Nhật, Úc, Ấn gửi thông điệp cho ông Biden, tăng cường quan hệ Bộ Tứ

H.C.

Lãnh đạo các nước Nhật, Úc, Ấn đề cao tầm quan trọng của quan hệ đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Bộ Tứ Quad) trong công cuộc đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc và mong muốn chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục cam kết với hòa bình, ổn định của khu vực.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đang viếng thăm Nhật Bản, đã có các cuộc đàm đạo với Thủ tướng Yoshihide Suga và cựu Thủ tướng Shinzo Abe để thảo luận về Bộ Tứ, về quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở mà ông Morrison cho là mối quan tâm “hàng đầu, trung tâm” trong chính sách của ông. 

Trước cuộc họp thượng đỉnh với ông Suga, ông Morrison đã dành thời gian trò chuyện với ông Abe – kiến trúc sư của sáng kiến Đối thoại An ninh Tứ cường, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quadrilateral Security Dialogue) mà hiện đã phát triển thành chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” quy tụ Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Cuộc đàm luận giữa ông Morrison và ông Abe cho thấy tầm quan trọng của chiến lược này trong việc đối phó với các hoạt động bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Cuộc họp của ông Morrison với ông Suga cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là yếu tố sống còn đối với sự ổn định và an ninh của khu vực.

“Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm các hoạt động hàng hải trên Biển Đông, nhằm bảo đảo một khu vực tự do, rộng mở, an toàn và thịnh vượng” là hết sức quan trọng, thông cáo chung của cuộc họp nhấn mạnh. Hai nhà lãnh đạo Nhật-Úc cũng “chào mừng Hoa Kỳ tiếp tục cam kết gắn bó với khu vực này và coi trọng tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác mật thiết với Hoa Kỳ để đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực.”

Khi được báo chí hỏi tại sao ông lại công du Nhật Bản dù biết khi trở về ông sẽ phải cách ly 14 ngày để phòng dịch COVID, Thủ tướng Morrison thậm chí còn đáp rằng vì mối quan hệ Quad là mối quan tâm hàng đầu và trung tâm của ông. “Nhật Bản có mối quan hệ rất đặc biệt với Úc. Đó không chỉ là quan hệ kinh tế, không chỉ là quan hệ thương mại, không chỉ là quan hệ văn hóa-xã hội. Quan trọng nhất, đây là mối quan hệ chiến lược mà chúng tôi hình thành cùng với Hoa Kỳ và Ấn Độ – mối quan hệ Quad hết sức quan trọng”.

Một mối băn khoăn của các nhà quan sát chính trị là chưa rõ tổng thống tân cử của Mỹ Joe Biden nhìn nhận như thế nào về khối Quad và quan niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở được khởi động dưới thời Tổng thống Trump. Sau cuộc bầu cử ngày Ba tháng Mười Một và cầm chắc phần thắng, ông Biden đã có những cuộc điện đàm đầu tiên với tư cách tổng thống tân cử, tới các ông Suga, Morrison và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nhưng chưa nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ. Báo Asia Nikkei còn để ý trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nhật, Úc, Hàn, ông Biden chỉ đề cập tới vùng “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng” mà tránh dùng cụm từ “Tự do và Rộng mở” được chính phủ Trump chế tác và sử dụng từ sau lần Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh khối APEC tại Đà Nẵng năm 2017. “Tương lai của nhóm an ninh bốn quốc gia vẫn chưa rõ ràng… Những khác biệt tế nhị với chính quyền Trump làm cho các thành viên khác của Quad lo ngại về khả năng thay đổi lập trường của chính quyền Biden,” Nikkei nhận xét.

Nhưng mối băn khoăn đó được giải tỏa hôm nay, ngày 17-11 sau khi ông Biden đã có cuộc điện thoại dài với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó ông “bày tỏ mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn cùng với sự kiện Mỹ có một phó tổng thống đầu tiên là người gốc Nam Á”, ý nói tới bà Kamala Harris cùng liên danh tranh cử với ông. Sau cuộc điện đàm, ông Modi đã viết nội dung đó trên Twitter và nhấn mạnh vào sự hợp tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trở lại với quan hệ Nhật – Úc, cần để ý rằng quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong mấy tháng gần đây, sau khi Thủ tướng Morrison kêu gọi cộng đồng thế giới tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc coronavirus Vũ Hán khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận và trả đũa bằng cách hạn chế hoặc cấm đoán việc nhập cảng hàng hóa của Úc, đánh thuế chống bán phá giá lên lúa mạch, thịt bò Úc và giữ các container than đá và tôm hùm tại các hải cảng, không chịu thông quan.

Trung Quốc tiêu thụ đến 30% lượng hàng xuất cảng của Úc nên sự trả đũa của Bắc Kinh làm cho Canberra rất khó xử. Nhưng chính quyền Morrison quyết đặt an ninh quốc gia lên trên lợi ích thương mại sau khi Trung Quốc liên tục mở rộng ảnh hưởng lên các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, láng giềng của Úc. Bắc Kinh càng phản ứng thì Canberra càng siết chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh dân chủ ở châu Á.

Tokyo nhìn nhận xung đột giữa Úc và Trung Quốc là cơ hội để Nhật Bản tăng cường quan hệ với Úc, cả trong và ngoài khuôn khổ của Bộ Tứ Quad. Trong chuyến thăm đang diễn ra của ông Morrison, hôm nay hai bên đã ký kết một hiệp ước quốc phòng, cho phép quân đội hai nước được tập trận trên lãnh thổ của nhau, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được bảo vệ các tài sản quân sự của Úc. Đây là hiệp ước quốc phòng song phương thứ hai mà Úc ký kết, sau một hiệp ước tương tự với Mỹ.

Cũng trong ngày hôm nay thứ Ba, hải quân bốn nước Quad đã bắt đầu giai đoạn hai cuộc diễn tập quân sự đại quy mô có tên là Malabar – cuộc tập trận bốn bên đầu tiên trong 13 năm qua.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: