốc đã bắn một hỏa tiễn với tốc độ siêu thanh từ một phương tiện bay đang di chuyển trên Biển Đông.

Các quốc gia khác dường như cũng có công nghệ tương tự. Triều Tiên tuyên bố hỏa tiễn mà họ phóng thử vào Biển Nhật Bản hồi Tháng Chín là một thiết bị siêu thanh. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có kế hoạch triển khai hỏa tiễn hành trình siêu thanh trong năm nay.

Hỏa tiễn siêu thanh không chỉ bay rất nhanh mà còn bay theo quỹ đạo không định trước, khác với hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) bay theo đường parabol, vì vậy các hệ thống đánh chặn hỏa tiễn thông thường không thể ngăn chặn chúng.

Hệ thống đánh chặn hỏa tiễn của đối phương được coi là điểm yếu trong phòng thủ của Nhật Bản hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản tin rằng nước này phải nhanh chóng tăng cường khả năng răn đe, đặc biệt là đối với Trung Quốc và một hệ thống railgun được coi là hết sức thiết yếu trong việc củng cố khả năng đáp trả của Nhật.

Các hỏa tiễn đánh chặn hiện nay có giới hạn ở tốc độ khoảng 1,700 mét/giây. Các “viên đạn” đánh chặn bắn ra từ súng điện từ dự kiến sẽ đạt tốc độ trên 2,000 mét/giây. Trong giai đoạn nghiên cứu, một “viên đạn” nguyên mẫu đã đạt tốc độ gần 2,300 mét/giây.

Tốc độ cao làm tăng khả năng của hỏa tiễn điện từ trong việc bắn trúng các hỏa tiễn siêu thanh trước khi chúng bay đến mục tiêu. Súng điện từ có thể bắn ra liên tiếp các “viên đạn” đánh chặn cũng giúp cải thiện cơ hội bắn trúng hỏa tiễn bay gấp năm lần tốc độ âm thanh.

Các khẩu súng điện từ cũng có thể bắn ra các hỏa tiễn đánh chặn ở các tốc độ khác nhau. Bằng cách điều chỉnh lượng điện nạp vào súng, người bắn có thể điều chỉnh tốc độ di chuyển của hỏa tiễn đánh chặn, phù hợp với tốc độ của hỏa tiễn đang bay tới, một việc rất khó thực hiện với các loại hỏa tiễn được bắn bằng thuốc phóng thông thường. Kích thước nhỏ của “viên đạn” của súng railgun cũng mang lại cho chúng một mức độ tàng hình đáng kể.

Ngoài việc bổ sung hệ thống súng điện từ vào hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện có của mình, Nhật Bản đang xem xét phát triển các loại hỏa tiễn tầm xa cho phép bắn trả đối phương từ xa. Kết hợp lại, các hệ thống vũ khí từ hỏa tiễn tầm xa đến súng điện từ railgun sẽ tạo ra một biện pháp ngăn chặn ba tầng.

Cơ quan Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật đã và đang nghiên cứu các công nghệ cơ bản cho việc chế tạo railgun. Một khoản tiền 6.5 tỷ yên ($56 triệu) đã được đưa vào ngân sách tài khóa 2022 để phát triển các nguyên mẫu của súng railgun trong quân sự. Các nhà lập kế hoạch dự định hệ thống sẽ sẵn sàng sử dụng trong thực tế vào nửa sau của thập niên 2020.

Mỹ và các quốc gia khác cũng đang nghiên cứu súng railgun, nhưng theo Bộ Quốc phòng Nhật, chưa có quốc gia nào thành công trong việc đưa công nghệ này vào sử dụng thực tế.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: