Nồi lẩu thập cẩm Trung Đông

Một cuộc biểu tình của người Israel kêu gọi Benjamin Netanyahu từ chức (ảnh: Saeed Qaq/Anadolu via Getty Images)

Cuộc khủng hoảng Trung Đông không còn là cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Ít nhất 10 quốc gia đang “dính” vào cục diện hỗn loạn khu vực. Những gì bắt đầu vào Tháng Mười 2023 khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas xảy ra giờ đây đang lôi kéo các chiến binh từ bốn quốc gia Ả Rập khác. Iran, Israel và Jordan đều ném bom Syria vào Tháng Giêng 2024. Iran cũng bất ngờ oanh tạc Pakistan…

Hiện bước sang tháng thứ năm, cuộc chiến Gaza không có dấu hiệu gì kết thúc. Israel sa lầy.

Quân đội Israel vẫn chưa tóm được các thủ lĩnh cấp cao của Hamas và họ cũng chẳng biết tông tích hầu hết con tin Israel mà Hamas giam giữ. Kể từ ngày 7 Tháng Mười 2023, khi Hamas gây hấn và tấn công Israel, ba cường quốc mạnh nhất Trung Đông đều phải đánh giá lại các học thuyết an ninh của họ. Ưu thế quân sự Israel đã bị lung lay. Mỹ bị kéo trở lại khu vực bát nháo mà họ luôn muốn rời bỏ.

Khi cuộc chiến Gaza kéo dài, một cuộc xung đột khu vực phức tạp hơn tiếp tục mở rộng. Ngày 20 Tháng Giêng 2024, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq đã bắn loạt rocket và hỏa tiễn đạn đạo vào căn cứ không quân al-Asad của Mỹ ở phía Tây Iraq. Hầu hết đều bị dàn phòng không Patriot đánh chặn nhưng một số hỏa tiễn cũng trúng căn cứ và làm bị thương người Mỹ lẫn người Iraq.

Cuộc tấn công diễn ra sau nhiều ngày Iran tấn công khắp khu vực, nhằm vào những kẻ được cho là khủng bố ở Syria và Pakistan, và tại một căn cứ được cho là ổ gián điệp người Kurd do Israel điều khiển. Cùng lúc, bên trong Iran, một loạt vụ tấn công khủng bố đã làm rung chuyển Teheran, trong có vụ đánh bom tự sát do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Islamic State) thực hiện, khiến khoảng 100 người thiệt mạng.

Mỹ đang cố tìm kiếm sự cân bằng. Tổng thống Joe Biden bắt đầu thận trọng. Washington không muốn bị lôi vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông, đặc biệt trong năm bầu cử. Ở Iraq và Syria, lực lượng Mỹ phản ứng tương đối dè dặt. Chiến dịch của Mỹ nhằm vào người Houthis chỉ bắt đầu sau nhiều lần cảnh báo. Biden chỉ mong Israel sớm kết thúc cuộc chiến ở Gaza.

Ảnh: Omar Zaghloul/Anadolu/Getty Images

Yisrael Katz, Ngoại trưởng Israel, đã gặp những người đồng cấp châu Âu vào ngày 22 Tháng Giêng 2024 để thảo luận những gì cần làm vào giai đoạn hậu chiến. Châu Âu muốn thảo luận về việc ai sẽ quản lý và tái thiết Gaza, cũng như cách thực hiện giải pháp hai nhà nước giữa người Israel và người Palestine.

Trong khi đó, các quốc gia Ả Rập âm thầm thúc đẩy kế hoạch chấm dứt chiến tranh theo kịch bản của riêng họ. Ả Rập Saudi đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy cam kết thành lập một nhà nước Palestine. Các quốc gia vùng Vịnh tỏ ra cảnh giác với việc phải chịu trách nhiệm về một Gaza đổ nát nhưng sẵn sàng hỗ trợ Nhà nước Palestine, nơi quản lý các khu vực của Bờ Tây, nếu Palestine lấy lại quyền kiểm soát Gaza.

Chuyện không đơn giản. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lâu nay luôn không thừa nhận Nhà nước Palestine. Hiện Israel đã rút nhiều binh sĩ khỏi Bắc Gaza, để lại một sư đoàn có nhiệm vụ tìm kiếm hệ thống đường hầm của Hamas. Sư đoàn thứ hai đang trấn giữ ranh giới giữa miền Bắc và Nam Gaza, trong khi sư đoàn thứ ba bao vây Khan Younis ở miền Nam Gaza, nơi giao tranh ác liệt những ngày gần đây. Số người Palestine thiệt mạng đã vượt quá 25,000, phần lớn là dân thường, và có lẽ còn hàng nghìn người nữa chưa được thống kê.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza ngày càng trầm trọng (ảnh: Abed Zagout/Anadolu/ Getty Images)

Cuộc xung đột làm ảnh hưởng nghiêm trọng thương mại đường biển của Hồng Hải đi qua các cảng Địa Trung Hải.

Ai Cập phải trả giá đắt: Nguồn thu từ kênh đào Suez, nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng, giảm 40%. Tình hình có thể dẫn đến việc vỡ nợ ở một quốc gia vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu đôla và nợ chính phủ cực kỳ trầm trọng (chiếm 93% GDP). Đồng bảng Ai Cập đã giảm xuống còn khoảng 60 ăn 1 USD trên thị trường chợ đen, giảm từ mức 50 ăn 1 vào Tháng Mười Hai 2023 và thấp hơn 50% so với tỷ giá chính thức.

Với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi, cách duy nhất để kênh đào Suez hoạt động trở lại là ngừng bắn ở Gaza. Đó là lý do Ai Cập xung phong dẫn đầu các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas. Thỏa thuận mà Ai Cập thúc đẩy dự kiến diễn ra theo hai giai đoạn.

Đầu tiên là việc thả các con tin dân sự để đổi lấy một lệnh ngừng bắn có thể kéo dài vài tuần, thậm chí có thể một hoặc hai tháng. Israel sẽ trả tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine. Giai đoạn hai sẽ giải phóng các binh sĩ Israel bị Hamas giam để đổi lấy lệnh ngừng bắn hoàn toàn, cùng với điều kiện Israel rút quân khỏi Gaza và thả thêm nhiều tù binh Palestine (có thể là hàng ngàn).

Kịch bản Ai Cập đang gây chia rẽ chính phủ Israel. Cánh thực dụng, do Benny Gantz, cựu bộ trưởng quốc phòng lãnh đạo, ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài để giải thoát con tin. Họ muốn kết hợp điều này cùng với các cuộc đàm phán về một chính phủ mới ở Gaza. Nhưng liên minh cánh hữu của Benjamin Netanyahu kiên quyết phản đối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào. Ngày 24 Tháng Giêng 2024, Bộ trưởng tài chính Bezalel Smotrich khẳng định: “Chúng tôi không thể đồng ý dừng chiến tranh ở giai đoạn này trong thời gian dài như vậy”.

Phần Netanyahu, trước bàn dân thiên hạ, ông hứa “tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chiến thắng hoàn toàn”. Tuy nhiên, trong hậu trường, ông cho phép đại diện Israel tiếp tục đàm phán. Vấn đề là Benjamin Netanyahu khó có thể làm bất cứ điều gì để thuyết phục phe cực hữu. Nếu không có họ chống lưng, ông đã không thể trở lại nắm quyền vào Tháng Mười Hai 2022.

Bản thân Hamas cũng đang chia rẽ về kịch bản Ai Cập. Giới chính trị chóp bu sống lưu vong của Hamas chấp nhận giai đoạn đầu của thỏa thuận (tức đồng ý trả con tin). Họ cho rằng việc bắt giữ con tin dân sự gây hại cho tính “chính nghĩa” của họ. Trong khi đó, giới lãnh đạo Hamas ở Gaza muốn Israel rút quân trước rồi mới nói đến chuyện thả con tin. Ngoài ra, họ còn yêu cầu Israel thả những kẻ khủng bố Hamas tham gia vụ thảm sát ngày 7 Tháng Mười 2023. Dĩ nhiên Israel rất khó chấp nhận điều kiện này.

Số phận chính trị của Benjamin Netanyahu chưa biết thế nào. Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 18 Tháng Giêng 2024, Gadi Eisenkot, một thành viên nội các chiến tranh và cựu tư lệnh quân đội Israel, đã bóng gió về việc bầu cử sớm. Những cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của Israel ngày càng nóng hừng hực. Những người biểu tình, ủng hộ các gia đình có con tin bị Hamas bắt giam, kêu gọi ngừng bắn và đòi Netanyahu từ chức.

Thời điểm hiện tại, kinh tế khu vực đang bị ảnh hưởng nặng. Trước cuộc tấn công Israel của Hamas (ngày 7 Tháng Mười 2023), 1/5 tổng lượng xuất khẩu trung bình của một quốc gia Trung Đông – từ công nghệ Israel đến dầu mỏ vùng Vịnh – đều được xuất cảng dễ dàng. Giờ đây, các tuyến vận chuyển của hơn một nửa số hàng hóa đã bị phong tỏa. Thương mại nội vùng đã sụp đổ. Chi phí vận chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Đông đang tăng mạnh.

Tình hình gay gắt sẽ khiến nhiều nhà xuất khẩu phá sản trong những tháng tới. Hồng Hải từng xử lý 10% tổng lượng hàng hóa di chuyển trên khắp thế giới. Nhưng kể từ khi lực lượng Houthi bắt đầu bắn phá, khối lượng vận chuyển đã giảm xuống chỉ còn 30% mức bình thường. Ngày 16 Tháng Giêng 2024, tập đoàn dầu khí khổng lồ Shell trở thành công ty đa quốc gia mới nhất tuyên bố tránh sử dụng tuyến vận chuyển ngang Hồng Hải.

Với một số quốc gia giáp Hồng Hải, sự hỗn loạn gây ra hậu quả tồi tệ. Nền kinh tế Eritrea được hỗ trợ bởi xuất khẩu đánh bắt cá, nông nghiệp và khai thác mỏ (tất cả đều vận chuyển bằng đường biển) giờ đây đang chết đứng. Với Sudan, Hồng Hải là điểm tiếp nhận viện trợ duy nhất; trong khi đó, hầu như không có viện trợ nào đến được với 24.8 triệu người Sudan đang đói nghiêm trọng.

Cục diện lộn xộn cũng đang làm ảnh hưởng két tiền Ai Cập, một trong những quốc gia lớn nhất khu vực với dân số 110 triệu. Hồng Hải là nguồn cung cấp đôla cho nước này. Ai Cập đã kiếm được $9 tỷ trong năm tính đến Tháng Sáu từ phí cầu đường trên kênh đào Suez. Nếu không có doanh thu từ phí cầu đường, Ngân hàng Trung ương Ai Cập sẽ cạn kiệt dự trữ ngoại hối, dừng lại ở mức $16 tỷ (tương đương hai tháng nhập khẩu) tính đến đầu năm 2023. Ai Cập cũng sẽ đối mặt một lỗ hổng lớn trong ngân sách, vốn phụ thuộc vào việc bơm tiền mặt từ các quốc gia vùng Vịnh và IMF.

Gánh chịu hậu quả kinh tế nguy hiểm nhất là người dân ở Lebanon, Bờ Tây và đặc biệt Gaza. Cuộc giao chiến của Israel và Hezbollah đang phá hủy miền Nam Lebanon. Hơn 50,000 người đã phải dời đi (tương tự 96,000 người ở miền Bắc Israel). Lebanon đang cạn tiền kể từ khi vỡ nợ vào năm 2019. Những tháng gần đây, nền kinh tế Lebanon đang rơi tự do, khi du khách nước ngoài và nhiều ngân hàng – cùng chiếm tới 70% GDP – đã rời bỏ Lebanon.

___________

Trong khi đó, trước nguồn tin có một số nhân viên UNRWA (Cơ quan Liên Hiệp Quốc cứu trợ người tỵ nạn Palestine) can dự vào cuộc tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười 2023, nhiều nước đã hoãn việc cung cấp tiền viện trợ cho tổ chức này. Thứ Bảy 27 Tháng Giêng 2024, Phần Lan, Đức và Úc tuyên bố họ sẽ đóng băng nguồn tài trợ mới cho UNRWA, theo sau hành động tương tự của Mỹ và Canada. Hà Lan và Iceland cũng ra thông báo tương tự.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất, cung cấp cho UNRWA vài trăm triệu đôla vào năm 2023 và $340 triệu vào năm 2022. Đức đứng thứ hai, với $162 triệu trong năm 2022. Úc, Anh, Canada và Phần Lan cùng nhau đóng góp khoảng $66 triệu… Hơn nửa triệu người ở Gaza đang đối mặt với “nạn đói thảm khốc”. Tháng Mười Hai 2023, tổ chức phi lợi nhuận CARE International cho biết 100% dân số Gaza đang đối mặt với cuộc  khủng hoảng đói trầm trọng và “hầu như tất cả hộ gia đình đều bỏ bữa mỗi ngày”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: