“Phẫu thuật” đồ chơi quân sự Nga, thấy gì bên trong?

Ngay trong hệ thống hỏa tiễn tiên tiến của Nga cũng xài linh kiện ngoại nhập (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Nếu không có cuộc động binh vào Ukraine của “gấu mẹ Nga vĩ đại”, người ta vẫn tin rằng Nga là cường quốc quốc phòng với khả năng chế tác đồ chơi quân sự dữ dằn để không chỉ hỗ trợ cho một quân đội mạnh thứ nhì thế giới mà còn xuất khẩu khắp nơi. Tuy nhiên, khi rã những thiết bị quân sự bị tịch thu tại chiến trường Ukraine, thì hỡi ôi, trong bụng chúng toàn linh kiện ngoại nhập. Cái gọi là công nghiệp vũ khí Nga chỉ là lắp ráp!

Hơn 450 thành phần do nước ngoài sản xuất được tìm thấy trong các loại vũ khí Nga được tịch thu ở Ukraine cho thấy rằng, nhiều năm qua, Moscow đã “âm thầm” mua linh kiện quan trọng từ các công ty ở Mỹ, châu Âu và châu Á, theo một báo cáo mới với 60 trang vừa công bố của Royal United Services Institute (RUSI) – dẫn lại từ Reuters.

Khi được tháo rời, 27 trong các loại vũ khí này, từ hỏa tiễn hành trình đến hệ thống phòng không, đều có linh kiện phương Tây. Đây là đánh giá được công bố chi tiết nhất cho đến nay. RUSI cho biết, khoảng 2/3 linh kiện được sản xuất bởi các công ty có trụ sở tại Mỹ; trong đó sản phẩm của các hãng Analog Devices và Texas Instruments chiếm gần 1/4 thành phần linh kiện nhập từ phương Tây nói chung. Các thành phần khác đến từ các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Nhóm điều tra Conflict Armament Research đã “mổ bụng” nhiều vũ khí Nga tịch thu được tại Ukraine và phát hiện bên trong nhiều linh kiện nhập từ phương Tây (ảnh: CAR)

Thậm chí hỏa tiễn hành trình 9M727, một trong những vũ khí được đánh giá là tiên tiến nhất của Nga, vốn được thiết kế có thể “bay lượn” ở độ cao thấp để tránh radar và tấn công mục tiêu cách xa hàng trăm dặm, cũng chứa 31 thành phần linh kiện nước ngoài, được sản xuất bởi Texas Instruments Inc và Advanced Micro Devices Inc có trụ sở ở Mỹ; chưa kể linh kiện của Cypress Semiconductor, hiện thuộc sở hữu công ty Đức Infineon AG.

Trong một trường hợp khác, hỏa tiễn hành trình Kh-101 mà nhiều tháng qua được sử dụng để tấn công các thành phố Ukraine, trong đó có thủ đô Kyiv, cũng chứa 31 bộ phận nước ngoài, với sản phẩm của Intel và Xilinx (thuộc sở hữu tập đoàn AMD). Nhiều linh kiện nước ngoài có giá chỉ vài đôla và các công ty Nga có thể mua dễ dàng trên mạng nhưng cũng có hơn 80 vi mạch phương Tây vốn chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ ít nhất kể từ năm 2014; có nghĩa chúng phải có giấy phép để được vận chuyển đến Nga – theo RUSI.

Tóm lại, kết quả điều tra của RUSI cho thấy quân đội Nga phụ thuộc rất nhiều vào các vi mạch nước ngoài cho mọi thứ, từ thiết bị vô tuyến chiến thuật (tactical radio) đến máy bay không người lái và đạn tầm xa chính xác… Reuters cho biết thêm, hồ sơ hải quan Nga cho thấy vào Tháng Ba 2021, một công ty đã nhập khẩu lô hàng điện tử trị giá $600,000 do Texas Instruments sản xuất, thông qua một nhà phân phối Hong Kong. Bảy tháng sau, công ty này lại nhập một bộ vi điện tử (microelectronics) trị giá $1.1 triệu do Xilinx sản xuất.

Theo The New York Times, từ năm 2018, các nguồn tin từ Nga đã tiết lộ rằng ngành công nghiệp vũ khí Nga chỉ đáp ứng khoảng một nửa thiết bị và dịch vụ liên quan quân sự mà nước này cần. Nghiên cứu của Damien Spleeters, một trong những nhà điều tra làm việc với tổ chức Conflict Armament Research, cung cấp thêm chi tiết rằng, có  những “tác nhân” đã được thực hiện, nhằm che giấu sự hiện diện công nghệ phương Tây trong thiết bị Nga.

Trong chuyến đi đến Kyiv, ông Spleeters và đồng nghiệp đã tháo ba chiếc vỏ chứa bộ đàm mã hóa Azart tiên tiến được sử dụng để cung cấp các kênh liên lạc an toàn cho quân đội Nga, và họ phát hiện hai chiếc đầu tiên chứa các vi mạch mà nhãn hiệu sản xuất đã được cố tình tẩy xóa để che giấu nguồn gốc. Nhưng bên trong chiếc radio thứ ba là một con chip giống hệt, bị sót chưa xóa xuất xứ, giúp thấy được nguồn gốc của nó: Từ một công ty có trụ sở tại Mỹ (ông Spleeters cho biết nhóm của ông không công khai tên của các nhà sản xuất cho đến khi ông gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến từng công ty để hỏi làm thế nào mà sản phẩm của họ lại nằm trong tay quân đội Nga).

Súng phòng không Nga từng được xem là hàng đầu thế giới – trong ảnh là dàn phòng không khạc đạn… biểu diễn tại chương trình kỷ niệm chiến thắng Đức Quốc Xã lần thứ 70 (ảnh: Alexander Aksakov/Getty Images)

Ngoài ra, nhóm Damien Spleeters cũng mổ bụng ba “di vật” máy bay do thám không người lái của Nga, hai trong số đó có tên Orlan và Tachyon, và một mẫu chưa từng được biết đến trước đây mà giới quân sự Ukraine gọi là Kartograf. Bên trong “con” Orlan, họ thấy sáu bộ phận riêng biệt từ các công ty có trụ sở chính tại Hoa Kỳ và một số bộ phận khác là sản phẩm của các công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ và Nhật Bản. Trong hai máy bay không người lái còn lại, có các bộ phận từ những tập đoàn ở Mỹ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển và Đài Loan.

Tất cả thông tin trên cho thấy được một phần bề mặt của sự việc: Công nghiệp vũ khí Nga không mạnh như được tưởng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn còn ẩn trong bóng tối: Làm thế nào Nga mua được những thứ không phải chỉ vài chục đôla mà cả triệu đôla, chúng đến Nga bằng cách nào, đường dây nào cung cấp những linh kiện ấy đến các phân xưởng lắp ráp thiết bị quân sự của Nga…?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: