Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khoe khoang cuộc xâm lược đã mang lại cho nước Nga hàng triệu công dân mới tại các lãnh thổ mới sáp nhập, thì nước Nga lại “mất” rất nhiều công dân khác.
Ăn mừng!
Alexander, sinh viên đại học, 23 tuổi, đến từ vùng Viễn Đông của Nga, kể: “Khi bắt đầu chiến tranh, tụi em nghĩ sẽ chỉ ảnh hưởng đến các quân nhân chuyên nghiệp và gia đình họ, nhưng với lệnh động viên mới thì rất khác. Ở lại Nga có nghĩa là phải chọn lựa giữa ngồi tù và nhập ngũ!”.
Nhưng tình cảnh của những người chạy trốn lệnh động viên này như thế nào? Trên những con phố đầy nắng và bụi ở Bishkek, thủ đô của nước Cộng hoà Kyrgyzstan tách từ Liên Xô cũ, những nhóm người Nga trẻ, gần như tất cả là đàn ông, lang thang không mục đích, bàng hoàng khi thấy thế giới của họ bị đảo lộn và họ bị cuốn vào cuộc lưu vong vội vã.
Giá thuê nhà tăng chóng mặt, không chỉ khách sạn sang trọng mà cả những chung cư bẩn thỉu cũng không còn giường dự phòng. Họ đâu có muốn đặt chân đến một đất nước nghèo nàn, hẻo lánh như thế. Cũng ít người trong số họ biết chỗ này.
Sau lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin, hàng chục ngàn thanh niên Nga đã và đang đổ về các quốc gia Trung Á bằng máy bay, xe hơi và xe buýt. Những người này chấp nhận rời bỏ gia đình và công việc thường được trả lương cao ở Moscow, Vladivostok, và nhiều thành phố Nga khác, vì sợ hãi nếu phải ra chiến trường và bỏ thây ở Ukraine.
Dòng chảy “du khách” bất ngờ này đã biến một quốc gia lâu nay bị xem như “nguồn lao động rẻ mạt và hệ thống giao thông lạc hậu” thành “thiên đường ẩn náu” của nhiều người Nga, kể cả những người giàu và có học vấn cao. Mong muốn thoát khỏi cuộc chiến ở Ukraine, khiến họ đoàn kết với nhau, nhưng kéo dài được đến đâu thì chưa biết!
Buổi họp mặt vào tối Thứ Sáu, 30 Tháng Chín của những người tị nạn thời bình nhằm ăn mừng, đánh dấu sự khởi đầu của một “cộng đồng người Nga” mới trong đông đảo người Nga lánh nạn sang các quốc gia Trung Á, Armenia, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và ít hơn tại môt số quốc gia khác sẵn sàng tiếp nhận họ. Đây có thể xem là đợt di cư đông đảo nhất của người Nga kể từ cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917.
Thật ra, dòng chảy đã bắt đầu từ Tháng Hai, với hàng trăm ngàn người ra đi sau khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine, nhưng số người bỏ xứ tăng tốc kể từ ngày 21 Tháng Chín, khi Putin tuyên bố huy động một phần tân binh để bù đắp cho quân số bị mất mát. Chỉ bốn ngày sau lệnh động viên, tờ Novaya Gazeta của Nga đưa tin, có khoảng 261,000 đàn ông trong độ tuổi đi lính vượt biên giới bằng cách này hay cách khác. Thêm hàng chục ngàn người bỏ trốn kể từ đó. Cuộc chạy đua hỗn loạn mới để tránh cái chết hoặc chống chiến tranh đã làm biến dạng mục đích thông thường của những cuộc khủng hoảng tị nạn thời chiến.
Không giống như hàng triệu phụ nữ và trẻ em Ukraine lánh nạn sang Ba Lan và các nước châu Âu khác, những người đàn ông Nga này không chạy trốn đội quân xâm lược, mà là để không phải phục vụ trong đó. Họ cũng không phải là người di cư nghèo khổ liều chết thoát khỏi các nước nghèo hay chế độ chuyên chế.
Chạy trốn
“Tôi nhìn lên bầu trời quang đãng mỗi ngày và cảm ơn vì tôi đã ở đây,” Denis, một nhà tổ chức sự kiện đến từ Moscow hồ hởi nói khi anh cùng nhiều người Nga trốn quân dịch khác, đến giải trí tại một quán bar ở Bishkek hôm 30 Tháng Chín để ăn mừng cuộc bỏ chạy thành công. Họ sẽ được nhận giấy tờ cư trú của chính quyền sở tại và tìm việc làm.
“Ông ta (Putin) luôn nói dối mọi lúc mọi nơi!”, Yuri, nghệ sĩ 36 tuổi, đến từ Siberia, nhận định. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình ba ngày bằng xe buýt và xe lửa đến Bishkek vào tuần trước, Yuri điều hành một doanh nghiệp nhỏ thiết kế bìa album cho một ban nhạc heavy metal của Mỹ và thực hiện các tác phẩm nghệ thuật cho các khách hàng nước ngoài khác. Còn bây giờ, anh ngủ trên giường tầng trong một phòng trọ đông đúc chung với 19 người khác.
“Ít nhất tôi cũng cảm thấy an toàn khi ở đây,” Yuri nói (giống như hầu hết những người Nga được The New York Times phỏng vấn, anh yêu cầu chỉ dùng tên không dùng họ vì sợ bị trả thù). Eldar, 23 tuổi, một gia sư toán đến từ đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương của Nga, đổ lỗi cho nhiều người Nga quá thờ ơ với chiến tranh. “Hầu hết mọi người chỉ ngồi trên ghế sofa, nghe tuyên truyền và tin rằng nếu Putin đi, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn,” anh nói. “Tôi không còn muốn nghe mấy lời nói nhảm ấy, mà chỉ muốn lo cho tương lai của mình.”
Việc nhiều người Nga phải mất quá nhiều thời gian để hiểu về bản chất cuộc chiến ở Ukraine và lo sợ khiến người Ukraine chịu đựng bảy tháng đau khổ và đổ máu vì quân xâm lược tức giận. Thậm chí ngay vào lúc này, hầu hết người Nga chạy trốn cũng chỉ quan tâm đến di chuyển, nhà cửa, tiền bạc và làm quen với những phong tục xa lạ.
Sau nhiều thập niên bị đối xử như những “người anh em láng giềng nghèo khổ và tuyệt vọng”, người dân Kyrgyzstan, kể cả Tổng thống Sadyr Japarov, rất vui khi nhìn thấy người Nga đã chịu tìm đến mình. “Đây là một hiện tượng rất mới đối với chúng tôi,” Japarov nói trong một cuộc phỏng vấn.
Hiện nay có hơn một triệu người Kyrgyzstan làm việc tại Nga, ông bảo đảm các công dân Nga đến đây cũng được sống, làm việc tự do và không sợ bị dẫn độ về nước. “Tôi không biết có bao nhiêu người đã đến, nhưng dòng chảy này sẽ giúp ích cho đất nước chúng tôi, ngay cả khi nó làm tăng giá thuê nhà, khiến một số chủ nhà phải đuổi người địa phương để nhường chỗ cho những người Nga sẵn sàng trả gấp đôi, gấp ba. Chúng tôi chẳng thấy bất kỳ tác hại nào, mà còn nhiều lợi ích là đàng khác.”
Dù từ lâu, Kyrgyzstan và các quốc gia Trung Á khác lo người tị nạn sẽ đổ về, đặc biệt là từ Afghanistan gần đó, nhưng Yan Matusevich, một học giả người Mỹ gốc Nga chuyên nghiên cứu về di cư ở Bishkek cho biết: “Ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, người Kyrgyzstan cũng không mong đợi dòng người tị nạn Nga đông đảo như thế.”
Ra đi và ở lại
Một số người di cư có rất nhiều tiền, nhưng đa số không giàu có hoặc bỏ đi vội vã đến mức họ chỉ có ít quần áo trên lưng và sống dựa vào lòng từ thiện của người dân địa phương. Tại Osh, thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan, bà Dinara đăng số điện thoại của mình lên mạng và đề nghị được đón tiếp những người Nga cơ nhỡ tại nhà mình. “Tôi rất vui khi được giúp các bạn, gồm cả bữa ăn mà không cần bận tâm đến tiền bạc,” bà nói. Dĩ nhiên, hào phóng như bà Dinara không nhiều, nhưng cũng đủ để một số người Nga phải nghĩ lại. Vasily Sonkin, 32 tuổi, cư dân Moscow, cho biết đa số trong 10% dân số Kyrgyzstan làm việc tại Nga, phải làm những công việc nặng nhọc và bị phân biệt đối xử.
Những người Nga bỏ xứ ra đi không xem mình là người tị nạn, họ cũng không muốn bị gọi là trốn quân dịch. Một thiểu số nhỏ ủng hộ cuộc chiến nhưng không muốn chết. Dmitry, doanh nhân công nghệ từ Sochi chế giễu những người biểu tình chống chiến tranh nhưng thú nhận ông mất niềm tin vào Putin sau khi Điện Kremlin đồng ý trao đổi tù nhân và thả hơn 100 thành viên Trung đoàn Azov của Ukraine.
“Lúc đầu Putin nói mục tiêu của toàn bộ chiến dịch là phi hạt nhân hóa Ukraine, nhưng sau đó ông ấy lại thả những tên Quốc xã này,” Dmitry nói, hàm ý mỉa mai việc Putin tuyên truyền Azov là “những kẻ phát xít cuồng tín”. “Tôi miễn cưỡng bỏ vợ và con gái ở lại vì không thấy có ích gì khi mạo hiểm tại chiến trường sau khi những nhân viên quan trọng tại công ty tôi bắt đầu bỏ trốn. Từ Bishkek, tôi vẫn có thể điều hành công ty. Nếu chiến tranh tiếp tục, tôi sẽ chuyển gia đình sang đây”.
Ermek Myrzabekov, chủ một công ty du lịch ở Bishkek và là Chủ tịch hiệp hội du lịch Kyrgyzstan, cho biết ông nhận được rất nhiều yêu cầu từ các công ty muốn tuyển nhân viên nam người Nga. Hiện các khách sạn ở Bishkek và Osh đều đã kín chỗ 100%. Myrzabekov dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục sau bài phát biểu sáp nhập của Putin. Ai cũng thấy Putin đã đi quá xa và không thể lùi bước. Vì vậy, người Nga sẽ ở lại đây lâu dài.
Đọc thêm: