Các công ty sản xuất những loại vũ khí đang sử dụng ở Ukraine đã giành được nhiều đơn đặt hàng lớn, đủ để khôi phục dây chuyền sản xuất lâu nay hoạt động gần như cầm chừng.
Việc triển khai số lượng lớn vũ khí trị giá nhiều tỷ đôla trong cuộc chiến tranh trên bộ cũng mang đến cho các nhà sản xuất và quân đội một số nước phương Tây cơ hội “bằng vàng” để đánh giá hiệu suất chiến trường của vũ khí và nâng cấp chúng sao cho hiệu quả nhất.
Cú hích lớn cho công nghiệp vũ khí
Kíp lái Ukraine sử dụng hệ thống pháo binh công nghệ cao của Đức có thể bắn ba quả đạn trong vòng vài giây và bắn trúng mục tiêu cách hơn 25 dặm. Nhưng đó là khi khẩu súng lớn chưa bị hỏng. Pháo Panzerhaubitze là một phần trong kho vũ khí đang được thử nghiệm ở Ukraine trong cái gọi là “bãi thử và chợ quảng cáo vũ khí lớn nhất thế giới”.
Quá trình sử dụng đại bác Panzerhaubitze cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phải sửa chữa ngay tại chiến trường nếu có hỏng hóc. Một loại pháo đơn giản hơn, M777, được chứng minh là đáng tin cậy hơn nhưng dễ bị tấn công hơn. Cuộc tranh luận xung quanh hiệu suất của hai loại pháo này và nhiều loại vũ khí khác đã định hình hoạt động mua sắm vũ khí trong nhiều năm tới.
Ukraine đang vận hành 17 loại đại bác khác nhau của phương Tây và Liên Xô cũ. Tại hội chợ vũ khí lớn ở London trong tháng này, các nhà triển lãm cho biết họ thường xuyên được hỏi về hiệu quả vũ khí của họ ở Ukraine. Rõ ràng, Ukraine là một bãi thử nghiệm lý tưởng. Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu đã gửi số vũ khí và trang thiết bị trị giá hàng tỷ đôla đến Ukraine từ các kho dự trữ nên đang phải cấp tập bổ sung và thay thế trong bối cảnh chi tiêu quân sự ngày càng tăng.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute), năm 2022, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng năm thứ tám liên tiếp lên mức cao kỷ lục $2.24 ngàn tỷ! Đại bác và đạn pháo, máy bay không người lái, hệ thống phòng thủ tên lửa và bệ phóng tên lửa đa nòng đều được sử dụng nhiều ở Ukraine.
Theo các nhà sản xuất vũ khí, nhiều vũ khí do BAE Systems, Rheinmetall, Lockheed Martin và RTX (trước đây gọi là Raytheon Technologies) sản xuất đã nhận được đơn đặt hàng hoặc sự quan tâm từ những người mua tiềm năng. Tom Arseneault, giám đốc điều hành các hoạt động của BAE Systems tại Hoa Kỳ nhận xét: “Mọi người đang nhìn về Ukraine và xem những gì đang hoạt động tốt ở đó”.
Tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Anh này cho biết họ đang đàm phán với Kyiv để sản xuất pháo đạn pháo L199 ngay bên trong Ukraine sau khi nó chứng minh được tính hiệu quả và số đơn đặt hàng tăng mạnh. Tương tự, công ty cũng nhận được nhiều yêu cầu hơn về xe chiến đấu CV90 và M777.
Tướng Patrick Sanders, người đứng đầu quân đội Anh, cho biết cuộc chiến Ukraine đã ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm của quân đội. Các cuộc xung đột gần đây như tại Syria cũng ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng mua sắm của Vương quốc Anh, quốc gia có ngân sách quân sự lớn nhất châu Âu. “Bài học từ Ukraine là rất quan trọng để đánh giá lại vũ khí trong thực tế chiến trường” – ông nói.
Nhận xét này đặc biệt phù hợp với loại pháo nòng dài di động và là loại vũ khí phương Tây được sử dụng rộng rãi nhất ở Ukraine. Một đội pháo binh Ukraine hoạt động bên ngoài Bakhmut ở miền Đông Ukraine đã ca ngợi độ chính xác và tốc độ bắn của pháo Panzerhaubitze. Họ cho biết, loại thép cao cấp, dày của nó có khả năng bảo vệ hơn các loại pháo khác. Đây là lý do nó vẫn sống sót trong trận pháo kích kéo dài một giờ của địch mà chỉ bị vài mảnh đạn. Panzerhaubitze, do Rheinmetall và chi nhánh KNDS của Đức sản xuất, đã nhận được đơn đặt hàng của quân đội Đức để thay thế số pháo được gửi đến Ukraine.
Thử thách về vận hành và sửa chữa, thay thế tại chỗ
Một số nhà phân tích quân sự lưu ý một vấn đề đáng quan tâm khác là không có đủ thời gian huấn luyện các pháo thủ Ukraine để họ nhanh chóng làm chủ các vũ khí mới. Lính pháo binh Ukraine chỉ được huấn luyện năm tuần đã phải vận hành Panzerhaubitze trong khi thường phải mất bốn tháng.
Các loại pháo khác của phương Tây cũng gặp vấn đề khi bắt chúng làm việc quá mức cho phép. Một người vận hành pháo tự hành AHS Krab của Ba Lan cho biết khẩu pháo được sử dụng quá nhiều đến nỗi nòng bị rách.
Theo Đại tá Serhiy Baranov, người đứng đầu tổng cục tên lửa, pháo binh và thiết bị bay không người lái của Lực lượng Vũ trang Ukraine, thường có gần 70% số pháo do nước ngoài cung cấp hoạt động vào cùng một thời điểm. Ông nói: “Khẩu M777 do Anh sản xuất hoạt động nhiều hơn các loại pháo khác vì nó dễ sửa chữa hơn và có nhiều phụ tùng thay thế hơn”.
Đầu tháng này, Bill LaPlante, giám đốc phụ trách mua lại của Ngũ Giác Đài nói với các nhà báo Mỹ: “Gần đây chúng tôi đã hoàn thành việc đào tạo người Ukraine về cách dùng máy in 3-D lớn cỡ xe tải để tự sản xuất phụ tùng cho xe chở quân và pháo binh”. Quay lại với M777, một lính pháo binh cũng Ukraine nhận xét: “Khẩu pháo này dễ học sử dụng hơn và rất chính xác, đồng thời các bộ phận bằng titan nhẹ của nó giúp di chuyển qua các cánh đồng lầy lội dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc cần phải kéo đi có nghĩa là M777 di chuyển chậm hơn và dễ bị phản công hơn. Các bộ phận nhẹ của pháo cũng khiến nó dễ bị hư hại do mảnh đạn hơn”. BAE Systems, công ty sản xuất M777 cho biết đã nhận được nhiều đơn đặt hàng nên công ty sẽ sớm khởi động lại sản xuất loại pháo này.
“Đã được thử nghiệm chiến trường”, lá bùa bán vũ khí
Ukraine đã thử nghiệm nhiều vũ khí của phương Tây tại một môi trường khắc nghiệt hơn những gì chúng từng được thử nghiệm trước đây. “Ví dụ, CV90 (Combat Vehicle 90) đã tham chiến ở Afghanistan và Liberia, nhưng nó hoàn toàn khác khi tham chiến tại Ukraine – Dan Lindell, giám đốc phụ trách tại chi nhánh của BAE Systems ở Thụy Điển chuyên về xe bọc thép, nhận xét – BAE nhận được nhiều quan tâm về CV90 nhờ hiệu quả của nó ở Ukraine”.
Chính phủ Thụy Điển và Ukraine đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc sản xuất CV90 ở Ukraine. Hai loại vũ khí nhận được nhiều lời khen ngợi khác (và chứng thực của Tổng thống Volodymyr Zelensky) là bệ phóng tên lửa di động Himars của Mỹ và tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh. Ngoài Himars, Tướng Patrick Sanders, người đứng đầu quân đội Anh, còn bị ấn tượng mạnh độ chính xác, hỏa lực tập trung và tầm bắn của M270S, cũng do Mỹ sản xuất.
Các công ty sản xuất ba loại vũ khí này đã giành được các đơn đặt hàng mới và đang đẩy mạnh sản xuất. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Ngũ Giác Đài đã trao cho Lockheed Martin số hợp đồng trị giá $630 triệu để sản xuất Himars cho quân đội Mỹ và các đồng minh. Trong khi đó, RTX đang tăng sản lượng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot lên 12 hệ thống mỗi năm và có kế hoạch giao thêm năm hệ thống nữa cho Ukraine vào cuối năm tới. Phần mềm của Patriot đã được tinh chỉnh để tiêu diệt được tên lửa siêu thanh.
Nicholas Drummond, cựu sĩ quan quân đội Anh, người điều hành công ty tư vấn công nghiệp quốc phòng AURA Consulting Ltd, kết luận: “Thử nghiệm thành công tại chiến trường Ukraine đã cho phép các nhà sản xuất ghi thêm dòng chữ quảng cáo ‘đã được chứng minh trong chiến đấu’; một chứng thực mạnh mẽ để bán hàng” – dẫn lại từ Wall Street Journal.