Tại hơn một chục quốc gia đang phát triển mà Mỹ tin rằng các cơ quan cảnh sát địa phương đã bị vô hiệu hoá vì tham nhũng đến mức không thể tin cậy được, nhân viên đại sứ quán Mỹ đã tự tay tổ chức những đơn vị thực thi pháp luật do họ quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.
Cục Phòng chống Ma túy Quốc tế và Thực thi Pháp luật (Bureau of International Narcotics and Law Enforcement Affairs) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đã sàng lọc cẩn thận các thành viên của 105 đơn vị cảnh sát trên toàn thế giới cho bốn cơ quan của Mỹ: Cục An ninh Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS).
Chỉ riêng Cục An ninh Ngoại giao (Bureau of Diplomatic Security) thuộc Bộ Ngoại giao đã có 16 đơn vị được thành lập theo thỏa thuận với các chính phủ, từ Peru đến Philippines. Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã (US Fish and Wildlife Service) tài trợ cho các đơn vị cảnh sát ở Uganda và Nigeria. Tại Kenya, FBI, DHS, Cơ quan Bài trừ Ma tuý (Drug Enforcement Administration-DEA) và Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã đều có các thám tử riêng được Ban Giám đốc Điều tra Hình sự Kenya (Kenyan Directorate of Criminal Investigations) giám sát.
Các đơn vị cảnh sát được giao điều tra truy bắt nhiều vấn nạn, từ buôn lậu heroin đến làm giả hộ chiếu, thị thực cho đến buôn người và xâm hại công dân Mỹ. Đội an ninh-ngoại giao Kenya của Đại sứ quán Hoa Kỳ tập trung vào các băng nhóm làm giả hộ chiếu Hoa Kỳ. Các đặc vụ Mỹ đóng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Nairobi không có quyền bắt người, nhưng các đối tác địa phương Kenya thì có. Thử xem một phi vụ được thuật lại trên tờ Wall Street Journal.
Hoạt động “sting” (gài bẫy) diễn ra khá hoàn hảo. Các cảnh sát Kenya giả là người mua tê tê sống, một loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, có vảy và thịt được bán với giá cao tại một số quốc gia châu Á. Một đặc vụ ngầm người Kenya vung một xấp tiền mặt và mời nghi can cầm đầu băng đảng săn trộm đến điểm giao dịch kín đáo bên trong một chiếc Land Cruiser màu đen, thuê bằng tiền của Cơ quan Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ (US Fish and Wildlife Service). Gần như ngay sau đó, cảnh sát Kenya bao vây chiếc SUV và bắt giữ ba nghi phạm. Vụ bắt diễn ra vào Tháng Tám trên bờ biển Ấn Độ Dương của Kenya là một chiến thắng nhỏ cho công tác bảo tồn động vật hoang dã. Theo Hội Động vật Hoang dã Châu Phi (African Wildlife Foundation), khoảng 2.7 triệu con tê tê bị săn trộm ở châu Phi mỗi năm.
Các quan chức Kenya nhấn mạnh rằng các đơn vị do Mỹ chọn lọc đều phải báo cáo cho Mohamed Amin, Giám đốc điều tra tội phạm của Kenya, phù hợp với luật pháp địa phương và các thỏa thuận giữa hai quốc gia. Trên thực tế, các thám tử Kenya thường nhận được sự hướng dẫn chi tiết từ các quan chức đại sứ quán Mỹ. Các thám tử người Kenya sẽ phải kiểm tra nói dối trước khi được tuyển. Giờ đây, cách làm của DEA đã trở thành thông lệ và mang tính toàn cầu đối với các cơ quan thực thi pháp luật của chính phủ Hoa Kỳ. Các đơn vị cảnh sát chọn lọc hoạt động theo thoả thuận giữa Mỹ và chính quyền sở tại. Bộ Ngoại giao đưa ra vài điển hình hợp tác.
Vào Tháng Năm qua, một đơn vị của Đại sứ quán Mỹ tại quốc gia Nam Mỹ Guyana đã giúp truy tìm và bắt giữ một người đàn ông bị truy nã ở Mỹ vì tội tấn công tình dục một thiếu nữ. Một đơn vị ở Colombia đã triệt phá đường dây buôn lậu người dùng giấy tờ giả ở bảy thành phố với lệ phí từ $4,000 đến $5,000 một người. Các cảnh sát Kenya được chọn sẽ trải qua khoá huấn luyện chuyên môn, được bố trí vào các đơn vị tinh nhuệ và tùy thuộc nhiệm vụ được hưởng lương cao gấp đôi mức bình thường. Các cơ quan Mỹ cung cấp cho họ các thông tin tình báo không chia sẻ với cảnh sát Kenya để tránh bị lộ.
Theo một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nairobi, các đơn vị cảnh sát này hoạt động tốt hơn đáng kể so với các đơn vị cảnh sát địa phương, với tỷ lệ phá án, bắt giữ, truy tố và kết án cao hơn. Một năm trước, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nairobi đã công bố phần thưởng trị giá $1 triệu cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ Abdi Hussein Ahmed, kẻ bị truy tố tại tòa án liên bang New York về tội buôn bán 10 tấn ngà voi, 420 pound sừng tê giác và 22 pound heroin.
Ahmed, người Kenya, được cho là thành viên cuối cùng của băng nhóm buôn lậu gồm năm người đang lẩn trốn. Nhân viên tình báo Kenya phát hiện y trốn ở Meru, một thị trấn trên sườn núi Mt. Kenya. Một đêm nọ, Ahmed bị bắt trong một căn nhà cho thuê giá $3 một đêm. Một tháng sau, ba đặc vụ Cá và Động vật hoang dã đưa Ahmed trên chuyến bay đến New York. Y đã nhận tội âm mưu buôn bán động vật hoang dã và ma túy và bị kết án bốn năm tù vào Tháng Năm qua.