Nhiều nước đưa chiến hạm vào Biển Đông thách thức Trung Quốc

Một phi cơ F/A-18E Super Hornet cất cánh từ HKMH Theodore Roosevelt trong cuộc diễn tập chung với nhóm tác chiến HKMH Nimitz ở Biển Đông hôm 09-02 vừa qua. Ảnh US Navy Photo

H.C.

Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Canada lần lượt đưa chiến hạm vào Biển Đông Việt Nam, phối hợp với các cuộc hành quân bảo vệ tự do hải hành của Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản để phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và thể hiện sự đoàn kết quốc tế duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật pháp. 

Bộ Quốc phòng Anh cho biết một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia sẽ đến Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay; trung tâm của lực lượng là hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth 65.000 tấn mới xuất xưởng của Anh quốc.

Pháp đã cử một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đi qua Biển Đông vào đầu tháng Hai; bây giờ, họ sắp cử tàu tấn công đổ bộ 21.000 tấn FS Tonnere và một tàu khu trục đi qua vùng biển tranh chấp trong những tuần tới.

Tháng trước, tàu khu trục Winnipeg của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua eo biển Đài Loan đang tranh chấp, nhấn mạnh quan niệm về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Trung Quốc tất nhiên không muốn thấy các lực lượng hải quân nước ngoài phô diễn ngay trong các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp.

Tờ báo China Daily – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh –  tố cáo: “Bằng cách điều động các chiến hạm hải quân tới Biển Đông, Pháp và Anh đang góp phần vào mưu đồ chống Trung Quốc của Hoa Kỳ”, đồng thời cáo buộc phương Tây có kế hoạch “xảo quyệt” mang màu sắc “tân đế quốc” để hỗ trợ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia “có thể gây ra khủng hoảng khu vực”.

Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới pháo đài trên các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa để áp đặt yêu sách độc đoán của Bắc Kinh trên toàn bộ Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc thậm chí cho phép cảnh sát biển của mình “nổ súng” vào các tàu xâm nhập và các cấu trúc “trái phép”.

“Không phải Trung Quốc chịu trách nhiệm về sự bất ổn trong khu vực, mà là Mỹ và các đồng minh khối Bộ Tứ (Quad) của họ, cùng với các thành viên bên ngoài như Pháp. Các nước này nên tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ kinh tế thông qua thương mại và đầu tư chứ không nên kích động các vấn đề giữa các quốc gia trong khu vực”, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc khuyên nhủ.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly thông báo tàu ngầm tấn công FS Emeraude đã đi qua Biển Đông để “làm giàu thêm kiến ​​thức của chúng tôi về khu vực này và khẳng định luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực ở bất kỳ vùng biển nào mà chúng tôi đi qua.”

Bắc Kinh đã nổi giận.

“Quân đội Pháp không có chỗ đứng ở Biển Đông”, báo chí do nhà nước Trung Quốc kiểm soát tuyên bố, cáo buộc Paris về hành động “gây bất ổn”. “Có vẻ như Paris đang quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng tân đế quốc vốn gây bất ổn của mình sang Đông Nam Á, chuyện này chỉ có thể kết thúc trong thảm họa giống như ở những vùng rộng lớn khác ở châu Phi”, tờ China Daily viết.

Tuy nhiên, một tàu đổ bộ và tàu khu trục Pháp đã rời cảng Toulon để đến Đông Nam Á vào tuần trước. Sĩ quan chỉ huy của tàu FS Tonnerre nói với báo Naval News rằng chuyến đi nhằm tăng cường quan hệ đối tác của Pháp với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Bắc Kinh đã gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm qua. Họ tổ chức gần như liên tục các cuộc diễn tập chiến hạm và phi cơ cũng như các cuộc thử nghiệm vũ khí bắn đạn thật, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc thực thi quyền thống trị đối với các tuyến hàng hải đang tranh chấp.

Gần đây, tờ South China Morning Post do Bắc Kinh kiểm soát một lần nữa cáo buộc Mỹ “gia tăng” căng thẳng trong khu vực sau khi tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Hải quân Hoa Kỳ xuất kích hôm thứ Tư.

Tờ báo dẫn lời cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân khu Miền Đông của quân đội Trung Quốc cho biết: “Quân đội của quân khu vẫn cảnh giác cao độ và sẵn sàng chống lại mọi mối đe dọa và khiêu khích bất cứ lúc nào.”

Và một lần nữa, Bắc Kinh sử dụng thủ đoạn chia để trị, tìm cách bẻ gãy từng chiếc đũa trong bó đũa quốc tế. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Bắc Kinh đã khoét sâu sự cạnh tranh lịch sử của Anh với Pháp trong một chiến dịch ngoại giao “chiến binh chó sói”. “Pháp đang tham gia vào cuộc cạnh tranh ‘thân thiện’ với Vương quốc Anh. Không muốn cảm thấy bị “bỏ rơi”, Pháp có thể đã nhầm tưởng rằng họ khôn ngoan khi tham gia vào quá trình quân sự hóa ngày càng tăng ở vùng biển này ”, tờ China Daily khẳng định.

Bất chấp sự hỗn loạn và cay đắng xung quanh cuộc Brexit, nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh vẫn duy trì lập trường chung với các nước láng giềng châu Âu bên kia eo biển Manche về các vấn đề Biển Đông.

Thực tế, Anh, Pháp và Hòa Lan đều có quan hệ thuộc địa ở khu vực này và đều duy trì một mức độ hiện diện ở đó.

Anh vẫn là một thành viên của Thỏa thuận Phòng thủ Năm Cường quốc (Five Power Defence Arrangement) được thiết kế năm 1971 để hỗ trợ thuộc địa cũ của mình là Malaysia. Các bên ký kết bao gồm Úc, New Zealand và Singapore.

Tương tự, Pháp vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Việt Nam, một thuộc địa cũ của họ, và có vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của riêng mình là đảo Reunion.

Và Hòa Lan – cho biết họ sẽ cử một chiến hạm đi cùng tàu HMS Queen Elizabeth đến Đông Nam Á – đã nhấn mạnh rằng Luật Biển của Liên Hiệp Quốc phải là cơ sở cho bất kỳ giải quyết tranh chấp nào.

Trong khi đó, Đức đang có kế hoạch gửi một tàu khu trục đến Nhật Bản như một dấu hiệu của sự đoàn kết với Tokyo trong tranh chấp biển Hoa Đông với Bắc Kinh. Con tàu cũng dự tính sẽ đến thăm Úc và Hàn Quốc. “Chúng tôi muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình với các đối tác trong phe dân chủ”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas Silberhorn cho biết.

(theo news.com.au)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: