Một trong những chiêu tuyên truyền mới của Bắc Hàn là sử dụng YouTube, với hình ảnh thanh niên kể những câu chuyện hay ho về cuộc sống của họ…
Dưới bàn tay của đạo diễn
Thử xem vài trường hợp được CNN ghi nhận. Cô gái trẻ lục tủ lạnh, lấy ra vài kem que, đưa lên máy ảnh rồi nói bằng tiếng Anh: “Đây là hương vị sữa với ảnh trang trí thật dễ thương”. Tay chỉ vào que kem có vỏ bọc hoạt hình khác, cô nói tiếp với nụ cười: “Còn đây là hương đào”. Cuối cùng, sau khi chọn được một que kem, cô gái cắn một miếng và hít hà: “Bánh quy bọc ngoài rất ngon”.
Đoạn video dài bốn phút thu hút hơn 41,000 lượt xem trên YouTube, nhưng đây không phải một vlog thông thường mà từ một cô gái tự gọi mình là YuMi, sống ở Bắc Hàn, quốc gia biệt lập và bí mật nhất thế giới. Kênh của cô được giới thiệu vào Tháng Sáu năm ngoái thuộc số các tài khoản mạng xã hội hiếm hoi của Bắc Hàn xuất hiện trên YouTube trong hai năm trở lãi đây, với mục đích “chia sẻ cuộc sống hàng ngày”.
Tuy nhiên, điều rõ ràng có thể thấy là, không phải tất cả những gì trong video đều thực mà khác xa với tiêu chuẩn sống của hàng triệu người nghèo dưới chế độ độc tài của lãnh đạo Kim Jong Un. YuMi và các YouTuber khác tương tự hầu như chắc chắn là “công cụ tuyên truyền” của các quan chức cấp cao và là một phần của chiến dịch đánh bóng hình ảnh quốc tế về một Bắc Hàn “thân thiện”, “dễ tiếp cận”.
Park Seong-cheol, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Bắc Hàn (Database Centre for North Korean Human Rights) nhận xét: “Các video của YuMi giống như một vở kịch được chế độ Bắc Hàn chuẩn bị và dàn dựng kỹ lưỡng. Trong nhiều thập niên qua, Bắc Hàn tương đối khép kín với phần còn lại của thế giới, các quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại và tiếp cận thông tin bị hạn chế và giám sát chặt chẽ. Nay họ muốn có sự thay đổi nhỏ”.
Họ thật sự là ai?
Tại Bắc Hàn, việc sử dụng internet rất hạn chế và ngay cả những kẻ có đặc quyền được phép sử dụng điện thoại thông minh cũng chỉ có thể truy cập vào mạng nội bộ do chính phủ điều hành và bị kiểm duyệt gắt gao. Văn hoá nước ngoài như sách và phim bị cấm, kèm theo là những hình phạt nghiêm khắc đối với những người bị bắt mua bán hàng lậu. Đây là lý do tại sao có thể khẳng định: YuMi không phải là một người Bắc Hàn bình thường.
Người bình thường không thể có quyền quay phim và phát tán lên YouTube như cô ta. Ha Seung-hee, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, giải thích: “Kết nối với thế giới bên ngoài là điều không thể đối với một dân thường!”. YuMi không phải là YouTuber Bắc Hàn duy nhất gây ấn tượng mạnh. Được biết nhiều không thua cô là một cậu bé 11 tuổi tự xưng là Song A với tài khoản YouTube được tạo vào Tháng Tư, 2022 và hiện có hơn 20,000 người đăng ký.
“Cuốn sách yêu thích của tôi là ‘Harry Potter’ do nhà văn J. K. Rowling viết” – Song A nói trong một video. Hành động này gây ấn tượng lập tức vì Bắc Hàn có một quy tắc nghiêm ngặt là cấm phổ biến văn hóa nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia phương Tây. Đoạn video cho thấy Song A nói giọng Anh và ngồi trong một căn phòng giống như phòng ngủ của trẻ em, với quả địa cầu, giá sách, thú nhồi bông, một khung ảnh và rèm cửa màu hồng (những thứ xa xỉ này thường chỉ dành cho thành phần đặc biệt).
Những mô tả màu hồng về cuộc sống hàng ngày ở Bình Nhưỡng của các YouTuber Bắc Hàn cho thấy việc xây dựng nội dung là có bàn tay đạo diễn Những video của YuMi cho thấy cô đến thăm một công viên giải trí và một buổi chiếu phim tương tác, câu cá trên sông, tập thể dục trong phòng tập trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và thăm một hang động đá vôi nơi các học sinh vẫy cờ Bắc Hàn phía sau. Còn Song A đến thăm công viên nước đông đúc, tham quan trung tâm triển lãm khoa học và công nghệ. Cậu ta cũng post một đoạn video quay ngày đầu tiên trở lại trường.
Những gì hiển thị trong video của các YouTuber Bắc Hàn, nếu không được tạo dựng, thì cũng cho thấy “đặc quyền, đặc lợi” được cấp cho “những người đặc biệt trong một tầng lớp đặc biệt” mà người bình thường không thể tiếp cận được. Không gian học tập giải trí nhìn thấy trong video cũng ít mở cửa hoặc mở cửa không thường xuyên. Lý do, nguồn cung cấp điện ở Bắc Hàn không đủ an toàn để vận hành một công viên giải trí! Bắc Hàn nổi tiếng với tình trạng mất điện và thiếu điện thường xuyên. Theo ước tính của CIA World Factbook, năm 2019 chỉ khoảng 26% dân số được dùng điện.
Chiến thuật tuyên truyền kiểu mới
Tuyên truyền của Bắc Hàn không phải mới nhưng các chuyên gia cho rằng những video trên YouTube và tài khoản mạng xã hội của người Bắc Hàn trên các nền tảng của Trung Quốc như Weibo và Bilibili đã minh họa cho một chiến lược tuyên truyền mới. “Chế độ Bắc Hàn đang cố gắng nhấn mạnh Bình Nhưỡng là một ‘thành phố bình thường’ – Park Seong-cheol, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Bắc Hàn (Database Centre for North Korean Human Rights) nhận xét – Chuyển biến này cho thấy giới lãnh đạo nước này hiện rất quan tâm đến cách thế giới bên ngoài nhận thức về họ”.
Dường như Bắc Hàn đang cố gắng chứng minh họ là một ‘quốc gia an toàn’ để khuyến khích du lịch khi nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là sau đại dịch Covid-19. Dù chưa mở cửa lại biên giới với du khách, nhưng Bắc Hàn đang tập trung vào du lịch ngay khi tuyên bố đã thoát khỏi đại dịch. Trước đại dịch, có rất ít tour du lịch, và du khách được hướng dẫn viên từ Bộ Du lịch dẫn đi tham quan những điểm chọn lọc kỹ dưới sự giám sát.
Sau đại dịch, chế độ Bắc Hàn bắt đầu bàn về việc loại bỏ các hình thức tuyên truyền trước đây và thực hiện các hình thức mới – Ha Seung-hee nói – Lãnh tụ Kim Jong Un ra lệnh các cơ quan chức năng nên sáng tạo hơn trong chiến thuật tuyên truyền. Từ đó, các video vlog trên YouTube bắt đầu xuất hiện”.
Năm 2019, một bài báo đăng trên tờ báo Rodong Sinmun của nhà nước, trích dẫn lời lãnh tụ Kim, nhấn mạnh: “Các kênh tuyên truyền và tin tức của đất nước phải mạnh dạn loại bỏ cách soạn nội dung và biên tập cũ cùng các quy ước và phương pháp không còn phù hợp”. Việc dùng tiếng Anh của các YouTuber Bắc Hàn phản ánh nỗ lực tiếp cận người xem toàn cầu. Cả YuMi và Song A đều đặt tên tiếng Anh cho kênh của mình. YuMi là “Olivia Natasha” còn Song A là “Sally Parks”.
Thật ra, chế độ Bắc Hàn đã dùng YouTube để tuyên truyền trong thập niên qua, dù các video chính thức của nước này thường bị người kiểm duyệt của YouTube gỡ xuống. Năm 2017, YouTube đã gỡ bỏ kênh tin tức Uriminzokkiri của nhà nước Bắc Hàn và kênh Tonpomail do người dân tộc Triều Tiên ở Nhật Bản trung thành với Bình Nhưỡng thực hiện – CNN cho biết.